Andy’s weekly digest - #27
Chỉ là một cái review nho nhỏ vài điều mình học được trong tuần.
Tuần này tình cờ thế nào mà số podcast của Huberman về lòng biết ơn lạc vào Youtube của mình. Ngay từ ý đầu tiên đã mang tính mở mang đầu óc cực mạnh: trong một nghiên cứu được thực hiện với rất nhiều người ở nhiều nước, nhiều độ tuổi, giới tính, tính cách vv., người ta thấy rằng tất cả đều có một nhịp tim tương tự nhau khi được nghe cùng một câu chuyện. Cảm giác ổng nói đúng kiểu chính ổng cũng không tin được điều này vậy - về cái sự thần kỳ của kể chuyện – story telling - đối với con người chúng ta.
Mình nghĩ có lẽ cũng chính vì lý do này mà mình thích những sự kiện rèn luyện public speaking đến thế. Nghe những người không chuyên cố gắng để chia sẻ câu chuyện của họ thực sự nhiều lúc cảm động mà truyền cảm hứng cực kỳ luôn, mà lại không bị kiểu quá dập khuôn, kiểu cách như nghe những diễn giả chuyên nghiệp. Ví dụ, tuần này mình nghe được 2 bài nói thực sự ấn tượng, một là về chị Elena, từ những ngày bé thơ ở St Petersburg với những cuốn sách như “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày”, mà trở thành một người phụ nữ trưởng thành đã thực sự đi khắp thế giới, từng sống ở 7 quốc gia bao gồm có Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, và đi du lịch thì đến gần 100 nước (hiển nhiên chị có qua Việt Nam rồi), và (2) bài nói của Michael, một chàng trai Ba Lan cao to khôi ngô, nói về nỗi sợ nói trước đám đông, và chỉ vì một bài nói mà cậu thực sự muốn thực hiện ở đám tang người bạn thân mà cậu mới thực sự bước ra khỏi cái kén của mình và cất giọng. Nghe cậu nói, và cảm nhận cái cái “immense amount of joy” khi chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ của bản thân lan tỏa ra toàn bộ khán phòng, thực sự là một cảm giác tuyệt vời.
Ah, trong số podcast của Huberman, ổng có nói một chút về tại sao cái cách hay được nêu lên là viết journal về 3 thứ chúng ta cảm thấy biết ơn trong ngày lại kém tác dụng và thậm chí là vô ích đến vậy (cái này mình hoàn toàn chứng nghiệm bản thân luôn). Vì thực ra, để một bài luyện về lòng biết ơn có hiệu quả, bạn cần có 2 yếu tố: (1) đó phải là một câu chuyện; và (2) trong đó sự cảm kích về ơn nghĩa được nhận được thể hiện một cách thực sự chân thành và lay động. Mình sẽ thử bài này và chắc sẽ viết về nó sau một thời gian nữa.
Về đọc, tuần này mình cày nhanh “A hero of our time” của Mikhail Lermontov cho một cái book club meeting tuần sau. Đây là một cuốn sách thực sự đặc biệt. Mình nghĩ không nhiều cuốn có thể lột tả được 2 yếu tố: (1) sự tinh tế trong quan sát và suy nghĩ của những người có học thức, được đào tạo chỉn chu (giới quý tộc ngày xưa), và cái thái độ hững hờ, hơi tiêu cực, với cuộc đời, vì chính những hiểu biết ấy, và vì việc không bao giờ phải lo toan bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Và cái cách viết, ngôn từ, mang đậm tính “quý ông”, đọc vẫn cứ có nét gì đó ưng ưng đến lạ.
Ah, mình cũng bắt đầu cuốn “Think like a monk” của Jay Shetty. Cuốn này đợt gần đây chẳng hiểu sao rất nhiều người giới thiệu cho mình luôn. Cảm giác 10% đầu khá ok, và có vài đoạn khá ấn tượng khiến mình phải dừng để suy nghĩ:
“Researchers estimate that, on average, each of us will spend more than 11 years of our lives looking at TV and social media … 15 mins scrolling social media is considered ‘me time’, while 15 mins of meditation is ‘no way’”
Và một bản nhạc nhẹ nhàng. Chúc mọi người tuần mới thật nhiều năng lượng và niềm vui nhé!
A Dreamer
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất