Sự trở lại của điệp viên Trung Quốc (P7): Giải mã tất tần tật về văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của giới trẻ Trung Quốc
Chào các bạn, lại là mình - phóng viên thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây :)) Vậy là sau một hơi dài 2 tháng sấp mặt với...
Chào các bạn, lại là mình - phóng viên thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây :)) Vậy là sau một hơi dài 2 tháng sấp mặt với núi công việc chất chồng, mình đã có thời gian trở lại để múa bút về một chủ đề mà rất rất nhiều bạn inbox yêu cầu :" giới trẻ Trung Quốc bây giờ như thế nào?". Cuối cùng thì hôm nay, sau một thời gian ăn dầm ở dề, quan sát từng ngóc ngách trong đời sống xã hội, mình sẽ giải mã tất tần tật về giới trẻ Trung Quốc, để xem anh hàng xóm này có nhiều trẻ trâu, dị dị như báo đài đưa tin hay không! Cùng theo chân siêu điệp viên 00 số để tìm hiểu nào! Let's go!
Trước hết, phải định nghĩa "giới trẻ" là những ai, nằm trong nhóm độ tuổi nào và phạm vi địa lý của họ. Ở bài viết này, mình xin khoanh vùng khu vực thành phố, cụ thể là Thâm Quyến và các thành phố lân cận thuộc tỉnh Quảng Đông. Về độ tuổi, mình xin chia ra làm 2 nhóm, 1 nhóm là teenager - những bạn trong độ tuổi từ 13-19, đại loại còn đang theo học chương trình phổ thông, và một nhóm là U30 từ 21- 29 - thế hệ của mình, đang đi làm, chưa quá mặn mà để triết lý nhưng cũng không còn trong veo, mộng mer, tóm lại là vẫn trẻ :v
Những bạn đã quen đọc bài viết của mình sẽ thấy Thâm Quyến là một thành phố trẻ, hiện đại, sạch đẹp, là thung lũng Silicon của Châu Á. Đây là cái nôi của start-up, có thể kể đến những ông lớn làng viễn thông như Huawei, ZTE; ông trùm công nghệ - Tencent, Baidu; vua thiết bị bán dẫn, camera giám sát - Hikvision, Dahua; thiết bị bay không người lái DJI, công xưởng gia công hàng hóa cho Apple - Foxconn và hàng trăm nghìn công xưởng thiết bị công nghệ khác.
Thâm Quyến cũng được biết đến là thành phố của những người giàu có. Dân bản địa gốc Quảng Đông ở Thâm Quyến đi các dòng xe sang như Tesla, Porches, Lamborghini, có nhà cho thuê và được hưởng rất nhiều ưu tiên về giáo dục, chính sách xã hội. Đa số những người thuộc nhóm này có học thức, sang chảnh và ít ồn ào. Con cái của họ được hưởng nền giáo dục miễn phí ở hệ thống các trường công từ cấp 1 đến cấp 3. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, đại đa số những cậu ấm cô chiêu này sẽ đi du học - theo đúng trình tự của một Rich Kid :)
Ngoài những người sinh ra đã ngậm thìa vàng, có những người cũng đi lên từ hai bàn tay trắng, đến Thâm Quyến lập nghiệp và đạt được những thành tựu đáng kể. Những người từ vùng khác đến Thâm Quyến kinh doanh - tức là mở công ty ở Thâm Quyến, sẽ được cấp một thẻ công dân tạm thời. Thẻ công dân tạm thời này lúc đầu chỉ được gia hạn 1 năm/ lần. Sau đó dựa vào "điểm công dân", tình trạng đóng thuế của doanh nghiệp, mà được nâng cấp lên thẻ công dân có giá trị 10 năm. Khi đã có doanh nghiệp làm ăn kha khá ở Thâm Quyến, nhiều người sẽ lập gia đình, có con cái và sinh sống lâu dài ở đây. Khi ấy, họ có thêm một mục tiêu là trở thành công dân của Thâm Quyến (tất nhiên không thể trở thành công dân chính thức được - vì hộ khẩu của họ không ở đây), bằng cách nỗ lực mua nhà ở Thâm Quyến hoặc các thành phố lân cận như Trung Sơn, Đông Quản. Khi đã có nhà ở Thâm Quyến, con cái họ sẽ được hưởng nền giáo dục miễn phí ở hệ thống giáo dục công như dân bản địa.
