ABBA: Để âm nhạc nói
Tôi cá là hầu như nhà nào có TV ở Việt Nam đều đã từng nghe bài Happy New Year mỗi khi năm mới. Bài này chắc chắn thuộc dạng bị bật...
Tôi cá là hầu như nhà nào có TV ở Việt Nam đều đã từng nghe bài Happy New Year mỗi khi năm mới. Bài này chắc chắn thuộc dạng bị bật đi bật lại nhiều nhất, đến phát sợ.
Tôi nhớ hồi trước có người còn “tự dưng” phát hiện ra nội dung thực sự của bài hát này là một câu chuyện buồn nên không phù hợp để bật mừng năm mới đâu. Nhưng rồi bài đó vẫn bật như bình thường.
Tôi bây giờ không xem TV mấy nên cũng không biết TV còn mở Happy New Year nữa không, nhưng thôi thì nhân dịp năm mới, tôi xin phép tản mạn về ABBA - nhóm nhạc giỏi nhất thế giới.
Hồi bé tôi cũng thế. Hồi đấy nhà nhà nghe disco từ ABBA, Boney M, Modern Talking, Bad Boys Blue, đến mức, nếu bạn có đi qua nhà hàng xóm nào mà đang bật nhạc, thì ít nhất sẽ có một bài của ABBA. Nhạc của họ phổ biến đến nỗi bạn có thể nghe ở trên đài, đĩa than, tivi đen trắng, đám cưới, lễ hội, triển lãm hàng tiêu dùng... Ai ai cũng phải biết đến hoặc từng nghe bài Happy New Year, Fernando, Money Money Money, SOS, Chiquitita, Mama Mia.
Thế nên từ hồi năm 94 lúc xã hội mở cửa ra thế giới, mọi người bắt đầu được tiếp cận với MTV, băng cassette, rồi sau đó là CD tàu, thì người Việt Nam bắt đầu được nghe nhiều nhạc ngoại hơn, rồi giới trẻ chuyển sang nghe nhạc mới và coi nhẹ nhạc disco pop như ABBA. Chúng nó nghĩ là nghe nhạc disco tươi vui trong sáng không còn cool nữa, và những chiếc đĩa than và đĩa nhựa của ABBA tự dưng trở nên vô dụng và bị bọn trẻ con như tôi lấy ra chơi trò lia đĩa với nhau.
Chỉ đến khi tôi nghe nhiều thể loại nhạc trong nhiều thời kỳ rồi, tôi mới tìm hiểu lại thử nhạc ABBA và nhận ra được một điều là nhạc của họ mới đúng là đi trước thời đại, chứ không như mọi người nghĩ thường coi nhẹ disco Pop vì kiểu nhạc xập xình không sâu sắc, chỉ để ‘’chơi ở đám cưới’’. Nhạc ABBA nếu bạn có thời gian nghe lại sẽ thấy nó không đơn giản như mình tưởng.
À, hội trẻ thì không hiểu sao mấy ông bà già lại mê thế. Mọi người chỉ mang máng trong band đó có 2 chú, một chú có râu và chú không, với 2 cô, một cô tóc vàng và cô tóc nâu, cũng không rõ ai làm gì trong band. Tên mỗi người cũng khó đọc, ăn mặc thì toàn mấy bộ đồ như siêu nhân lai với phi hành gia. Hãy quay trở lại thập niên 70s một chút và nhìn lại nhé.
Phần nhạc:
Khoan hay bàn về tài năng sáng tác của Benny (chú có râu) và Bjorn (chú không râu) và những giai điệu catchy đến mức gần như ai ai nghe cũng có thể hát lại. Điều đầu tiên quan trọng ở nhạc của ABBA nằm ở phần sản xuất với cách sắp đặt từng khúc nhạc và hòa âm của mỗi nhạc cụ. ABBA thường xây dựng bài hát của họ trên nền rhythm của bộ khung nhạc cụ cơ bản gồm trống, bass, guitar, và piano cho đến khi thành bài trọn vẹn, 2 chú sẽ thêm thắt các hiệu ứng vào và 2 cô sẽ hát trên nền đó đúng nghĩa là “mệt nghỉ”. ABBA thường thu đi thu lại các bài hát của họ cho đến khi họ thấy hoàn hảo mới thôi, chứ không giống như cách truyền thống là thu phần bộ khung cho cả CD trước khi quay lại và hoàn thiện sau mỗi khi có hứng. Nói đến đây, có thể thấy thực ra phần nhạc đệm cho ABBA, có màu sắc cơ bản chả khác gì nhạc Rock n Roll, hoạ chăng là ít tiếng guitar điện hơn. Nếu thử “bỏ qua” giọng hát của 2 cô, bạn sẽ thấy màu sắc nhạc của ABBA chơi không khác gì nhạc của Journey, Toto, hay REO Speedwagon vậy.
Còn nữa, câu tuti (câu giai điệu chơi bằng đàn) trong bài của ABBA cũng đóng vai trò quan trọng. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao các anh không chỉ dừng lại ở giai điệu bài hát catchy, mà còn cố nặn thêm những câu nhạc intro giai điệu khác hẳn mà cũng catchy chả kém, chưa kể đến việc những câu tuti này mà chơi bằng guitar thì rất ''bốc” (chỉ mỗi tội 2 anh không thích làm như vậy). Bằng chứng là đã có quá nhiều Metal band rất hào hứng với giai điệu của ABBA và cover lại như Yngwie Malmsteen cover “Gimme Gimme Your love” hay Helloween cover “Lay all your love on me”.
Metal hóa ABBA thật đơn giản chỉ cần chơi đoạn tuti bằng guitar điện
Các anh còn thử nghiệm cả tiếng xylophone như trong bài Money, Money, Money hay đàn sitar trong I Have A Dream hay kèn ô-boa trong Mama Mia. Bài Lay All Your Love On Me thì chuyển tông mượt như kiểu nhạc cổ điển. Đấy là chưa kể nhiều bài như The Winner Takes It All, The Day Before You Came, One Of Us nghe giai điệu không buồn và sâu lắng sao? Nhạc disco hay pop truyền thống chắc không chơi mấy chiêu này đâu.
Phần nhạc của One of Us với phần bass và drum chả khác gì nhạc Rock truyền thống
Giai điệu
Đấy là về nhạc. Còn phần hát thì không ai có thể chê giọng ca của Anni-Frid (cô tóc nâu) và Agnetha (cô tóc vàng) được. Ngoài sở hữu chất giọng rất hay, bè hát của hai cô hài hoà trong hoà âm với phần nhạc khiến cho giọng hát cũng đóng vai trò nhạc cụ vừa làm nền vừa làm giai điệu solo chính. Dancing Queen là một trong số nhiều ví dụ.
Còn nữa, dù lời bài hát của ABBA có phần đơn giản nhưng chính sự lặp lại phần lời trên nền giai điệu kích thích não khiến cho người nghe dễ bị in lại trong tiềm thức giai điệu bài hát này. Thử bật “Dancing queen” hay “Money Money” lên và hát theo mà xem, bạn sẽ thấy mỗi lần lặp lại của đoạn điệp khúc catchy được hát theo một kiểu khác nhau, và điều đó cũng khiến bài hát càng nghe càng thú vị, khiến trí óc của bạn tò mò một cách thụ động phải nghe đến tận cuối bài.
Nếu để ý thì sẽ thấy ABBA là ban nhạc đến từ khu vực Scandinavi, là khu vực sản sinh ra thứ nhạc folk mà sau này trở thành chất liệu của quá trời các thể loại melodic từ nhẹ đến nặng. Chưa kể đến kiểu nhạc “Schlager” là kiểu nhạc “trữ tình” giàu giai điệu, bắt đầu trỗi dậy từ sau thế chiến thứ hai với trung tâm là nước Đức, được ABBA kết hợp vào trong âm nhạc của họ. Giai điệu đẹp vì vậy trở thành thứ rất tự nhiên nhưng cũng là thứ được ABBA đầu tư kỹ lưỡng nhất. Đừng quên Ritchie Blackmoore trước khi làm Rainbow cũng đã từng sang Đức ở ẩn tập đàn suốt mấy năm trời và đâu như cũng đã luyện thành công lực cái kiểu cách chơi nhạc đầy giai điệu đó.
Chính vì thế, nhạc ABBA khiến ai ai cũng có thể nhớ và ngân nga theo giai điệu.
