Trong số Human of Spiderum lần này, chúng tôi đánh rơi một trích đoạn trong số Podcast mới nhất của kênh youtube Người Trong Muôn Nghề" ở đây. Dù sao hai chuyên mục này cũng có nét tương đồng là đều làm về con người và họ đều có chút gì đó gắn kết với cộng đồng nhà Nhện, nên là các bạn yên tâm, trong thời gian tới chúng tôi sẽ còn tiếp tục vô tình đánh rơi nhiều trích đoạn “Người Trong Muôn Nghề" hơn ở trên này. Hi vọng các Nhện Hữu ủng hộ và đón đọc thường xuyên để có thêm hiểu biết về nhiều ngành nghề khác nhau nha :D
“Nếu bạn không phải là một người quảng giao, không thích tiếp xúc với con người, đừng bao giờ nên làm nhân sự. Nó sẽ chỉ khiến cuộc sống của bạn trở nên mệt mỏi.”
Trong “nhân sự” luôn có chữ “nhân”, nghĩa là khi làm việc với con người cần rất nhiều sự tinh tế và khéo léo. Giống như hành trình theo đuổi nghề Nhân sự, sẽ không hề dễ dàng, cần sự cố gắng, nỗ lực, đặc biệt với những người “ngoại đạo”. Chị Adele Doan, một trong những tác giả của cuốn sách “Người Trong Muôn Nghề” sẽ là nhân vật chính cho số Humans of spiderum kì này. Chị đã có kinh nghiệm làm việc tại Navigos Search – agency lớn nhất tại thị trường Việt Nam về headhunting và hiện tại đảm nhiệm vai trò Recruitment Lead, Business Partner tại One Arrow Consulting. Hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện giữa Host Xuân Quỳnh và chị Adele Doan chia sẻ những câu chuyện đặc biệt trong ngành HR cũng như làm rõ những khúc mắc đối với một người làm trái ngành sẽ bước chân vào công việc nhân sự như thế nào nhé.

Tổng quan về Ngành Nhân Sự

Xuân Quỳnh: Em thấy ngành Nhân sự rộng lớn ghê, có nhiều hướng đi khác nhau quá. Chị Adele Doan có thể giúp em hình dung một bức tranh tổng quan nhất về ngành này được không ạ? Ngành này có những công việc cụ thể là gì ạ?
Adele: Quản trị nhân sự hiểu một cách đơn giản là đảm nhiệm các công việc liên quan tới một nhân viên khi mới tham gia vào một tổ chức. Đầu tiên, nhân viên đó sẽ tiếp xúc với tổ chức thông qua tuyển dụng nên công việc thứ nhất của nhân sự đó là tìm kiếm ứng viên phù hợp cho tổ chức - Tuyển Dụng (Recruitment). Sau khi ứng viên đã tham gia tổ chức, việc thứ hai của người làm nhân sự chính là xác định mức độ lương thưởng và chế độ đãi ngộ của nhân viên - C&B (Compensation & Benefit). Tiếp theo, để nhân viên có thể phát triển năng lực của mình, công việc thứ ba của nhân sự là đảm nhiệm công việc đào tạo, training nhân viên trong tổ chức - L&D (Learning and Development). Đó là ba bộ phận quản trị nhân sự chính mà mọi doanh nghiệp đều có. Ngoài ra, các tập đoàn lớn còn có bộ phận Quan hệ nhân sự (Employee Relation) chịu trách nhiệm duy trì và phát triển các mối quan hệ giữa nhân viên và nhân viên cũng như mối quan hệ giữa nhân viên và doanh nghiệp. Tùy vào quy mô hay mô hình của tổ chức, các công ty hay doanh nghiệp còn có những bộ phận đặc biệt như Health and Safety, Admin Operation,... liên quan đến an toàn làm việc, cách thức vận hành….

Học trái ngành, làm Nhân Sự ra sao?

Xuân Quỳnh: Với các bạn không học chuyên ngành này mà lại muốn theo đuổi Quản trị nhân sự, theo chị Adele có những cách tiếp cận kiến thức, kỹ năng nào khác để có thể phát triển trong ngành ạ?
Adele: Chị nghĩ mọi người nên có một giai đoạn bước đệm trước khi bước chân vào ngành Nhân sự, đó là trở thành Thực tập sinh. Với giai đoạn này, cơ hội sẽ tương đối rộng mở. Các anh chị đi trước cũng sẽ tạo điều kiện cho các bạn trái ngành rất nhiều để mọi người có được vị trí thực tập, tiếp thu kinh nghiệm trong nghề Nhân sự. Lưu ý một chút về cơ hội thực tập thì mọi người nên cố gắng tìm kiếm những cơ hội thực tập ở những đơn vị, tập đoàn có quy mô lớn để có điều kiện được làm việc, được học hỏi, hướng dẫn tốt hơn. Còn một cách khác để chuẩn bị bước chân vào ngành HR, các bạn có thể tham gia những Khóa học về chuyên môn. Trong khoảng thời gian gần đây, chị thấy rằng các khóa học chuyên môn về nhân sự cũng tương đối nhiều và nó cũng không tốn quá nhiều thời gian. Ở trong các khóa học này thì mọi người sẽ có một kiến thức tổng quan về ngành, biết được công việc thực tế, tạo nền tảng vững vàng để mọi người có thể bắt kịp tiến độ khi đi làm chính thức.
Xuân Quỳnh: Theo em được biết, chị Adele trước đây cũng không học ngành Quản trị nhân sự. Vậy chị đã bắt đầu với ngành này như thế nào khi xuất phát điểm là một người trái ngành ạ?
Adele: Đúng là xuất phát điểm của chị không phải là Nhân sự mà là ngành Tài chính ngân hàng, một ngành không liên quan gì đến Nhân sự cho lắm. Từ khi là sinh viên năm ba, sau khi cảm nhận thấy mình có vẻ không phù hợp với Tài chính ngân hàng cho lắm, chị đã bắt đầu tìm kiếm những ngành nghề khác để có thể phát huy được năng lực của mình hơn. Sau khi phân tích các ngành nghề trên thị trường cũng như đánh giá khả năng của bản thân, hầu hết kết quả đều chỉ ra ngành Nhân sự rất phù hợp với tính cách và năng lực của chị. Khi xác định được mục tiêu, chị đã vạch ra một kế hoạch chi tiết để bước chân vào lĩnh vực HR. Điều mà chị còn thiếu so với mọi người là kiến thức, nên bước đầu tiên chị thực hiện đó là bổ sung kiến thức bằng cách đọc và tìm kiếm tài liệu trên internet, tham gia các diễn đàn hay các khóa học online. Tiếp theo, chị tìm kiếm những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế ở trong ngành bằng cách tham gia những buổi offline, các buổi chia sẻ với các anh chị đã có chuyên môn để hiểu hơn các công việc thực tế trong lĩnh vực này. Và cuối cùng, chị dấn thân vào nhân sự bằng cách đi làm, chị tham gia vào một chương trình thực tập sinh bộ phận nhân sự của một tập đoàn. Thông qua những quá trình đó, chị học được rất nhiều từ thực tế, hiểu được công việc của một người làm nhân sự là như thế nào.
Xuân Quỳnh: Trong suốt quá trình làm việc trong ngành Nhân sự, chị Adele đã có những trải nghiệm, những “đắng, cay, ngọt, bùi” đặc biệt nào mà tới giờ vẫn để lại ấn tượng sâu sắc đối với chị không?
Adele: Khi mới bước chân vào ngành Nhân sự, công việc đầu tiên của chị là chuyên viên tuyển dụng. Ngày đầu tiên đi làm thì sếp của chị trực tiếp đưa chị vào phòng phỏng vấn và ngồi xem các bước phỏng vấn với ứng viên sẽ như thế nào. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, khi có lịch phỏng vấn ứng viên thì anh ấy giao cho chị trực tiếp phỏng vấn luôn và nói là: “anh đã cho em biết các bước phỏng vấn như thế nào rồi. Bây giờ đã đến lúc mà em phải trực tiếp phỏng vấn.” Vậy là trong ngày thứ hai đi làm chị đã phải trực tiếp phỏng vấn ứng viên. Mặc dù đã cố gắng chuẩn bị trước các câu hỏi nhưng mà khi mà bước chân vào phòng phỏng vấn thì bản thân chị còn run hơn cả ứng viên của mình nữa.
Một kỷ niệm sâu sắc khác cũng liên quan tới công việc phỏng vấn mà chị nhớ rõ đó là “giải ảo” phỏng vấn không phải lên một danh sách câu hỏi đơn giản. Lần đó, chị nhận được một yêu cầu đó là làm sao để có thể "tra" ra được ứng viên đã có gia đình hay chưa. Nếu chúng ta hỏi trực tiếp ứng viên câu hỏi đó, cuộc phỏng vấn sẽ thiếu đi sự tế nhị. Làm sao để có thể khai thác những thông tin mình cần nhưng vẫn đảm bảo sự tế nhị trong cuộc nói chuyện với ứng viên, không để họ hiểu nhầm là mình đang điều tra và bản thân họ hay mình đang phân biệt đối xử họ với các ứng viên khác? Đây là lần đầu tiên chị thấy là những anh chị đi trước, những người có kinh nghiệm giao tiếp và đặt câu hỏi với ứng viên rất khéo léo. Nếu muốn biết ứng viên đã có gia đình hay chưa, chúng ta có thể hỏi rằng: “Công việc của chồng chị ấy như thế nào?” Nếu ứng viên nói rằng chị chưa có chồng thì mình có thể xác định được thông tin mình cần. Nhưng nếu ứng viên trả lời chồng chị làm về xây dựng thì mình sẽ hỏi những câu hỏi tiếp theo như: “Chồng chị có bận không?”; “Anh ý có hỗ trợ chị trong công việc nhà hay không?”;.... Từ câu hỏi rất gợi mở như vậy, chúng ta mới dần dần tìm hiểu kỹ càng hơn về ứng viên. Đấy là một cái trải nghiệm khá là ấn tượng với chị trong việc phỏng vấn và cách đặt câu hỏi giao tiếp.
Xuân Quỳnh: Ngoài hướng tiếp cận đầu tiên với nghề nhân sự bằng công việc tuyển dụng, theo chị Adele sẽ còn có những hướng tiếp cận nào khác trong ngành HR?
Adele: Có rất nhiều hướng tiếp cận ngành Quản trị nhân sự khác nhau. Các bạn bước chân vào ngành này không chỉ thông qua Tuyển dụng mà có thể qua công việc Training, đi từ các công việc rất là nhỏ như hỗ trợ, đào tạo, giúp nhân viên hội nhập. Hay với bộ phận C&B, bộ phận này có liên quan một chút tới công việc kế toán. Chị có quen biết với những đàn anh, đàn chị học kế toán, kiểm toán và làm các công việc liên quan đến nhân sự. Nhờ những kinh nghiệm có được từ kế toán, khi bước sang ngành nhân sự, họ có thể xây dựng quyền lợi cho nhân viên, đánh giá cơ chế phúc lợi của mình so với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Các anh chị đó còn học thêm, bổ sung kiến thức về đánh giá nhân sự trong tổ chức, học thêm về xây dựng KPI, xây dựng các tiêu chí đánh giá các bộ phận trong tổ chức. Đấy là hướng đi khá thích hợp, mặc dù bắt đầu bằng công việc kế toán, kiểm toán nhưng họ lại bước vào nhân sự bằng con đường C&B. Sẽ không có một khuôn mẫu nhất định dành cho những bạn mong muốn làm việc trong lĩnh vực Quản trị nhân sự cho dù xuất phát điểm có khác nhau.

Tố chất, tính cách người làm Nhân Sự

Xuân Quỳnh: Theo chị Adele, một người làm ngành Nhân sự cần có những tố chất và tính cách như thế nào?
Adele: Về tố chất (Competency), chị nghĩ một người làm nhân sự tốt là một người có tố chất làm việc với con người bao hàm những kỹ năng khác nhau như:
+ Kỹ năng giao tiếp
+ Kỹ năng xử lý vấn đề
+ Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
+ Kỹ năng đàm phán
Ngoài ra, còn những kỹ năng quan trọng khác giúp các bạn tiến sâu hơn trong ngành Nhân sự hay bất cứ ngành nghề nào khác. Thứ nhất là kỹ năng tự học. Nếu có được kỹ năng này thì các bạn có thể bắt kịp với công việc rất là nhanh. Thứ hai đó là kỹ năng giải quyết vấn đề. Có một số tổ chức đào tạo kỹ năng này nhưng nhìn chung đây là một kỹ năng rất khó để có thể truyền đạt được tới cho mọi người. Giải quyết vấn đề đây ở đây có thể hiểu đơn giản là bạn phải có năng lực phân tích, nhận biết ra vấn đề, nguyên nhân cốt lõi ở đâu, lý do đằng sau là gì. Sau đó, bạn phải tìm ra những giải pháp để xử lý những vấn đề đó. Thông thường, kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ đến từ bản thân mỗi người, các tổ chức, các khóa học đào tạo chỉ đóng vai trò giúp đỡ và hỗ trợ phần nào.
Về tính cách, người làm nhân sự phải có tính cách thích làm việc với con người. Thứ nhất, nếu bạn là một người thích quảng giao, thích nói chuyện, tiếp xúc hay giao tiếp với nhiều người thì có thể đây là những tính cách phù hợp cho những bạn làm nhân sự. Thứ hai, bản thân chị thấy rằng những người có tính cách chỉn chu, quan tâm và để ý, quan sát người khác từ những công việc nhỏ cho tới những công việc lớn sẽ phù hợp với công việc này. Sự quan tâm ở đây không chỉ dừng lại ở mức độ lương thưởng của nhân viên mà còn là đời sống cá nhân, để tâm tới lộ trình phát triển của từng cá nhân trong tổ chức, xây dựng được những lộ trình đào tạo để giúp đỡ những nhân sự trong công ty phát triển càng ngày càng tốt hơn.
Xuân Quỳnh: Cuối cùng, không biết Chị Adele có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn đang có mong muốn hay mới bắt đầu bước chân vào ngành Quản trị nhân sự không?
Adele: Nếu mà có lời nhắn cho những dành cho những bạn mới bước chân vào nghề hay đang chuẩn bị bước chân vào ngành này thì đối với chị, Nhân sự là một chuyên môn và trong đó có rất là nhiều các chuyên môn nhỏ khác. Với đặc thù của một ngành chuyên môn, nó cần sự học hỏi và đào sâu bởi đây không phải là một công việc mà ai cũng có thể làm được. Nếu bạn làm công việc nhân sự ở mức ai cũng có thể làm được thì chị không nghĩ rằng người đó đã hiểu rõ được công việc này. Chúng ta cần tiếp cận nghề nhân sự với một chiến lược cụ thể và nghiêm túc.
Để có thể đi xa với nghề, phát triển chuyên môn luôn là yếu tố cốt lõi để mình trở nên xuất sắc và nổi bật hơn trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh này.
Các bạn có thể lắng nghe đầy đủ những chia sẻ của chị Adele Doan về chủ đề ngành Nhân sự tại đây:
 Đừng quên đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề để khám phá thế giới công việc rộng lớn và đầy thú vị tại:
Nếu bạn có những câu hỏi hoặc thắc mắc liên quan tới công việc, hãy cùng chia sẻ với chúng mình tại Người Trong Muôn Nghề Confession nhé: https://b.link/NTMN-Confessions