Ngược lại, nếu không đủ điều kiện mua nhà, sau chương trình giáo dục tiểu học, các em phải trở về quê gốc để học tiếp cấp 2, cấp 3. Sau chương trình Trung học, các em có thể quay lại học một trường về dạy nghề tại Thâm Quyến như hệ giáo dục phổ thông cấp 3. Từ đây có thể thấy, đa phần các bạn trẻ tuổi teen có bố mẹ sinh sống và làm việc ở những thành phố lớn sẽ được chuyển trường vài lần, phụ thuộc vào kinh tế và định hướng của gia đình.
Các bạn trẻ thuộc nhóm teenager ở thành phố lại được chia làm 2 khu vực - khu vực trung tâm và khu vực ngoại ô. Ở khu vực trung tâm, auto giàu đẹp, mấy bé con nhà giàu ngoại hình sáng láng, cao ráo thanh tú. Mấy bạn này được đưa đón bằng xe hơi gia đình/ xe của trường/ bus hoặc đi xe đạp/ xe máy điện đến trường. Điểm cộng là các bạn nữ sinh ít trang điểm, hoặc trang điểm rất nhẹ, nhìn đồng phục và cách ăn mặc rất học sinh, thanh lịch. Điểm trừ là nam giới Trung Quốc hút thuốc từ sớm và hút rất nhiều, phải đến 95% nam giới hút thuốc. Nên hình ảnh mấy cậu học sinh mặt non choẹt, đẹp trai sáng láng như trong phim ngôn tình, mặc đồng phục tay cầm điếu thuốc hút phì phèo là hết sức bình thường.
Đọc thêm:
Khu vực ngoại ô có thêm hệ thống trường dạy nghề, nên đa phần những bạn trẻ này học từ thứ 2 đến thứ 7, trưa thứ 7 bắt xe bus đường dài để về nhà. Các trường ở Trung Quốc đều có ký túc xá cho học sinh, sinh viên, kể cả các trường tiểu học ở làng xã. Bởi đặc thù khoảng cách địa lý, có nhiều gia đình cả bố mẹ đều đi làm ăn xa, nên ở ký túc xá do nhà trường quản lý là sự lựa chọn an toàn nhất. Hình ảnh vô cùng quen thuộc với mọi người ở Thâm Quyến, báo hiệu cuối tuần đã đến là trưa thứ 7 tan ca, các đoàn học sinh với đồng phục, tay kéo vali đợi xe bus về nhà. Đến chiều tối chủ nhật, lại một đoàn tấp nập về trường. Mấy bạn này có vất vả hơn chút về quãng đường đi lại, ngoại hình không sáng láng, hút mắt bằng "dân bản địa" ở trung tâm và nhìn khá là tất bật mỗi cuối tuần. Tình trạng hút thuốc ở nam và trang điểm ở nữ cũng tương tự như hội kia. Những bé này có tương lai đi làm ở các công ty ở Thâm Quyến sau tốt nghiệp với các vị trí như sales hoặc kỹ sư về máy móc, lập trình; về làm cho công ty của gia đình, hoặc xin việc ở công ty khác nào đó, tùy chuyên ngành học và sở thích.
Một số trường hợp đặc biệt khác từ 16-18 tuổi không học cấp 3, cũng lên đây và làm một số công việc như gội đầu, massage ở các tiệm tóc, hoặc làm ở xưởng của công ty gia đình. Những bạn học kém, không thích học thì đi làm sớm để có chút tiền để tiêu, và cũng không lêu lổng ăn bám bố mẹ :)
Thâm Quyến, Quảng Châu, Đông Quản hay Trung Sơn cũng có các trường Đại học, nhưng không nổi tiếng trên bản đồ học thuật như đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Vũ Hán hay Hồ Nam. Sinh viên theo học những trường đại học này chủ yếu là dân Quảng Đông. Điểm đầu vào ở những trường đại học này không quá áp lực, tiện đi lại. Bởi vậy mà sinh viên của các trường đại học ở Quảng Đông nhìn cũng không khác học sinh phổ thông là mấy :)))
Nếu theo dõi Tiktok của Trung Quốc bạn sẽ hay thấy nhiều video quay lén các bạn nữ xinh xắn trên đường, rồi mỹ nam, mỹ nữ nhiều như lá mùa thu, ngôn tình các thể loại. Thì mình xin đính chính là có, có nhiều nhé. Đặc biệt ở những khu trung tâm thành phố, trai xinh gái đẹp nhiều lắm. Những bạn trẻ này làm việc ở các công ty lớn, nhiều người làm các chức vụ cao nên gu ăn mặc lịch sự, trang nhã. Mặt bằng chung, người Trung Quốc cao hơn người Việt mình, nữ đa số cao từ 1m60 trở lên, nam có chiều cao trung bình 1m72. Vóc dáng cao ráo + thiên đường quần áo trên Taobao, còn gì để nói nữa ngoài hai chữ - vừa mắt :)) Một yếu tố nữa, là da của họ đa số trắng, không bị mụn do bụi bặm đường phố, nói chung khá ưa nhìn. Ra đường va phải soái ca cũng là bình thường, nhưng chỉ ở khu vực TRUNG TÂM thành phố thôi nha.
Một trào lưu khác khiến cánh mày râu phải thốt lên: "Make up và các app chụp ảnh nợ anh em chúng tôi một lời xin lỗi" là trào lưu "vịt hóa thiên nga". Mình là con gái còn há hốc mồm với ảnh đăng trên mạng và ảnh ngoài đời nữa mà :v Trung Quốc là cái nôi của 3 vạn 6 ngàn 8 trăm app chụp ảnh ảo như B612, Camera 360, Ulike, Meitu... Tiktok cũng là 1 app ảo diệu, cho phép bạn làm đẹp ngay khi quay, âm nhạc cũng được chỉnh để đạt được hiệu quả nghe tốt nhất. Có rất nhiều bài hát khi nghe trên tiktok thì thấy hay, nhưng nghe ở trang nhạc khác lại thấy quá đỗi bình thường. Nhiều kênh live stream của Trung Quốc cũng có tính năng chọn giao diện làm đẹp để thu hút người xem. Tóm lại, về độ ảo, Trung Quốc số 2, thì không ai dám nhận số 1 :v
Đọc thêm:
Lia tiếp lăng kính ra ngoại ô, ngoại ô đúng kiểu thập cẩm các thể loại, bạn sẽ gặp được cả một số thanh niên phong cách HKT ngày xưa, tóc tai theo trường phái Khá Bảnh. May là số lượng này rất ít, rất ít thôi. Còn lại thì ăn mặc vẫn ổn, vẫn có dân trí thức, vẫn có những anh cảnh sát đẹp trai, những bạn làm văn phòng xinh xắn... Cảm nhận chung về gu thời trang của nữ giới Trung Quốc là bánh bèo, váy vóc 4 mùa, váy các thể loại từ dài tới đầu gối, trên đầu gối cho đến qua đầu gối. Dĩ nhiên ở nước khác nữ giới cũng mặc váy, nhưng mật độ mặc váy và tần suất mặc váy ở Trung Quốc rất cao (À mình cũng mặc váy nhưng không mặc vào mùa đông nha :D)
Có một điều rất dị, là nhiều bạn nữ để... lông nách và vẫn vô tư mặc áo ba lỗ, áo cộc tay ra đường. Thậm chí có nhiều bạn ra biển, mặc bikini và vẫn tự tin khoe lông nách. Nhiều buổi biểu diễn ngoài trời, có những vũ công mặc sexy và vẫn nhảy cực sung với lông nách dài. Mặt xinh, dáng đẹp mà lông nách cả chỏm dài ngoằng... khiến mình chỉ biết á khẩu thôi. Ngược lại với phản ứng của mình, nam giới Trung Quốc có thái độ rất hòa nhã với nữ giới, họ sẽ nói "chắc mấy bạn đó nghĩ như vậy là sexy". Mấy bạn nam đi ngoài đường siêu hiền, chả bao giờ trêu gái, gọi "em gì ơi" hay trêu chọc các bạn nữ cả.
Những người mình từng tiếp xúc đến từ nhiều vùng khác nhau, chủ yếu là tầng lớp tri thức, đến Thâm Quyến làm việc, khởi nghiệp. Đặc điểm chung của dân văn phòng Trung Quốc là ngoan - ít cãi sếp, đi làm đúng giờ, chịu khó. Tuy nhiên, không nhiều những bạn này giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là Speaking. Gần 4 năm ở Thâm Quyến, số người nói tốt tiếng Anh mình gặp được chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điểm cộng là những bạn này có tinh thần cầu tiến, rất chịu khó hỏi han và cố gắng giao tiếp để cải thiện kỹ năng nói.
Nhân viên văn phòng ở Trung không giỏi về kiến thức xã hội quốc tế, giả sử cả đám rủ nhau đi xem mấy phim bom tấn nước ngoài, các bạn ấy cũng chưa biết nhân vật chính là ai. Tình hình chính trị, cũng không luôn, biết HongKong đang bạo động là được rồi. Thú tiêu khiển sau giờ làm là lên Tiktok xem clip hài hước, nghe nhạc, xem phim trên Youku, hoặc chơi game, đi chơi, mua sắm cuối tuần, đăng ảnh, check in trên Wechat. Với những bạn này, thế giới gói gọn trong những ứng dụng của Trung Quốc, đọc tin tức showbiz, xem mấy video hài, hoàn thành KPI là ổn rồi. Một điều đáng lưu ý nữa là những bạn nữ ở Trung Quốc khá lạc quan, không cần phấn đấu giỏi giang quá làm gì - trừ phi bạn có xuất phát điểm từ một vùng quê nghèo khó, cực kỳ muốn thoát nghèo. Rất nhiều bạn không có nhu cầu lấy chồng khác tỉnh, càng gần nhà càng tốt. Xinh đẹp một chút là được, bình an cả đời là được, đó là tư tưởng chung của rất nhiều bạn nữ U30 này.
Ngược lại với sự thong dong tự tại của các bạn nữ, các bạn nam ở Trung Quốc mang trong mình nhiều trách nhiệm và áp lực hơn. Con nhà giàu thì phải nối nghiệp gia đình, cố gắng "vượt sướng", con nhà bình thường thì phải phấn đấu có công việc tốt, lương cao, mua nhà mua xe, lấy vợ sinh con, lo cho vợ con một tương lai tốt đẹp. Những tiêu chuẩn này là cơ bản, tùy vào hoàn cảnh mỗi người mà nỗ lực khác nhau. Một thực trạng đáng nói nữa là những bạn nam cố gắng vì tương lai, sự nghiệp, khi đã có trong tay mức lương tốt hay đang giai đoạn lập nghiệp cần một cô gái nguyện ý đồng hành. Nhưng không nhiều cô gái lựa chọn vất vả, nên độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Trung Quốc đang là 30 - khi đã có trong tay ít nhất 1 công ty/ xe hơi/ hoặc chung cư đang trả góp...
Những bạn nam đang có tư tưởng lập nghiệp thích bàn luận nhất là chính trị và tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Mấy bạn này giảm bớt thời gian xem Tiktok, không chơi game để đọc báo, các bài phân tích về chiến tranh thương mại, chính trị ở các nước khu vực. Họ còn mua gói VPN (virtual private network) để lên Youtube xem những chương trình talkshow kinh tế của Đài Loan, HongKong. Ngoài ra, mấy bạn này còn đọc sách kinh tế, thậm chí cả lịch sử, triết học. Hệ quả là nói chuyện với các bạn nữ cứ bị khô khan, toàn nói chuyện những bạn nữ không muốn tìm hiểu dẫn đến tình trạng... ế :v
Tầng lớp tiếp theo mình hay gặp là các sếp và phu nhân. Ở Trung Quốc nhiều sếp lắm, các sếp được gọi là tổng. Ví dụ bạn họ Trần, bạn có một công ty, bạn được gọi là Trần tổng. Tại sao Trung Quốc nhiều sếp? Và nhiều người làm sếp khi còn rất trẻ? Vì chính phủ Trung Quốc khuyến khích lập nghiệp, đặc biệt là những công ty thương mại quốc tế. Những công ty này được hoàn thuế hàng năm, không những hoàn thuế, chính phủ còn trả thêm cho bạn một khoản lợi nhuận. Bởi vậy có những công ty chỉ có một người đại diện, đăng ký mở công ty, bán hàng trên Alibaba, tìm mối làm ăn với các xưởng, đăng ảnh sản phẩm lên Alibaba, vợt khách, có đơn hàng thì gửi về những xưởng cung cấp. Họ thậm chí không cần phải mở một văn phòng công ty , chỉ cần thuê văn phòng chung với một công ty khác có xưởng, làm sản phẩm tương tự. Khi khách hàng đến, họ dẫn khách đến xưởng xem hàng hóa. Những xưởng này là xưởng làm ăn nội địa, bán sản phẩm qua 1688 thay vì Alibaba. Cứ như vậy, quy trình đã có sẵn, việc start-up không phải là một bài toán nan giải.
Những người đã làm sếp đặc biệt thích thú khi nói chuyện về văn hóa xã hội. Những người này mà nghe kể văn hóa ở các nước khác, tình hình kinh doanh ở đó có những gì hay ho thì ngồi trò chuyện cả ngày không chán. Những sếp này có con mắt nhìn thực tế, cái gì có lợi thì sẽ quy ra tiền và ý tưởng để đầu tư. Họ thích những người trẻ giỏi ngoại ngữ và đã đi nhiều nơi, đặc biệt với người châu Á giỏi tiếng Trung và tiếng Anh. Ngược lại, họ khá e dè với dân Mỹ, châu Âu giỏi tiếng Trung. Những người Tây giỏi tiếng Trung này được gọi là "lão hồ ly", đại ý là ghê gớm, và những sếp người Trung ngại những tay "hồ ly" này sẽ biết hết các mối làm ăn của mình. Bởi vậy, trừ những công ty tập đoàn lớn, những công ty nhỏ không đủ điều kiện và cũng không dám mời người nước ngoài về làm việc. Người nước ngoài đến Trung Quốc chủ yếu đầu tư và làm chủ, hoặc làm những vị trí super advisor cho các tập đoàn đa quốc gia.
Đời sống tinh thần của những sếp trẻ này là những chuyến du lịch cùng gia đình, công ty, đọc báo, xem ti vi sau thời gian làm việc. Họ cũng có thể tập gym, đi shopping, gặp gỡ những người bạn trong ngành. Về giải trí, họ cũng biết vài cái tên trong Showbiz, nhưng không quá quan tâm. Với họ, âm nhạc phải là của Ngũ Nguyệt Thiên - Mayday (1 ban nhạc rất nổi tiếng của Đài Loan), phim ảnh đáng xem phải là Lý Tiểu Long, Thành Long hay Ngô Kinh của thời đại mới. Đây là điển hình của những người Trung Quốc yêu nước, thượng tôn pháp luật, biết nhiều nhưng bình luận ít, thận trọng trong phát ngôn và hành động.
Mở rộng ra, chúng ta bàn về thái độ của cư dân mạng Trung Quốc với những scandals hoặc breaking news. Cũng là người châu Á, điển hình là sự tò mò nên dân cư mạng Trung Quốc rất hay soi đời sống của thần tượng. Đại chiến giữa các fan nổ ra liên tục với thị trường Cbiz quá nhiều cái tên mới mỗi năm. Cbiz's fan cũng sẵn sàng tẩy chay và quay lưng với sao, ví dụ như scandal trốn thuế của Phạm Băng Băng; đến giờ chị đẹp ấy vẫn chưa được phép biểu diễn hay trở thành đại diện của một thương hiệu nào. Angela Baby được gọi là "cô gái trà xanh", Triệu Lệ Dĩnh bị đả kích về vấn đề học vấn, Dương Mịch bị tố bỏ bê con cái và mọi nhất cử nhất động của các sao khác đều được cánh paparazi săn lùng.
Giới trẻ Trung Quốc cũng rất manh động khi có những scandals về chính trị và chủ quyền lãnh thổ. Hẳn bạn còn nhớ Dolce & Gabbana bị tẩy chay ở Trung Quốc sau quảng cáo ăn bằng đũa, hay mới đây Versace cũng mất thị trường với sự cố vi phạm tôn chỉ "Một Trung Quốc" khi in tên Hongkong và Macao mà không có China.
Tuy vậy, với những nhân vật thường dân và scandals, họ có cái nhìn rất khác người Việt. Từng có một bạn nữ mua hàng trên Taobao với số lượng lớn, khoảng mười mấy triệu tiền Việt với các mẫu khác nhau và trả lại sau 7 ngày mua hàng. Ông chủ shop cảm thấy rất kỳ lạ nên add Wechat và muốn hỏi nguyên nhân thì thấy tất cả các mẫu đều được bạn nữ này mặc đi du lịch, check in ở nhiều điểm khác nhau. Sau khi câu chuyện này được đăng lên mạng, bạn đoán xem phản ứng của cư dân mạng là gì? Dân mạng tìm ra danh tính cô gái, chửi cho sml, rồi công khai info để các shop cho vào danh sách khách hàng đen ư? Không, cư dân mạng nói rằng: "đó là do chính sách của Taobao, được đổi trả sản phẩm trong 7 ngày, miễn là cô gái không gỡ mác sản phẩm, và không làm hư hại quần áo của shop là được. Với những đơn hàng nhiều như vậy, shop phải tự nghi ngờ hoặc đặt ra điều kiện trước khi giao hàng với khách chứ". Bất ngờ không? Sự khôn lỏi đã đạt level đỉnh cao, và vì nhân vật trong bài là một bạn nữ. Ầy, con gái mà, thích điệu chút có sao? Là con gái, auto được ưu tiên :D Shop kia đen thôi, đỏ quên đi!
Tạm kết, sau gần 4 năm ăn dầm ở dề bên này, mình thấy cuộc sống ở Trung Quốc có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, âu cũng là hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, có một thứ mình phải công nhận là tinh thần yêu nước, đoàn kết của Đại Trung Hoa là có thật. Họ sẵn sàng tẩy chay các thương hiệu nổi tiếng thế giới dám phân biệt chủng tộc trên đất nước họ, họ sẵn sàng sử dụng các dịch vụ của nước họ mà không sợ bị kiểm soát. Họ tôn trọng luật pháp, họ yêu lịch sử nước họ, họ tự hào chia sẻ về lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh trên khắp mọi phương tiện thông tin đại chúng. Họ khắt khe với thần tượng nhưng lại bao dung cho một cô gái vô danh. Bởi vì nếu cô gái ấy bị đem ra công kích, cuộc sống của cô gái ấy sẽ bế tắc, và rẽ sang một trang tối tăm của cuộc đời. Tổn hại của shop kia chưa có gì nặng nề, và họ vẫn có thể làm ăn buôn bán tiếp. Họ khắt khe với thần tượng, bởi thần tượng của họ còn phải ra nước ngoài quảng bá về đất nước họ, là các đại diện thương hiệu của các hãng thời trang quốc tế, trong nước.
