Nhạc Trịnh chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc về cuộc đời, thiên về phần thiện, tình yêu, kiếp sống. Ca từ nhạc Trịnh được xem là chứa nhiều giá trị văn hóa, giàu chất thơ với nhiều tầng ý nghĩa và mang tính triết lí, được giới học thuật tập trung nghiên cứu. Có thể nói, chính tính ẩn dụ trừu tượng là điều mang đến sự thu hút của ca từ nhạc Trịnh.
Ẩn dụ ý niệm dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận là một trong những hình thức ý niệm hóa, một quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện và hình thành những ý niệm mới. Ngôn ngữ học truyền thống coi ẩn dụ là một phương tiện tu từ, là một cách nói bóng bẩy dựa trên sự tương đồng giữa hai sự vật, hiện tượng. Khác với quan niệm truyền thống cho ẩn dụ là một phương tiện thuần túy của sáng tạo văn chương, Ngôn ngữ học tri nhận xác định ẩn dụ là công cụ của tư duy, dùng để ý niệm hóa các khái niệm trừu tượng và tư duy về sự vật, là mối quan hệ giữa hai thực thể đựợc xét đến ở cấp độ ý niệm của tư duy.
Ca từ của bài hát Mưa hồng có thể xem như là một bài thơ với những ẩn dụ ý niệm độc đáo. Các sáng tạo ẩn dụ của tác giả chủ yếu nằm trong cơ chế ánh xạ ẩn dụ. Ta nên hiểu ẩn dụ ca từ bài hát trong mối quan hệ với các ẩn dụ giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta, bởi vì việc nghiên cứu các ẩn dụ văn chương được xem là sự mở rộng việc nghiên cứu các ẩn dụ trong đời sống thường ngày. Kinh nghiệm của con người là kết quả của cả quá trình sống, tương tác với thế giới khách quan, chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa và những yếu tố sáng tạo đến từ cá nhân. Người nghệ sĩ sống trong một cộng đồng xã hội, với cương vị là một thành viên văn hóa nhất định sẽ sử dụng các ẩn dụ ý niệm cơ bản trong quá trình giao tiếp với độc giả của họ. Theo Ngôn ngữ học tri nhận, một ẩn dụ ý niệm là kết quả của các ánh xạ từ một miền nguồn thường cụ thể hơn sang một miền đích trừu tượng hơn. Người ta dùng ẩn dụ để hiểu các đối tượng trừu tượng thông qua các đối tượng cụ thể. Trong ca từ bài hát Mưa hồng, bằng cách tạo ra sự kết hợp của một vài ẩn dụ cơ sở, Trịnh Công Sơn đã gợi nên nền tảng cơ bản của ẩn dụ ý niệm về cảm xúc; về tuổi trẻ, tuổi già; về cuộc đời. Dựa trên những kiến thức và trải nghiệm chung mang tính phổ quát, nhạc sĩ đã gợi ra cho độc giả những cảm nhận về sự hữu hạn của kiếp người. Sau đây, người viết sẽ tập trung phân tích một số ẩn dụ ý niệm nổi bật trong ca từ bài hát này.

1. Ẩn dụ “cảm xúc con người là màu sắc”

