KHỦNG HOẢNG TUỔI 20: MỘT NGƯỜI TUỔI 20 VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI TUỔI 20
KHỦNG HOẢNG TUỔI 20: MỘT NGƯỜI TUỔI 20 VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI TUỔI 20
Trước khi vào bài viết, đây là một trong những bài viết đầu
tay của mình. Vốn sống còn ít, kiến thức còn hạn hẹp và tay viết còn non nớt. Nếu thấy những sai sót trong bài, mong mọi người sẽ góp ý để mình có thể làm tốt hơn trong tương lai. Cảm ơn bạn đã chọn đọc bài viết.
Thời gian trước, mình đã có một khoảng thời gian bỗng dưng
mất đi động lực sống, không biết mình đang đi học, đi làm để làm gì. Không biết mình muốn làm gì, mình nên làm gì, không biết mình đang làm đúng hay sai. Khi nói chuyện với một số người bạn đồng trang lứa, mình mới nhận ra đó là một câu chuyện phổ biến, và vô tình biết đến khái niệm “Khủng hoảng tuổi 20”. Cá nhân mình không thích gọi đây là khủng hoảng mà chỉ là một vấn đề thường gặp ở người trẻ. Thời điểm hiện tại, mình đã vượt qua phần nào vấn đề ấy, mình viết bài viết này để chia sẻ trải nghiệm của mình, cách mình vượt qua nó, hi vọng có thể giúp được những bạn bắt đầu gặp phải vấn đề này.
1. Mặt trái của sự tự do
Trong suốt 12 năm trên ghế nhà trường phổ thông, chúng ta
được gia đình, thầy cô và xã hội liên tục nhắc cho biết rằng chúng ta là ai và chúng ta cần làm gì. Ai cũng nhắc rằng học sinh phải đi học đầy đủ, phải tập trung nghe giảng, ghi chép cẩn thận, làm đầy đủ bài tập để làm bài kiểm tra cho thật tốt, để lên lớp, để thi chuyển cấp. Những đứa trẻ được vẽ cho một con đường rõ ràng và một cái đích cụ thể, chỉ việc tập trung bước từng bước được chỉ bảo là đã làm tốt việc của mình. Thế nhưng đến cái ngưỡng 18, lần đầu tiên ta phải tự quyết định con đường của mình.
Đó là cái Tết đầu tiên mà những cô chú họ hàng, những bác hàng xóm thôi hỏi rằng mình được bao nhiêu điểm, được xếp loại gì, mà thay vào đó là những câu hỏi mở “Con định thi trường nào?”, “Con định theo ngành nào?” hay thậm chí “Con có định học tiếp hay không?”. Đó là lần đầu tiên những chú chim cất cánh rời tổ, lần đầu tiên được tự quyết định cái sự bay của mình, cái cảm giác tự do có thể đến nhưng chắc chắn cuối cùng ở lại là cảm giác lạc lối, hoang mang và hoài nghi, không biết bay về hướng nào trong khu rừng. Những đứa trẻ đã quen với một con đường quen thuộc giờ đứng trước hàng trăm nghìn những ngã rẽ khác nhau, những câu hỏi cứ hiện lên mà chẳng ai có thể thay mình giải đáp, rằng mình nên chọn con đường nào, mình nên đi như thế nào trên con đường ấy và mình đang tìm con đường tới đâu?
Đối với cá nhân mình, câu hỏi “Mình đang tìm con đường tới đâu?”
là câu hỏi khiến mình suy tư nhất.
Thế giới này có đến gần 8 tỉ người, và vũ trụ này có hàng tỉ
tỉ những hành tinh, những ngôi sao, những dải ngân hà với khối lượng và kích cỡ không tưởng. Sự tồn tại của mình có thực sự quan trọng? Mình sống chết ra sao, cuối cùng thì đâu có ảnh hưởng gì đến thế giới này?
Vậy mình đang sống để làm gì?
Giả sử thật sự có một đấng tối cao đã tạo ra sự sống, mục đích của việc ấy là gì? Liệu người đó chỉ đơn thuần muốn nhìn một đống sinh vật nhảy nhót hàng tỉ năm làm thú tiêu khiển?
Tất cả mọi người đang sống hướng tới cái đích cuối cùng là gì? Cái “sứ mệnh” mà mấy người trên truyền hình hay nói là gì và làm sao để tìm
thấy sứ mệnh của cuộc đời mình?
Mình đã trăn trở rất nhiều và mất đi hứng thú làm bất cứ việc
gì vì không thể hiểu rút cuộc mình đã và đang làm những việc ấy để làm gì. Cuối cùng thì những câu trả lời cũng dần dần xuất hiện, ngày một rõ ràng.
2. Mục đích của cuộc đời
Có vẻ như mục đích cuối cùng của cuộc sống là hạnh phúc. Mọi
hành động, mọi quyết định của ta dù có ý thức hay trong vô thức đều là để đạt được hạnh phúc. Ta chọn ăn một món ngon, vì điều đó làm ta thấy hạnh phúc. Ta chọn tập luyện thể thao, tuy mệt nhưng khi biết mình sẽ khỏe mạnh hơn, ta cảm thấy hạnh phúc. Ta chọn hi sinh vì một người, vì khi người đó hạnh phúc, ta cũng cảm thấy hạnh phúc.
