- lý do tại sao bạn ghét một người (hoặc một số người); và tại sao ghét bỏ là một cảm giác tiêu cực.

"From the deepest desires often come the deadliest hate."

— Socrates

"Phải đấm vào mồm nó ngay! Phải tiêu diệt nó! Phải xé xác nó ra! Phải dùng ngôn từ của mình để đè bẹp nó! Phải dùng những lý lẽ để chứng minh nó sai, làm nó bẽ mặt! Phải thật "chiếu trên", để nó thấy nó chẳng là gì cả! Phải cô lập nó! Phải làm nó thấy dằn vặt, đau khổ vô cùng vì đã là một người tồi tệ!
Thưa quý vị, tôi rất muốn đấm vỡ mồm một người. Tại sao ư? Vì tôi ghét nó. Quý vị hỏi tại sao tôi ghét nó ư? Làm sao tôi biết được cơ chứ! Tôi chỉ biết là ghét nó thôi. Mỗi khi tôi thấy nó, lòng tôi lại sôi lên và tôi không thể nào thở chung một bầu không khí với nó được. (Đặc biệt là khi có dịch bệnh!)"
- Công tước Chad, trong bức thư nội tâm của ngài vào thế kỷ 21, năm 2019.
*
Ghét bỏ là cảm giác ai cũng có - không chỉ ngài Chad. Sau tất cả mọi lý lẽ, rốt cuộc ta cũng chỉ là con người và ta phải kinh qua mọi cảm xúc và trạng thái - cho dù ta có thấy chúng tầm thường và ích kỷ thế nào. Thậm chí ta còn trở nên thân thiết hơn khi cùng không thích một người. Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu trường Đại học Oklahoma vào năm 2006, con người, khi chia sẻ thái độ tiêu cực với những đối tượng khác, trở nên gắn kết hơn (Bosson, 2006). Điều này cũng đúng với thái độ tích cực. (Heider, 1946, 1958)

Ghét bỏ như một vết sưng tấy trong lòng ta. Để giải thích về vết sưng tấy ấy, không có bất cứ một nguyên nhân xác định nào, các yếu tố có thể hòa lẫn với nhau hoặc thậm chí tạo thành một vòng lặp để hình thành nên sự ghét.

1. Vì não ta liên tục phân biệt giữa 'chúng ta' và 'họ'

Con người là một loài xã hội và hợp tác lẫn nhau để chung sống. Chúng ta không ngừng xếp mình vào những nhóm hoặc những cộng đồng lớn nhỏ. (Tomasello, 2014) Cùng với đặc điểm ấy, đã có nhiều bằng chứng cho thấy não người có khuynh hướng phân biệt giữa 'ta' và 'họ' - những người không giống mình, mà ví dụ ở đây là về chủng tộc. Tiến sỹ sinh học ở Đại học Stanford, Robert Sapolsky, có viết về cách mà não phản ứng một cách tự động khi được cho xem ảnh những người không giống ta như sau:

Chiếu nhanh hình các khuôn mặt trong vòng 50 mili giây—một phần 20 của giây—chưa đạt mức thời gian để kịp nhận ra. Và đáng chú ý là, dù trong thời gian ngắn như thế, não xử lý những khuôn mặt của 'Họ' theo cách khác hẳn với 'Chúng ta'.

Chiếu nhanh hình ảnh khuôn mặt một người từ chủng tộc khác (so với khuôn mặt cùng chủng tộc) thì, trên trung bình các đối tượng tham gia thí nghiệm, có một sự hoạt động của amygdala, vùng não liên quan tới nỗi sợ, lo âu và tính hung hăng. (Sapolsky, 2017)

Rõ ràng rằng não người từ đầu đã sẵn sàng cho sự phân biệt và ghét bỏ. Điều này cũng áp dụng với hành vi và tính cách của một người. Nhà tâm lý học William Marston Moulton, người phát minh máy nói dối, cha đẻ của series truyện tranh “Wonder Woman” và cũng là Tiến sỹ Đại học Harvard, nhận định bốn hướng tiếp cận với hành vi. Công cụ DISC (Dominance, Influencing, Steadiness, Compliance) được tạo ra dựa trên công trình nghiên cứu của Moulton đã được kiểm chứng ở hàng chục quốc gia trong nhiều thập kỷ với nhiều người khác nhau, theo PsychologyToday. Công cụ này chia hành vi ra làm bốn nhóm chính, và ta sẽ thường không thích những người có xu hướng hành xử khác biệt hay quan điểm đối lập.
Chính vì lẽ đó mà ta dễ dàng ghét một người ngay từ cái nhìn đầu tiên, chỉ vì cách ăn mặc, màu da hay những hành vi ban đầu của họ. Nỗi hận thù sưng tấy này có thể dẫn tới một hệ quả thường thấy ở dưới đây, đó là hiện tượng dehumanization, hay Sự từ chối tính người.
Dehumanization
Sự từ chối tính người, cũng theo PsychologyToday, là một trong 8 dạng của 'moral disengagement' - Sự buông thả đạo đức, miêu tả bởi nhà tâm lý học Albert Bandura. 'Moral disengagement' là những 'kỹ thuật' mà một người dùng để tạo ra ngụy biện và sự công nhận cho những hành vi vô đạo đức. "Tất cả những moral engagement là những chiêu trò để người khác chấp nhận những hành vi mà người ta thường sẽ nhận định là không công bằng hay vô nhân tính." (Hamby, 2018) Hoặc đơn giản chỉ để việc làm hành vi xấu xa dễ thở hơn với chính mình.
Tóm lại, dehumanization là việc chối bỏ sự thật rằng một người hoặc một nhóm người có khả năng cảm nhận và suy nghĩ. Hiện tượng này ở trong văn hóa Việt Nam thể hiện ở việc gán cho người khác một biệt danh đặc biệt: đồ chó.
Ví dụ 1: Thưa quý ngài, quý ngài thật xứng đáng với cái tên Con Chó, vì những lý do rất riêng tư xuất phát từ bản thân tôi. Tôi mong ngài luôn vui.
Ví dụ 2: Thưa ngài, tôi rất trân trọng bình luận của ngài về bài đăng của tôi trên cái mà người ta vẫn hay gọi là Facebook. Vâng, với những biểu hiện đáng kính của ngài, tôi xin từ nay nhắc tới tên ngài và những đồng đạo của ngài là một đàn chó. Ngài biết đấy, nếu đàn chó sủa thì người trên đường vẫn đi, nên tôi và ngài cứ thế, hai ta làm việc của nhau phải không thưa quý ông!

2. Cảm giác bị dehumanized

Việc một người chối bỏ tính người (dehumanize) người khác, dẫn tới hệ quả của cảm giác bị chối bỏ tương tự. Cảm giác bị chối bỏ tính người có thể gây ra sự ghét, và sự ghét lại có thể gây ra hiện tượng chối bỏ. Đó là một vòng lặp độc ác, hệt như vòng lặp của kẻ bắt nạt và kẻ bị bắt nạt.
Khi bị chối bỏ tính người, một cá nhân có thể cảm thấy vô cùng đau khổ, cảm thấy mình bị mất giá trị và sinh ra lòng căm ghét. Điều này lại dẫn tới lý do thứ 3.

3. Ghét như một cơ chế phóng chiếu, cơ chế phòng vệ

Phóng chiếu, hay projection là quá trình đặt cảm giác của một người lên người, con vật hay đồ vật khác. Định nghĩa này cũng thường được dùng để chỉ khái niệm phóng chiếu phòng vệ—gán những ham muốn hay thúc đẩy không chấp nhận nổi lên người khác để bảo vệ cái tôi mong manh. Khái niệm này xuất hiện đầu tiên trong những bài viết của Sigmund Freud vào những năm 1890.

Ví dụ: Công tước Chad rất yêu mến tiểu thư Karen, nên ngài thường nghĩ nàng cũng yêu ngài, hoặc tệ hơn, ngài đi rêu rao rằng nàng tán tỉnh ngài một cách không biết xấu hổ.
Cũng là ví dụ: Công tước Chad có mẹ ngài rất kiểm soát và lúc nào cũng nhắc nhở ngài quá mức, và trong vô thức ngài cũng đối xử với người tình của ngài y hệt: ngài không muốn nghe, ngài né tránh khi có mâu thuẫn vì trong ngài, hình ảnh người phụ nữ là kiểm soát và cường điệu.
Rất nhiều ví dụ: Nàng Karen tự ti vì khả năng đàn hát những bài dịu dàng nữ tính của bản thân (nàng sống trong giai đoạn phân biệt giới tính) nên nàng hay diss những ca sỹ ballad mặc váy bánh bèo bằng những bản rap khét lẹt.
Ta ghét ở người khác những gì ta ghét ở bản thân mình. Đó là câu tóm tắt ngắn gọn cho lý do này. Ta thầm ghét bản thân mình, tới nỗi ta chuyển sự ghét đó lên một ai khác. Ta có một nỗi đau, nhưng ta chọn cách phủ nhận nó.

Fight or flight - phản ứng của não khi ghét bỏ

Robert Sapolsky viết trong bài báo “Why Your Brain Hates Other People” của mình vào năm 2017: khi ta thấy ai đó khác mình, “có một sự hoạt động của amygdala, vùng não liên quan tới nỗi sợ, lo âu và tính hung hăng" (Sapolsky, 2017). Phản ứng này tạo ra một hình mẫu như sau: khi công tước Chad thấy ai đó ngài ghét, ai đó làm ngài tổn thương, nỗi sợ người đó của ngài được trở nên có lý.
Theo thời gian, khi ngài trải nghiệm cũng kỷ niệm không tốt, cảm giác tiêu cực của ngài dành cho người đó (có thể là nàng Karen, biết đâu được) bắt đầu phản ứng fight or flight - phản ứng 'chiến hay chạy'.

Phản ứng 'Chiến hay chạy', theo AJ Marsden, giáo sư Tâm lý học ở Beacon College, Florida, "là cách cơ thể phản ứng với nguyên nhân gây căng thẳng.” Vấn đề ở đây là phản ứng này vẫn được bật công tắc ngay cả khi không có một tên sát nhân cầm cưa đeo mặt nạ nào ở xung quanh. Chúng ta là loài sống hoài niệm, và chúng ta không thể phân biệt được tên sát nhân thật cầm vũ khí và một quý ngài mà ta đặt biệt danh là đồ chó. Điều đó có nghĩa, phản ứng Chiến hay chạy cũng được phát động khi ta thấy một cái ảnh đại diện hay dòng comment của quý vị mà ta ghét. Ta có thể chọn Chiến - tấn công hoặc Chạy - sợ hãi. Cho dù là lựa chọn nào, nó cũng gây ra tổn thương.
Không những thế, ghét bỏ thường có xu hướng tăng lên theo thời gian.
"Trong não, những liên kết nơ-ron trở nên mạnh hơn và làm cho chúng ta níu kéo hơn những mặt tiêu cực của người đó” theo Marsden. “Kể cả khi họ làm gì đó tích cực, chúng ta vẫn sẽ chú ý nhiều tới những điều tiêu cực bởi đó là thói quen mà ta tập cho não.”
Trong trường hợp này, một quý ngài đáng kính khác của Công tước Chad đã vượt thời gian để nói ra sự thật mãi mãi trường tồn:

"In time we hate that which we often fear."
― William Shakespeare

Giảm ghét bỏ thế nào?

Rõ ràng rằng ghét là cảm giác tiêu cực vì nó liên tục đặt cơ thể dưới căng thẳng - nhưng liên tục chối bỏ nó cũng gây căng thẳng tương tự. Khi viết về bộ não liên tục phân biệt giữa 'Chúng ta' và 'Họ', tiến sỹ Sapolsky cũng viết về việc phản ứng ghét bỏ trong não của người không phải được in dấu cố định và mãi mãi trong đó, chúng ta có thể thay đổi phản ứng cảm xúc của chính mình với 'Họ'. Ví dụ, Sapolsky nhấn mạnh tới “... một công cụ nhận thức mạnh mẽ—perspective taking, tiếp thu quan điểm. Giả vờ như bạn là 'Họ' và bạn giải thích những nỗi đau của mình. Bạn sẽ thấy thế nào? Bạn cũng sẽ thấy đau đớn sau khi đi hàng dặm trên đôi giày của họ chứ?” (Sapolsky, 2017)

Thực hành chánh niệm (mindfulness) - phương pháp 'quốc dân' của thế kỷ mới (tới mức nghe tới ta dường như phát ngán) cũng là một lối hóa giải hận thù thiết thực. Khi mà bạn để ý hơn tới những hành vi, tới nguồn gốc của cảm giác tiêu cực đó, bạn sẽ có thể biết nó sưng tấy ở đâu, và làm thế nào để xoa dịu nó. Chánh niệm là một phương pháp tập trung nhiều vào nhận thức và chấp nhận - giống như thiền, bởi một khi bạn nhận ra điều gì có trong mình, bạn có thể chọn được cách giải quyết cho nó.
(*) Công tước Chad và tiểu thư Karen là hai nhân vật tưởng tượng, họ đã từng xuất hiện trong bài về Retail therapy của mình.
Nguồn tham khảo:
Heider, F. (1946). Attitudes and cognitive organization. Journal of Psychology, 21, 107–112.
Heider, F. (1958). The psychology of interpersonal relations. Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum
Tomasello, M. (2014), Michael Tomasello. Eur. J. Soc. Psychol., 44: 187-194. doi:10.1002/ejsp.2015
Sapolsky R. Behave: The Biology of Humans at Our Best and Worst. New York: Penguin Press; 2017.
Đọc thêm: