Trái bóng vẫn xoay tròn, thảm cỏ vẫn xanh, bầu trời nước Ý vẫn màu thiên thanh diệu vợi, và đấu trường Colosseum vẫn sừng sững thách thức cùng tế nguyệt. Chỉ còn Pirlo là không còn chơi bóng nữa. Người hâm mộ biết điều ấy rồi cũng sẽ đến, lạnh lẽo như chờ đợi Tử thần tàn nhẫn, đặt lưỡi hái lên con tim ngóng về số 21 thầm lặng. Một đoạn hồi tưởng đi tìm lại, là ngày đầu tiên anh khoác lên mình màu áo Thiên thanh trong trận đấu với Azerbaijan tháng 9 năm 2002, đến cơn mưa sũng ướt Bồ Đào Nha, nụ cười trên đất Đức, nước mắt trên đất Thụy Sĩ, đau khổ ở Nam Phi, cùng hành khúc dang dở Kiev. 20 năm chinh chiến đi qua, chàng trai trẻ năm nào đã là một huyền thoại mạnh mẽ bước chân đi lên chuyến ga cuối, ở một chuyến tàu mang vẻ đẹp đầy chất thơ…
Andrea Pirlo sinh ngày 19/5/1979 ở Flero, Italy có mẹ là bà Livia Gatta và cha là Luigi Pirlo. Anh là người con trai trong gia đình 3 anh chị em gồm người anh Ivan và em gái là Silvia Pirlo. Tài năng chơi bóng thiên phú của Andrea được bộc lộ từ rất sớm. Anh chỉ muốn được chơi bóng cùng với người anh trai ở bãi biển Viareggio ở Tuscany, khu nghỉ dưỡng gia đình Pirlo thường xuyên ghé đến. Nhưng ai cũng cần một nơi đàng hoàng tử tế để luyện tập, và Pirlo đã chọn Brescia.
13 tuổi, anh có lần ra mắt đấu trường quốc tế khi cùng các đồng đội thời niên thiếu của mình: “Voluntas Brescia U15” tham gia thi đấu ở Dana Cup năm 1992. Tuy phải dừng bước ở Bán kết, nhưng Pirlo ngay lập tức cho thấy mức độ quan trọng của mình trong cách vận hành của đội bóng thiếu nhi còn quá non trẻ về kinh nghiệm, ở một độ tuổi hầu như chỉ xem bóng đá là môn thể thao rèn giũa thể lực đơn thuần.
Andrea Pirlo không nghĩ như vậy. Anh chú tâm luyện tập mọi kỹ năng để phát triển bản thân ở nơi anh cảm thấy tuyệt diệu nhất, làm điều mà anh thực sự đam mê. HLV Francoone từng dẫn dắt Bresia nhận xét về Pirlo: “Khi buổi tập kết thúc, tôi luôn phải đuổi Andrea về nhà sớm, chứ nếu không cậu ta sẽ ở đó mà chơi bóng suốt đêm …”
Cho đến khi lên đỉnh Thế giới trong màu áo Thiên Thanh năm 2006, anh vẫn rất thản nhiên. Không phải anh kiêu ngạo, hay xem thường đội tuyển Pháp, nhưng một quý ông như Pirlo là như vậy. Hãy bình tĩnh thưởng thức cuộc sống, trước khi thực sự đối đầu với giông bão bằng chính ý chí, nghị lực, và mọi khả năng tiềm tàng của bản thân. Một chàng trai lãng tử Địa Trung Hải luôn ấp ủ một quan niệm sống nghe chừng có vẻ tàn nhẫn, nhưng quả thực đó lại là một triết lý sống quyến rũ đến ngất ngây của một người đàn ông thực thụ.
“Tôi không cảm thấy áp lực… Tôi cũng chẳng muốn đề cập nhiều đến chuyện đó. Tôi đã dành cả buổi chiều ngày 9 tháng 7 tại Berlin để ngủ và chơi PlayStation. Đến tối, tôi bước ra sân và đoạt danh hiệu World Cup.”
Dù cho có mê chơi PlayStation đến thế nào đi nữa, Andrea Pirlo vẫn là một trong số ít những cầu thủ có đủ khả năng kéo dài sự nghiệp của bản thân bất chấp tuổi tác níu giữ đôi chân. Hơn hẳn nhiều đồng nghiệp, lối bóng đá hào hoa mà anh mang lại ngày càng lãng mạn, đúng với vẻ phong trần đến quyến rũ của một người đàn ông Ý điển hình.
Có vô số ví dụ về những trường hợp không thể thích nghi hay lấy lại phong độ sau một chấn thương dai dẳng. Họ không những chỉ bị ảnh hưởng về mặt thể chất. Một khi đã bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, thật khó để có thể duy trì những tiêu chuẩn khắc nghiệt mà chính họ trước đây từng tuân thủ nghiêm ngặt để giữ vững sự đẳng cấp.
Wayne Rooney có vẻ là cái tên mới nhất cố gắng tái tạo chính mình ở một vị trí mới, trong một màu áo mới. Nhưng liệu anh có thể tạo được ảnh hưởng giữa hàng tiền vệ như từng luôn có những bước chạy dũng mãnh thời còn trai trẻ? Đến giờ, câu hỏi đó gần như đã được giải đáp sau những màn trình diễn có phần mờ nhạt của cựu tuyển thủ Anh. Vấn đề cốt yếu đang nằm ở việc, nếu cứ thi đấu ngày càng chậm chạp và thiếu đi sức mạnh vốn có, việc Rooney bị đào thải khỏi một tập thể DC United năng nổ chỉ là vấn đề thời gian.
Có lẽ một phần bởi Pirlo chưa từng cho thấy anh là một cầu thủ hoạt động năng nổ nhất trên sân, bên cạnh việc khả năng thích ứng của Pirlo luôn tạo nên những tranh cãi khi nhắc về sự nghiệp lẫy lừng của anh. Nhưng từ khi tự biến mình trở thành biểu tượng của sự cool ngầu năm 2012, Pirlo đã luôn tái tạo bản thân trên sân cỏ, để cho đến khi giải nghệ, anh là một trong số ít những cầu thủ có thể thích nghi tốt bất chấp ảnh hưởng của tuổi tác. Tất cả những điều ấy đều đáng quý hơn việc chỉ biết hùng hục chạy đầu trận để thể lực cứ thế suy giảm vào những phút cuối cùng.
Sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của Pirlo bắt đầu trong màu áo CLB quê nhà Brescia. Giai đoạn đầu, anh chủ yếu thi đấu ở vị trí tiền đạo hộ công và tiền vệ công. Một thời gian sau, Inter Milan sớm nhận ra tiềm năng thi đấu ở vai trò Trequartista sau vài lần để mắt đến Pirlo.
Tuy vậy, cơ hội ra sân cho Nerazzurri vẫn rất hạn chế dù Pirlo vẫn gây ấn tượng khi được cho mượn ở Brescia và Reggina. Đối với anh, những lần thử việc đó cũng chỉ đơn giản là làm tốt nhất cho đội bóng mình đang khoác áo, và cả CLB chủ quản Inter Milan. Rồi điều gì đến cũng phải đến, sau 3 lần cố gắng chen chân vào một suất đá chính ở đội hình nửa xanh thành Milan nhưng bất thành, anh bị bán cho đội bóng cùng thành phố A.C. Milan sau những ồn ào với BLĐ Inter. Đó chính là giai đoạn nhạy cảm nhất đối với Pirlo. Anh phải dần thay đổi phong cách của chính mình để đáp ứng tốt những yêu cầu từ vị tân HLV.

Theo nhiều phương diện, từ lúc bắt đầu, Pirlo không bộc lộ những phẩm chất như chúng ta biết nhiều về anh hiện nay. Anh được sử dụng với vai trò tấn công là chủ đạo, với ý tưởng sử dụng kỹ thuật của mình để mở toang cơ hội cho các đồng đội bằng khả năng chuyền chọt chính xác, cũng như nhãn quan nhạy bén. Đôi khi những vấn đề về thể chất đã khiến Pirlo phải vật lộn để cạnh tranh một suất ra sân từ đầu, nhưng hoàn cảnh khắc nghiệt và sự kiên trì tôi luyện bản thân đã giúp Pirlo tự tạo cơ hội cho chính mình ở phía cuối đường hầm.
Trong khi được cho mượn ở Brescia, huyền thoại “đuôi ngựa thần thánh” Roberto Baggio đã đảm nhiệm vị trí tiền vệ công. Vậy nên HLV Carlo Mazzone đưa anh xuống chơi phòng ngự. Và chính điều đó khiến Pirlo hồi sinh sự nghiệp của mình, bởi vị trí này giúp anh có thể phát huy thế mạnh của mình một cách rõ ràng nhất trong vai trò của một “Regista”.
Chuyển đến AC Milan năm 2001 quả là một nước cờ đúng đắn của Pirlo. Ở Rossoneri, anh được cộng tác với người sau này sẽ cùng anh trở thành Cặp đôi hoàn hảo càn quét trời Âu. Gennaro Gattuso đảm nhiệm vai trò “đánh nhau” và “dọn dẹp”, nhằm mở đường cho Pirlo phô diễn. Sự hợp tác trứ danh này giúp Pirlo trút bỏ đi nhiều áp lực về nhiệm vụ phòng ngự. Carlo Ancelotti cho phép anh tự do luân chuyển và phân phối bóng như cái cách anh đã từng làm khá tốt ở Brescia.
Pirlo học cách tạo ảnh hưởng của bản thân lên tập thể và sớm trở thành một trong những cầu thủ chơi nổi bật nhất ở vị trí của anh ấy. Pirlo không hề tỏ ra ảo tưởng về tác động của hai HLV Mazzone và Carleto đối với sự nghiệp của mình: “Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra mình nợ họ rất nhiều. Carlo Mazzone và Carlo Ancelotti là hai HLV quan trọng nhất mà tôi từng có diễm phúc được làm việc cùng. Dưới thời Ancelotti, tôi ngay lập tức học được triết lý, vì ông luôn đặt niềm tin vào tôi dù trong tay ông có những nhân tố xuất sắc hơn hẳn.”
Tháng 5/2003, Pirlo đoạt được danh hiệu UCL đầu tiên trong sự nghiệp khi Milan đánh bại Juventus, mà đáng chú ý nhất phải kể đến đóng góp quan trọng của bộ đôi tiền vệ trung tâm Pirlo-Gattuso. Dù cần đến loạt luân lưu cân não để phân định thắng thua, và bản thân Pirlo đã được thay ra từ phút 71, nhưng đó là đêm đánh dấu sự khởi đầu của một loạt các danh hiệu lớn trong sự nghiệp đỉnh cao của anh. Những thành tựu đó mà Pirlo có được đích thực là một niềm mơ ước của hàng loạt những tên tuổi cùng thời khác.
Cựu chủ tịch của Inter, Massimo Moratti đã dành những lời nhận xét chân thực nhất: “Tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp làm chủ tịch Inter của tôi là bán Pirlo cho Milan. Tôi đã quyết định để cậu ấy ra đi, và đây rõ ràng là một sai lầm lớn.”
Đó là một điều hiển nhiên, nhưng ít nhất ông đã có cơ hội để nói ra sai lầm của mình.
Vào thời điểm Pirlo ra sân ở trận Chung kết Champions League lần thứ 3 trong sự nghiệp năm 2007, anh đã là nhà vô địch World Cup nhờ những chiến công vang dội của cá nhân anh trên đất Đức mùa hè năm trước. Những bước chạy của Pirlo cùng người bạn thân Gattuso suốt giải đấu năm 2006 đều đáng giá ngàn vàng trong ký ức mỗi tifosi may mắn được chứng kiến. Cũng chính Pirlo là người thực hiện thành công quả phạt đền đầu tiên sau 120’ bất phân thắng bại với người Pháp ở Chung kết, để rồi chỉ chưa đầy 10 phút sau, anh cùng các đồng đội chính thức đánh bại một tuyển Pháp hùng mạnh được dẫn dắt bởi đầu tàu Zinedine Zidane buộc phải rời sân trước đó sau cú húc đầu đầy tai tiếng.
Nhưng cũng sẽ có những niềm đau chan chứa mỗi khi nhìn lại trận thua 0-4 trước Tây Ban Nha ở Chung kết Euro 2012, nhưng ít nhất anh cũng góp tiếng nói quan trọng trong phòng thay đồ tuyển Ý bên cạnh đồng đội huyền thoại Gigi Buffon. Không những thế, tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của những nhân tố kỳ cựu như Pirlo vẫn còn y nguyên trong sức mạnh của đội tuyển suốt một thập kỷ qua. Bằng chứng là thiếu vắng anh, Italy đến giờ vẫn còn quá chật vật trong cách vận hành lối chơi.

Pirlo tự tin thắp lên hào quang trên những sân khấu lớn cho chính mình vào năm 2002. Cũng kể từ đó, anh nhận được vô số biệt danh bởi sự xuất chúng của một thiên tài bóng đá sở hữu kỹ thuật vô song. Những đồng đội thì gọi anh là “Il Architetto” (Kiến trúc sư) vì sự tinh tế trong những pha chuyền bóng cộng với việc xây dựng lối chơi đẳng cấp nhưng đầy thanh thoát. Không thể không thừa nhận rằng ở Pirlo, anh có khả năng kiểm soát bóng bậc thầy, bên cạnh những ảnh hưởng khó ai dám bàn cãi trong nhiều năm.
Pirlo là nguồn cung cấp những tia hy vọng sang cho các đồng đội, khi anh luôn biết cách giữ bóng, cộng với việc chờ đợi các đồng đội di chuyển vào những vị trí thuận lợi. Tầm nhìn bao quát là một điểm cộng giúp phạm vi chuyền chọt của Pirlo được mở rộng. Bởi vậy mà khi anh đặt chân đến đội bóng nào, thành công cứ thế liên tục ùa về với cá nhân Pirlo và cả tập thể đó.
Ở cấp CLB, Juventus chính là đội bóng lớn thứ 3 của Ý mà Pirlo ký hợp đồng. Năm 2011, sau tròn một thập kỷ cống hiến, anh bất ngờ bị coi là người thừa của AC Milan. Tất nhiên, từ thời điểm này nhìn lại quá khứ, chẳng gì quá lời khi khẳng định Chủ tịch của Rossonerri thời điểm đó là Adriano Galliani đã quá sai lầm khi để Pirlo ra đi. Ông chỉ nghĩ đơn giản là Pirlo đã hết thời ư? Lầm rồi!
Công bằng mà nói, Pirlo đáng lý ra nên rời đi sớm hơn mới phải. Bởi ngay sau khi đến với Bianconerri, anh lập tức có thêm 4 danh hiệu Serie A, lọt đến Chung kết UCL 2015 sau khi có một mùa World Cup 2014 đáng nhớ Brazil.
Vẫn có cảm giác rằng, anh hơi… uể oải trong các trận đấu, như thể Pirlo là một ông già cao tuổi với thói quen làm vườn tao nhã, nhưng đó luôn là một sự đánh giá thiếu tính xác thực về đóng góp vào thành tích chung của Pirlo cho đội. Điều đó thường được xây dựng qua bộ kỹ năng đặc biệt của anh.
Có một lý do lý giải chính xác tại sao Pirlo là trung tâm của mọi thành công ở đội bóng anh khoác áo suốt những năm qua, chính nằm ở khả năng thu hồi và phân phối bóng chuẩn xác của anh đã loại bỏ hẳn hầu như đội hình đối thủ. Một phần nữa là bởi anh không cần phải hùng hổ chiến đấu như Jordan Henderson hay trước đó là Wayne Rooney.
Những tập thể hùng hậu thường có xu hướng kết hợp hai loại cầu thủ bóng đá. Có thể gọi đó là mối quan hệ cộng sinh giữa họ trong một trận đấu. Họ không thể vận hành đúng công suất nếu thiếu nhau. Pirlo có thể nhận được hầu hết những lời ca tụng, nhưng như đã nói, anh chẳng là gì nếu không có những người đồng đội chí cốt đồng hành bên cạnh.
Thời gian ở Ý của Pirlo rất thành công, với 6 Serie A cả thảy, 2 danh hiệu cấp châu lục UCL, và hơn thế, là sự đóng góp bền bỉ cho sự hồi sinh của nền bóng đá đất nước hình chiếc ủng. Bóng ma ám ảnh Pirlo sau đêm Istanbul huyền diệu năm 2005 trước Liverpool nhanh chóng trở thành động lực để rồi chỉ 2 năm sau, Athens 2007 chứng kiến anh cùng những đồng đội từng thất bại trước Lữ đoàn đỏ ngày nào phục thù thành công. Danh hiệu UCL thứ 2 ấy là chiến quả xứng đáng sau những đấu tranh tâm lý nặng nề mà anh vượt qua được. Biểu tượng thành Milano, người hùng nước Ý đã hồi sinh như thế đấy!
Khoảng thời gian hạnh phúc khi được chơi bóng ở quê nhà của Pirlo rồi cũng kết thúc, khi anh chuyển sang thi đấu giải MLS của Mỹ năm 2015. Điểm dừng chân tiếp theo của chàng tiền vệ hào hoa là CLB mới thành lập, New York City. nơi cũng có một huyền thoại khác của làng túc cầu đang ở đó – David Villa. Đó cũng là lời chào tạm biệt với bóng đá đỉnh cao châu Âu của Pirlo sau gần trọn vẹn một cuộc đời bóng đá. Và dù chưa chính thức công bố, nhưng người ta cũng hiểu được, sự nghiệp thi đấu quốc tế của anh cũng đã khép lại!

MLS được coi là nơi dưỡng già của các danh thủ khắp châu Âu. Và HLV tuyển Ý là Antonio Conte quyết định không sử dụng Pirlo cho chiến dịch Euro 2016. Tiền vệ này cũng chia sẻ về hy vọng được chơi theo cách của anh ấy ở đầu mùa giải 2016/17, nhưng có lẽ sẽ chẳng còn bữa tiệc nào thịnh soạn nữa rồi. Thật đáng buồn, thật đáng xấu hổ, nhưng ngay cả Pirlo cũng chẳng thể là chính mình mãi mãi, đặc biệt là trong một giải đấu mà hầu hết các cầu thủ đều thi đấu và hoạt động ở một nhịp độ hoàn toàn khác biệt với giai đoạn trai trẻ và hào nhoáng trước kia.
Rồi ai cũng sẽ bị tuổi tác níu giữ đôi chân, và điều đó càng thể hiện rõ trên sân vì sự khắc nghiệt vốn có của bóng đá. Mọi sự hao hụt về thể lực lẫn tinh thần đều được đem ra mổ xẻ khi mọi chuyên gia và NHM có cơ hội.
Không cần bàn thêm nhiều, Pirlo là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong những năm gần đây, anh đạt được những thành quả mà mọi cầu thủ chuyên nghiệp đều khao khát. Nhưng, khi mà tuổi 40 đã cận kề, kể cả anh cũng không thể giữ vững chất lượng và sự tinh tế trong từng đường bóng một thời làm nên tên tuổi của mình.
Rõ ràng, Pirlo không muốn thi đấu một cách nhàn hạ, dù thực sự anh rất muốn thi đấu nhiều nhất khi còn có thể: "Tôi muốn thi đấu càng lâu càng tốt, nhưng khi cần phải dừng lại, tôi sẽ dừng lại."
Chẳng gì đáng xấu hổ khi giải nghệ khi đã có trong tay hàng tá danh hiệu mà các cầu thủ khác mơ ước. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là Pirlo phải treo giày ngay. Chính bản thân anh cũng không cần dựa quá nhiều vào thể lực để duy trì phong độ, và trong thời hiện đại, khoa học đã giúp cho các cầu thủ trở nên dẻo dai hơn, kể cả khi đã ở sườn bên kia sự nghiệp
Ngày Pirlo giải nghệ, chắc chắn anh sẽ được mọi người nhớ tới và tri ân nhiệt liệt. Huyền thoại lãng tử người Ý cũng không quá buồn khi giờ đây anh sẽ có thêm thời gian rèn dũa kỹ năng chơi PlayStation, thư giãn trong vườn nho của mình dưới ánh nắng hoàng hôn đặc trưng ngây ngất lòng người của vùng Địa Trung Hải.
Thật hiếm có thể tìm được một cầu thủ hoàn toàn không có anti-fan, nhưng nếu phải chỉ ra một dẫn chứng, không ai xứng đáng hơn Pirlo. Dân tộc Italy luôn kiêu hãnh với bề dày lịch sử kiêu hùng qua nhiều thời đại, và ở khía cạnh sân cỏ, không ngoa khi đánh giá Pirlo là một vị hoàng đế không ngai. Anh là một nhà lãnh đạo thực thụ, là một quý ông đầy tinh tế đúng chất “Italy”, nhẹ nhàng, điềm tĩnh, nhưng đầy sự nguy hiểm. Không chỉ là một cây chuyền bóng lợi hại, Pirlo còn là một chuyên gia ở những điểm bóng chết.
Dù ở thời kỳ hoàng hôn dần phai của sự nghiệp, rồi tận bây giờ là rời xa sân cỏ với tư cách một cầu thủ, nhưng ảnh hưởng của Pirlo vẫn rất đáng chú ý. Hãy chờ đội đội tuyển Ý thay thế tuyến giữa của họ bằng một nhân tố nào khác liệu có tiệm cận được đẳng cấp của Pirlo!
“Tôi là kẻ lang thang trên sân cỏ, một gã tiền vệ chỉ biết tìm khoảng trống rồi di chuyển tự do, chỉ trong một chốc lát.   Sau tất cả, chỉ trong khoảng vài mét vuông tôi lại được là chính mình. Một không gian đủ để tôi có thể tiếp tục triết lý của bản thân: nhận bóng, luân chuyển đến đồng đội, và họ ghi bàn. Người ta gọi đó là một tình huống kiến tạo, nhưng đối với tôi, đó là cách tôi tìm thấy được niềm hạnh phúc.”

"Sau 25 chơi bóng, tất cả những gì tôi muốn lúc này là ở nhà với gia đình", Pirlo đã bỏ lại sau lưng một di sản khiến người hâm mộ tiếc nuối. Không chỉ tiếc nuối một cầu thủ vĩ đại như anh mà còn tiếc nuối cả hình ảnh người nghệ sĩ cô đơn trên sân cỏ trong kỷ nguyên của những đấu sĩ.
Những sân chơi đỉnh cao ở châu Âu từ nay sẽ không còn được chứng kiến nghệ sĩ Pirlo hào hoa, từ tốn, nhẹ nhàng và lãng mạn đầy chất thơ nữa. Tương lai của anh nằm ở nước Mỹ rồi cũng qua. Xứ sở Cờ hoa, nơi anh sẽ tận hưởng những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp lẫy lừng trước khi nghĩ về những kế hoạch của tương lai rồi cũng khép lại. Ở Việt Nam – một nơi rất xa châu Âu hay nước Mỹ, các tifosi vẫn ngày đêm trìu mến gọi anh bằng cái tên Pirlo da Vinci đầy gợi cảm, phỏng theo tên của đại danh họa Leonardo da Vinci. Cả hai đều là những “Kiến trúc sư” đại tài đã đi vào cuốn sách hào hùng của những trang sử thi oanh liệt, với một danh xưng khiến người ta luôn bồi hồi mỗi khi nhắc về hai từ: “Huyền thoại”.
____________
Biên tập: Kinh Luân.
Dịch và biên tập từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 13/6/2016 với title: “ANDREA PIRLO: THE CHAMPION WHO KEPT REINVENTING HIMSELF.”