Kể ra cũng lạ, có đôi khi mình cũng không hiểu vì sao con người ta lại dễ bày tỏ với người lạ nào đó hơn là chia sẻ với một người thân thuộc trong gia đình. 
Tay gõ phím, tai nghe podcast và đầu mình chợt nghĩ như vậy.
“Có lẽ chính vì sự xa lạ ấy nên người ta dễ bày tỏ”. Ừ, mình đang nghe podcast, và đó là những gì mình nghe được khi viết ra những dòng suy nghĩ ấy.
Ngày hôm qua.
7.18pm, một tin nhắn trong hộp tin nhắn chờ gửi đến.
"Chị ơi…"
Kể cũng lạ, đó là lần đầu tiên mình trả lời một tin nhắn của người lạ khi mình không biết rõ nội dung tiếp theo sẽ là gì.
Một cô bé năm nhất, không quen biết mình và mình cũng không quen cô bé trò chuyện với mình: “GPA của em tệ lắm chị ạ. Thế em có thất nghiệp hay thất bại trong tương lai không chị nhỉ. Em hướng nội, em nhút nhát và em thấy mình tự ti. Em còn chẳng dám nhìn vào hình của bản thân mình nữa. Chắc sau này em chỉ là kẻ phía sau để người đời cười cợt…”
Qua vài ba dòng, mình chợt hiểu hình như có gì đó bên trong, hoặc sâu bên trong ký ức của cô bé có một điều gì đó đã hình thành nên một con người với tính cách nhút nhát và tự ti đến như vậy. 
Trước đó, mình cũng tâm sự với một cậu nhóc, mình cũng được tính là hơi thân với cậu. Cậu thì ngược lại, tính cách vui vẻ, hòa đồng nhưng mình thấy có gì đó không đúng. Cậu đang cố làm hài lòng tất cả mọi người và gìn giữ rất nhiều mối quan hệ xung quanh: “tính em không loi nhoi, em làm vậy vì sẽ khiến cả nhóm vui hơn thôi à”.
Hai tính cách trái ngược, nhưng bạn có biết điểm chung của hai con người trên là gì không?
Ẩn sâu trong hai nét tính cách ấy chính là những ký ức không tốt đẹp ở lứa tuổi học trò.
“Em bị bạn cô lập, cho chơi một mình...”
“Em là người hướng nội”.
Có lẽ là câu nói giúp những người như vậy bao biện và che đậy đi nguyên nhân khuất lấp phía sau tính cách ấy. Mình dùng có lẽ vì mình hiểu không phải tất cả những người nói điều ấy đều như vậy.
Mình cũng từng nghĩ mình là một người hướng nội, một người mang tính cách của những người nhóm S với sự nhút nhát và ám ảnh bởi những lỗi sai do bản thân mình tạo ra. Rằng mình nằm trong nhóm người thích nghe nhiều hơn nói. Rằng ngoài kia có vô vàn người giống như mình, và mình tin là bản thân mình vốn sinh ra là như thế.
Để mình kể cho bạn nghe, rằng mình có một nỗi sợ: nỗi sợ bày tỏ quan điểm. 
Đã rất nhiều lần mình đặt câu hỏi tại sao bản thân mình lại như vậy. Đã rất nhiều lần mình nhận thức được câu trả lời trong đầu mình là chính xác hoặc những gì mình suy đoán sẽ trùng khớp với nội dung ai đó sẽ trình bày. Nhưng mình không dám nói ra. Đã rất nhiều lần mình biết mình đúng nhưng đành ngậm ngùi nhận rằng mình sai. Vì mình sợ một điều gì đó mà có khi nó còn chẳng tồn tại.
Mình có thể đứng trước hàng trăm người để trình bày một bài thuyết trình thật trôi chảy nhưng khi ai đó hỏi mình ý kiến của mình. Mình đóng băng ngay lập tức. Nếu ai đó bảo đó là một bug cần được fix trong lập trình tư duy của mình thì mình cũng không chối cãi.
Mình ngại đưa ra ý kiến, đặc biệt là với leader của mình hoặc những bất kể ai mình nhìn thấy có học vị, độ tuổi hay chức vị cao hơn mình. Có những lúc mình thấy những bạn cùng trang lứa, các bạn ấy tự tin để trình bày quan điểm của mình 1:1 với leader, mình vừa phục vừa buồn. Vì mình biết rằng chừng nào mình còn sợ thì cánh cổng đưa mình tiến tới việc học hỏi và phát triển bản thân sẽ còn lâu mới được mở ra.
Mình đã đọc một bài viết, về “Tuổi thơ và quá trình hình thành tính cách con người”. 
Và mình cũng đã nhận ra được điều gì đó.
“Sự nhút nhát không phải tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình để cảm xúc tích tụ và hình thành.”
Mình cũng đã ngồi lại, throw back những chuyện đã qua với bản thân, bắt lấy con quái vật giật giây trong từng hành động của mình. Biết đâu là bug, đâu là nguyên nhân tạo nên con bug ấy, và đi tìm cách fix bug phù hợp.
Và câu chuyện bắt đầu từ đây.
Cách đây 10 năm, khi mình vừa là một cô học sinh lớp 6. Mình được tín nhiệm là tổ trưởng. Một tổ trưởng đầy trách nhiệm. 
Sáng hôm đó, cũng như một buổi sinh hoạt lớp bình thường. Tất cả các tổ trưởng đều báo cáo tình hình của lớp với giáo viên chủ nhiệm. Và mình cũng vậy. Báo cáo tình hình các bạn phát biểu xây dựng trong học tập, tình trạng chấp hành kỷ luật và quy định lớp học của các bạn thành viên là nhiệm vụ của mình.
2 tiết học trôi qua, giờ ra chơi đến. Một bạn nữ nào đó đến tìm mình và tặng cho mình một cái bạt tai rất mạnh. Với lí do vì mình đã nói về về việc một bạn nam không tuân thủ quy định về đồng phục trong giờ sinh hoạt. Từ bé đến lớn, ngay cả gia đình mình cũng chưa ai làm điều đó với mình, ngay cả chính ba mẹ mình cũng không bao giờ.
Đến thời điểm hiện tại, khi mình đủ nhận thức để hiểu đó cũng là hành vi bạo lực học đường thì cũng quá trễ để thay đổi quá khứ. Lần đó, mình đã khóc rất nhiều tại lớp. Mình đã rất sợ. Nhưng về nhà thì trở lại trạng thái bình thường. Không một lời nói với gia đình. Không ai biết chuyện này ngoài mình và những bạn trong lớp học. Vì mình chẳng dám nói ra. Nhỡ đâu...
Những ngày sau đó là chuỗi ngày kinh khủng với mình khi nhìn đâu cũng thấy sợ. Mình sợ ngày mai, ngày kia, tương lai về sau nữa có khi mình lại bị người khác hành xử tương tự. Mình sợ mỗi lời mình nói ra, liên quan đến một người nào đó thì nó sẽ vô tình tổn hại đến chính bản thân mình lần nữa. Và câu chuyện cứ thế êm đềm chìm vào quên lãng. Nhưng mình lại chẳng hay một điều rằng nó đã đi theo và ảnh hưởng đến mình như thế nào.
Ký ức ấy đi theo mình, dặn dò mình rằng khi mình nói một lời nào đó, mình không có sức mạnh và quyền lực để bảo vệ mình thì mình sẽ bị tổn thương. Cả thể chất lẫn tinh thần. Có thể đó là cơ chế tự nhiên giúp mình tự vệ. Và nó theo mình đến tận những thời điểm sau này. 
Mình cũng ngẫm lại, về những năm tháng tiếp theo, khi tham gia lớp học, mỗi lần mình muốn phát biểu, mình đều đắn đo và suy nghĩ rất nhiều. Tim đập loạn xạ dù mình chỉ đang ngồi im và chuẩn bị đưa ra ý kiến. Nỗi sợ ấy lớn đến mức nó đè nén mình và mình chẳng dám giơ tay lên và cất thành lời.
Và mình cũng hiểu lí do vì sao khi nói chuyện với leader hay những người có năng lực hay ở họ có thứ gì đó hơn mình thì mình lại sợ đến vậy. Vì ký ức ấy đã nhắc nhở mình, đặt lên bàn cân và so sánh: mình chẳng có quyền lực, mình chẳng có sức mạnh vậy nên nó đã tự động bật cơ chế bảo vệ an toàn. 
Lần nọ, mình có nói chuyện với một người chị rất tâm huyết trong việc chia sẻ và định hướng cho các bạn học sinh, sinh viên. Chị có nói với mình là khi mình nói chuyện với chị, mình bị “khớp”. Mình cũng thấy mình lúc đó cứ lắp ba lắp bắp, câu từ loạn xạ. 
Lần khác, mình nhận được feedback từ một người leader cũ của mình. Mình cũng hơi bất ngờ khi anh bảo mình gặp những vấn đề trong làm việc nhóm, về việc mình nên học cách đưa ra quan điểm với leader. Và đó là một trong số ít những người leader thẳng thắn góp ý với mình. 
Mình hiểu là mình cứ để nỗi sợ ấy lớn lên mãi thì đâu có ổn.
Tìm bug. Tìm nguyên nhân. Mình fix bug.
Mình hiểu đâu là lí do khiến mình như vậy. Và giờ nhìn lại, mọi thứ xung quanh mình đã thay đổi so với 10 năm trước đây. Mấu chốt bây giờ nằm ở mình: chấp nhận và vượt qua nỗi sợ. Chấp nhận rằng mình không phải là một người sinh ra đã là như thế. Chấp nhận rằng mình vẫn chưa thể vượt qua được nỗi sợ của mình. Safe zone!
Mình không nói chuyện trực tiếp với leader, mình chọn bày tỏ qua email. Và mỗi lần nói chuyện, mình cũng tập lấy thật nhiều can đảm để nói ra ý kiến của mình. Mỗi lần làm được là một lần vui. Mỗi lần nói lên được ý kiến của mình, trong người mình nhẹ nhõm, vui sướng, tưởng chừng như mấy neuron thần kinh nhảy cẫng hết cả lên trong con người mình. Nghe có vẻ lạ đời, nhưng sự thật là như vậy.
Một ngày của mình bỗng trở nên tươi sáng, khi ngày hôm đó mình nhấc tay lên, đặt câu hỏi và trao đổi trực tiếp với giảng viên. Khi kết thúc môn học, mình ở lại trò chuyện và trao đổi thêm với họ. Nhận lại những lời góp ý, lời khen và cả những sự giúp đỡ không phải ngồi im là nó sẽ tự tìm đến. 
Nhiều bạn bảo tính cách mình hòa đồng, nhiều bạn bảo mình tốt bụng. Vì mình không muốn làm tổn thương bất kì ai. Cảm giác bị bỏ mặc, bị đánh mắng, dè bỉu nó kinh khủng lắm. Nếu bạn từng trải qua và hiểu cảm giác ấy, bạn sẽ không muốn người khác phải giống bạn.
Nhiều bạn bảo mình tự tin, nhiều bạn bảo nhìn mình tràn đầy năng lượng. Nhưng đâu phải ba mẹ mình sinh ra mình là một người vốn có những điều ấy đâu.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.
Mình thì không thấy có trời nào ở đây cả. Thứ chúng ta có là một hạt mầm bé nhỏ, sẽ theo chúng mình lớn lên, va vấp ở nhiều môi trường khác nhau và hình thành nên cái thứ gọi là tính cách.
Điều này có nghĩa là chúng ta có quyền chăm bón, chữa bệnh, uốn nắn cho nó theo thời gian. Thế nên, đừng cố định những thứ mình có thể thay đổi.
Bạn hiểu ý mình không?
Các bạn có biết rằng trước đây, trong những tiết Ngữ Văn, khi giáo viên bảo ai đó đọc bài. Mình chẳng bao giờ giơ tay lên cả. Vì mình có một giọng miền Trung đặc sệt. Ừ, quê gốc mình ở Nghệ An. Mỗi lần cất giọng, những ánh mắt kì lạ, những nụ cười ái ngại hướng về mình. Nhưng giờ đây, mình được các bạn khen có một giọng nói truyền cảm và một phong thái thuyết trình tự tin. Vì mình đã âm thầm vượt qua nỗi sợ, chấp nhận mình có một giọng nói không hay và từ từ thay đổi nó khi mình thay đổi môi trường học tập.
Mình cũng không có một giọng hát tốt, cũng chẳng chơi đàn hay. Đã từng nhận về những lời chê bai về việc mình đăng video của mình lên mạng xã hội. Mình cũng xem lại những video ấy, mình hiểu bản thân mình làm cũng chưa tốt thật. Mình cũng tập hát mỗi ngày, trong phòng tắm. Giọng hát cũng cần luyện tập thể dục thể thao để khỏe mạnh mỗi ngày mà. Để giờ đây, mình đã tự tin hát trước một tập thể, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa năng nổ và có một thời sinh viên đáng nhớ. Thu về những hạnh phúc bé nhỏ khi ai đó bảo “em mê giọng của chị lắm luôn”.
Một câu chuyện khác, của một cô bé đã từng khóc rất nhiều, đã từng buồn và tự ti vô cùng khi tin rằng mình có một giọng nói không hay. Vì bạn bè cô bé, ai cũng bảo vậy.
Bé email cho mình, bảo em đã tự tin hơn khi thuyết trình và tìm được niềm vui và lấy lại sự tự tin cho bản thân khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Vì vẫn còn chị tin em. “Mọi thứ sẽ tốt và ổn hơn nếu như mình tìm được điểm tựa đúng không chị?”
Mình không nghĩ mình là một điểm tựa vững chắc cho một ai đó. Nhưng mình cho họ thấy được “sự tò mò tôn trọng” bên trong mình. Tò mò về câu chuyện của họ, lắng nghe, chia sẻ và không phán xét. 
Mình hiểu có những khi “cái thứ giết chết một con người không phải là ‘căn bệnh’ mà là cách hành xử của cộng đồng đối với họ”.
Chúng ta, đâu ai muốn bản thân mình tự ti.
Nguồn: Pinterest
Nguồn: Pinterest
Podcast mình nghe: