Nếu là báo lá cải thì sẽ giật tít thế hoặc có thể nhiều người cũng sẽ nghĩ thế. Nhưng đây không phải là một bài viết cổ xuý trào lưu “bỏ việc theo đuổi đam mê” mù quáng, nên hy vọng mọi người đủ kiên nhẫn đọc tiếp câu chuyện của mình.

Câu chuyện này bắt đầu vào cuối năm 2018, khi đó mình quyết định sẽ theo đuổi đời sống yoga và trở thành HLV Yoga. Từ đó đến nay là gần 2 năm, mình vẫn vừa tiếp tục công việc Art Director vừa âm thầm theo đuổi kế hoạch (cũng không âm thầm lắm, mình hô cho cả làng biết :)) Đến bây giờ có thể coi như hoàn thành kế hoạch giai đoạn một. Hiện tại mình đang là HLV Yoga tại Shanti Yoga Vietnam. Kể như vậy để thấy, sự chuyển đổi này của mình không phải do một phút nông nổi mà đã trải qua một quá trình chuẩn bị cẩn thận từ khi ra quyết định đến khi thực sự hành động.
Lý do đằng sau sự chuyển đổi đó là gì? Có hai mục tiêu.
.
MỤC TIÊU THỨ NHẤT: SỐNG ĐỜI SỐNG YOGA ĐỂ CÓ THỂ TIẾP TỤC LÀM CÔNG VIỆC SÁNG TẠO. (P.1)
7 năm làm Graphic Designer ở Hà Nội, 3 năm làm Art Director ở Sài Gòn, mình tự hào về hành trình 10 năm làm nghề với đủ mọi thăng trầm này. Ngày hôm nay mình tự thấy mình đã đứng được trên đỉnh của ngọn núi sự nghiệp (đây là ngọn núi của riêng mình, giới hạn mình đặt ra cho bản thân chứ ko phải là so sánh với ai hay trong ngành nghề nào). Mình chiến thắng một cuộc thi lớn trong ngành, được đóng góp cho những dự án quy mô, ý nghĩa; Mình định hình được phong cách sáng tạo cá nhân, có nhiều trải nghiệm, có một mức thu nhập cao và có nhiều mối quan hệ quý giá. Đó là những giá trị không thể phủ nhận. Nhưng cái giá phải trả để có được những điều đó lại là sức khoẻ tinh thần và thể chất của mình.
.
Suốt 10 năm làm việc cho nhiều agency, mình nhận ra mỗi nơi có một quy mô, quy trình làm việc khác nhau, nhưng có một điểm chung không bao giờ thay đổi. Đó là áp lực công việc cao (sau này nhìn rộng ra mình mới thấy ngành nghề nào cũng vậy, nhưng trong phạm vi bài viết này xin phép chỉ nói về ngành Sáng tạo). Bởi thế mà hashtag #agencylife ra đời, bởi thế mà mỗi năm một đợt lại có case study về những trường hợp làm việc lao lực, đột quỵ khi còn trẻ, mất cân bằng cuộc sống, dư luận bàn tán xôn xao đôi bữa rồi lại thôi. Những mảng tối trong ngành chẳng bao giờ được đem ra thảo luận công khai để tìm giải pháp. Hệ quả là overtime all the time đến mức không có thời gian dành cho bản thân hoặc là work hard, play harder, party thâu đêm chìm đắm trong chất gây nghiện đến sáng lại đi làm tiếp, là những cái tặc lưỡi “tính chất cái ngành nó vậy phải chịu thôi”.
Với cá nhân mình, mình coi "tính chất ngành" là đặc thù mang tính hệ thống mà ở vị thế của một người đi làm thuê, mình không thể làm gì để thay đổi ngoài việc học cách sống chung với nó. Mình vẫn mong trong tương lai, những người ở vị trí quản lý, lãnh đạo, có tiếng nói hơn, có khả năng thay đổi hơn, sẽ công khai thảo luận về vấn đề này. Một campaign "Healthy & Balance" chẳng hạn. Dù sao thì bức xúc không làm ta vô can, nếu bức xúc (về hệ thống) của mình không tạo ra thay đổi lớn lao gì thì mình chọn cách quay về với chính mình. Mình đặt ra câu hỏi thứ nhất:
Nếu vẫn tiếp tục làm công việc này (fulltime ở agency), có cách nào để cân bằng công việc và cuộc sống không?
.
Tiếp đến, công tâm mà nói, "tính chất ngành" chỉ chiếm một phần nguyên do cho cái giá phải trả mà mình nói phía trên thôi, có những người vẫn có thể làm nghề một cách say mê, họ chấp nhận được những mặt trái, họ chấp nhận trả những cái giá đó, có thể bởi tính cách của họ, bởi bản chất mạnh mẽ hay môi trường tôi luyện, rất nhiều yếu tố. Còn về phía mình, sức khoẻ tinh thần (mental health) của mình cực kì yếu ớt. Đến bây giờ khi đã đi qua được những biến cố tâm lý và nhìn lại, mình mới hiểu là mình đã xây dựng đời sống, sự nghiệp, tình cảm của bản thân trên một nền tảng tuổi thơ nhiều tổn thương, đứt gãy. Không nhận ra sớm và chữa lành sớm nên mình đã trưởng thành một cách run rẩy, đầy nhiễu động. Giống như ta xây một căn nhà không có móng trên một nền đất lún mềm vậy.
Nền tảng tâm lý yếu ớt cộng thêm những “tính chất ngành” thì sau 10 năm, mình đã bị quật ngã, mình là một kẻ thành công bên ngoài, nhưng vụn vỡ bên trong! Mình đạt giải thưởng mà không thấy hạnh phúc, mình được lên level, deal được lương cao mà chỉ thấy bất an vì sợ không đáp ứng được kì vọng. Dần dần, căn nhà đầy những vết nứt của mình đã sụp đổ.
Ở thời điểm cuối năm 2018, mỗi ngày đi làm là một cực hình với mình. Mình bị đau đầu kinh niên, đau đại tràng, lưng cổ vai gáy của mình luôn nhức mỏi. Mỗi tối về nhà mình vật lộn đấu tranh với trầm cảm và khóc không ngừng.
Đó là lúc mình dừng lại và đặt câu hỏi thứ hai: “Cái giá phải trả này có đắt quá không?” và câu hỏi thứ ba: “Nếu không làm ở agency quảng cáo nữa thì mình sẽ làm gì?”
Và đó là lúc Vũ Trụ đem câu trả lời đến cho mình: Yoga.
Chà, bài viết dài hơn mình tưởng tượng mà mình thì chẳng muốn xoá đoạn nào, còn mọi người đọc chắc cũng mệt rồi, nên hẹn mọi người vào ngày mai với #YogaTalk 02 nhé.
Mình sẽ giải thích tại sao Yoga lại là câu trả lời cho cả 3 câu hỏi:
1. Nếu vẫn tiếp tục làm công việc này (fulltime ở agency), có cách nào để cân bằng công việc và cuộc sống không?
2. Cái giá phải trả (sức khoẻ thể chất và tinh thần) có đắt quá không?
3. Nếu không làm ở agency quảng cáo nữa thì mình sẽ làm gì?

See ya!
.

SG, 7.2020
Ly Sei / a beautiful mess.