Andy Lương - “Kẻ mộng mơ” với mong ước được dành trọn đời góp nhặt vài mảnh kiến thức đã vô tình bị lãng quên
Khi nhắc đến Andy Lương, nhiều người chắc hẳn sẽ nghĩ ngay đến triết học thực hành, hay cụ thể hơn là hình ảnh một chàng trai trẻ hết...
Khi nhắc đến Andy Lương, nhiều người chắc hẳn sẽ nghĩ ngay đến triết học thực hành, hay cụ thể hơn là hình ảnh một chàng trai trẻ hết mình với việc đọc, học hỏi và dịch thuật về Stoicism. Hay một số người sẽ nhớ đến những câu chuyện tâm sự, những suy nghĩ chân thật và cả những comment đáng yêu của anh. Còn Andy Lương, anh chỉ cười xòa khi được hỏi về những bài viết của mình. Anh bảo mình chọn cách viết để chia sẻ với mọi người những trải nghiệm đáng nhớ và hơn hết là để được kết nối với cộng đồng Spiderum - nơi có những con người mà anh hết mực yêu quý.
Trước khi bắt đầu phần phỏng vấn, Andy Lương cũng không quên nhắc rằng “Thật ra mình cũng lười lắm. Mọi người đừng miêu tả mình cao siêu quá.” Vâng lời anh, đội ngũ Spiderum sẽ miêu tả anh chân thật nhất cho dù chúng tôi cũng nhiều khi phải tự nhủ “Thế này mà không siêu thì như thế nào mới siêu?”
Andy Lương đi du học tại UK từ năm 2012. Sau khi hoàn thành bậc học thạc sĩ và tiến sĩ, anh ở lại trường tiếp tục làm việc và trau dồi kinh nghiệm. Đây có lẽ là hình ảnh mà chính anh trước đó… cũng không hình dung về bản thân mình. Andy Lương cho biết khi còn học đại học ở Việt Nam, vì không cảm thấy phù hợp nên anh chỉ học cho có và nghĩ đơn giản rằng sau này học xong, hoàn thành trách nhiệm có bằng rồi thì sẽ... mở phòng gym với anh em bạn bè.
Bước ngoặt xảy ra sau khi anh đi nước ngoài và gặp thầy hướng dẫn của mình. Như Andy Lương chia sẻ trong bài viết [NGẪM] Đôi điều về "How to live a good life", chính người thầy ấy đã dạy cho anh về sự chăm chỉ, giúp anh tìm ra con đường phù hợp với mình và truyền cảm hứng để anh theo đuổi sự nghiệp giáo dục. Kể từ sau “wake-up call” này, Andy Lương bắt đầu lao vào học tập điên cuồng, “thật sự điên cuồng”. Có những hôm anh đọc nhiều đến nỗi sau khi ra khỏi thư viện thì không thể nghĩ được điều gì khác ngoài kiến thức, anh nghĩ nhiều và sâu tới mức quên mất luôn thực tại và chỉ đi về nhà theo bản năng, tới mức không ít lần suýt bị ô tô đâm phải trên đường. Điều này tiếp diễn trong 3, 4 năm tiếp theo, để rồi chính thái độ học tập “hardcore đến tận cùng” này đã giúp anh có được công việc như mong muốn và tiến những bước tiến lớn trên con đường mà mình theo đuổi.
Động lực khiến anh kiên trì và cải thiện bản thân mình từng ngày như vậy, bên cạnh người thầy hướng dẫn, còn có sự ảnh hưởng lớn từ Stoicism. “Sau wake-up call, điều thay đổi lớn nhất đến với mình chắc chắn là Stoicism.” Theo Andy Lương chia sẻ, Stoicism cung cấp một bộ công cụ để trong những thời khắc khó khăn, anh có thể biết được đâu là điều quan trọng với mình, và đưa ra được quyết định tối ưu mà không bị cảm xúc làm chi phối.
