Leon Quang Lê ở phim trường Song Lang
Khoảng ba năm trước, sau khi đọc truyện Chùa Đàn (1946) của nhà văn Nguyễn Tuân, tôi ngay lập tức muốn chuyển thể nó thành phim điện ảnh. Dù đạo diễn Việt Linh đã từng dựng thành phim Mê thảo thời vang bóng (2002), tôi vẫn thấy nó thiếu hơi thở của thời đại mới, thiếu cái mỹ miều để có thể thu hút khán giả trẻ.
"Cần phải làm một bộ phim mới cho Chùa Đàn", tôi nghĩ vậy. Vừa có yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc (hát ả đào), vừa có yếu tố fantasy, lại vừa mang một thông điệp nhân văn về tình người... chẳng phải nhiêu đó đã đủ cho một đề cương kịch bản để làm phim? Thế là tôi bắt tay vào chuyển thể. 
Một ngày nọ, Vũ, bạn tôi biết được những việc tôi đang làm liền bảo tôi bị ảo tưởng. Anh nói: "Kịch bản thì hay đó, nhưng không có nhà sản xuất nào chịu làm đâu". Tôi cự cãi: "Chỉ cần nó đẹp: diễn viên đẹp, kỹ xảo đẹp thì mọi thứ đều được ngay". Thấy tôi cố chấp, Vũ chỉ lắc đầu. 
Mãi đến sau này tôi mới thấy Vũ đúng. Nhất là gần đây, khi chứng kiến bộ phim Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê ra rạp và thất bại thảm hại về doanh thu, tôi lại càng thấy mình đã sai.

Làm phim cho ai xem?

Ý tưởng của Song Lang gần như tương tự với dự án phim mà tôi ấp ủ. Cũng yếu tố văn hóa truyền thống (cải lương). Cũng phục dựng thời cũ. Cũng mỹ miều, đẹp đẽ từ cảnh quay cho đến diễn viên. 
Nó khác ở chỗ, có nhà sản xuất chịu bỏ tiền ra và có hẳn một ê-kíp đầy tâm huyết, trẻ, khỏe cùng làm. 
Tạo hình nhân vật trong phim.
Cách đây 10 ngày, lúc nó vừa công chiếu, từ các đạo diễn phim, nghệ sĩ, nhà báo cho đến những khán giả xem đầu tiên đều không ngớt lời khen ngợi. Có người cho rằng đây là một trong những phim Việt chiếu rạp xuất sắc nhất trong 20 năm trở lại đây. Có người còn nói phim này đủ cốt cách để đại diện cho nước nhà dự thi Oscar hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Nhưng trái ngược với những lời khen có cánh đó, các đơn vị phát hành lại chẳng ưu ái gì cho phim này, chỉ cho số lượng suất chiếu có hạn vào những giờ không thuận lợi. 
Số người xem mỗi suất thường cũng không quá 10. Rất nhiều rạp đã phải gỡ lịch chiếu của phim. 
Những người làm phim không ai là không hiểu chuyện này: luôn có một sự đối lập to lớn giữa lý tưởng của giới hàn lâm và thị hiếu của đại chúng. Và trong quy trình sản xuất phim thì nó được thể hiện rõ nhất ở mâu thuẫn giữa nhà sản xuất và đạo diễn.
Đạo diễn nói riêng và những nhân sự làm về creative nói chung trong đoàn thì luôn muốn phim phải đạt đỉnh cao về nghệ thuật. Nhưng họ không phải là người chi tiền. Producer mới chi tiền, và chỉ chi tiền khi xác định là có lợi nhuận. Trong mắt producer, phim buộc phải chiều đại chúng thì mới dễ bán vé, còn nhắm không sinh lời thì không làm. 
Vậy nên cái khó của làm phim nghệ thuật ở Việt Nam không phải là không làm nổi, mà là không có kinh phí để làm. Vì chung quy lại đại chúng vẫn thích phim tình cảm hài hơn là phim nghệ thuật chỉ dành cho một nhóm khán giả thiểu số. Mà đại chúng thích thì nhà sản xuất cũng thích. 
Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp chắc là phim độc lập thành công nhất về mặt thương mại.
Cứ thế, người làm phim có tâm huyết thì cứ làm phim độc lập rồi đi gửi dự thi giải thưởng quốc tế gì đấy, hoặc chiếu rạp Arthouse. Còn thị trường phim rạp thì phải để cho phim hài, kinh dị, hành động... 
Nhà sản xuất, nhà phát hành, lẫn đại chúng không cần quan tâm lý tưởng nghệ thuật của bọn làm phim độc lập mà làm gì. Vì ít khi nào mà đường thẳng song song ấy gặp nhau lắm. 
Chung quy lại, làm phim, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, là sự bộc lộ cái tôi của người tạo tác. Và như vậy thì bản thân người làm phim độc lập nếu muốn thành công thì phải tìm được điểm dung hòa. Vì tác phẩm làm ra không phải chỉ để cho mình thỏa mãn ước mơ, mà còn là để cho người ta được thỏa mãn cái sự giải trí của mình nữa.
Những cái mình tưởng là tốt nhất, đúng nhất và hay nhất chưa chắc người khác cũng thấy vậy. Làm phim là một sự tự uốn nắn chính mình để làm sao cho gặp được khán giả của mình, không có meet me halfway đâu.