Hasta Manana - một trong những bài có giai điệu đẹp nhất của ABBA
Lời lẽ
Giống như tựa đề bài hát “I Let The Music Speak”, tôi nghĩ nhạc ABBA có sức ảnh hưởng lan toả đến đại số đông người nghe vô cùng. Tôi cá với bạn, kể cả người nghe không cần hiểu lời bài hát, họ đều có thể hình dung phần nào nội dung của bài hát đó qua những câu nhạc. Nghĩ lại những năm 80s ở Hà nội mà xem, đâu có nhiều người biết tiếng Anh đến thế (thời đó ở trường còn dạy tiếng Nga cơ), nhưng các bậc cha mẹ anh chị của mình đều có thể ê â hát theo, cảm, và thậm chí chép lõm bõm lời bài hát ra giấy. Đấy chính là lý do mà sao nhiều người yêu nhạc ABBA đến thế. Bạn có biết đến cả U2, Ritchie Blackmore, John Lennon, Kurt Cobain, Elvis Costello, Noel Gallagher của Oasis và thậm chí Corey Taylor của Slipknot còn hâm mộ nhóm nhạc này.
Chả thế mà đến bây giờ Hollywood vẫn phải làm phim ca nhạc Mama Mia mà vẫn đủ các bài hát để nhét vào cả hai tập này với nội dung đủ để kể 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Câu chuyện gặp Harry làm banker bên dòng Seine có lẽ làm tôi ấn tượng nhất
Hình ảnh
Nhóm ABBA mặc dù nổi như vậy nhưng họ lại chọn cách thể hiện hình ảnh rất nền nã.Tôi nói điều này các bạn đừng có “”ờ nhỉ”” nhé, ấy là dù cho mọi người hát nhạc ABBA nhiều thế, vẫn chả ai nhớ nổi tên của mấy cô chú đó. Không giống như Beatles, Bee Gees, hay Simon & Garfukel là những band mọi người có thể kể tên vanh vách, túm lại ABBA vẫn chỉ gồm chú có râu và chú không râu, cô tóc vàng và cô tóc nâu. Cái tên ABBA vì vậy luôn được nhắc đến như là một tập thể.
Ấy vậy mà, ABBA lại là ban nhạc chăm quay video clip nhất, và tôi nghĩ là chúng ta đều xem tất cả các bài nổi nhất của ABBA từ hồi băng VHS. Tôi cho đây là cách quảng bá cực thông minh vì nếu đặt trong bối cảnh những năm 70s khi MTV thậm chí chưa ra đời, lưu diễn khắp thế giới bằng máy bay chưa được thông dụng như sau này, thì cách nhanh nhất để đến tai khán giả của một ban nhạc ở góc châu Âu là bằng thật nhiều video được phát trên các kênh TV vốn đã rất ít ỏi. Nên nhớ là mãi đến thập niên 80s lúc ABBA tan rã rồi, người làm video liên tục như vậy chắc chỉ có … Michael Jackson.
Cách ăn mặc như đi lên hỏa tiễn của ABBA, thực ra cũng từ việc hồi đó mặc quần áo mà không ai mặc thì sẽ được… giảm thuế. Có những thứ có thể bây giờ chúng ta cười cười, nhưng ở thời những năm 70s, nó là như vậy đó. Gì thì gì, ABBA đã bán được hơn 400 triệu đĩa với chỉ khoảng 10 năm ca hát, và đương nhiên là ở trên hàng top những nghệ sĩ bán nhiều đĩa nhất mọi thời đại.
***
Các bạn trẻ giờ có điều kiện nghe nhiều, đi xem show diễn khắp thế giới, thậm chí có vài band còn đến Việt nam biểu diễn. Nhưng nghĩ lại xem, 30 năm từ những năm 90s đến giờ, có bao nhiêu lần bạn nhìn thấy “hiệu ứng phòng vé” như thời 80s khi rạp Dân chủ hay Tháng tám bán vé chỉ để chiếu nhạc của ABBA và mọi người nô nức đạp xe đi xem?
Đừng nghĩ hồi đó thiếu thốn hơn bây giờ - bây giờ đố ai tìm được gì chiếu ở rạp mà kéo được các ông bà già ra khỏi nhà đấy - mà các bậc cha mẹ anh chị chúng ta họ biết chọn mặt gửi vàng lắm ấy. Không tin, bỏ tiền ra chiếu ABBA lại mà xem, xem thời trước hay thời nay, ai mới là người “thiếu thốn”.
Thế nên, tôi cũng thỉnh thoảng nghe lại nhạc ABBA và ngân nga, trừ bài Happy New Year.
Chúc mừng năm mới, cám ơn âm nhạc, và hẹn gặp lại!!!
Kroon
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất