Có lẽ trong hai tác phẩm lấy bối cảnh Hongkong những năm 1960 của Vương Gia Vệ là A Phi Chính Truyện ( Days of being Wild) và Tâm Trạng Khi Yêu ( In the mood for love ) tôi vẫn luôn thích A Phi Chính Truyện hơn dù Tâm Trạng Khi Yêu luôn chiếm vị trí chót vót trong các bảng xếp hạng trong và ngoài nước ( 2 hôm gần đây, mỗi hôm tôi xem lại một phim).  Vì sự đồng cảm mãnh liệt với nhân vật chính hoặc cũng có thể tôi chưa trải qua được một dạng tình cảm nào trong sáng và thuần khiết như trong Tâm trạng khi yêu và thật lòng mà nói tôi yêu hình ảnh Trương Mạn Ngọc trong Days of being Wild rất nhiều .

    A Phi Chính Truyện lấy bối cảnh Hongkong ( cuối phim là cảnh những rặng rừng nhiệt đới ở Philippines) những năm 1960, là câu truyện về Húc Tử một chàng trai đa tình do Trương Quốc Vinh đóng, luôn dễ dàng chiếm được tình cảm của các cô gái nhưng anh cũng thật dễ dàng gạt bỏ sự hiện diện của họ trong cuộc đời bất cứ lúc nào. Sẽ có nhiều người sẽ nói đây là một tên đểu, tôi không hề muốn biện hộ cho điều này, nhưng như tôi đã nói tôi đồng cảm và hiểu được những gì mà nhân vật chính đã trải qua. Có thể bạn không biết Trương Quốc Vinh khi được hỏi nhân vật nào giống mình ngoài đời nhất, anh đã trả lời là Húc Tử trong A Phi Chính Truyện nếu ai hiểu nhiều về Trương Quốc Vinh hẳn cũng sẽ không bất ngờ với câu trả lời này. Thật ra tôi chỉ muốn viết cho những người đã thưởng thức bộ phim này, nên mong các bạn hãy bỏ ra 1 tiếng rưỡi để thưởng thức một trong những bộ phim hay nhất của Hongkong và điện ảnh Hoa Ngữ. Thêm nữa, vì tôi rất yêu những cái tên TQV, TMN, Lâm Gia Linh, Lưu Đức Hoa, khi nhớ về khuôn mặt của các nhân vật trong đầu tôi chỉ hiện ra những cái tên này nên thay vì tên của những nhân vật trong phim tôi sẽ dùng những chiếc tên ở trên nhé ^^.
    Mở đầu phim là một trong những cảnh phim mà tôi thích nhất.

- Cô thử nhìn cái đồng hồ này xem
... 1 phút trôi qua
- Tôi nhìn rồi đó , anh muốn cái gì chứ?
- Hôm nay là ngày mấy?
- Ngày 16
- Ngày 16, 16 tháng 8, ngày 16 tháng 8 năm 1960, một phút trước 3:00, chúng ta đã ở đây bên cạnh nhau. Tôi sẽ luôn nhớ đến một phút này vì em. Từ bây giờ trở đi, chúng ta sẽ là bạn một phút của nhau... Ngay mai tôi sẽ trở lại...
    Một kẻ quyến rũ nguy hiểm nhất có lẽ là một kẻ tự tin và biết mình "đẹp", Húc Tử là  một điển hình tiêu biểu. Hắn biết rằng những cô gái kia sẽ vui mừng trong lòng vì được hắn tiếp cận và hắn chẳng hề lo việc mình bị từ chối. Rồi hãy xem cách đối xử của hắn với các cô gái sau một thời gian, tất cả chỉ thấy một sự thờ ơ và lạnh nhạt, có cũng được không có cũng không sao.

Một Trương Mạn Ngọc dịu dàng với nhiều nét con gái truyền thống, luôn muốn hiểu được rốt cuộc mối quan hệ giữa cô và TQV là gì, chỉ muốn cùng chung sống với anh, ai cũng hiểu được trong phim, cô muốn một cuộc hôn nhân. Để rồi khi câu "Mối quan hệ nào" được thốt ra từ miệng của người mà mình từng nghĩ về một gia đình, cô như chết lặng. Không hề quát mắng, trách cứ, to tiếng, cô chỉ lặng lặng ra đi và nói lời không gặp lại. Sẽ có vài trong chúng ta cảm nhận được nỗi thất vọng của cô với chính bản thân mình. Bởi hơn hết cô là người hiểu TQV ngay từ đầu, một kẻ cô đơn, lạc loài, bất cần nhưng cô vẫn dành chọn tình yêu cho TQV.

Một Lưu Gia Linh thì ảo tưởng, cứ nghĩ đã ngủ với TQV thì xem như là một người tình chính thức và coi mọi thứ của TQV là của mình. Thực ra kiểu người như TQV cực kỳ ghét những cô gái này. Chưa tính việc quá dễ dãi, cô hoàn toàn không phải là kiểu con gái có thể làm TQV rung động. Đối với Lưu Gia Linh, cô chỉ là giải pháp để hắn không còn cảm giác cô đơn mà thôi. Dĩ nhiên đôi khi TQV sẽ ngọt ngào với LGL nhưng xem xem đó đâu phải là kiểu cảm xúc chân thành mà chỉ là một kiểu nhen nhóm giữ lại người con gái đó cho mình thêm một thời gian.

    Vậy tại sao hắn lại trở thành một con người lạnh lùng, ích kỷ và vô cảm như vậy. Trong Ashes Of Time, Âu Dương Phong (một nhân vật khác của Trương Quốc Vinh) có nói: “Nếu không muốn bị từ chối, thì hãy trở thành người từ chối trước.”. Húc Tử (TQV) cũng vậy hắn không muốn bị từ bỏ nên trở thành người từ bỏ trước, không yêu người khác nhiều hơn vì sợ bị tổn thương. Hắn không bao giờ yêu người khác bằng 100% tình yêu của mình, 50% cũng chẳng được, TQV chỉ yêu anh mà thôi.

Nhớ về người mẹ, người dì nuôi của hắn, để hiểu hơn về con người QV, dì là người nhận nuôi TQV từ nhỏ, nhưng lại không giấu bí mật mình được nhận nuôi cho anh, có lẽ là cội nguồn của mọi nỗi buồn sau này của anh, anh đã ước giá như dì không cho anh biết sự thật anh đã không phải khổ như vậy. Chúng ta vẫn thường nói, trẻ nhỏ thường học theo những tính cách và phẩm chất của cha mẹ chúng. Anh cũng có một người dì cô đơn và đáng thương, người mà sẽ vô cùng đau buồn nếu anh bỏ đi tìm người mẹ đẻ của mình, chẳng vì thế mà bà không bao giờ nói với QV mẹ anh là ai. Sự tương đồng về tính ích kỷ này được thấy ở đoạn thoại:
- Phải anh ta làm thế vì tiền, nhưng anh ta khiến dì vui vẻ. Sau bao năm con có bao giờ làm gì vui đâu?
- Đúng con chưa bao giờ làm gì vui thế thì chúng ta cùng buồn với nhau

Đối với dì mình cũng có  lúc QV sợ mất đi một người thương yêu mình rất nhiều: "Con chẳng muốn gì cả, con chỉ muốn dì ở đây, dì đã luôn giữ con bên mình từ khi còn nhỏ, giờ con không để dì đi đâu", hay tiêu cực hơn "Con không quan tâm. Nêu không thì chết cùng nhau luôn đi". Nỗi sợ mất đi tình yêu thương là một trong những nỗi sợ lớn nhất của con người còn hơn nỗi sợ tuổi già và nỗi sợ cái chết.
"Người càng ích kỷ càng sợ mất đi tình yêu thương của người khác" 
     Thật không may, nỗi sợ mất đi tình yêu thương của người khác lại càng đau khổ với những người ích kỷ, hay cũng có thể nói, càng ích kỷ con người càng sợ mất đi tình yêu thương từ người khác, tôi cũng chẳng thể biết đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Chẳng phải vì nỗi sợ này mà anh không bao giờ yêu một người phụ nữ hết mình sao ?, không bao giờ sâu đậm vì sợ một ngày kia họ ra đi chỉ còn lại một lỗ hổng chống hoác nơi lồng ngực, chọn cách phũ phàng dễ dàng vứt bỏ những người con gái như một cách để chống lại nỗi sợ, không bao giờ muốn mình tổn thương dù phải làm tổn thương người khác thật nhiều đi chăng nữa. Thấy rằng:
- TQV là một kẻ ích kỷ, cứng đầu là kiểu người chỉ muốn người khác chiều theo ý mình, khi anh nhất quyết bằng được chi muốn người gì của mình nói cho mình về người mẹ ruột, nhất quyết là chỉ nghe từ dì, ai khác sẽ không chịu.
- Một kẻ ích kỷ sẵn sàng trả đũa nhưng người làm tổn thương mình, ở gần cuối phim khi người mẹ ruột không chịu gặp, anh biết sẽ có một đôi mắt dõi theo mình từ phía sau nhưng anh không quay lại "Khi bà ta không cho tôi cơ hội, thì tôi cũng không cho bà ta cơ hội được thấy mặt tôi".  
- Một kẻ ích kỷ và dễ tự ái, khi anh đuổi Lưu Gia Linh ra khỏi nhà khi cô lỡ miệng hỏi "Có phải anh nghèo lắm không, không sao, em có thể nuôi anh".
- Một kẻ ích kỷ chỉ quan tâm tới cảm xúc của mình, và mặc kệ nỗi đau của người khác thứ mà chúng ta thấy thường xuyên nhất trong phim
    

Tất cả những nỗi đau khổ của TQV chỉ từ hai chữ ích kỷ mà ra. Hãy nhìn xem cả bộ phim những người xung quanh đâu có ai không yêu thương anh ? Dì anh, Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh hay cậu bạn do Trương Học Hữu đóng. Vậy mà bằng sự ích kỷ của mình, anh liên tục làm tổn thương họ. Giá mà anh yêu thương và trao đi nhiều hơn, giá mà anh có thể mở lòng, thì cuộc đời của anh đã chẳng tăm tối và khổ thương như kết cục bộ phim như vậy.
    Còn lại gì khi không còn ai bên mình ?  Đương nhiên là một kẻ vị kỷ, TQV đặt trọng tâm vào bản thân nhiều hơn. Đôi khi anh xê dịch trọng tâm này về những người xung quanh để cầu xin tình yêu. Họ có yêu anh không, có chứ! nhưng với một người như anh, anh cần nhiều thật nhiều và từng đó chưa đủ. Khi đặt trọng tâm vào bản thân hay những người mà mình yêu thương đều có một điểm chung là rồi khi sự yêu thương ra đi, trong anh chỉ còn lại một niềm lạc lõng vô bờ, một cuộc sống không ý nghĩa. Chẳng vậy mà cái chết của anh đến như một lẽ dĩ nhiên, một kẻ không còn động lực sống trở nên chán trường và chơi đùa với cái chết.
“Tôi nghe nói đến một loài chim không chân chỉ bay và bay, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ hạ cánh đúng một lần trong đời, đó là khi nó chết đi.”
Húc Tử tự cho bản thân là một loài chim không chân, không bến đậu với cuộc sống tự do phi đến khắp chốn. Hắn tự huyễn hoặc bản thân về một hình ảnh tự do nhưng cũng thật cô độc của một chú chim không chân. Để rồi khi Lưu Đức Hoa nói ra những lời này như một gáo nước lạnh: 
"Loài chim không có chân ? Anh chỉ lừa được những cô gái ngây thơ thôi. Anh giống một con chim à ? Như thế nào? Anh như một gã say."
TQV cả đời bị huyễn hoặc mình là một loài chim không chân cô độc tự do nhưng chỉ có thể bay mãi, xây dựng bản thân trên hình ảnh này để rồi sự cô đơn, và nỗi buồn bủa vây càng tệ hại hơn. 
“Bình minh đang lên, có lẽ sẽ là một ngày đẹp trời. Tôi tự hỏi hoàng hôn sẽ như thế nào? Tôi đã từng không tin rằng mình sẽ tìm được tình yêu đích thực, không biết bây giờ cô ấy đang làm gì?”

    Cho đến cuối cùng của sự sống, khi biết mình chẳng thể nhìn bình minh lần nữa. Húc Tử nhớ về người con gái mà hắn đã thực lòng yêu thương. Hắn nhớ về 3 giờ chiều ngày 16/4 năm ngoái hắn và cô gái đó đã có một phút bên nhau không bao giờ quên. Cận kề với cái chết, hắn nhìn thấy một thứ lóe sáng lên trong tâm hồn của hắn, một ý nghĩa, một tình yêu, hắn nói với người bạn thủy thủ “Nếu anh có gặp lại cô ấy, hãy nói rằng tôi đã quên hết tất cả, như vậy sẽ tốt cho cả hai chúng tôi”. Chắc hẳn hắn sẽ ân hận rất nhiều vì đã đánh mất người con gái thật lòng tốt với mình. 
"Trong cuộc sống, có những người rất dễ rơi vào tuyệt vọng, đau khổ bởi vì trong lòng có quá nhiều gánh nặng, quá nhiều ưu tư, quá nhiều nỗi buồn,… cuối cùng họ bế tắc, gục ngã và dẫn đến việc kết thúc cuộc đời mình.
Sống trên cõi đời vốn không đơn giản và dễ dàng, đôi khi bạn cần phải biết buông bỏ một vài thứ, một vài chuyện thì bạn mới có thể mạnh mẽ đứng dậy và đi tiếp. Cố chấp chỉ khiến bạn mãi chìm đắm trong đau khổ, mãi là kẻ bất hạnh. Khi biết buông bỏ, bạn sẽ thấy cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi bạn."
** Vài lời của người viết:
- Bài viết sử dụng lẫn lộn giữa Húc Tử - Trương Quốc Vinh, hắn - anh vì nhân vật Húc Tử rất giống Trương Quôc Vinh. Hắn là Húc Tử, còn anh là Quốc Vinh.


5:30 AM, Hà Nội 11/6/2020. Viết vào một ngày mưa Hà Nội
Đình Anh