Tuy tất thảy gần 8 tỉ người đều sống vì một mục đích, nhưng không có hai người nào sống một cuộc sống hoàn toàn giống nhau. Mọi người suy nghĩ bằng những cách khác nhau, đưa ra những quyết định khác nhau và hành động khác nhau, đó là bởi vì hạnh phúc đối với mỗi người là khác nhau. Đối với một số người, có tiền tài quyền lực là hạnh phúc. Có người thì thấy hạnh phúc là được sống một mình trong rừng. Cũng có người lại thấy có McDonald ăn hằng ngày chính là hạnh phúc.
Con người là một sinh vật được lập trình để đi tìm hạnh phúc cho đến hết cuộc đời. Khi ta đi tìm hiểu mục đích của cuộc đời mình là ta đang đi tìm điều gì khiến chúng ta hạnh phúc. Khi nói đến “sứ mệnh cuộc đời”, ta thường nhắc đến những việc mang tầm vóc vĩ mô, có ích cho xã hội, cộng đồng. Nhưng thực tế sứ mệnh cuộc đời của ai đó chính là điều khiến họ hạnh phúc. Và vị thần duy nhất có thể ban cho ta một sứ mệnh chỉ có thể là chính ta. Muốn biết ta nên chọn con đường nào, đầu tiên cần phải biết đích đến là gì. Và muốn biết ta nên làm gì, nên làm như thế nào khi ở cái tuổi này, trước tiên ta cần tìm hiểu hạnh phúc đối với cá nhân mình là gì.
3. Hạnh phúc của bản thân
Hạnh phúc là một từ nghe khá là… “đao to búa lớn”. Khi mình nói đến hạnh phúc, đó có thể là cảm giác viên mãn cuối đời, có thể là niềm vui
sướng khi đạt được thành công, cũng có thể là những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. Hạnh phúc lớn cũng xuất phát từ niềm vui nhỏ. Người thích sáng tạo sẽ thấy hạnh phúc khi bản thân được thỏa sức sáng tạo, và tạo ra được những điều phi thường. Người muốn được thấy những người xung quanh mình vui sẽ thấy hạnh phúc khi giúp được thật nhiều người.
Một cách để hiểu được hạnh phúc của mình là gì là chú tâm
quan sát những điều khiến mình vui hằng ngày. Bạn thấy hơn vui ở nhà, hay khi ra ngoài? Bạn thấy vui hơn khi ở cùng bạn bè hay khi dành thời gian một mình? Bạn có thấy vui khi nấu ăn không? Bạn có thấy vui khi chơi thể thao không? Bạn có thấy vui khi tập trung học tập, làm việc hàng tiếng đồng hồ không? Bằng cách quan sát những điều khiến ta vui, ta sẽ ngày càng rõ được điều gì khiến ta hạnh phúc. Ta sẽ biết được mình muốn làm công việc gì, muốn trở thành một người như thế nào, muốn sống như thế nào. Ta sẽ định hình ta muốn trở thành ai trong 5 năm, 10 năm, 50 năm nữa.
Muốn biết ta tìm thấy niềm vui ở đâu, bên cạnh việc quan sát bản thân, ta còn cần thử đặt bản thân vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, để biết được khi đó ta có thấy vui hay không. Ta cần thử làm nhiều việc khác nhau, sống nhiều cách khác nhau, hoặc làm một việc bằng những cách khác nhau. Hãy coi quan niệm về hạnh phúc của cá nhân mình như một phát kiến khoa học, ta cần liên tục thử nghiệm, quan sát, phân tích để có thể tìm ra nó và hoàn thiện nó.
Mình không bó buộc cái con đường mà chúng ta chọn là nghề
nghiệp, đây không phải một bài viết hướng nghiệp. Mình coi con đường ấy còn là chọn cách sống. Mình chưa dám khẳng định mình đã vượt qua cái gọi là khủng hoảng tuổi 20 ấy, nhưng mình đã đỡ lạc lối hơn thời điểm ban đầu rất nhiều. Có hai điều mình muốn nhắn gửi các bạn trẻ cũng đang loay hoay với vấn đề này. Thứ nhất, các bạn nên
thử nhiều thứ, nhưng hãy cẩn thận trong việc quan sát, chú ý xem mình đang vui vì làm điều đó hay chỉ đang vui vì được thử điều mới lạ. Điều thứ hai, đừng coi việc chọn ngành đại học chính là bước chân quyết định phần đường còn lại. Con đường phía trước bạn không phải một con đường thẳng tắp và chỉ có 1 hướng. Con đường ấy còn có nhiều ngã rẽ khác và có nhiều điểm đến khác nhau. Nếu đã lỡ chọn ngành không mong muốn, hãy coi đó như một thí nghiệm lớn, bạn luôn có thể bắt đầu một cuộc thí nghiệm khác.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất