Trước khi đi vào bài, mình xin giành ít thời gian để giải thích nguồn gốc của việc bắn súng ngắn một tay và hai tay.
Những khẩu súng kíp (Flintlock) ngắn đầu tiên được phát minh vào thế kỉ 18 với mục đích là trở thành vũ khí tự vệ cho các sĩ quan cấp cao (và trùm hải tặc). Vì súng kíp nạp đạn khá lâu, các sĩ quan thường dùng kiếm đi kèm với súng ngắn. Cụ thể hơn, sau phát bắn đầu tiên nếu không hạ gục được địch, họ sẽ dùng tay còn lại kéo kiếm ra khỏi bao để tiếp tục chiến đấu.
Súng ngắn "Queen Anne" được sản xuất vào năm 1760.
Đến năm 1836, ông Samuel Colt đã phát minh ra một trong những khẩu súng ổ xoay đầu tiên. Với 5 viên đạn trong một ổ, thời gian nạp đạn đã giảm đi khá nhiều. Tuy nhiên vì khẩu súng hoạt động bằng cơ chế Single Action Only (dùng tay gạt búa, cùng lúc đó ổ đạn sẽ xoay, sau đó siết cò), việc bắn súng bằng một tay, tay còn lại gạt búa đã trở thành cách bắn súng tối ưu nhất. Đó là chưa kể đến việc những cuộc đấu súng trên lưng ngựa thường hay diễn ra, vì một tay bận cầm dây cương, các cao bồi đã phải luyện tập để bắn chỉ bằng tay còn lại.
Colt Patterson, tiền thân của nhiều khẩu súng ổ xoay hiện đại
Đến năm 1884, thuốc súng không khói được phát minh. Ngoài lợi thế hiển nhiên là không khói, thuốc súng này cũng có độ nổ mạnh hơn thuốc súng cũ (black powder). Nhờ vào điều này, tầm hiểu quả của súng ngắn đã tăng lên gấp bội và tất nhiên là độ giật cũng thế.
Để đối phó với độ giật này, một vài người lính trong lúc tập bắn súng ngắn đã thử dùng hai tay để cầm súng và nhận thấy hiệu quả trong việc kiểm soát độ giật tăng lên đáng kể. Tất nhiên việc lan truyền kĩ thuật này diễn ra khá chậm vì những bài học quân sự sau cả trăm năm đã biến việc cầm súng ngắn bằng một tay thành “truyền thống”.
Đến Thế Chiến Thứ II, kĩ thuật cầm súng ngắn bằng 2 tay bắt đầu được phát triển rộng rãi, tuy nhiên kĩ thuật còn khá thô sơ. Cụ thể hơn họ chỉ bắn bằng hai tay khi ở tư thế khụy người hoặc khi đang nằm, và tay hỗ trợ lại đặt dưới tay cầm (ngày nay gọi là teacup grip, một cách cầm không tối ưu).
Hình ảnh lấy từ tài liệu huấn luyện cách sử dụng súng ngắn 1911 - WW2.
Năm 1959, cảnh sát trưởng của thành phố L.A Jack Weaver đã phát triển kĩ thuật bắn súng Weaver Stance. Giải thích thì có phần hơi phức tạp nên mọi người có thể tham khảo hình.
Vị cảnh sát trưởng đã thử nghiệm kĩ thuật này trong khoảng thời gian dài ở nhiều giải đấu súng ngắn và nhận thấy tốc độ bắn nhanh hơn đối thủ rõ rệt. Weaver Stance đã trở thành nền tảng cho kĩ thuật bắn súng ngắn bằng hai tay ngày nay.
Vậy bắn súng hai tay hoàn toàn tối ưu hơn một tay? Nếu thế sao vận động viên không bắn bằng hai tay?
Câu trả lời đơn giản: Tại luật nó thế.
Câu trả lời dài dòng: Bắn súng ngắn bằng hai tay không hẳn là hoàn toàn tối ưu hơn một tay. Bắn súng ngắn bằng hai tay cho phép xạ thủ khai hỏa số lượng đạn nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn nhưng vẫn đảm bảo được độ chính xác tương đối. Đây là điều quan trọng trong tình huống chiến đấu
Khi bắn súng ngắn bằng một tay, xoay người sang một bên, duỗi tay ra hết cỡ và dùng ngón trỏ chĩa thẳng vào mục tiêu. Về cơ bản súng ta đang tạo một đường thẳng từ mắt đến mục tiêu, với đầu ruồi của khẩu súng ngay trên đường thẳng đó. Chính vì thế độ chính xác sẽ được tăng lên. Vì các giải đấu súng ngắn thể thao yêu cầu độ chính xác hơn là thời gian (chưa kể đến việc súng hầu như không có độ giật), việc bắn bằng một tay đã trở thành kỹ thuật hiển nhiên.
Tất nhiên với sự luyện tập, việc cầm súng một tay hay hai tay chỉ còn là tính chất tương đối, Jerry Miculek dư sức bắn nhanh với độ chính xác cao từ tư thế cầm súng hai tay và nhiều tay súng khác có thể nã đạn khá nhanh dù chỉ đang cầm một tay.
Trong phim ảnh
Hơi lạc đề thể thao một xíu nhưng mình cũng cảm thấy cách cầm súng cũng phần nào thể hiện nhân vật trong phim.
Các nhân vật cầm súng ngắn một tay thường là:
- Ít kinh nghiệm, lần đầu tiên cầm súng
- Tự tin (hoặc đôi khi là tự cao tự đại), muốn thể hiện rằng “bố có thể giết mày bằng một tay”
Hầu hết các vai diễn của Arnold đều thể hiện tinh thần: Bố có thể giết mày bằng một tay.
Trong khi đó, những nhân vật cầm súng ngắn bằng hai tay thường là
- Thận trọng, đã được huấn luyện kỹ lưỡng, đã hoặc đang là cảnh sát/đặc nhiệm - Hiểu rõ gánh nặng của việc siết cò để lấy đi một tính mạng là điều lớn như thế nào
Hawaii Five-0 là một series khá hay với các diễn viên được đào tạo sử dụng súng kỹ lưỡng.
Đến đây mình cảm thấy bài viết cũng hơi dài, nếu có thể lần sau mình sẽ phân tích thêm về tư thế đứng hiệu quả nhất và vì sao cách cầm “teacup grip” là cách cầm không hiệu quả.
Súng ngắn thời nay có phụ kiện muzzle brake rồi,độ giật giảm đi rất đáng kể nên bắn bằng 1 tay vẫn ổn.Nhất là các đội SWAT tác chiến kiểu 1 tay cầm súng tay kia vác khiên chắn thì phải tập kiểu 1 tay là phổ biến.Chưa kể bên thể thao súng của họ lại ko phải là súng quân dụng nên đạn có độ giật rất nhẹ.Chưa kể súng ngắn thể thao nặng hơn hẳn so với súng ngắn quân dụng do phía thể thao cần độ chính xác cao nên nòng súng rất dày và nặng.Với súng có độ nặng vừa đủ thì độ giật giảm hơn so với súng ngắn quân dụng nên bắn 1 tay vẫn ko sao cả
Bắn bằng hai tay có nhiều lợi thế hơn hẳn so với một tay. Trừ trường hợp thi đấu thể thao, hay một tay kia phải thao tác một việc gì khác (kéo người bị thương, tự vệ, cầm khiên chắn...).
Muzzek brake sử dụng trên các loại súng ngắn hiện nay không được những người operator (tạm dịch: người sử dụng) trang bị với mục đích chiến đấu (cảnh sát, quân đội, bảo vệ yếu nhân, mật vụ,...) mà chủ yếu dùng trong thi đấu bắn súng (compettion).
Sở dĩ họ không sử dụng muzzel brake là vì các loại muzzle brake hiện nay chỉ cung cấp tính năng giảm giật. Nghĩa là ngoài giảm giật dọc hoặc giật đa chiều ở một số mẫu sản phẩm thì nó chẳng có tính năng nào khác. Thậm chí, chớp sáng và tiếng nổ đầu nòng còn lớn hơn khiến cho operator dễ bị lộ vị trí bắn, ù tai, loá mắt. Ngoài ra, muzzle brake còn tăng thêm chiều dài cơ bản của súng, khiến cho việc conceal (tạm dịch: giấu súng) trở nên khó khắn hơn, các mẫu muzzle brake khác đòi hỏi can thiệp trực tiếp vào nòng súng giải quyết được vấn đề này nhưng lại tạo ra vấn đề khác đó là ảnh hưởng đến sơ tốc đầu nòng và đạn đạo của súng.
Tuy nhiên, muzzle brake không phải là không có ứng dụng. Các operator trong các cuộc thi bắn súng (compettion) thường sử dụng muzzle brake. Bởi muzzle brake cung cấp cho họ khả năng kiểm soát follow up shots (tạm dịch: bắn liên tục) với độ chụm đạn cao (ăn điểm là ở chỗ này 🐧). Họ cũng không ngại việc bị ù tai, lộ vị trí hay loá mắt do trong thi đấu họ được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ và họ cũng chẳng cần giấu mình làm gì 🤣. Họ cũng chẳng quan tâm đến đường đạn do các cuộc thi sử dụng follow up shots thì mục tiêu cũng chẳng cách xa họ bao nhiêu.
Một điều gây hiểu nhầm là muzzle brake giúp giảm độ giật. Ừ thì đúng là nó giúp giảm độ giật thật đấy nhưng là giảm độ giật khi bạn bắn follow up shots, chứ nếu bạn dùng muzzle brake nhưng chỉ bắn kiểu thi đấu Olympic thì coi như bạn đã tốn tiền vì thật ra khi bắn bạn chẳng cảm nhận được bao nhiêu cái "giảm giật" ấy đâu. Và nên nhớ, trong các cuộc thi bắn súng compettion họ dù có muzzle brake nhưng vẫn phải bắn bằng hai tay vì việc bắn bằng hai tay giúp kiểm soát súng dễ hơn, lấy đường ngắm nhanh hơn vì thời gian là yếu tố quyết định. Chứ không phải cứ gắn muzzle brake là có thể dùng một tay bắn như phim Mỹ đâu bạn nhé 🤣.
Anyway, nicely done