Để thật sự hiểu được những giá trị mà Stoicism muốn truyền tải, Andy Lượng cũng tiếp cận và say mê bộ môn này với tâm thế muốn tìm hiểu đến tận cùng. Nói về chuyện này, anh khiêm tốn chia sẻ:
“Bản thân mình không phải là một người thông minh hay xuất sắc gì cả nên mình có thói quen học bằng cách đọc đi đọc lại những cuốn sách mình thấy hay. Mình cứ đọc xoay vòng, ba cuốn nền tảng của Stoicism, mỗi ngày đọc 10-15' vào buổi sáng.”
Không chỉ dừng ở việc đọc, anh còn bắt tay vào dịch các lá thư của Seneca trên Spiderum với mong muốn chia sẻ những kiến thức về Stoicism với nhiều người hơn, và để có thêm động lực tìm hiểu sâu hơn. Để hiểu được ý nghĩa thật sự đằng sau những lá thư này, anh thậm chí còn... học thêm tiếng Ý để có thể đọc được bản gốc. “Trước khi dịch mình cũng đã đọc đi đọc lại 4, 5 lần các lá thư đấy rồi. Nhưng chỉ khi bắt tay vào dịch mình mới hiểu được những suy nghĩ thật sự của Seneca và hiểu hơn về nghệ thuật sử dụng từ ngữ và cách viết của ông.” Theo Andy Lương, một trong những nghệ thuật viết ấy là việc Seneca thường viết quá lên so với sự thật như một cách để kích thích suy nghĩ người đọc vì muốn mọi người không chỉ đọc để biết mà còn để có thể áp dụng những triết lý của ông vào cuộc sống thực. Với anh, bản thân việc học hỏi để chạm được tới những cảm nhận sâu sắc hơn như vậy đã là một niềm vui; và anh hy vọng thông qua những bài dịch của mình, mọi người sẽ hiểu thêm được đầy đủ hơn những điều mà Seneca muốn truyền tải. Dù đầu tư rất nhiều tâm huyết như vậy nhưng Andy Lương vẫn khiêm tốn chia sẻ:
“Mình viết văn không giỏi nên việc dịch các lá thư của một bậc thầy văn chương như Seneca thật sự là một việc liều lĩnh. Với cả thực ra mình lười lắm, tìm mãi ở Việt Nam không thấy ai dịch nên cuối cùng hiểu rằng bản thân bắt buộc phải chấp nhận thử thách này thôi.”
Thái độ kiên trì và cố gắng của Andy Lương còn được thể hiện ở cách anh đặt ra các mục tiêu và nguyên tắc viết cho riêng mình trên chính Spiderum. “Khi mới bắt đầu mình cảm thấy rất khó khăn vì hoàn toàn không có kỹ năng viết trước đó. Vậy nên thời gian đầu mình đặt mục tiêu là hai tuần có một bài.” Nếu là một độc giả lâu năm của Động Nhện, chắc bạn cũng có để ý rằng không ít tác giả cũng từng đặt mục tiêu tương tự, trong đó có cả… admin please. Điều khác biệt là trong khi please bỏ cuộc nhanh chóng và dần chuyển sang viết 2 bài trong vòng… 1 năm thì Andy Lương vẫn đều đặn và kiên trì đăng bài để mài giũa kỹ năng viết của bản thân. Đó là điều đã làm nên thương hiệu của anh trên Động Nhện, cũng là điều chúng tôi - Spiderum Team - luôn cực kỳ khâm phục và trân trọng.
Khi dành quá nhiều thời gian, công sức vào một việc gì đó, nhiều người thường có xu hướng củng cố niềm tin của bản thân vào con đường đã chọn. Andy Lương là một ngoại lệ, anh luôn có xu hướng tự nhìn lại và tìm ra những “điểm mù” trong niềm tin của mình.
Ví dụ như trong khoảng thời gian lao đầu vào học tập, dù từng đạt được nhiều thành tựu và tiến gần hơn đến ước mơ của bản thân, anh cũng không bị ánh hào quang của những điều này “che mắt” để không nhận ra bản thân đã đánh mất sự cân bằng đến thế nào. “Mình nghĩ 3-4 năm ấy nếu có thể trải ra thành 5-6 năm để đảm bảo cân bằng những mối quan tâm khác như gia đình, bạn bè,.. thì sẽ hợp lý hơn nhiều. Tới giờ nghĩ lại mình vẫn rất hối hận.” - anh chia sẻ.
Cũng nhờ thói quen nghiêm khắc tự soi chiếu bản thân này mà sau sự kiện đó, anh hiểu rằng mình, và cả những bạn trẻ như mình, cần học cách đầu tư thời gian hợp lý hơn cho những điều bản thân xem là quan trọng như gia đình, sự nghiệp,... Anh cũng thực hành và khuyên mọi người thực hành thói quen tự hỏi bản thân: “Hãy dành một chút thời gian cuối tuần, tháng, năm để review và tự hỏi trong tuần qua, tháng qua hay năm qua, mình đã dành ra được bao nhiêu thời gian cho những điều quan trọng?” Với anh, hoạt động này tuy đơn giản nhưng lại giúp mỗi người nhanh chóng nhận ra vấn đề và biết cách cân bằng lại cuộc sống khi cần thiết.
Tương tự, dù thừa nhận Stoicism đóng vai trò quan trọng và thay đổi rất nhiều khía cạnh trong cuộc đời mình, Andy Lương cũng cho biết không phải mọi điều trong Stoicism đều phù hợp với anh. “Hạn chế của Stoicism, theo mình nghĩ, là nó tạo ra những vùng an toàn.” Như trong cuốn “The course of love”, Alain De Botton đã phê bình Stoicism vì khuyên mọi người không được để cảm xúc điều khiển. Theo ông, trải nghiệm yêu và đau sau khi thất tình mới là những cảm xúc làm nên con người. Hay như bà Brené Brown - nhà nghiên cứu những thái cực cảm xúc - cũng đã chia sẻ rằng chính những khoảnh khắc trải nghiệm cảm xúc ở thái cực mới là khoảnh khắc "người" nhất, đáng nhớ nhất.
Để luôn nhận diện được những “điểm mù” này của bản thân, Andy Lương thường áp dụng phương pháp phản biện trong khoa học và không ngừng thách thức những niềm tin của chính mình. Anh tin rằng nếu không tự hỏi, tự phản biện thì chính anh cũng sẽ mất đi động lực để học hỏi.
“Ngay cả đối với những điều cảm thấy chắc chắn đúng và tin theo, mình vẫn phải tự hỏi liệu nó có thể sai ở đâu không? Nếu cứ hoài nghi và đi đến tận cùng những cái “có thể sai” ấy mà vẫn không tìm được điểm sai thì niềm tin của mình sẽ càng có cơ sở. Ngược lại, việc liên tục tự hoài nghi như vậy cũng cũng giúp bản thân mình có cái nhìn cởi mở, phản biện hơn.”
Với cách tiếp cận mở này, như từng chia sẻ trong bài Stoicism P7 (Kết): Stoicism và các trường phái triết học khác, Andy Lương không hoàn toàn dựa vào Stoicism mà học được cách kết hợp nó với nhiều trường phái khác để tự xác định góc nhìn riêng cho bản thân mình. Anh cũng rất mong người đọc có thể giữ thái độ phản biện tương tự trong việc áp dụng Stoicism để thật sự tìm ra cách áp dụng phù hợp với bản thân.
“Chỉ như vậy thì triết học mới thật sự trở nên có ích cho cộng đồng.” - anh khẳng định
Trong công việc, Andy Lương cũng luôn giữ cho bản thân một tâm thế mở, không phán xét. Là một giảng viên, anh luôn nhìn vào tiềm năng sinh viên, hay như anh nói là nhìn “không phải như bạn ấy đang-là mà như bạn ấy có-thể là.”
“Thường thì sinh viên của mình cũng có những bạn hư, không chịu nghe giảng, check điện thoại trong giờ. Nhưng mình không thể bỏ các bạn ấy được, nên mình chỉ cố làm những điều có thể làm, như đến đứng cạnh bạn ấy khi giảng bài chẳng hạn. Mình chỉ cố nhìn vào tiềm năng của bạn ấy và hy vọng bạn ấy tốt lên còn tốt lên bao nhiêu thì mình cũng không biết.”
Nhưng anh cũng lưu ý đây không phải là cách tin tưởng mù quáng. Một điều anh học được từ thầy hướng dẫn của mình, là trong quá trình làm việc hay tiếp xúc, anh sẽ liên tục có những bài test nhỏ để đánh giá tiềm năng của sinh viên và giao cho họ những công việc thích hợp để có cơ hội thử thách bản thân. Đây cũng là cách để anh có thể thúc đẩy sinh viên của mình tiếp tục phát triển một cách tự nhiên nhất.
“Theo mình đó mới là nghệ thuật làm thầy. Nhưng mình mới đang học được nghệ thuật này thôi nhé, chứ áp dụng thì… chưa.”
Trái ngược với background rất đỗi “khoa học”, Andy Lương cũng được biết đến như một cá nhân rất giàu cảm xúc. Đối với những người mà mình yêu quý, anh luôn dành cho họ một tình cảm đặc biệt và chân thành. Những hành động nhỏ của họ đôi khi có thể khiến anh nhớ mãi hoặc… khóc ngon lành vì xúc động.
Chẳng hạn như với người thầy hướng dẫn của mình, Andy Lương luôn dành cho ông sư kính trọng và biết ơn sâu sắc. Anh ghi nhớ rất rõ những điều thầy làm cho mình và luôn quan sát để học hỏi từ những thói quen nhỏ nhất của ông. Đơn cử như câu chuyện về những ngày đầu đi học, anh để ý thấy thầy rất hay gửi lại bản chữa bài luận vào tầm 11 rưỡi đến 12 giờ đêm. Một hai lần
đầu thì anh không nghĩ gì cả, và thầy cũng không đề cập hay nói về nó, nhưng nhiều lần như thế, bất giác bản thân anh hiểu ra sự tận tụy của thầy. Đến sau này khi có cơ hội được trực tiếp làm việc với thầy và nhận ra ông thường làm việc say sưa tới tối muộn, có những hôm đến tận 3-4 giờ sáng. Anh cứ nghĩ mãi tại sao một giáo sư thành đạt như vậy, đã có mọi thứ, và đã gần 70, lại vẫn dành nhiều thời gian và công sức cho công việc đến thế. Sau này, Andy Lương mới biết thầy làm như vậy bởi vì thật sự yêu thích và xem trọng công việc của mình. Vậy là anh bỗng dưng… xúc động và càng có thêm động lực để theo đuổi con đường đang chọn.
đầu thì anh không nghĩ gì cả, và thầy cũng không đề cập hay nói về nó, nhưng nhiều lần như thế, bất giác bản thân anh hiểu ra sự tận tụy của thầy. Đến sau này khi có cơ hội được trực tiếp làm việc với thầy và nhận ra ông thường làm việc say sưa tới tối muộn, có những hôm đến tận 3-4 giờ sáng. Anh cứ nghĩ mãi tại sao một giáo sư thành đạt như vậy, đã có mọi thứ, và đã gần 70, lại vẫn dành nhiều thời gian và công sức cho công việc đến thế. Sau này, Andy Lương mới biết thầy làm như vậy bởi vì thật sự yêu thích và xem trọng công việc của mình. Vậy là anh bỗng dưng… xúc động và càng có thêm động lực để theo đuổi con đường đang chọn.
Ít ai biết lý do Andy Lương đến với Stoicism cũng vì muốn cân bằng lại sau khi nhận ra cảm xúc của mình chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những mối quan hệ xung quanh, đặc biệt là bè bạn. Thừa nhận mình là người không thể sống thiếu bạn bè, anh cho biết từng rất buồn vì khoảng thời gian đi du học khiến cho các mối quan hệ bạn bè không còn được gắn bó như trước. Sau khi đã dần quen với việc này và có thêm những người bạn mới ở nước ngoài thì anh lại phải đối mặt với nỗi buồn khi những người bạn mới này đến rồi đi, sang học rồi về nước hoặc chuyển đi nơi khác. Những điều này cứ lặp đi lặp lại như một vòng lặp đầy bế tắc.
Chính lúc này, anh đã biết đến Spiderum và thông qua Spiderum, anh có được cảm giác được gắn kết với cộng đồng:
“Mình không có điều kiện để gặp gỡ mọi người nhiều nên những kỷ niệm thường rất chi tiết: ví dụ như mình nhớ rất kỹ những comment và góp ý về cách viết của anh Trường, hay những lần đọc bài viết và cảm nhận được tâm huyết của Việt Anh và Nga. Nếu không có hai đứa chúng nó thì mình chưa chắc đã còn viết trên Spiderum.”
Đến đây chúng tôi cũng muốn xin phép Andy Lương chia sẻ một kỷ niệm rất thú vị đã truyền động lực không nhỏ cho Spiderum Team tiếp tục chiến đấu và phát triển tới ngày hôm nay: Tháng 4/2019, sau khi đọc bài viết “Cố nhiều để làm gì?” của admin please, anh thậm chí đã bật khóc ngay trong thư viện và… bị sinh viên nhìn thấy. Đó chắc hẳn là một cảnh tượng có một không hai nhưng có giá trị bằng cả ngàn lời động viên với Động Nhện. Andy Lương luôn là như vậy, luôn yêu quý và ủng hộ Spiderum một cách chân thành nhất.
“Định hướng của Spiderum là trở thành một nơi mọi người có thể vừa chia sẻ kiến thức, vừa thông qua đó để xây dựng nền tảng tri thức cho người trẻ Việt. Mình cảm thấy điều này vừa to tát lại vừa rất gần gũi. Mình cũng tin đó là điều mà người trẻ thật sự có thể làm.”
Andy Lương cho rằng từ chính nhờ định hướng này mà Spiderum có thể thu hút nhiều cây viết tài năng như vậy. Và ngoài việc đóng góp nội dung với tư cách là một trong những cây viết tài năng này, anh còn làm tất cả những gì có thể để ủng hộ Spiderum nhiều hơn nữa. Độc giả Động Nhện hẳn cũng đã quen với câu “Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi” ở cuối mỗi bài viết của anh rồi phải không?
Kết thúc phần phỏng vấn, Andy Lương gửi lời cảm ơn đến những người đã theo dõi mình trong suốt thời gian qua. Anh chia sẻ bản thân chỉ viết những điều mà anh được biết, được trải nghiệm và học hỏi. Đó những điều mà anh thật sự tin tưởng và muốn chia sẻ. Vậy nên mỗi upvote, bình luận của mọi người đều được anh hết mực trân trọng. Andy Lương cũng hy vọng mỗi người sẽ sử dụng việc viết để trải nghiệm, soi chiếu và nhìn nhận được những thay đổi ở bản thân. Anh cũng gửi lời khuyên đến các bạn trẻ:
“Hãy viết về những điều mà các bạn thật sự tin tưởng. Điều này sẽ tốt cho cả các bạn và cho cả cộng đồng.”
Thực hiện: Hoàng Phương
Thiết kế: Isa Quan
Thiết kế: Isa Quan
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất