Những ngày vừa qua, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. Với mức điểm đạt được cao hơn hẳn so với năm ngoái, việc điểm chuẩn trúng tuyển tăng cao cũng không hề nằm ngoài dự đoán. Dù vậy, việc nhiều ngành học tăng 2 đến 3 điểm vẫn gây bất ngờ cho nhiều em học sinh. Thậm chí có em tới 27,5 cũng ... “ngã ngựa”, trượt hết tất cả.
Thực tế với cách xét tuyển các nguyện vọng như hiện nay, việc trúng tuyển vào một ngành học/trường của một thí sinh có mức điểm cao hay đơn giản là “đỗ được vào đại học” không phải là quá khó khăn nếu thí sinh đăng ký nhiều hơn nguyện vọng dự phòng cho các mức điểm thấp hơn mà mình có. Song một phần có thể cũng vì mức điểm cao (nếu so sánh với năm ngoái) khiến nhiều em học sinh và phụ huynh rơi vào trạng thái chủ quan, an tâm “ảo”.
Như người viết có biết một em nữ tên là Trà. Trà đạt được số điểm 24,05 khối D01. Vì dự đoán mức điểm chuẩn có thể chỉ tăng từ 1 - 1,5 điểm, em chắc mẩm mình vẫn có cơ hội đỗ và quyết định giữ nguyên số lượng nguyện vọng đăng ký ban đầu. Thế nhưng, khi điểm chuẩn được công bố, Trà mới “té ngửa” vì sự tăng vọt so với dự kiến, mức điểm chuẩn tăng lên tới 3 điểm. Vì thế, em ấy đã trượt tất cả các nguyện vọng.
Câu chuyện của Trà cũng là câu chuyện chung của nhiều bạn trẻ khác. Vì chủ quan nên nhiều em phải đợi đến đợt xét tuyển 2 của các trường để đăng ký vào những ngành học có khả năng đỗ cao hơn. 
Bên cạnh đó, việc điểm chuẩn tăng cũng khiến nhiều học sinh dù đạt được điểm cao so với mặt bằng chung cũng phải ngậm ngùi từ bỏ ngôi trường mơ ước. Thay vì học không đúng chuyên ngành mong muốn, việc thi lại, gap year hay học nghề cũng được nhiều bạn trẻ cân nhắc. 
Dẫu vậy, thi lại vẫn chứa đựng nhiều rủi ro như việc đề thi khó dễ bất thường, các cơ chế tuyển sinh của trường đại học thay đổi hay đến chính các em cũng không chắc chắn về việc môi trường mơ ước có đáp ứng được những kỳ vọng của mình hay không. 
Trong trường hợp đó, gap year có thể là một lựa chọn phù hợp. Gap year là khoảng thời gian để các em vạch ra một lộ trình cho bản thân, tìm kiếm các cơ hội, trải nghiệm để hiểu rõ được điều mình thật sự muốn làm, muốn theo đuổi là gì. Đặc biệt việc tận dụng thời gian 1 năm gap year để đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, đầu tư cho IELTS, ACT / SAT và xác định lộ trình tương lai cũng sẽ là điểm cộng để các em tiến gần hơn tới ước mơ du học. 
Còn với học nghề, lợi ích đạt được là thời gian đào tạo ngắn hơn so với đại học, mang tính thực hành cao. Nhiều chương trình học trung cấp nghề được miễn học phí và có thể liên thông lên đại học với thời gian từ 1,5 đến 2 năm. Thực tế hiện nay cũng cho thấy các trường nghề không đủ học sinh để giới thiệu cho doanh nghiệp do số lượng tuyển sinh thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng. Các trường nghề hiện cũng đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Ngược lại, doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học nhưng lại gặp khó trong tuyển nhân lực có kỹ năng nghề do cung không đáp ứng đủ cầu.
Vậy nên câu hỏi đặt ra là nếu trượt nguyện vọng đại học thì các em học sinh nên làm gì? Nên thi lại, gap year hay theo học nghề, cao đẳng? Những yếu tố nào sẽ quyết định môi trường phù hợp? Bạn đã bao giờ phải đưa ra những lựa chọn tương tự chưa? Trong số 9toTalk lần này, hãy cùng Spiderum chia sẻ câu chuyện của bạn và cùng đưa ra những lời khuyên cho các em trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời này nhé.
-----------------------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo: 
Xem thêm các số 9toTalk khác: