Rất tình cờ là một ngày khi tôi thử hỏi chị Google về lý do hiện tượng nền âm nhạc K-Pop xâm chiếm thị trường âm nhạc thế giới một cách diệu kỳ, đặc biệt là ở Mỹ. Thì trong phần kết quả Search có một bài báo trên Rolling Stone nói đến chuyện các nhà sản xuất và viết nhạc R&B của Mỹ ngày nay đã không còn đất diễn để viết những giai điệu phức tạp, và những đoạn "bridge" (hay “phần chuyển tiếp”) trong một bài hát đã bị cắt bỏ không thương tiếc.
Các tay làm nhạc R&B này mới cất giữ kha khá số lượng các câu Bridge hay ho không dùng tới và mang sang Hàn Quốc, nơi người ta đón rộng cánh tay với mong muốn đưa ra thị trường thế giới thứ âm nhạc nhiều màu sắc giai điệu chịu ảnh hưởng R&B, thậm chí tới ngay chính quê hương nước Mỹ của nó.
Chuyện các bản hit thời nay ngày một đơn giản về vòng hòa âm và giai điệu đến mức đơn điệu đều đã rõ. Có điều là tôi cũng quên mất tự bao giờ, các bài hát cũng mất đi một yếu tố khá phổ biến trong âm nhạc ngày trước: các đoạn bridge.
Bridge được định nghĩa là phần chuyển tiếp, đa phần gần cuối bài sau đoạn điệp khúc thứ hai, tạo nên sự tương phản cho bài hát. Đoạn Bridge làm cho bài hát được đổi mới, bớt đi sự lặp lại của verse và điệp khúc.
Cách tạo đoạn bridge có thể dựa trên một hay nhiều cách bao gồm: trình tự hợp âm mới; giai điệu mới; phần nhạc hoặc đoạn solo mới; nhịp điệu mới; một tông giọng mới; v.v.
Trong nhạc Rock, đoạn bridge có thể là mấy câu solo guitar sướng tê người của Eric Clapton theo cùng vòng hoà âm trước đó ở “While My Guitar Gently Weeps” của The Beatles, hay đổi hẳn một tông mới không liên quan gây bùng nổ màng nhĩ của Slash trong “Sweet Child O’ Mine” của Guns N’ Roses.
Trong nhạc Pop và R&B, đoạn bridge có thể là đoạn lời bắt đầu với “And the dream we were conceived in will reveal a joyful face …” được đổi vòng hoà âm trong “Heal The World” của Michael Jackson, là đoạn bắt đầu với “Tonight the music seems so loud…” có phần giai điệu cao vút và tiết tấu nhanh vẫn trên cùng vòng hoà âm của điệp khúc trong “Careless Whispers” của George Michael, là đoạn “To think of all the nights, I've cried myself to sleep, yeah…” đã được bồi lên một quãng 8 từ các nốt cuối của điệp khúc thứ 2 trước đó kèm theo với giọng hát phụ cao vút phía sau của Mariah Carey và đoạn solo kèn saxophone của Kenny G sau đó trong “Everytime I Close My Eyes” của Babyface.
Câu Brige đầy ấn tượng của bài "Careless Whisper" là màn thể hiện giọng ca vàng của George Michael
Trong âm nhạc thời nay (tính từ sau 2000s đi), các đoạn bridge nếu có thì trong nhiều trường hợp sẽ được thể hiện bằng một đoạn rap của một rapper nổi tiếng. Trong thời đại nhạc Hip Hop nổi lên như hiện nay, các ca sĩ quay ra cần mấy anh rapper xử lý đoạn bridge theo cái cách thay đổi tiết tấu - hơn là chính các rapper cần các ca sĩ (trừ việc rủ họ hát đoạn Hook). Lý do bởi vì với nhạc Hip Hop, đoạn bridge không quá quan trọng khi lyrics đóng vai trò chủ đạo. Nhưng với các thể loại khác, khi giai điệu là yếu tố thành công, thì sự thiếu vắng câu Bridge của các bài Hit trên bảng xếp hạng là một điều kỳ lạ.
Giờ ta thử xem tầm quan trọng của đoạn bridge là như thế nào.
MỘT
Đầu tiên chúng ta tưởng tượng các hợp âm là các đường thẳng có độ dài khác nhau, được ghép thành một hình hình học. Những bài hát sử dụng 3 hợp âm sẽ giống như một hình tam giác. Còn với những bài sử dụng 4 hợp âm hoặc hơn sẽ giống như một hình tứ giác hoặc đa giác. Và khi nghe bài nhạc, chúng ta như đang chạy bộ trên “khung cảnh” được tạo ra bởi các đường thẳng nối điểm đầu và điểm cuối với nhau đó.
Cái đẹp của âm nhạc là chỉ cần từng đấy hợp âm, nhưng nếu đổi thứ tự của chúng giữa đoạn verse với điệp khúc, là nó đã giống như chúng ta đổi hướng chạy hoặc chuyển sang một “khung cảnh” khác trên một hình đa giác khác. Với những bản nhạc 3 hợp âm, thì việc đổi thứ tự cũng không tạo ảnh hưởng lớn vì với 3 cạnh của hình tam giác, không khác gì ta chạy đổi hướng ngược lại, vẫn là “khung cảnh” đó, chỉ là đỡ nhàm mắt hơn trước. Còn với những bản 4 hợp âm, chỉ cần đổi trình tự hợp âm là ta đã có một hình tứ giác khác đi. Và nếu bản nhạc đó có thêm một hoặc nhiều hợp âm mới nữa thì càng nhiều “khung cảnh” khác nhau có thể được tạo ra.
Như vậy, nếu bridge được dựng lên, và tạo được sự tương phản đúng nghĩa với verse và điệp khúc, nó sẽ như đường nối giữa các khúc nhạc với nhau. Và nếu câu bridge đổi cả tông giọng của bài trong khoảnh khắc, nó sẽ là cây cầu vươn cao lên nối giữa các “khung cảnh”, mà khi chúng ta chạy lên cây cầu đó, chúng ta có thể đổi gió, chiêm nghiệm và ngắm nhìn các “khung cảnh” phía dưới từ một tầm cao mới, vươn tầm mắt xa khỏi những khung hình quen thuộc.
Đến đây tôi bắt đầu tìm hiểu thử danh sách các bài hát trên Hot 100 Billboard của thập niên 2010 và xem bản hợp âm và cấu trúc bài của chúng. Kết quả là đa số các bài đều chỉ có 3 đến 4 hợp âm. Nhưng điều tệ hại hơn là rất nhiều bài có vòng hòa âm lặp đi lặp lại một trình tự không thay đổi, từ đoạn verse, đến điệp khúc. Còn đoạn bridge thì dĩ nhiên không có, hoặc nếu có thì một là một đoạn rap, hoặc chỉ thay đổi nhỏ về giai điệu và tiết tấu. Các đoạn bridge không rõ nét bởi sự đơn giản, thiếu sự tương phản của nó.
Những phần nhạc lặp về hòa âm và đơn giản về giai điệu xuất hiện nhiều trên các bảng xếp hạng
Các ví dụ có thể kể đến như:
Bài “Uptown Funk” của Bruno Mars và Mark Ronson dùng chỉ 2 hợp âm Dm – G trong phần verse và pre-chorus, và 3 hợp âm Dm – F – G ở điệp khúc. Câu nhạc gọi là “Bridge” thì vẫn nhịp điệu đầy với lời đọc tiêu đề bài, nghe không khác gì nội dung giữa bài. Nên đoạn bridge này không tính.
Bài “Party Rock Anthem” của LMFAO lặp theo 1 vòng Em – D – C từ đầu tới cuối. Không có bridge.
Bài “Girls Like You” của Maroon 5 lặp theo 1 vòng C – G – Am – F từ đầu tới cuối. Đoạn bridge là đoạn rap của Cardi B.
Bài “We Found Love” của Rihanna ft. Calvin Harris có 4 hợp âm theo đúng một trình tự từ đầu cuối. Không có bridge.
Và một loạt các bài khác như “Sunflower” của Post Malone, “Without Me” của Hasley, “Tik Tok” của Kesha, "Shake It Off" của Taylor Swift và nhiều bài nữa đều theo một vòng không đổi, và vì thế đoạn bridge cũng chẳng cần thiết.
Các bài nêu trên đều là các bản Hit từng tung hoành đứng đầu bảng xếp hạng trong những năm 2010 – 2019.
HAI
Thực ra việc sử dụng 2-3 hợp âm hoặc 4 hợp âm với trình tự không đổi vẫn có thể tạo ra những bản nhạc hay nếu người sáng tác thiết kế các giai điệu hòa âm có sự biến đổi lớn.
Bài “Blurred Lines” của Robin Thicke với T.I. và Pharrell Williams trong Hot 100 cũng của thập niên 2010 là một ví dụ hay của bài chỉ có 2 hợp âm nhưng có giai điệu quyến rũ và phần nhịp điệu funky nhún nhảy tuyệt hay, ít đơn điệu hơn rất nhiều so với “Uptown Funk”. Bài hát khiến người nghe giống như đang đu trên chiếc xích đu, chỉ đu qua đu lại giữa hai điểm nhưng vẫn tạo cảm giác hưng phấn. Đoạn bridge trong bài này chính là đoạn rap của T.I. Với một bản nhạc được chủ đích sáng tác trên nền hai hợp âm như thế này thì Bridge khó tạo đột phá được, và cũng không cần thiết.
“Shape Of You” của Ed Sheeran là ví dụ nữa về bài 4 hợp âm theo đúng 1 trình tự không đổi. Bù lại, giai điệu catchy biến đổi giữa các khúc nhạc, giống như vẫn “khung cảnh” đó nhưng có sự thay đổi của cây cối, hoa lá, chim chóc xung quanh vào mỗi mùa, che lấp đi sự đều đều của vòng hòa âm. Đoạn bridge ở bài này dùng sự tương phản bằng tiếng hát trên nền nhạc có mỗi tiếng vỗ tay, cũng là một cách hợp lý, dù có thể nó chưa đưa được cảm xúc người nghe tới một tầm cao mới.
Ngoài ra, trong danh sách 100 bài này, vẫn còn lưu lại một số ít đếm trên đầu ngón tay các tấm gương sáng về độ đa dạng trong âm nhạc. Đó là:
“Rolling In The Deep” của Adele: có tới 5 hợp âm và ngoài việc bài hát không bị lặp trình tự vòng hoà âm, nó còn tạo được những đoạn pre-chorus (tiền điệp khúc) đổi hợp âm đầu (từ hợp âm thứ sang trưởng), rồi đoạn Bridge là tráo đổi giữa hợp âm thứ và trưởng trong phần điệp khúc, tạo sự tương phản rõ rệt.
“Perfect” của Ed Sheeran: khúc chuyển giọng từ trưởng sang thứ ở điệp khúc khiến bài hát trở nên cực bay bổng. Một giai điệu đẹp và một vòng hoà âm nhiều màu dù chỉ bằng 4 hợp âm.
Ngoài ra, một số cực hiếm nữa là những bài nhạc phức tạp hơn cả với các đoạn đổi tông giọng tuyệt hay và những câu Bridge thực sự tương phản ở mọi màu sắc, như “Grenade” của Bruno Mars với 6 hợp âm, bài “Take Me To Church” của Hozier với 7 hợp âm, bài “Forget You” của Ceelo Green với 9 hợp âm.
Những bài nhạc được sáng tác bằng tâm huyết thuộc hàng hiếm trên các bảng xếp hạng
Nếu nhìn vào list các bài hit của thập niên 2000 thì cũng không khá hơn 2010 là bao nhiêu. Có cơ số bài có số lượng hợp âm nhiều hơn nhưng các đoạn Bridge đã trở nên kém nổi bật hoặc không tồn tai.
Vậy mà chỉ cần lùi về đúng những năm 90, mọi thứ trở nên khác hẳn.
BA
Trong top thập niên 90 này, đa số các ca khúc đều có cấu trúc hoà âm vô cùng phong phú. Từ đoạn intro, đến verse, đến điệp khúc, đến câu bridge đều có sự biến đổi trình tự hoà âm rõ rệt, và việc đổi tông giọng trong các đoạn nhạc cũng không có gì quá là to tác ở thời kỳ này. Nó giống như một dấu cộp chứng thực cho một bản nhạc được sáng tác bằng cả tâm huyết của người nghệ sĩ. Vì thế, sự xuất hiện các đoạn Bridge là điều gần như tất yếu và cách thể hiện cực kỳ phong phú: giới thiệu các hợp âm mới chưa xuất hiện trước đó ở ngay đầu câu bridge, xuất hiện một nhạc cụ mới, các đoạn solo guitar, hay saxophone, v.v.
Những bản nhạc Pop nhẹ nhàng thời 90 như vậy đến giờ nghe lại mới thấy ở một tầm cao mới so với tiêu chuẩn nhạc bây giờ
Nghe lại các ca khúc trong Top thập niên 90 này, từ “How Do I Live” của LeAnn Rimes, “Un-Break My Heart” của Toni Braxton, “Foolish Game” của Jewel, “Everything I Do” của Bryan Adams, đến “I’ll Make Love To You” của Boyz II Men, “Something About The Way You Look Tonight” của Elton John đều hội tụ nhiều hoặc tất cả các yếu tố trên. Đại khái chỉ cần bốc đại một bài thuộc Top Hit mà chẳng may vào bài “The Sign” của Ace Of Base - theo thể loại Dance - thứ nhạc có phần đơn giản hơn chẳng hạn, thì ta vẫn có được khúc chuyển tông rất đẹp giữa đoạn hát và các khúc nhạc dạo.
Bài nhạc Dance của Ace of Base tính ra không đơn giản chút nào
Và nếu ta mà lùi thêm về thập niên 80 hay 70, 60 nữa thì những David Bowie, The Beatles, Rolling Stones, Queen, Guns N’ Roses, Marvin Gaye, Stevie Wonder, Michael Jackson, Prince, ABBA, Aerosmith, Billy Joel và rất nhiều nghệ sĩ khác nữa đều sáng tác những bản nhạc có cấu trúc phong phú đến độ một đoạn Bridge có thể được lặp lại lần 2 như bài “I Want To Hold Your Hands” của The Beatles, hoặc có thể đưa bài nhạc tới một “thế giới” hoàn toàn mới ở đoạn điệp khúc và Outro sau đó như “The Show Must Go On” của Queen.
Câu điệp khúc cuối cùng sau đoạn Bridge của bài được đẩy lên một tầm cao mới
Thế tôi mới giật mình khi thấy rằng sự tương phản của câu bridge trong một bài hát giống như sự tương phản của những bài nhạc đơn giản trên Top và những bài nhạc được đầu tư chất xám kỹ lưỡng nhưng không mấy ai biết ở thời đại ngày nay. Và nó giống như sự tương phản của những bản hit hiện nay so với các bản hit của những năm 90 đổ về trước.
Khi một bài nhạc có sự thay đổi màu sắc trong các đoạn nhạc, có vòng hợp âm phong phú thì tự khắc câu bridge đến lại rất tự nhiên. Dĩ nhiên là đoạn bridge có thể không quá cần thiết cho một bài đã có giai điệu đẹp (như “Woman” của John Lennon), nhưng nó vẫn là một “vũ khí bí mật” của các nhà sáng tác nhạc đưa vào để nâng bài hát lên một tầm cao mới.
BỐN
Ngẫm lại mới thấy, âm nhạc ngày trước giống như những thế giới thiên nhiên hùng vĩ bị lạc mất lối vào khi “Cây cầu” nối tới chúng đã biến mất. Để lại chúng ta với “khung cảnh” trơ trọi như hoang mạc của âm nhạc hiện nay nơi chỉ vài cây xương rồng cũng đã có thể trở thành điểm nhấn.
Sau 2000s, âm nhạc chất lượng và hay vẫn còn và phát triển, nhưng đa phần chúng không hiện hữu trên các bảng xếp hạng hoặc thậm chí các Giải thưởng âm nhạc nữa. Chúng giống như những “ốc đảo” mà con người ta phải mất công mỏi mắt tìm kiếm và chiếm ôm trọn lấy một cách ích kỷ, trơ vơ giữa một hoang mạc bốn bề là “cát”.
Bởi không còn nhiều người muốn xây những "Cây cầu" phí thời gian để đến đó nữa.
Hẹn gặp lại!
Đọc các bài viết khác của EmoodziK tại website: www.emoodzik.com