Họ sống ở một đất nước mà người nước ngoài sẽ nói " điên rồi, chấm điểm công dân? đây là tội ác về việc kiểm soát nhân quyền" hay " người dân Trung Quốc có mắt như mù, chính quyền mị dân". Liệu họ có thấy điều đó là khổ sở, thấy như vậy là tù túng? Có lẽ là chưa, khi họ vẫn đang có một cuộc sống ấm no và hiện đại hơn trước rất nhiều. Họ tự hào với những thành tựu made in China, không còn nội chiến liên miên, có công ăn việc làm trên đất nước mình. Họ tình nguyện để thông tin chứng minh thư trên Wechat, Alipay để thanh toán trực tuyến vì họ cảm thấy an toàn, tiết kiệm thời gian. Người trẻ Trung Quốc hiện nay không còn cái nhìn bảo thủ, một chiều như những thế hệ trước. Thế hệ trẻ này có cơ hội đi nhiều nơi hơn, cầu tiến, và tư tưởng rộng mở hơn trước rất nhiều. Còn nhớ những năm trước mới đến Trung Quốc, nếu biết mình là người Việt Nam, nhiều người sẽ nhìn mình với ánh mắt khác, thậm chí nói thẳng toẹt - hình như Việt Nam nghèo lắm hả. Nhưng bây giờ, họ sẽ nói :" tôi đến Việt Nam rồi đấy, bạn ở vùng nào? Việt Nam giờ đá bóng hay nhỉ, hay hơn chúng tôi nhiều". "Ở Việt Nam thoải mái thật, đi làm về uống cà phê, gặp bạn bè tán gẫu, không như bên này, áp lực nhiều"...
Kết, để có được một Trung Quốc như ngày hôm nay, là một sự nỗ lực rất lớn từ những nhà cầm quyền, tinh thần yêu nước và tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng Sản nhân dân Trung Hoa. Chúng ta nói Trung Quốc thích gáy to, thích khoe mẽ, nhưng đúng rồi đó, họ có cái để khoe mẽ mà chúng ta chưa có. Họ tung hô Siêu Trí Tuệ Trung Quốc, mời các đội Siêu trí tuệ quốc tế về để thi, dù có thua sấp mặt nhưng vẫn tự hào về đội tuyển của họ. Khi có một nhân vật nào đó giỏi, họ chia sẻ và khen ngợi, khích lệ "cố lên, em giỏi lắm", chứ không cố sân si đạp người ta xuống bùn với những câu nói nghe có vẻ khoa học nhưng thực chất là cả một bầu trời GATO. Nếu không chấp nhận mình kém, hãy học cách công nhận người khác giỏi. Lời khen chưa bao giờ là thứ đắt đỏ đến nỗi con người ta không hào phóng cho nhau được. Người Trung Quốc giờ đã biết khen người nước khác, chứ không chỉ vỗ ngực thao thao bất tuyệt kể về Trung Hoa.
Khi mình bắt đầu viết về chủ đề Trung Quốc từ năm 2017, có vài bạn nói mình có vẻ thích Trung Quốc, có cảm tình với Trung Quốc nên khen Trung Quốc như vậy. Nhưng thực ra mình không học tiếng Trung hay chuyên ngành tiếng Trung, mình sang đây chỉ với ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh, và học dần tiếng Trung trong quá trình giao tiếp, sinh sống. Mình cũng đi qua nhiều nước khác ở châu Á, nhưng mình không viết lại, vì khi viết về một chủ đề nào đó, mình phải chắc chắn là mình hiểu rõ và có trách nhiệm với những gì mình viết. Cũng có những điều mình không thích ở Trung Quốc, và mình cũng đề cập đến như sự thực dụng và trọng bề nổi, ưa đãi bôi của người Trung. Tuy nhiên, cuộc sống này nên cần nhiều sự tích cực, tích cực để khích lệ nhau tốt hơn. Tích cực để học hỏi, tích cực để bỏ đi những cái xấu, cái "tiểu nông" ăn sâu trong tiềm thức, để con người hào sảng và tử tế với nhau hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới này :)
Một dân tộc tiến bộ, là một dân tộc biết khích lệ lẫn nhau. Có khích lệ mới có năng lượng để chinh phục những đỉnh cao, sải cánh bơi ra biển lớn.
Đọc thêm các bài viết khác cùng series của mình tại:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất