Bạn có bao giờ nói với bản thân “biết vậy lúc đó đừng ăn hay đừng uống món đó nhiều làm chi” chưa?
Mấy hôm trước mình về thăm ba mẹ và được ăn mấy món dân dã yêu thích thuở bé, nào là đậu hủ muối sả chiên, canh chua cá sặc, sườn ram... Có món tép ram mình vốn rất mê nhưng thường không dám ăn do hay bị dị ứng mấy con giáp xác. Thế mà mình vẫn không kềm được và thử có vài con và nghĩ loại tép sông bé tẹo nên vài con cũng chẳng thấm vào đâu, và kết quả là tối đó hai má và cánh tay mình lên vài mảng dị ứng, nóng ngứa khó chịu (số lượng mảng dị ứng chắc cũng bằng với số con tép mình đã ăn). Đúng là hoạ từ miệng mà ra, mà bệnh thì từ miệng mà vào! Chắc hẳn không ít người cũng có những trải nghiệm bị đồ ăn thức uống ‘quật’ do cố tình hay vô ý nạp vào. Nhẹ thì chướng bụng, buồn nôn, nặng thì vào viện được kê đơn tiêm thuốc hoặc súc ruột, hoặc nặng hơn nữa thì ai cũng biết là sao rồi đó…
Mặc dù biết việc ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của chúng ta, nhưng không phải ai cũng quản lý tốt những thứ mình đưa vào hệ tiêu hoá.
Mình vốn có cơ địa khá nhạy cảm, bị viêm mũi dị ứng từ nhỏ, rồi đến khi được mười mấy nồi bánh chưng thì các dấu hiệu dị ứng thức ăn trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn. Do đó, mình có nhiều hạn chế (có cả ức chế) trong ăn uống, và đôi khi cũng gây ít nhiều phiền phức cho những người đi ăn cùng (mặc dù phần ai nấy ăn :)). Mình vẫn đang học cách sống chung với sự hạn chế này. Cơ thể mỗi người sẽ có những thứ (không chỉ đồ ăn uống) dị ứng khác nhau và độ kích ứng nặng nhẹ cũng khác nhau. Cũng không phải riêng gì những người bị dị ứng thức ăn, hay người đang có vấn đề sức khoẻ, mà những ai khoẻ mạnh cũng cần phải lưu ý những món ăn uống hằng ngày ngày vì an toàn sức khoẻ bản thân. Ngoài ra, tuỳ cơ địa mỗi người, thể trạng, môi trường sinh sống và làm việc sẽ có những chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe tốt. Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tế. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về các chế độ ăn uống khoa học, tìm hiểu xem ăn uống như thế nào để phù hợp với sức khoẻ, hay đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn dinh dưỡng cụ thể.
Dưới đây là một số thông tin ngắn gọn về nguyên tắc chung cần tuân thủ khi ăn uống mà mình lượm lặt:
· Ăn đủ các nhóm thực phẩm: Bao gồm đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất.
. Ăn đủ lượng rau và trái cây: Tối thiểu 5 phần rau và trái cây mỗi ngày.
· Hạn chế ăn đồ ăn chứa đường và chất béo: Hạn chế đồ ăn chứa đường và chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày.
· Ăn chậm: Ăn chậm và nhai kỹ thức ăn để giúp tiêu hóa tốt hơn.
· Uống đủ nước: Uống đủ nước để giúp cơ thể giải độc và duy trì sức khỏe tốt.
Ngoài ra, có nhiều chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe đang được áp dụng trên khắp thế giới, dưới đây là sơ lược một số chế độ ăn uống phổ biến mà mình biết:
1. Chế độ ăn kiêng thực phẩm chay: Đây là chế độ ăn uống dựa trên các loại thực phẩm chay như rau, quả, hạt và đậu... Chế độ ăn kiêng này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và một số loại ung thư.
2. Chế độ ăn kiêng thực phẩm hữu cơ: Chế độ ăn uống này dựa trên các loại thực phẩm hữu cơ, tức là các loại thực phẩm không chứa hóa chất, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chế độ ăn kiêng này được cho là có lợi cho sức khỏe hơn vì nó giúp giảm hàm lượng hóa chất trong thực phẩm.
3. Chế độ ăn kiêng Mediterranean: Chế độ ăn uống này dựa trên các loại thực phẩm phổ biến trong các quốc gia ven Địa Trung Hải như Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Chế độ ăn kiêng này bao gồm các loại rau, quả, đậu, lúa mì, cá và dầu ô liu. Nó được cho là có lợi cho sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
4. Chế độ ăn kiêng DASH: DASH là viết tắt của "Dietary Approaches to Stop Hypertension" (Các phương pháp ăn uống để ngăn ngừa tăng huyết áp). Chế độ ăn kiêng này bao gồm các loại rau, quả, đậu, lúa mì, thịt gia cầm, cá và sản phẩm sữa ít béo. Nó được thiết kế để giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tim mạch.
5. Chế độ ăn kiêng keto: Chế độ ăn uống này dựa trên việc giảm lượng carbohydrate và tăng lượng chất béo trong chế độ ăn uống. Khi bạn giảm lượng carbohydrate, cơ thể sẽ chuyển sang đốt cháy chất béo để cung cấp năng lượng. Chế độ ăn kiêng này được cho là giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe tâm lý.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các chế độ ăn khác hoặc kỹ hơn từng chế độ trên nếu quan tâm, chẳng hạn chỉ riêng nói về ăn chay cũng có thể chia thành các kiểu:
- Kiểu ăn chay Lacto-Ovo: Không ăn thịt hoặc cá nhưng ăn các sản phẩm từ sữa và trứng
- Kiểu ăn chay Lacto: Không tiêu thụ thịt, cá, hoặc trứng, nhưng ăn các sản phẩm từ sữa
- Kiểu ăn chay Ovo: Không tiêu thụ thịt, cá, hoặc sữa, nhưng ăn các sản phẩm từ trứng
- Kiểu ăn thuần chay: Tránh tất cả các sản phẩm và phụ phẩm từ động vật (bao gồm thịt, cá, sữa, trứng, mật ong)
Đối với mình thì chế độ ăn kiêng thực phẩm chay có vẻ phù hợp (để hạn chế dị ứng), nhưng mình không hoàn toàn theo chế độ đó, vẫn thi thoảng có thịt cá trong khẩu phần. Những chế độ ăn uống trên đều có lợi cho sức khỏe tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ chế độ ăn uống nào, bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo rằng chế độ ăn uống của bạn đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn (và cả tín ngưỡng của bạn nữa).
Nói tới đây, cũng có thể có bạn nghĩ là cũng nhiều người ăn uống khoa học và cẩn thận nhưng vẫn bệnh hoài đấy thôi. Có nhiều nguyên nhân mà cơ thể chúng ta phản ứng khi có những thứ không phù hợp đang diễn ra trong cơ thể như là dấu hiệu cảnh báo để ta điều chỉnh. Cũng có thể do yếu tố duy truyền, hoặc nguyên nhân thâm sâu hơn mà khoa học hiện tại chưa giải đáp được. Ngoài việc ăn uống tất nhiên còn những lưu ý khác để bạn có một cơ thể khoẻ mạnh như: tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, giảm stress, hạn chế (hoặc không) sử dụng các chất kích thích, duy trì mối quan hệ xã hội tốt, học cách quản lý cảm xúc. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia sức khỏe để có được sự hỗ trợ tốt nhất.
Trên đây là những chia sẻ từ kinh nghiệm và tìm hiểu của cá nhân mình trên hành trình cùng sống khoẻ sống vui, trước hết cho bản thân và sau đó là kết nối với mọi người nên mình rất vui nếu nhận được chia sẻ và đóng góp của các bạn. Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc bài chia sẻ này! Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khoẻ! Thương cơ thể mình hơn (đừng nuông chiều cái miệng), ăn uống, nghỉ ngơi và vận động lành mạnh nhé!