Song Lang: ước mơ của Leon Quang Lê, canh bạc "hẻo" của Ngô Thanh Vân

Song Lang là cái ước mơ của Leon Quang Lê. Anh ta từng chia sẻ mình ấp ủ 5 năm trời, tìm đầu tư từ hơn 2 năm trước, bắt đầu bấm máy vào tháng 8 năm ngoái và đến năm nay mới ra mắt công chúng. 
Leon vốn mê điện ảnh, mê cải lương và nhất là có một câu chuyện đời cần kể. Những thứ đó anh dồn vào kịch bản Song Lang, viết chung với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. 
Anh quen nhiều người thuộc bộ môn cải lương và cả điện ảnh (từng tham gia nhóm Cinema Pictures của Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn). Nhiều người trong crew sản xuất Song Lang rất có thể do anh đề cử, như DOP Bob Nguyễn chẳng hạn. 
Đạo diễn Leon (giữa) và hai diễn viên Isaac (phải), Liên Bỉnh Phát (trái)
Tôi nghĩ anh còn đưa những cái element của riêng mình vào rất nhiều thứ trong khâu dựng phim, set design, color grading, film score (anh này đồng soạn giả với Hoàng Song Việt viết lại chi tiết vở Trọng Thủy - Mỵ Châu trong phim). 
Một thứ ước mơ như vậy có nhiều người làm phim độc lập có. Nhưng hiếm có ai sản xuất phim cho họ lắm. Vậy mới nói, Ngô Thanh Vân chấp nhận kịch bản của Leon thì không những cũng phải có tâm lắm với mấy yếu tố thuần Việt mà tình bằng hữu cũng dữ dội lắm chứ không vừa mới quăng mấy tỷ ra biến ước mơ của một người thành sự thực. 
Nhân vật Linh Phụng (Isaac thủ vai) trong một phân cảnh.
Làm phim thời hiện tại thì ít tốn kém, chứ phục dựng bối cảnh những năm 80-90 thì tiền bay rất nhanh. Khi đi xem, tôi có để ý người ta đã phải làm nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề kinh phí lắm: cách xếp 100 khán giả sao cho kín rạp, khi quay né cảnh toàn, aspect ratio 3:2 (dù DOP giải thích đây là để thể hiện tinh thần "tiểu tự sự" của phim, chứ không phải một đại tự sự, nhưng tôi vẫn thấy chủ yếu là để che bớt những yếu tố không mong muốn có trong khung hình)... nhưng chi phí cho production design e là không hề nhỏ (tổ mỹ thuật chắc thăng hoa, còn producer thì chỉ có khóc ngất). Đó là chưa kể đến chi phí truyền thông. 
Sau 10 ngày chiếu cũng thấy phim "rụng nụ" cỡ nào rồi. Lần lượt bị cắt suất chiếu do không đủ người xem. Lúc này, chắc cả đội ngũ đang tính đường gửi phim đi dự thi giải thưởng quốc tế và công chiếu ngoài nước. 
Ước mơ của đạo diễn được producer chắp cánh. Nhưng rồi thì nó cũng phải trả giá. Ai bảo ước mơ thì không bị đóng thuế? Quá có là đằng khác. Nghĩ mà buồn.

Kết

Tôi muốn viết một bài dài hơi để phân tích về phim Song Lang, nhưng chắc để sau khi phim chiếu xong để không bị mang tiếng spoiler
Bài viết này có thể hơi lan man, nhưng tôi muốn chốt lại 2 ý thế này:
Nhiều anh chị cứ hay chê phim Việt. Nhưng các anh chị nên hiểu cho rằng không phải người ta không đủ năng lực làm, hay không muốn làm, mà vì không đủ tiền để làm. Các anh chị cứ "ngồi buồn cởi cúc xem chim/ còn hơn vào rạp xem phim nước nhà" thì phim Việt vài năm nữa quanh đi quẩn lại cũng chỉ là remake, hài nhảm hay kinh dị rẻ tiền thôi.
Mọi người nên đi xem thử phim này để thấy được phim Việt có thể làm được đẹp và hay thế nào (tuy với cá nhân tôi, so sánh với những phim mà Song Lang hay được so sánh như In the mood for love hoặc Farewell my concubine thì còn kém nhiều). Xem cũng là để ủng hộ, để những nhà sản xuất sau đó còn mạnh dạn đầu tư vô dòng phim này nữa. 
Trên đây chỉ là tâm nguyện thật lòng của một đứa yêu điện ảnh. Mong không bị mọi người xem là bài PR trá hình nhe.

Chào mọi người, mình là Chu Tước (họ Chu, tên Tước, biệt danh Chim Sẻ Đỏ). Mình thích làm phim và chia sẻ về việc làm phim. Mong các bài viết của mình sẽ được mọi người đón nhận.