Cái chết có thể là phước lành vĩ đại nhất đối với con người
Socrates, Triết gia Hy Lạp Cổ đại
Một gia đình hạnh phúc. Sa hoàng Nicholas II, Sa hậu Alexandra, các Nữ Đại công tước Olga, Tatiana, Maria, Anastasia và hoàng tử Alexei đều nở nụ cười ấm áp trong một bức hình chụp toàn thể gia đình vào đầu năm 1913. Họ không thể biết rằng, đây có thể là bức hình vui vẻ cuối cùng của gia đình mình. Tất cả sắp phải đối diện với một trong những cơn bão táp chính trị dữ dội nhất, thảm khốc nhất và để lại nhiều di chứng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Những biến cố của Nga trong vòng 5 năm sau đó sẽ dẫn tới kết cục bi thảm nhất của hoàng tộc Romanov và sinh mạng của chính những con người này.
Gia đình Sa hoàng cuối cùng của Nga (Ảnh phục chế màu)
Gia đình Sa hoàng cuối cùng của Nga (Ảnh phục chế màu)
Đây là gia đình quyền lực bậc nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Họ đứng đầu một nhà nước đầy quyền lực đang cai trị đế chế rộng tới 22,5 triệu cây số vuông, chiếm 1/6 diện tích đất nổi trên Trái đất. Có tới hơn 100 sắc tộc khác nhau sinh sống trong đế chế này tạo nên một khối dân cư khoảng 165 triệu người vào năm 1914. Chỉ 45% trong số đó là người Nga. Đế quốc này có đủ mọi thứ tài nguyên mà người ta có thể hình dung ra. Trên vùng lãnh thổ mênh mông trải dài từ duyên hải Baltic và Bessarabia ở phía Tây, xuyên qua vùng cánh đồng lúa mì trù phú dọc sông Volga, sông Danube, các rặng núi đầy mỏ khoáng sản ở Ural đến vùng đài nguyên và rừng lá kim hoang vu ở phía Đông; từ vùng Bắc Cực lạnh giá của các bộ tộc thiểu số đến thảo nguyên Trung Á trải dài tít tắp; đế quốc Nga nắm giữ những kho tàng khổng lồ dầu mỏ, kim loại quý, lương thực, cây công nghiệp, các dòng chảy tự nhiên. Trên vùng đất không thấy đường chân trời, các đồn điền, trang trại, công trường, nhà máy, khu khai khoáng mọc lên. Nước Nga dấn bước trên con đường công nghiệp hóa.
Ngay từ cuối thế kỷ 17, dòng họ Romanov đang cai trị Nga đã khởi động nỗ lực hiện đại hóa quốc gia vốn bị xem là lạc hậu, mông muội nhất châu Âu này. Sa hoàng Pierre Đệ nhất đã học hỏi các nước Tây Âu, tiến hành công cuộc canh tân quốc gia của mình, biến nó thành một siêu cường ở phía Đông của Châu Âu. Saint Petersbourg bấy giờ được xây dựng nên để vinh danh Sa hoàng - Hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Nga, nó được ví như là "Venice của phương Bắc". Năng lực của đế quốc Nga lớn tới mức nó nhanh chóng đánh bại đế quốc Thụy Điển chỉ sau chưa đầy 20 năm “hiện đại hóa”. Trong thế kỷ 18 và 19, Nga trở thành một thế lực được các cường quốc phương Tây ghi nhận, đóng vai trò như một mắt xích quan trọng duy trì thế cân bằng chiến lược trên khắp châu Âu. Di sản của các thế hệ trong dòng họ Romanov là trong vòng 300 năm thống trị toàn Nga, họ đã đưa Chính Thống giáo bao trùm mọi mặt đời sống chính trị, văn hóa, xã hội, nhất thể hóa quyền lực thế tục với tôn giáo trong một mô hình quân chủ chuyên chế chưa từng có trên thế giới. Thể chế này bền vững đến nỗi trong mọi nỗ lực cải cách của Nga sau năm 1905, người ta vẫn chưa nguôi ý nghĩ Sa hoàng là Đấng Tối cao hiện diện trên mặt đất để cai trị họ và rằng, mọi chuyển biến chính trị chỉ có thể đạt hiệu quả nếu Sa hoàng chấp thuận và… ban ơn. “Mẹ Nga” hay “Tổ quốc Nga”, khẩu hiệu của những người tự do cấp tiến, những người Cộng hòa và xã hội cách mạng thực tế đồng nhất với Sa hoàng dòng Romanov. Với quyền lực vô biên tuyệt đối cùng nguồn lực dồi dào của một đế quốc Âu – Á, Sa hoàng đưa nước Nga tham gia Đại chiến thế giới thứ nhất và họ đứng trong hàng ngũ các cường quốc khối Entente (Hiệp Ước).
Chiến tranh đẩy nhanh quá trình sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế ở Nga hơn bất cứ một cuộc chính biến cung đình hay âm mưu ám sát nào. Quân đội Nga hầu như không được hiện đại hóa kể từ cuộc chiến tranh Crimea những năm 1854 – 1856. Họ thất bại thảm hại trước quân Anh, Pháp và Ottoman. Và mặc dù nước Nga đang tiến bộ nhanh chóng trong các lĩnh vực công nghiệp và kỹ nghệ, quân đội của họ vẫn rất lạc hậu, yếu kém mọi mặt so với các đội quân nhà nghề thiện chiến khác ở châu Âu. Ưu thế duy nhất của họ là con số. Người Nga có thể huy động tối đa 5 triệu lính cho một cuộc chiến tranh tổng lực. Con số kinh khủng này đến từ sự có mặt của những anh lính nông dân, công nhân, dân nghèo, vô lại, lính dân tộc thiểu số, người Séc và Ba Lan đào ngũ từ quân Áo hay một số người thiểu số Armenia Do Thái. Những người này đói ăn, nghèo rách, ngu dốt, vô kỷ luật, hèn nhát và tham lam. Lính Nga hiện lên không khác những “con quỷ đói” bẩn thỉu ngoài mặt trận, xung trận ào ạt nhưng ngu ngốc, chỉ huy Nga tồi tệ, độc ác, nướng quân không thương tiếc. Ngay cả khi Sa hoàng Nicholas II trực tiếp chỉ huy quân đội từ Bộ Tổng chỉ huy Nga cách tiền tuyến hơn 200 cây số, mọi thứ vẫn không thể cứu vãn. Quân Nga gần như liên tục bại trận, hàng triệu lính biến thành tù binh, phải rút lui sâu vào nội địa, để mất hàng trăm ngàn cây số vuông đất đai vào tay quân Đức và Áo – Hung. Ngoài mặt trận căng thẳng trong khi những nỗ lực nơi quê nhà lại tan vỡ dưới cố gắng tham chính của Sa hậu Alexandra.
Có thể nói Sa hậu chính là người trực tiếp khiến cho tình hình nước Nga trở nên rối ren, bi thảm và tuyệt vọng. Là một công chúa gốc Đức, có quan hệ họ hàng với Hoàng gia Anh, cũng giống như nhiều Sa hậu khác của Nga, Alexandra đã sốt sắng rất nhiều để chứng minh năng lực bản thân trong hàng ngũ quý tộc Nga cũng như hỗ trợ cho chồng bà củng cố quyền lực toàn trị. Không may thay, bà rơi vào mối quan hệ phức tạp, mờ ám và đầy rủi ro với một tăng lữ Chính Thống giáo tên là Rasputin, một tay nghiện rượu, lưu manh, sớm bị đuổi khỏi làng, một tu sĩ có tài huyền thuật. Ông ta đồi bại và bệnh hoạn, dùng mưu mô để lên giường với một nửa số mệnh phụ phu nhân tại Saint Petersburg. Sa hậu dùng ông ta vào việc an ủi và chữ bệnh cho hoàng tử Alexei, người sẽ kế thừa hoàng vị nhưng không may bị mắc bệnh máu loãng, căn bệnh đe dọa hủy hoại không chỉ tương lai của cậu bé mà cả số phận chính trị của dòng họ Romanov cũng như đế quốc Nga. Rasputin lợi dụng Sa hậu để thao túng nền chính trị Nga, giữa lúc nguy cơ của bạo loạn và nội chiến đã hiển hiện rõ rệt trên khắp đế quốc. Sa hoàng cũng mù quáng chấp thuận việc vợ mình và tu sĩ Serbia hoang dã lũng đoạn đời sống chính trị đất nước, thậm chí cả trong một số quyết định quân sự của chính mình. Hệ quả là, Nga lún sâu vào thất bại trong chiến tranh và nỗi căm giận chế độ quân chủ Nga khiến nguy cơ về cuộc cách mạng lộ rõ.
Một cuộc nổi dậy vào tháng Hai năm 1917 đã chôn vùi nỗ lực của nhà Romanov nhằm cứu vãn nền quân chủ toàn trị. Binh lính được điều đến đàn áp nổi dậy bất ngờ quay súng, tham gia cuộc cách mạng. Các đảng phái chính trị Nga mọc lên như nấm, ở nhiều mức độ cực đoan khác nhau và có vẻ đều chung thái độ đối với chế độ quân chủ. Ở rìa của những tư tưởng cực đoan là đảng Bolshevik: họ treo án tử đối với Sa hoàng. Mặc dù Sa hoàng Nicholas II đã bị ép buộc thoái vị, ông vẫn khó thoát khỏi số phận bi thảm mà lịch sử đã gắn cho ông. Bằng một nét bút, ông đặt dấu chấm hết cho lịch sử huy hoàng 300 năm của triều đại nhà Romanov, điều không thể tưởng tượng được bởi bất cứ một người châu Âu nào lúc đó. Ngoại trừ một nhân vật: Lenin.
Đứng đầu một đảng cách mạng ở Nga, một người cuồng nhiệt với chủ nghĩa Marx, Lenin nuôi trong mình mối căm thù nền quân chủ của Sa hoàng. Ông lang bạt, trốn chạy khắp châu Âu, chuẩn bị cho cơ hội ngàn năm có một nắm giữ quyền lực và dẫn dắt cuộc cách mạng của mình. Những người Bolshevik kiểm soát các Ủy ban (Soviet) khắp Peterograd (Saint Petersbourg), dùng mọi thủ đoạn để loại bỏ các đảng phái khác và cuối cùng tấn công, loại bỏ chính phủ tự do của Thủ tướng Kerensky. Lenin có được quyền lực bao trùm Peterograd sau cuộc chính biến tháng 10 năm 1917. Một thắng lợi chính trị mang tính chiến lược lúc bấy giờ.
Các công chúa, con gái của Sa hoàng Nicholas II (Ảnh phục chế màu)
Các công chúa, con gái của Sa hoàng Nicholas II (Ảnh phục chế màu)
Vận mệnh của triều đại Romanov sẽ có thể nối dài hoặc chí ít, những người trong hoàng tộc sẽ có một cuộc sống hoàn toàn khác, một vị trí chính trị khác nếu như nỗ lực chạy trốn của gia đình Sa hoàng Nicholas thành công. Lực lượng Bạch vệ sẵn sàng giúp đỡ Sa hoàng, khắp nơi chống lại “bọn Đỏ” Bolshevik, bất kể họ theo xu hướng chính trị nào, bảo hoàng hay tự do, cộng hòa hay chủ nghĩa xã hội dân chủ. Gia đình Sa hoàng từng bị bao vây trong chính cung điện của mình trong cuộc cách mạng tháng Hai. Họ đã gần như sụp đổ cho đến khi Sa hoàng Nicholas, lúc này đã thoái vị, trở về từ chiến trường. Không may cho họ là những người muốn bảo vệ họ quá ít, trong khi những nhóm cực đoan thì ngày càng nhiều. Gia đình Sa hoàng được bố trí trốn khỏi Peterograd hỗn loạn dưới sự che chở của Kerensky. Nhưng không may, chính phủ của ông ta sụp đổ quá nhanh và Bolshevik đã kịp kiểm soát chính quyền. Lenin quyết định đẩy gia đình Sa hoàng tới Ekaterinbourg nằm sâu trong vùng núi Ural, ranh giới châu Âu với châu Á của nước Nga. Giữa cơn cuồng nộ cách mạng, Bolshevik muốn giết chết ngay lập tức gia đình Sa hoàng, nhưng Lenin lại tính toán khác. Ông ta giam lỏng gia đình này ở sâu trong vùng rừng núi, cô lập với thế giới bên ngoài, và chờ đợi một cơ hội thuận lợi. Lenin ranh mãnh, ông ta lo sợ việc sát hại cả gia đình Sa hoàng sẽ châm ngòi cho nội chiến, vì trong đầu óc dân chúng, hình ảnh Sa hoàng không thể biến mất chỉ sau một đêm được. Gia đình Sa hoàng nhờ đó tạm thời an toàn. Họ sống như những tù nhân trong một dinh thự nhỏ có tên “nhà Ipatiev” còn được biết đến với tên gọi “Nhà mục đích đặc biệt”, bị giám sát ngặt nghèo, thường xuyên bị quấy rối bởi các nhóm lính Bolshevik hung hãn. May mắn không có ai bị thương trong suốt giai đoạn họ sống tại đây từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1918.
Thất bại của quân Đỏ Bolshevik trên nhiều chiến trường, đặc biệt là nguy cơ vùng Ural bị kiểm soát của quân Bạch vệ đã thúc giục Lenin hành động dứt khoát với gia đình Sa hoàng vì nguy cơ họ câu kết với Bạch vệ và nước ngoài để đe dọa quyền lực của ông. Lenin ngầm chỉ thị cho quân khu Ural tự ý hành động trong vấn đề gia đình Sa hoàng. Những kẻ chỉ huy quân sự ở Ekaterinbourg đã quyết định ra tay để thủ tiêu nhà Romanov, chính xác là những người không may mắn còn lại của nhà Romanov. Toàn bộ gia đình 7 người cùng 1 bác sĩ, 1 hầu bếp, 1 phục vụ và 1 tỳ nữ bị dồn vào căn hầm tối của nhà Ipatiev, với lý do là chờ xe để đưa họ tránh né chiến tranh. Nhóm lính Bolshevik sau đó nã hàng chục phát đạn vào nhóm người một cách không thương tiếc, sát hại toàn bộ những người này. Đạn bắn nhiều tới mức bức tường căn phòng đằng sau lưng Sa hoàng chi chít vết đạn, nhiều mảng tường vỡ vụn. Những tiếng hét thất thanh, máu lênh láng. Đồng hồ điểm 2h10 sáng. Hôm đó là 17/7/1918. Năm đứa trẻ vô tội cùng bố mẹ của chúng bị giết bởi những kẻ máu lạnh Bolshevik.
Nhiều người có thể đã hả hê với cái chết của gia đình Sa hoàng. Họ căm giận ông và Sa hậu đã lâu. Họ sẵn sàng chết vì Sa hoàng nhưng lời thỉnh cầu mùa đông năm 1905 đã không được đáp ứng. Lời cầu xin bánh mỳ, việc làm, quyền sống đã bị đáp trả bởi súng đạn. Sa hoàng đã ra lệnh giải tán đám đông bằng súng. Người ta cầu nguyện Chúa phù hộ cho Sa hoàng và gia đình của ông nhưng ông lại đẩy họ ra chiến trường để chết vô nghĩa. Sa hậu lại làm mọi thứ rối tung chỉ vì bà bị mê hoặc, bà khiến mọi nỗ lực tiếp tục cuộc chiến của Nga đi vào bế tắc. Cả hai phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu người Nga đã chết, hàng trăm triệu người Nga đang sống lúc đó. Nicholas II vốn là người thiếu quyết đoán, một cậu thanh niên 26 tuổi chưa sẵn sàng để cai trị đế chế hùng mạnh bậc nhất cũng là đế chế dễ tổn thương nhất thế giới. Vận mệnh đặt lên vai một người chưa sẵn sàng sẽ kéo cả dân tộc đó xuống vũng bùn. Cái chết của một gia đình, giờ đây đồng thời là sự kết thúc của một đế quốc. Một thời đại mới bắt đầu với tương lai mờ mịt của người Nga. Vậy thì cái chết của Sa hoàng liệu có xứng đáng?
Các thành viên gia đình Sa hoàng Nicholas II (nguồn: tsarnicholas.org)
Các thành viên gia đình Sa hoàng Nicholas II (nguồn: tsarnicholas.org)
Cách đối xử với các gia đình hoàng tộc, các cựu vương và thành viên của chế độ quân chủ sau cách mạng luôn luôn là chủ đề đáng quan tâm trong lịch sử cận hiện đại. Người ta từng thấy cách người Anh đối xử với các vua dòng Hannover, nước Pháp cách mạng đối xử với vua Louis XVI, người Đức đối xử với Hoàng đế Wilhelm II, người Trung Quốc đối xử với cựu hoàng Phổ Nghi, cách người Việt Nam hành xử với vua Bảo Đại. Số phận của mỗi vị vua trong cơn xoay vần của thời thế lại khác nhau, người sống kẻ chết, người giữ được quyền lực, người lại mất tất cả. Lựa chọn đó phụ thuộc vào mỗi thời đại, mỗi cộng đồng xã hội, phụ thuộc vào những tính toán chính trị chiến lược hoặc chiến thuật, và trên hết, phụ thuộc vào lòng khoan dung của chính thể mới. Đi từ thị tộc lên quân chủ, từ quân chủ đi lên dân chủ là bước tiến chung của mọi xã hội loài người. Trong cuộc chạy đua của quyền lực chính trị, những nhóm cực đoan nhất thường có xu hướng bài trừ mạnh mẽ nhóm đã thất thế. Song cũng không thể phủ nhận hành động sát hại dã man những người mà hầu như không thể có cơ hội gây nguy hiểm cho chế độ Xô Viết của Lenin vẫn thực sự gây nên nỗi ám ảnh đối với nhiều thế hệ. Tuy nhiên, lịch sử đã gần như phủ bụi thời gian lên sự kiện kinh hoàng ngày 17/7/1918, nơi tính người không còn, nơi dã thú nổi lên. Chính người Nga cũng hầu như không còn nhắc đến nó. Ở những nước như Việt Nam, con trẻ không thể tìm được sự kiện kinh hoàng đó trong sách giáo khoa hay sách chuyên ngành cho đại học.
Dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, nhiều năm sau khi Liên Xô sụp đổ, thi thể của 5 trong số 7 thành viên gia đình Sa hoàng mới được tìm thấy và đưa về an táng tại hầm mộ dòng họ Romanov tại Tu viện Peter và Paul ở Saint Petersbourg. Người ta lãng quên mọi thứ trong thời kỳ Liên Xô còn tồn tại, trong đó có cả gia đình từng rất hạnh phúc này.  
Còn Lenin, ta nên nhìn nhận ông qua sự kiện này như thế nào? Ông chắc chắn là một chính trị gia kiệt xuất, người dẫn dắt đảng Bolshevik của mình trở thành lực lượng thống trị duy nhất trên toàn lãnh thổ đế quốc Nga. Ông cũng chứng minh bản thân là một nhà lãnh đạo độc tài và quyết đoán, một người vận dụng rất tốt những lời khuyên dành cho quân vương của cha đẻ chủ nghĩa thực dụng chính trị Machiavelli: Hãy làm một con sư tử, đừng khoan nhượng với kẻ thù. Dưới lăng kính chính trị học, cách làm của Lenin hoàn toàn bình thường, thậm chí không có gì quá đáng. Ở trong tình thế đó, khó có ai không lựa chọn hành động như Lenin. Ông đã giành thắng lợi về mặt chính trị như đã phân tích ở trên. Ta chỉ không thể chấp nhận kiểu hành động đó trong một thể chế dân chủ, trong điều kiện hòa bình, và dưới điểm nhìn mang tính đạo đức: giết hại tàn bạo những người xa lạ, trong đó có trẻ em vô tội. Mặc dù ngày hôm nay chúng ta có thể căm phẫn trước cách làm của Lenin và các đồng chí của ông ở Ural, ta vẫn nên tỉnh táo để đặt một sự kiện lịch sử dưới lăng kính phù hợp để không khiến nó bị ám màu định kiến. Hãy tìm kiếm nhiều hơn những tư liệu, hãy kể nhiều hơn những câu chuyện từ đó. Một lịch sử không tồn tại, ta luôn có nhiều lịch sử. Đừng chỉ tin vào một câu chuyện!