Thẩm phán Clarence Thomas từng tự nhận ông hay thích lui tới những nơi bình dân như bãi đỗ xe hay siêu thị Walmart. Đầu Tháng Tư năm nay, tờ Washington Post khui ra chuyện ông đã tham gia nhiều chuyến nghỉ dưỡng xa xỉ trên du thuyền và chuyên cơ sang trọng, cũng như nhận các khoản trao tặng giá trị khác - tất cả đều được đài thọ bởi một tỉ phú thân hữu dày dặn kinh nghiệm chính trị.
(Bài viết từ ngày 31 tháng 05 năm 2023)

Clarence Thomas là ai?

Tháng 7 năm 1991, Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là George H. W. Bush đã đề cử Clarence Thomas, một thẩm phán 43 tuổi với chỉ hơn một năm kinh nghiệm tại tòa phúc thẩm liên bang cho chiếc ghế trống trong Tòa án Tối cao. Thomas được đề cử để thay thế Thẩm phán Thurgood Marshall, người gốc Phi đầu tiên được bầu vào Tối cao Pháp viện và là một nhà đấu tranh nhân quyền được yêu mến. Dù cũng là người da màu, đề cử của Thomas vấp phải rất nhiều sự phản đối.
Trước khi đặt chân vào cơ quan tư pháp quyền lực nhất Hoa Kỳ, Clarence Thomas đã phải trải qua một cuộc điều tra về các cáo buộc tấn công tình dục hướng về ông từ người đồng nghiệp cũ Anita Hill, những cuộc biểu tình phản đối từ các nhà hoạt động nữ quyền và nhân quyền cho rằng một thẩm phán với tư tưởng cực hữu như ông sẽ phá hoại di sản của vị thẩm phán vừa về hưu trước đó, kéo theo đó là một cuộc điều trần khốc liệt trước Thượng viện. Thomas cuối cùng vẫn lách qua khe cửa hẹp với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống để trở thành người gốc Phi thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ đảm nhận vị trí này.
Hơn ba thập kỉ ở Tòa án Tối cao, Clarence Thomas nổi tiếng là một vị thẩm phán với tư tưởng bảo thủ, đề cao tín ngưỡng, luôn mang ‘giao diện’ không thân thiện, và đặc biệt kiệm lời trong những phiên điều trần tại toà. Một trong những án lệ điển hình có dấu ấn của ông là vụ câu lạc bộ tôn giáo Good News Club kiện thành công trường Milford Central School tại New York khi không cho phép họ được hội họp trong khuôn viên trường. Thomas đã chấp bút cho phán quyết của Tòa án Tối cao kết luận rằng trường học này đã vi phạm Tu chính án thứ nhất và thứ mười bốn của Hiến pháp. Cụ thể, Tòa lập luận rằng vì chính quyền quận cho phép các hội nhóm được sử dụng cơ sở vật chất của các trường công lập với mục đích phát triển nhân cách hay đạo đức, trường học không được từ chối các nhóm hoạt động tôn giáo vì họ cũng góp phần giáo dục trẻ em qua hình tượng của Chúa Jesus.
Sự chú ý của công chúng vào Thomas còn đến từ chính người vợ của ông, bà Ginni Thomas, một nữ luật sư da trắng từ Nebraska, một nhà hoạt động bảo thủ lâu năm, và là một người ủng hộ nhiệt thành của cựu tổng thống Donald Trump. Bà Ginni từ lâu đã bị đặt dấu hỏi khi cũng làm việc trong lĩnh vực tư pháp và tham gia vận động chính trị cho nhiều chính sách của Đảng Cộng Hòa trong khi có chồng đang ngồi trong Tòa án Tối cao. Dù vậy, vợ chồng Thẩm phán Thomas luôn phủ nhận việc 'công tư bất phân', và rằng hai vợ chồng không bao giờ chia sẻ thông tin về công việc với nhau.
Chân dung Thẩm phán Clarence Thomas theo phong cách pop art
Chân dung Thẩm phán Clarence Thomas theo phong cách pop art
Những chỉ trích vào họ bắt đầu tăng sau khi nhiều chứng cứ cho thấy bà Ginni có liên quan đến âm mưu thay đổi kết quả cuộc bầu cử năm 2020 của ông Trump. Bà cũng xuất hiện trong buổi biểu tình sáng ngày 06 tháng 01 năm 2021 mà sau đó đã leo thang thành cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol gây sốc cho toàn nước Mỹ. Ginni Thomas đã phải điều trần trước Quốc hội về sự tham gia của mình trong những sự kiện này.
Cuối Tháng 6 năm 2022, án lệ Roe vs. Wade bị đảo ngược bởi Tòa án Tối cao. Sau gần 50 năm, việc phá thai của phụ nữ không còn được công nhận là một quyền được bảo vệ bởi Hiến pháp mà thay vào đó, sẽ được quy định bởi luật của từng tiểu bang. Người Mỹ ở các đô thị lớn tràn xuống đường để biểu tình phản đối kết quả và thể hiện sự tức giận lên Tối cao Pháp viện, trong khi nhiều người dân ở các cộng đồng có truyền thống bảo thủ và các nhà hoạt động cánh hữu lại ca ngợi phán quyết. Dễ hiểu, Clarence Thomas là một trong những thẩm phán bảo thủ đứng sau quyết định chấn động này.
Ông lập luận rằng những quyền dân sự cấp tiến như quyền phá thai, quyền của người đồng tính hay quyền kiểm soát sinh sản (ngừa thai) đều là những quyền không có tính truyền thống và không nên được diễn giải mở rộng từ ngữ cảnh của Hiến pháp. Các án lệ xung quanh những vấn đề này do đó cũng cần được xét lại. Thomas còn phát biểu rằng người dân Mỹ nên “học cách sống chung với những kết quả mà mình không đồng tình” ("live with outcomes we don't agree with"). Phát biểu của ông bị nhiều người chỉ trích dữ dội và công kích rằng Thẩm phán Thomas nên về khuyên bảo câu này với vợ mình thì hơn.

Bùng nổ chỉ trích

Công bằng mà nói, Clarence Thomas không phải là vị thẩm phán duy nhất vướng vào những bê bối liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Nhiều cáo buộc cũng từng được đưa ra với Thẩm phán cấp tiến Sonia Sotomayor cũng như Thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch, khi họ không chủ động hồi tỵ (rút lui không tham gia) trong những vụ kiện về bản quyền liên quan đến Nhà xuất bản Penguin Random House – đơn vị đã từng kí hợp đồng xuất bản sách và chi trả rất nhiều tiền bán sách cho cả hai. Penguin Random House đã thắng kiện ở tòa liên bang cấp dưới và những bản kháng cáo lên Tòa tối cao đều không được chấp nhận.
Tuy nhiên, quả bom tấn truyền thông ở Tòa án Tối cao chỉ thực sự bùng nổ vào năm nay với nhân vật chính, dĩ nhiên, vẫn là Clarence Thomas. Đầu Tháng Tư, tờ Washington Post đi một loạt bài công bố nhiều bằng chứng điều tra cho thấy Thẩm phán Thomas cùng các thành viên khác trong gia đình mình, trong nhiều năm liên tiếp, đã nhận không ít khoản trao tặng có giá trị từ Harlan Crow, một nhà tài phiệt nổi tiếng thân hữu và cũng là một nhà bảo trợ có tiếng của Đảng Cộng Hòa.
Theo điều tra của nhà báo, ông Clarence Thomas đã tham gia vào nhiều chuyến đi nghỉ dưỡng bằng chuyên cơ và du thuyền cá nhân của tỉ phú. Cháu trai của ông cũng được vị tỉ phú tài trợ học phí trường tư trong hai năm với tiền học ước tính lên đến $6.000 mỗi tháng. Gia đình của Thẩm phán Thomas cũng đã bán một bất động sản ở quê nhà Georgia cho Crow, và tỉ phú này từng chia sẻ ý định xây dựng một bảo tàng tư nhân để tôn vinh chính Thẩm phán Thomas tại ngôi nhà của ông. Mẹ của ông Thomas vẫn còn đang sống tại căn nhà này (dù đã được bán) ở thời điểm bài báo tung ra.
Tất cả những khoản trao tặng và giao dịch trên đều không được khai báo với chính quyền liên bang, đi ngược lại với nguyên tắc minh bạch về tài chính và khoản trao tặng dành cho mọi thẩm phán ở Hoa Kỳ. Mỉa mai hơn, trong một bài phỏng vấn trước đây, Thẩm phán Clarence Thomas từng tự nhận ông hay thích lui tới những nơi bình dân như bãi đỗ xe hay siêu thị Walmart, một thói quen giản dị mà ông có được từ thời hàn vi của mình. Thomas giải thích rằng ông và Harlan Crow là bạn bè thân thiết coi nhau như thành viên gia đình, và do đó những khoản trao tặng này không thuộc phạm vi cần phải khai báo.
Biếm họa về bê bối của Thẩm phán Thomas trên tờ&nbsp;<a href="https://www.seattletimes.com/opinion/justice-clarence-thomas-champagne-wishes-and-caviar-dreams/">The Seatle Times</a>
Biếm họa về bê bối của Thẩm phán Thomas trên tờ The Seatle Times
Lần cuối cùng vấn đề liêm chính của Tòa án Tối cao trở thành tâm điểm của dư luận Hoa Kỳ là vào năm 1969. Khi đó, Thẩm phán Abe Fortas đã phải từ chức sau khi bị phát hiện đã nhận nhiều khoản thu nhập ngoài luồng từ một người bạn làm trong ngành tài chính ở Phố Wall. Sau hơn nửa thế kỉ, nước Mỹ tiếp tục nhận ra một trong ba cơ quan quyền lực nhất của ‘tam quyền phân lập’ vẫn không hề có một công cụ hiệu quả nào để giám sát các thẩm phán của mình - những người có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng cho mọi vấn đề pháp lý trên lãnh thổ Mỹ và đều phục vụ theo nhiệm kì trọn đời cho đến khi mất hoặc tự nguyện về hưu.
Các nghị sĩ Dân Chủ dĩ nhiên kịch liệt lên án Thomas. Họ kêu gọi điều tra tài chính của ông và gia đình cũng như tăng cường các quy định về đạo đức nghề nghiệp cho các thẩm phán của Tòa án Tối cao. Thượng nghị sĩ Dick Durbin từ bang Illinois thậm chí còn gửi thư mời Chánh án Roberts của Tối cao Pháp viện đến tham gia một buổi điều trần tại Quốc hội về các vấn đề về liêm chính và cải tổ hệ thống các nguyên tắc về thực hành đạo đức của Tòa.
Ngược lại, phía Đảng Cộng Hòa lại đứng ra bảo vệ cho Thẩm phán Clarence Thomas hệt như cách mà họ vẫn luôn bảo vệ cựu tổng thống Trump. Họ chỉ trích ngược lại phe Dân Chủ, cho rằng vụ việc đang bị chính trị hóa với mục tiêu thay đổi cơ cấu của Tối cao Pháp viện vốn đang có “tỉ số” là 6-3 nghiêng về nhóm bảo thủ. Ba người trong số chín thẩm phán hiện tại ở Tòa án Tối cao còn được đề cử bởi chính Donald Trump. Các chính trị gia Cộng Hòa cho rằng Đảng Dân Chủ đang nỗ lực tấn công cá nhân và phế truất Clarence Thomas chỉ nhằm đưa một thẩm phán khác có thiên hướng cấp tiến hơn vào Tòa.

Phản ứng của Tòa

Trước nhiều chỉ trích của dư luận, bản thân Tòa án Tối cao cũng có những phản hồi hết sức cẩn trọng. Cả chín thẩm phán của Tòa đã cùng ra một văn bản phúc đáp thư mời điều trần từ Thượng nghị sĩ Durbin. Văn bản không trực tiếp đề cập đến những bê bối xung quanh Thẩm phán Thomas, và thừa nhận tầm quan trọng của những quy định về các khoản trao tặng dành cho các thẩm phán của Tòa.
Một phụ lục đính kèm văn bản này cũng trích dẫn quy định của liên bang về việc cấm các thẩm phán “nhận hiện vật có giá trị từ người khác”, cụ thể là từ những ai có liên quan đến các vụ kiện sắp được đưa ra xét xử hoặc những người mà “lợi ích của họ sẽ bị ảnh hưởng nhất định bởi việc thi hành hoặc không thi hành nghĩa vụ” của thẩm phán. Đính kèm văn bản còn có “Tuyên bố về các nguyên tắc và thực hành đạo đức”, trong đó lập luận rằng các thẩm phán của Tòa án Tối cao thực hành đạo đức trên tinh thần tự nguyện và áp dụng cùng nguyên tắc và tiêu chuẩn so với các thẩm phán cấp liên bang. Dù vậy, việc áp dụng những nguyên tắc này có thể khác đi do tính chất đặc biệt của Tối cao Pháp viện được quy định bởi Hiến pháp.
…Các Thẩm phán phải tuân theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn chung giống như các thẩm phán liên bang khác theo luật định, nhưng việc áp dụng các nguyên tắc đó có thể khác nhau do tính chất đặc thù của Tòa án.
Trích văn bản phúc đáp của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trước những chất vấn dành cho mình
Chánh án Roberts cũng từ chối việc tham gia vào phiên điều trần tại Thượng viện, dẫn lý do rằng những lần Chánh án Tòa án Tối cao bị chất vấn bởi Thượng viện đều là các sự kiện hi hữu trong lịch sử và không phù hợp với nguyên tắc “phân lập” giữa hai nhánh Lập pháp (Quốc hội) và Tư pháp (Tòa án).Vậy là trước dư luận Mỹ, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã không thể, hoặc không sẵn lòng, giải thích thỏa đáng cho những cáo buộc liên quan đến Thẩm phán Clarence Thomas.
Những động thái bị nhiều người cho là “giả điếc” trên đã tiếp tục châm dầu cho cuộc khủng hoảng niềm tin của người Mỹ vào Tòa án Tối cao. Một cuộc khảo sát thường niên và uy tín vào cuối năm 2022 của Đại học Chicago cho thấy chỉ 18% người Mỹ còn tin tưởng mạnh mẽ vào Tối cao Pháp viện (sụt mạnh so với 26% của năm 2021), còn 36% thể hiện sự không tin tưởng của mình với Tòa (tăng đột biến so với 21% của năm trước đó). Con số này có thể sẽ còn tiêu cực hơn trong năm nay.

Ai quản được Tối cao Pháp viện?

Ý tưởng về việc một thẩm phán của Tòa án Tối cao vẫn được cho là trong sạch sau khi đã nhận nhiều lợi ích về vật chất từ một tỉ phú nổi tiếng tích cực trong chính trị (chỉ cần ông tỉ phú ấy chưa từng tham gia kiện tụng gì trước Tòa án Tối cao) thật sự rất khó hiểu cho một nền tư pháp vốn được cho là mẫu mực như của Hoa Kỳ. Những sự việc xấu xí vừa qua dường như đã chỉ ra một lỗi hệ thống nghiêm trọng trong “tam quyền phân lập” tại Mỹ: Trong khi hai nhánh Lập pháp (Quốc hội) và Hành pháp (Nhà Trắng) lại không ngừng va vào nhau choang choảng, thì Tòa án Tối cao - cơ quan quan trọng nhất trong nhánh Tư pháp - gần như đang có đặc quyền “tự giám sát” chính mình.
Việc các cơ quan hành pháp và lập pháp không được can thiệp vào quy trình tố tụng và xét xử của cơ quan tư pháp là một nguyên tắc tối quan trọng của bất kì nền dân chủ nào. Tuy nhiên, quy định về thực hành đạo đức của nhân sự trong mỗi cơ quan vẫn cần có sự giám sát chéo và áp dụng những chế tài. Chưa kể đến là với tình trạng chia rẽ đảng phái trầm trọng như hiện nay tại Mỹ, bất kì dự luật nào tác động đến nhân sự và cơ cấu của Tòa án Tối cao sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận hoặc thông qua bởi Quốc hội, các biện pháp trừng phạt có tính răn đe hiệu quả như phế truất một thẩm phán lại càng khó có cửa nhận được đủ phiếu bầu để thông qua. Việc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ mất đi tính trung lập về chính trị đang là một nguy cơ hiện hữu.
Một lời giải được đề xuất cho bài toán pháp lý rối rắm này là thành lập một đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp nhằm theo dõi những thực hành của các Thẩm phán Tòa án Tối cao. Đơn vị này nên được thành lập với các thành viên có thẩm quyền và uy tín cao, chẳng hạn như các cựu thẩm phán của chính Tòa án Tối cao đã về hưu, và có chức năng đưa ra nhận định rằng hành vi nào là phù hợp hay không phù hợp với các tiêu chuẩn về đạo đức và liêm chính dành cho một thẩm phán. Tuy nhiên, một đơn vị như vậy cũng chỉ có thể đưa ra ý kiến và khuyến nghị để các thẩm phán tự điều chỉnh hành vi hoặc chủ động từ chức trong trường hợp vi phạm, chứ không thể đưa ra những phán quyết ràng buộc pháp lý, vì điều đó sẽ lại mâu thuẫn với vị trí “tối cao” của Tối cao Pháp viện.
Người duy nhất có thể quản được Tòa án tối cao, suy cho cùng, vẫn chỉ có thể là chính những vị thẩm phán của Tòa – những người có đầy đủ năng lực trí tuệ, thừa kiến thức pháp lý, và cả một nhiệm kì trọn đời để tìm ra giải pháp nhằm cứu lấy uy tín của cơ quan đại diện cho công lý trên toàn lãnh thổ Mỹ – miễn là họ thực sự muốn.