Việc đeo đuổi sự xuất sắc đã và đang xâm chiếm và tha hóa thế giới của sự nhàn rỗi.

Tôi đã khá ngạc nhiên khi có quá nhiều người nói với mình rằng họ không có một sở thích nào cả. Điều này nghe có vẻ nhỏ nhặt, nhưng – trong một góc độ nghe có phần vĩ mô – tôi coi đấy là một dấu hiệu cho sự suy tàn của nền văn minh. Ý tưởng về sự nhàn rỗi, suy cho cùng, cũng là một thành tích khó đạt được; nó giả định rằng chúng ta đã vượt qua hết tất cả những đòi hỏi vũ phu của sự sống. Dù vậy nhưng tại đây nước Mỹ này, quốc gia giàu có nhất từng có trong lịch sử, chúng ta dường như đã quên đi tầm quan trọng của việc làm một việc gì đó đơn giản vì thích nó.
Vâng, tôi biết: chúng ta đều rất rất bận rộn. Kẹt cứng giữa công việc, gia đình rồi những nhu cầu và nghĩa vụ xã hội thì đào đâu ra thời gian được cơ chứ?
Nhưng vẫn còn một lý do thẳm sâu trong đó, tôi thầm nghĩ, rằng nhiều người không có sở thích vì: Chúng ta sợ mình sẽ tệ trong sở thích đó. Hoặc đúng hơn là, chúng ta đang sợ hãi trước sự kỳ vọng – bản thân nó cũng chính là một biểu hiện rõ ràng cho thời đại quay cuồng công khai phô diễn này – rằng ta thực sự phải tài hoa trong những việc ta làm mỗi khi rảnh rỗi. “Sở thích” của chúng ta, không biết nó có còn là từ đúng cho điều đó nữa hay không, đã trở nên quá nghiêm túc, quá đòi hỏi, một cơ hội quá đỗi để tự dằn vặt bản thân rằng mình đã thực sự trở thành con người mình hằng mong muốn hay chưa.

Nếu bạn là người ưa thích đi bộ, việc đi vài vòng quanh khu phố trở nên không còn đủ nữa; bạn đang luyện tập cho cuộc marathon tiếp theo. Nếu bạn là họa sĩ, bạn không còn những buổi chiều yên ả, với chỉ bạn, màu nước và những bông hoa súng nữa; bạn đang cố gắng mở một cuộc triển lãm hay tối thiểu là gặt hái một lượng kha khá những người theo dõi trên mạng xã hội. Khi danh tính con người ta bị gắn chặt với thú vui của họ – người tập yoga, người lướt ván, người leo núi – thì người ta sẽ phải giỏi nó, hoặc chẳng ai biết đến họ là ai!
Điều mất đi ở đây là sự truy cầu nhẹ nhàng một năng lực khiêm tốn, làm một điều gì đó vì bạn thích nó, chứ không phải vì bạn giỏi nó. Sở thích, để tôi nhắc lại cho bạn nhé, nên là một điều gì đó khác với công việc. Nhưng những giá trị ngoại lai giống như “đeo đuổi sự xuất sắc” đã leo lỏi và tha hóa những gì đã từng là vương quốc của sự nhàn rỗi, chỉ để lại rất ít khoảng trống cho những kẻ nghiệp dư chân chính. Giờ đây, dân số nước ta dường như bị xẻ làm đôi giữa một bên là những nhà sở thích (hobbyist) bán chuyên (một số được tôn vinh như những vận động viên Olympic) và những kẻ lùi sâu vào sau bức màn giải trí thụ động như một dấu hiệu đặc trưng cho kỷ nguyên công nghệ chúng ta.


Tôi không phủ nhận rằng bạn có thể nhận ra vô vàn ý nghĩa trong việc đeo đuổi một hoạt động tới cấp độ cao nhất. Tôi sẽ không bao giờ ganh ghét bất kỳ ai công hiến trọn đời mình cho đam mê hoặc thiên bẩm. Có rất nhiều trải nghiệm sâu sắc trên con đường trở thành một bậc thầy. Nhưng cũng có một niềm vui thực sự và thuần khiết, một niềm hân hoan ngọt ngào trẻ thơ trong việc chỉ đơn giản là học và nỗ lực để tốt lên từng ngày. Nhìn lại mà xem, bạn sẽ thấy những năm tháng tuyệt vời nhất của việc, giả như, lặn biển hay khắc gỗ là thời gian bạn tiêu tốn cho đường cong học tập (learning curve), thời điểm niềm vui sướng nằm trọn trong hành động của bạn.
Theo một cách mà ta hiếm khi để ý tới thì nhu cầu về sự xuất sắc đang gây chiến cùng với thứ mà ta gọi là tự do. Bởi cho phép bản thân chỉ làm những gì mình giỏi giống như bị mắc kẹt trong chiếc cũi với những chấn song không phải sắt thép mà chính là sự tự phán xét của chúng ta. Đặc biệt khi nói tới những hoạt động đeo đuổi mang tính thể chất, giống như bao đeo đuổi khác, hầu hết chúng ta sẽ chỉ thực sự xuất sắc nếu ta bắt đầu ở tuổi thiếu niên. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quyết định ở độ tuổi 40, như tôi giờ đây, rằng bạn muốn học lướt ván? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quyết định học tiếng Italy ở tuổi 60? Kỳ vọng xuất sắc có thể trở nên kệch cỡm.
Tự do và bình đẳng được cho là sẽ giúp chúng ta tìm đến hạnh phúc. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta chỉ khư khư bảo vệ phần thân mà quên đi điểm cuối. Một nền dân chủ, khi nó hoạt động một cách chính xác, cho phép đàn ông và phụ nữ phát triển thành những người tự do; nhưng chúng ta dưới tư cách cá nhân hoàn toàn có quyền dùng nó để kiếm tìm niềm vui, mục đích và sự mãn nguyện.
À, ừ…đừng để những lời sau đây nghe đáng ngờ giống như một lời van vỉ con người ta hãy làm việc ít hơn. Mặc dù tôi muốn đưa ra một ý kiến có phần vĩ mô hơn: Hứa hẹn của nền văn minh, mục đích của tất cả lao động và tiến bộ công nghệ, là giải phóng chúng ta khỏi nỗi thống khổ sinh tồn và tạo dựng không gian cho những đeo đuổi cao tầng hơn nữa. Nhưng đòi hỏi sự xuất sắc là tất cả những gì ta có thể làm để xói mòn điều đó; nó có thể đe dọa hoặc thậm chí hủy hoại sự tự do. Nó đã cướp đi khỏi chúng ta phần thưởng tuyệt vời nhất của sự sống – niềm vui đơn thuần khi làm một việc gì đó bạn thuần túy, thực sự tận hưởng nó.


P/s: Mình chỉ muốn dùng bài này để giới thiệu thú vui lắp, tô, chơi miniature và đọc lore thôi :3