Hôm qua tôi có dự buổi thảo luận về một đề tài mới được chính phủ Anh và Đức rót vốn, nghiên cứu về ảnh hưởng của informational herding (IH) - xu hướng bầy đàn từ sự lan truyền thông tin - đến quyết định của con người. 
Ví dụ về IH: Giả sử bạn nắm được rằng có 2 đầu sách phục vụ cho môn học của kỳ tới, sách A của một của nhà xuất bản uy tín, và B của một của nhà xuất bản mới thành lập. Sau khi nghiên cứu bản mẫu gồm mục lục và 1 2 chương mẫu (sample), bạn thấy rằng B tốt hơn A, sát với những nội dung của môn học hơn. 
Ngày hôm sau, khi bạn chuẩn bị đặt mua B trên mạng thì thấy rằng trong cùng trang web số người mua A nhiều gấp 2 số người mua B. Điều này khiến bạn xao động, và quyết định chờ đợi thay vì làm theo đánh giá trước đó của mình. 

Một hai tuần sau bạn vào lại trang web và thấy số lượng lượt đặt mua A giờ đã gấp 3 lần so với B, nên không đắn đo gì nữa bạn quyết nhanh con A kẻo hết hàng.
Một ví dụ khá thú vị, cho thấy 2 thứ: (1) bạn hy sinh đánh giá và những thông tin tìm hiểu của chính mình (đánh giá cá nhân) để đưa ra quyết định theo xu hướng chung mà bạn có thông tin; và (2) sự ảnh hưởng của từng đơn vị thông tin trong chuỗi đến quyết định cuối cùng của bạn.

Ở ý (1), ta thấy trong ví dụ này nó có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng nếu liên tưởng đến những ứng dụng thực tế như bầu cử, các xu hướng quyết định thói quen mua sắm tiêu dùng, bạn sẽ thấy nó có những tác động rất quan trọng. Việc hy sinh những đánh giá cá nhân sẽ khiến con người có cảm giác thông tin dường như chỉ theo một luồng chính thống và từ đó sẽ dễ dàng tin vào chúng hơn, khi mà những đánh giá trái ngược hay những ý kiến cá nhân sẽ bị làm mờ trong quá trình và không để lại bất cứ một dấu ấn nào. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn nhiều trong thời đại thông tin mạng ngày nay.

Tuy nhiên, bài này tôi muốn nhấn mạnh hơn một chút đến ý (2), tức là ảnh hưởng của từng thông tin trong chuỗi đến quyết định cuối cùng. Rõ ràng nếu ta nghe cả câu chuyện trong ví dụ, ta sẽ thấy cái thông tin cuối là số lượng đặt A tăng từ gấp đôi lên gấp 3 số lượng đặt B là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định cuối cùng. 
Nhưng nếu thay đổi điểm xuất phát, bỏ qua những dữ kiện ban đầu, tức thông tin đầu tiên bạn biết là số lượng đặt A nhiều gấp 2 lần số lượng đặt B, thì cái dữ kiện một hai tuần sau số lượng đặt A tăng lên đến 3 lần gần như chả còn tác dụng gì, đúng không? 
(thậm chí có thể nói nó còn là một thất bại, vì như bạn biết đấy, "hiệu ứng kẻ sống sót - survival bias" cho thấy nếu A đã tốt hơn B thì sau khi gấp 2 nó có thể tăng gấp 5 gấp 10 lần, chứ không dừng lại ở con số 3 nhỏ nhoi).

Vẫn biết còn nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng, một số trong đó bạn nắm được như giá cả, và một số bạn không thể nắm được (từ bản chất của thông tin mạng) như vùng tăng số lượng đặt, có phải vùng đó vừa diễn ra hội thảo của tác giả sách A hay không, và những thứ tương tự.

Nhưng điểm cốt lõi có lẽ sẽ không đổi:

Thời điểm bạn gia nhập chuỗi thông tin sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của bạn.

***
Đợt trước tôi hay làm event chia sẻ kinh nghiệm học thuật cho sinh viên mới sang, và các bạn thường rất ngạc nhiên khi tôi tiết lộ rằng phần Literature Review (tổng hợp những nghiên cứu trước đó về đề tài) lại được đánh giá rất quan trọng và gần như luôn là thứ đầu tiên thầy cô quan tâm khi chấm bài luận - essay, chứ không phải là những lập luận đanh thép hay những ý tưởng thông minh sáng tạo đỉnh của đỉnh mà các bạn có trong phần tranh luận hay kết quả. Đó là vì chỉ khi bạn nhìn thấy một cách toàn diện sự hình thành và hướng phát triển của đề tài cũng như những lý thuyết được đặt ra, thì bạn mới có cơ sở để bàn về tình hình hiện tại cũng như những khó khăn hay vấn đề cần giải quyết. Và đây cũng là một điều cực quan trọng mà theo tôi hệ thống giáo dục bên này muốn truyền đạt qua việc bắt sinh viên viết luận đến chết thôi.
***
Mở rộng ra một chút, cái này cũng có thể giải thích một phần cho sự vô ích của tranh luận trên mạng, vì có lẽ sẽ chả bao giờ có chửi nhau nếu hai bên hỏi thử xem mỗi bên biết được bao nhiêu về vấn đề. Một ví dụ đơn giản, nhiều ông giờ ngồi múa phím, tiếp cận chuỗi thông tin từ thời điểm Liên Xô sụp đổ sẽ dễ dàng (và thậm chí rất có lý) khi phán xanh rờn: "Chế độ ... là vứt đi, và chỉ bọn Nga ngố mới đâm đầu vào đấy chứ thông minh ai làm thế". Nhưng nếu ông khác chịu tìm hiểu sâu hơn 1 chút, đọc những tác phẩm văn học Nga trước chế độ, như "Người mẹ" của Maxim Gorky, ổng sẽ thấy việc đi lên mô hình chế độ ... gần như không phải là một lựa chọn, mà là bắt buộc, bởi cuộc sống trong xã hội trước đó quá cực khổ, đen tối và đau thương....... Nên quay lại, nếu trước khi bàn đến quan điểm 2 ông hỏi nhau về những gì mình nắm được từ vấn đề, sự tranh luận có lẽ sẽ dẫn đến ôm nhau hơn là việc múa phím với hàng loạt code dm vứt tung tóe.

A Dreamer