Hầu hết tín ngưỡng Ấn Độ giáo bao gồm, nhưng không bắt buộc theo những điều sau:

Một niềm tin vào nhiều vị thần nhưng được coi như những hóa thân của một thực thể vĩ đại duy nhất là Đức Thế Tôn hay còn gọi là thần Krishna. Những vị thần này liên kết đến các quy tắc tự nhiên của vũ trụ.

Việc tôn thờ một vị thần không có nghĩa là không tin tưởng vào các vị thần khác.

Một niềm tin vào quy luật nhân quả của vũ trụ (karma) và luân hồi (reincarnation).

Một niềm tin vào sự tự do và siêu thoát (moksha) mà khi đó vòng luân hồi sinh tử bất tận được cởi bỏ.

Ấn Độ giáo giới hạn cấu trúc đẳng cấp theo một hệ thống thứ bậc, một kiểu phân loại các thành viên của cộng đồng theo các tầng lớp xã hội. Vị trí của một người trong hệ thống đó được coi là phản chiếu của những công đức được tích từ kiếp trước (karma)

Hệ thống ba vị thần

Hệ thống ba vị thần - tiếng Ấn Độ là Trimurti (tam vị quy nhất thể - theo cách gọi của phương Đông/ The Holy Trinity theo cách gọi của phương Tây) là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo bao gồm: Brahma là đấng tạo hóa (the Creator), Vishnu - thần bảo hộ và gìn giữ và Shiva là vị thần của hủy diệt nhưng cũng là sinh sôi và phát triển.

Brahma

Brahma được sinh ra từ một quả trứng vàng (hoàng kim thai tử Hiranyagabha) trôi nổi trên mặt biển vô biên. Sau khi trứng nở, thần được sinh ra, những mảnh vỏ trứng bay ra xung quanh tạo nên vũ trụ. Thần nặn cho núi cao, đào biển sâu, tạo ra hình dáng và thổi sự sống cho muôn loài, trao sinh khí và sức mạnh chi phối vũ trụ cho muôn loài.

Khi lấy khí chất của mình tạo ra muôn loài, ngài tạo ra một người đàn bà tên là Satarupa. Khi ngắm nhìn người con gái do chính mình tạo ra, Brahma đã bị dục tính mê hoặc, và nhìn đăm đăm người con gái đó. Satarupa phải lẩn sang hướng khác để tránh cái nhìn của Brama.

Brahma liền mọc thêm một đầu để nhìn ra phía nàng; nàng lại nhích sang hướng khác để tránh né. Sau khi đủ bốn phương thì nàng bay lên trên, Brahma lại mọc thêm cái đầu thứ năm. Cuối cùng hai người trở thành vợ chồng và 100 năm sau thì sinh ra con người đầu tiên. Sau này Brahma bị Shiva hủy mất một đầu nên chỉ còn 4 đầu.


  Không như các vị thần   khác, Brahma biểu tượng cho trí huệ và sáng tạo nên trên tay thần không cầm vũ khí mà cầm bốn pho kinh Vệ Đà, chai đựng nước sông Hằng, cổ đeo tràng hạt tượng trưng cho sự chưởng quản thời gian.

 Tín ngưỡng thờ phụng thần Brama lên đến đỉnh điểm cho đến những thế kỉ đầu tiên của thiên niên kỉ thứ nhất sau CN. Tuy nhiên thần này thường được xem là ít quan trọng hơn thần Vishnu và Shiva. 

Sự mất đi tính chất tối cao của thần Brahma được giải thích trong một câu truyện thần thoại nói về nguồn gốc của thần Shiva. Theo truyện này, một ngày kia Brahma và Vishnu đang tranh luận xem ai trong họ là người có quyền năng nhất. Cuộc cãi cọ đang hồi sôi nổi nhất thì từ dưới đại dương của vũ trụ trồi lên một linga (sinh thực khí nam) - vật biểu trưng có hình dương vật của thần Shiva - thật lớn, xung quanh là một vòng lửa, khi Brahma và Vishnu đang xem xét cái linga thì nó nổ tung ra. Hai thần này nhìn thấy trong ấy là vị thần Shiva sáng tạo tối cao và họ phải tuân phục quyền uy của thần này.

Thú cưỡi của thần là con Thần Hạc Hasma.

Vishnu

Theo giáo phái Vaishnava (những người thờ thần Vishnu), có một truyền thuyết kể rằng Vishnu nằm trên biển sữa trên mình con rắn vũ trụ nhiều đầu Ananta hay Sesha. Trong lúc ngủ, một hoa sen từ lỗ rốn thần mọc ra trên một cuống dài do thần gió Vayu nắm giữ, và từ hoa sen đó sinh ra Brahma- thần bắt đầu công việc sáng tạo. Thần Vishnu ngủ trong các khoảng thời gian giữa những đợt sáng tạo nối tiếp này. Trong lúc ngủ, thần sẽ biến thành một hoá thân khác xuất hiện trong các chu kỳ sáng tạo sau đó.

Theo thần   thoại Ấn Độ giáo, thần Vishnu có 10 hóa thân (avatar) khác nhau từ cá cho đến lợn lòi hay chiến binh, và đã nhiều lần cứu Trái Đất khỏi thảm họa diệt vong như trận Đại hồng thủy, quỷ vương Bali, trong đó có hai hóa thân rất quen thuộc và nổi tiếng hơn cả là Rama trong trường ca sử thi Ramayana, đức vua đã được các thần giao nhiệm vụ tiêu diệt quỷ vương Ravana ở xứ Sri Lanka (đã học trong chương trình lớp 10 môn Ngữ Văn) và hóa thân thứ 9 là Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Thích Ca Mâu Ni). Hóa thân thứ 10 của thần chưa xuất hiện trong kỉ nguyên này.

Thần là biểu tượng của sự ổn định, duy trì sự sống nơi ăn chốn ở của muôn loài và niềm tin đảm bảo cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

 Thú cưỡi của thần là Đại Bằng Kim Sí Thần Điểu Garuda.

Shiva

Tại sao Shiva được coi là thần hủy diệt nhưng cũng là thần của sự sinh sôi và phát triển. Bởi vì triết học Ấn Độ giáo quan niệm Sống-Chết không chỉ là sự luân chuyển của con người mà còn là chu kì tự nhiên của toàn vũ trụ. Người tôn thờ thần Shiva (Saivism) luôn coi cái chết là một phần của sự sống, và phá hủy là tiền đề của sáng tạo (phá rồi lại lập).

Theo như truyền thuyết Ấn Độ giáo đã kể ở trên, thần Shiva sinh ra từ một Linga (biểu tượng phồn thực và sinh sôi) mọc ra từ giữa biển cùng với thanh âm thiêng liêng AUM. Thần được miêu tả với hình dạng âm dương hợp nhất, với nước da trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, hình tượng bán nam bán nữ và  có con rắn tượng trưng cho sự hủy diệt quấn quanh cổ. Thần có ba mắt có thể nhìn thấu quá khứ-hiện tại-vị lai. Thần liên tục hủy diệt và sáng tạo thế giới.

Truyền thuyết kể rằng chư thần vì muốn trường sinh bất tử nên dùng con rắn Vasuki khuấy đảo đại dương vũ trụ để tạo ra thứ nước Cam Lộ. Tuy nhiên con rắn quá mệt nên cuối cùng đã phun nọc độc ra, đe dọa tiêu diệt cả muôn loài. Shiva bèn đến tiếp cứu, ông dùng miệng mình hút hết nọc độc của con rắn, cho nên cổ họng ông bị thâm tím.

Một lần khác khi muôn loài bị hạn hán, một đạo sĩ đã cầu xin Shiva cho nước xuống, thần liền nhẹ nhàng xõa mái tóc dài của mình vì sợ đại địa sẽ vỡ tan tành, tạo thành dòng sông Hằng để muôn vật vĩnh viễn có nước.

Thần Shiva đại diện cho cả Âm-Dương nên nơi thờ thần có biểu tượng của cả Dương vật (Linga) và Âm vật (Yoni). Do đó, trong ý nghĩa của sáng tạo, Shiva được coi là Đấng toàn năng lưỡng tính (ardha – nari – Isvara) hay một hữu thể trung tính tự phân thân thành Âm – Dương. Âm dương giao hòa thì vũ trụ được tạo dựng, muôn vật hóa sinh. Các tín đồ của Shiva gọi là lingayata được phân biệt nhờ các linga thu nhỏ họ đeo trên cơ thể trong suốt cuộc đời. Nó được giữ trong hộp bạc đeo quanh cổ và được tin là có tác dụng như lá bùa bảo vệ hóa giải những điều xấu xa.

Vật cưỡi của thần Shiva là Thần Ngưu Nadin.

Các phần trước:

Phần một: Ấn Độ giáo - Nguồn gốc và tên gọi