Cảm xúc là một trong những hiện tượng trọng tâm và thông thường trong trải nghiệm của con người. Theo quy luật tâm lý, màu sắc và nhiệt độ ngoại cảnh có mối liên hệ mật thiết với sự trải nghiệm cảm xúc. Mỗi loại màu sắc có ý nghĩa và chức năng riêng với từng loại cảm xúc. Nếu những màu thuộc gam màu lạnh, sẫm tượng trưng cho cảm xúc tiêu cực, thì những gam màu tươi sáng như hồng, xanh lại tượng trưng cho những cảm xúc tích cực của con người.
Người Việt đã sử dụng biểu thức ẩn dụ màu sắc để thể hiện những ý niệm mới, bộc lộ cách tư duy, đặc thù trong nhận thức về thế giới xung quanh. Trong ẩn dụ ý niệm cảm xúc con người là màu sắc, miền nguồn có những yếu tố đặc trưng cụ thể như: sắc độ, màu sắc… được gán cho miền đích là cảm xúc – vốn là cái hết sức trừu tượng. Màu sắc là nguồn, được chuyển sang phạm trù ý niệm về đời sống tinh thần của con người, tức là những cảm xúc của con người.
Trong ca khúc này, tác giả đã mở đầu bằng câu hát tràn ngập ánh sáng và màu sắc tươi tắn, trẻ trung:
“Trời ươm nắng cho mây hồng
Màu hồng ửng cam của ánh nắng xuyên qua đám mây là một gam màu nóng, tính nhiệt cao, sắc độ tươi sáng là biểu hiện cho sự mơ mộng, lạc quan, đam mê. Nó là một màu sắc tinh khiết và ngây thơ, cũng mang lại ý nghĩa tích cực. Những giá trị biểu đạt này của màu hồng cùng với các thuộc tính tiêu biểu: sắc độ, độ bão hòa, tính nhiệt ảnh hưởng rất lớn đến cảm nhận của con người, đặc biệt là cảm nhận cung bậc cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc của con người. Ngay cả ở tên bài hát, ta cũng cảm nhận được nguồn năng lượng tươi mới, đẹp đẽ: Mưa hồng”. Cơn mưa màu hồng gợi cảm giác xinh xắn, trẻ trung, khiến người ta liên tưởng ngay đến lứa tuổi thiếu niên mộng mơ, nhiều ước vọng.
Hình ảnh hàng cây xanh lá cũng gợi lên sự tươi mát và đầy hứng khởi:
Ngoài kia lá như vẫn xanh
“Hàng cây lá xanh gần với nhau”
 Màu xanh lá cây vốn là màu của thiên nhiên. Nó tượng trưng cho sự phát triển, hòa thuận, tươi mát, màu mỡ. Bên cạnh đó, màu xanh lá cây còn mang lại cảm xúc an toàn. Người Ai Cập tin rằng thần thông thái Thoth dẫn dắt linh hồn đến sống ở một ngọn đồi xanh lá, nơi sự sống là vĩnh hằng và trí tuệ muôn đời. Người La Mã lại cho rằng màu xanh lá là màu của thần Mercury, vị thần sở hữu trí óc tinh khôn và nhanh nhẹn. Cũng vì vậy mà sao Thủy (Mercury) cũng được xem là hành tinh chủ trì cho trí óc và kiến thức. Do đó, màu xanh lá cây còn mang ý nghĩa của sự phát triển và hy vọng về tương lai.
Cách tri nhận thuộc tính cảm xúc vui tươi, hy vọng gắn với các thuộc tính của màu sắc mang tính độc đáo, chuyên biệt khi gắn liền với các sự vật, hiện tượng gần gũi với đời sống của con người. Chính vì những điều đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng, sự tri nhận về cảm xúc có liên quan lớn đến sự tri nhận, trải nghiệm của con người đối với thiên nhiên, màu sắc của sự vật. Ở đây, tương quan giữa hai miền ý niệm nguồn – đích được thể hiện dựa trên sự liên tưởng sắc độ tươi sáng - sức sống; cảm giác về nhiệt độ. Cách tri nhận thuộc tính cảm xúc vui tươi, hi vọng gắn với các thuộc tính của màu hồng, màu xanh trong tiếng Việt vừa mang tính phổ quát vừa mang tính độc đáo.

2. Ẩn dụ bản thể “tình cảm cảm xúc là một thực thể”, thiên nhiên được vật thể hóa

Đây thực chất là việc phạm trù hóa những bản thể trừu tượng bằng cách vạch ranh giới của chúng trong không gian. Chúng ta tri nhận về những miền ý niệm trừu tượng thông qua những vật thể cụ thể như sự vật, chất liệu hay vật chứa.
Ở đây, những cái trừu tượng, mơ hồ khó hiểu, khó nắm bắt (yêu thương, nỗi sầu, cơn đau) được đưa về những trạng thái cụ thể (nghiêng, dài), để ta cảm nhận được chúng (nghe thấy):
“Mây qua mau em nghiêng sầu
“Ôi yêu thương nghe đã buồn”     
  “Trên hai tay cơn đau dài
Vậy là, những tình cảm, cảm xúc (yêu thương, nỗi sầu, cơn đau) vốn khó nắm bắt lại trở thành những thực thể mà ta có thể giới hạn, phân định được chúng. Khi ấy, sự quy chiếu, định tính và xác định các phương diện của những trải nghiệm đã được làm rõ hơn.
Bên cạnh đó, những sự vật trong các câu thơ sau đây còn trở thành vật chứa đựng những thứ vốn trừu tượng, không thể nắm bắt:
Mây qua mau em nghiêng sầu”
“Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
“Trên hai tay cơn đau dài
Ở đây, ta có thể thấy được rằng: mây là vật chứa nỗi sầu, dòng sông vắng là vật chứa hồn muôn trùng, hai tay là vật chứa cơn đau dài. Việc sử dụng ẩn dụ vật chứa tức là chúng ta cũng đã phóng chiếu cách định hướng trong – ngoài của mình lên các vật thể khác mà bản thân những vật thể đó cũng giới hạn trong những bề mặt. Bên cạnh đó, ý niệm về mưa, về nước trong tác phẩm này xuất hiện với tần số khá cao: “sông vắng”, “nước dâng”, “mưa xuống”, “mưa nguồn”, “mưa ướt áo”, mưa đầy”. Thiên nhiên lúc này như một vật thể tồn tại ở nhiều trạng thái, dạng thức đặc biệt khác nhau.

3.  Ẩn dụ định vị “tuổi trẻ hướng lên – tuổi già hướng xuống”

Ẩn dụ ý niệm tổ chức cả một hệ thống các ý niệm tương liên với nhau. Nó có liên quan đến việc định hướng không gian: lên - xuống, trong - ngoài, trước - sau, nông -sâu,…
Tuổi trẻ hướng lên – Tuổi già hướng xuống.
Sức khỏe hướng lên - bệnh tật hướng xuống.
Ta có thể thấy được điều đó trong lời bài hát. Càng lớn tuổi, càng về già, chúng ta càng có xu hướng hướng xuống thấp:
   “Người ngồi đó trông mưa nguồn”
Người ngồi xuống mây ngang đầu”     
    “Người ngồi xuống xin mưa đầy”
      "Người nằm xuống nghe tiếng ru”
Khi về già, lúc đã đi qua một thời tuổi trẻ đầy mơ mộng, vượt qua nhiều thử thách, chông gai, chứng kiến nhiều chuyện được mất, người ta lại càng muốn quay về với tự nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên để tìm những phút giây thanh thản, lắng đọng trong tâm hồn. Giống như một người đã đi qua một đoạn hành trình dài, nên giờ cần nghỉ ngơi: “người ngồi xuống...”, “người nằm xuống….”. Những từ “dâng lên”, “mang gió lên”, “đỉnh cao”, định hướng lên trên, còn những từ “ngồi xuống”, “nằm xuống”… lại định hướng xuống dưới. Cơ sở vật lí ở đây đó là: Nỗi buồn chán, bệnh tật thì đè nặng con người ngồi xuống, nằm xuống; còn sự khỏe mạnh, phấn khởi lại làm chúng ta thoải mái và xu hướng ngẩng đầu lên. 
Thiên nhiên và con người dường như càng lúc càng gần gũi và hòa nhập vào nhau. Khi còn trẻ, chúng ta “trông” mưa nguồn, hình ảnh thiên nhiên như ngang tầm mắt để ta trông ngang thấy. Khi già thêm một chút, ta “ngồi xuống”, mây lúc này đã cao thêm, “mây ngang đầu” ta. Để rồi, khi con người tiếp tục già nua, mưa như lấp đầy ta. Và cuối cùng, đến khi ta “nằm xuống”, thiên nhiên đã ôm trọn lấy ta. Khi ấy, “người” nhắm mắt để lắng nghe tiếng mưa, lắng nghe thanh âm của tự nhiên. Từ những thực thể tách rời, con người và thiên nhiên cuối cùng đã hòa vào làm một.
  “Tiếng ru” là điều thân thuộc luôn gắn bó mật thiết với chúng ta từ thuở mới sinh ra đời, khi còn nằm nôi và cả tuổi ấu thơ. Tiếng ru của mẹ, của bà có một dấu ấn sâu đậm trong tiềm thức của mỗi người. Khi sinh ra, thuở bé, ta được nghe tiếng ru hằng ngày, hằng đêm. Cuộc đời ta lớn lên, trải qua bao thăng trầm, những niềm hạnh phúc lẫn khổ đau, dường như ta đã xa rời tiếng ru ấy trong một khoảng thời gian rất dài. Để rồi khi về già, khi “nằm xuống”, ta lại trở về với ta của ngày thơ bé, được nghe lại tiếng ru thuở nào. Ta đi một vòng rồi cũng lại trở về với những gì thân thương nhất trong đời. Sự sống và cái chết đã được xem là một quá trình diễn tiến và xoay vần liên tục. Cái chết không phải là một "thể dạng" đối nghịch lại với sự sống mà đúng hơn chỉ là một quá trình "ngược chiều" với sự sinh.

4.   Ẩn dụ ý niệm “cuộc đời là một cuộc dạo chơi”

Ý niệm “Cuộc đời là một cuộc dạo chơi” chính là sự nghiệm thân về cuộc đời của con người. Cuộc đời là một cuộc dạo chơi, cuộc đời là một cuộc hành trình. Con người mải miết dạo chơi, tận hưởng, phiêu lưu cùng với cõi này như một lữ khách bước đi trong vô định, con người cứ đi, giữa biển đời mênh mông, đi cho đến tận khi “gót chân mòn”:
       “Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du”.
"Phiếm du” là một cuộc dạo chơi không mục đích. Con người sinh ra để dạo chơi trong một cuộc chơi lớn, vui vẻ, thú vị. Câu hát này làm tôi chợt nhớ đến những câu hát đầy chất suy tư, chiêm nghiệm trong “Một cõi đi về”:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”
(Một cõi đi về)
Cuộc đời là một hành trình dài, một cuộc chơi dài mà chúng ta cứ “loanh quanh” đã “bao nhiêu năm rồi”. Vạn vật xoay vần, chuyển động theo nó vốn dĩ vẫn thế, vẫn có người ngồi đợi những cơn mưa hồng, như đợi một điều gì đó tốt đẹp trong cuộc đời. Đời vô thường, biết mù mịt vẫn cứ chờ cứ đợi, vẫn cứ loanh quanh. Hãy xem cuộc đời là một cuộc dạo chơi. Ta đến đây với hai bàn tay trắng và cũng sẽ ra đi như thế. Đó là cuộc hành trình có đi, có về, có gặp gỡ, có giã từ, có sầu, có vui, có yêu thương, có cơn đau,… Hành trình ấy, về bản chất, là một cuộc ra đi.
Tác giả đúc kết ở cuối bài hát, cũng là lời nhắn nhủ, gửi gắm đầy tính nhân văn:
“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”
Từ “hững hờ” thuộc từ loại tính từ, chỉ trạng thái thờ ơ, lạnh nhạt. Theo tác giả, trong cuộc chơi lớn này, ta hãy sống hết mình với nó đi, hãy tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất có thể. Bởi mọi thứ trong cuộc chơi này chỉ có ý nghĩa khi ta thích thú với hiện tại ta đang có, ngắm nhìn nó, tham dự vào nó. Đừng hờ hững, đừng thờ ơ, đừng dửng dưng ghẻ lạnh với mọi thứ. Hãy cứ tận hưởng cuộc đời hết mình như thế, hãy cứ phiêu lưu trên suốt chặng đường đời.
Đời người, suy cho cùng, là một cuộc hành trình dài trải nghiệm những thăng trầm, góp nhặt ký ức để làm giàu về mặt vật chất, để bồi bổ về mặt tâm hồn, để thỏa mãn những khát khao, cảm nhận thế giới xung quanh và hoàn thiện bản thân. Sống hết mình để đến lúc cuối cùng, ta tự hào mà nghĩ rằng, ta đã sống một cuộc đời không vô vị chính là thông điệp hết sức nhân văn mà Trịnh Công Sơn đã gửi gắm đến tất cả mọi người.

Kết

Ca từ của Trịnh Công Sơn luôn sâu sắc, đòi hỏi những công chúng yêu nhạc ông phải suy tư, chiêm nghiệm bằng chính trải nghiệm của mình để giải mã, cảm nhận và thấu hiểu. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn giống như ta bước vào một thế giới của những trải nghiệm, ở đó mỗi người sẽ bắt gặp chính mình trong những ca từ gần gũi, tự nhiên nhưng lại rất đỗi nên thơ. Nhạc của ông nhiều khi khó hiểu bởi những ẩn dụ sâu xa đằng sau bề mặt nổi của ngôn từ. Lời ca của ông có khả năng xoa dịu những tâm hồn chai sần, những trái tim nhiều mảnh vá. Ẩn dụ ý niệm trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của chính ông, gắn với kinh nghiệm văn hóa dân tộc. Những thuộc tính căn bản của miền nguồn được Trịnh Công Sơn lựa chọn để chiếu xạ lên miền đích đều xuất phát từ cội rễ văn hóa và đặc trưng tư duy của người Việt, xuất phát từ vốn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Tư duy ngôn ngữ của nhạc sĩ xuất phát từ một phông văn hóa mang tính phổ quát, trong đó những tri thức nền có cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của con người trong thế giới khách quan.
Ẩn dụ trong ca từ của Mưa hồng là ý niệm được thể hiện chứ không phải là ngôn ngữ thể hiện. Những ý niệm ấy trong ca từ của ông xuất phát từ một con người mang nặng cảm quan về những nỗi phiền muộn và luôn khát khao vô cùng cuộc sống này. Để rồi, ông đã gửi gắm những thông điệp về chặng hành trình đời sống như một quy luật bất biến, thường hằng, và mỗi con người sinh ra trên đời này đều phải sẵn sàng đón đợi, tự nguyện dấn thân trên hành trình cát bụi ấy. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.        Lakoff G, Johnson, (1980, 2003), Metaphors we live by, The University of Chicago Press.
2.        Lakoff G (1993), “The Contemporary Theory of Metaphor”, Metaphor and Thought, 2nd Edition, Cambridge University Press, tr.202-251.
3.        Trịnh Sâm (2013), “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận của người Nam bộ”, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, số 46.
4.        Trịnh Sâm (2011), “Dòng sông và cuộc đời”, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 10, tr 31-34.