9toTalk #42: Tương lai nào cho việc học online hậu COVID-19?
Trong khoảng thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các trường học trên thế giới đã phải tạm nghỉ học, dẫn đến việc hình thức...
Ở Việt Nam, hình thức học online rất đa dạng, từ việc học với thầy cô ở trường, xem livestream các môn học của thầy cô giáo dạy online hay theo dõi lịch phát sóng ôn thi trên kênh truyền hình.
Dù vậy, việc học trực tuyến vẫn gặp nhiều bất cập trong việc đảm bảo chất lượng dạy và học. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nề nếp, ý thức học tập của học sinh không được đảm bảo. Việc thiết kế bài giảng online hoặc giảng nói liên tục 2-3 giờ liền gây nhàm chán, ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Cũng đã có không ít tình huống “dở khóc dở cười” như việc một cựu giang hồ mạng đình đám được học sinh cho xuất hiện ở giữa các bài giảng của giáo viên, hay gần đây là chuyện một cậu sinh viên vì chơi game trong giờ quên tắt mic nên lỡ lời chửi đồng đội trong game nhưng lại khiến giáo viên tưởng… chửi mình. Câu chuyện được khổ chủ chia sẻ trong một group kín khiến cộng đồng vừa thông cảm vừa thấy… buồn cười vì sự hy hữu
Cá nhân mình cũng bắt đầu học online từ vài tháng trước, dù thầy cô đã cố gắng để hình thức học trở nên thú vị hơn, chèn nhiều hình ảnh, chia nhóm làm việc online nhưng nhìn chung đối với mình việc học trực tuyến cũng không mấy hiệu quả. Thiếu đi sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, cảm giác là một người nói nhưng không có người nghe. Không chỉ mình mà hầu hết các bạn lớp mình đều có cảm giác tương tự.
Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều du học sinh ở các nước phát triển cũng gặp những vấn đề tương tự. Quỳnh Trang, sinh viên ngành Quảng cáo du lịch, Học viện William Angliss chia sẻ rằng việc giao tiếp giữa giáo viên và sinh viên hạn chế khi học online nên hiệu quả truyền đạt giảm đi nhiều. Khi vướng mắc, Trang phải gửi email nhưng "vấn đề là phải mất vài ngày mới nhận được hồi âm, lúc đó thì mình không cần thông tin này nữa vì đã tìm được lời giải đáp".
Đối với những giờ thực hành, hoặc làm việc nhóm, học online càng khó khăn. Trang kể, do không có sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên, nhiều bạn không hợp tác, tinh thần học tập hạn chế, không kích thích sự tham gia sáng tạo. Giữa sinh viên với nhau cũng không có sự giao tiếp qua lại như trên lớp học. Ở nhiều nước phương Tây, sinh viên thậm chí đang tỏ ra vô cùng bức xúc và đòi nhà trường hoàn lại hoặc giảm mạnh học phí vì không cảm thấy mình đang nhận được sự giáo dục tương xứng với chi phí bỏ ra...
Nhìn ở một mặt khác, thế giới đang không ngừng thay đổi, không ai biết được liệu trong thập kỷ tới, những ngành nghề nào sẽ bị thay thế và những ngành học mới nào sẽ ra đời. Điều này, vì vậy đòi hỏi mỗi người khả năng tự học, tự cải thiện bản thân. Các khóa học ngắn hạn hay đại học trực tuyến cũng vì vậy mà trở nên phù hợp hơn bao giờ hết.
Nhiều trường đại học như UoPeople, đại học Washington hay học viện Global Campus 21 đã cung cấp các khóa học online và cấp chứng chỉ cho người theo học. Ngoài ra những website như Edx, Coursera, Udemy,.. cũng đã hợp tác với các trường đại học hàng đầu để cung cấp những khóa học ngắn hạn, chất lượng cho người học trên toàn thế giới.
Việc học trực tuyến với nhiều người còn là cơ hội để thu hẹp khoảng cách giáo dục và có một tương lai tốt hơn. Omar là một người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh phải làm việc để nuôi sống bố mẹ, ba người em trai, vợ và con của mình. Anh đã theo học ngành học khoa học máy tính tại UoPeople. Omar chia sẻ rằng UoPeople đã giúp anh đạt được ước mơ của mình, tốt nghiệp UoPeople sẽ giúp anh có được tấm bằng được công nhận trên toàn thế giới để từ đó tìm được công việc phù hợp hơn.
Việc học trực tuyến, dù vẫn còn gặp nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận những mặt tích cực mà hình thức học này có thể mang lại. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu đợt dịch COVID-19 này có thể là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận lại về tương lai của việc học trực tuyến và dần có lộ trình để tận dụng được những ưu điểm của nó hay không? Liệu hình thức học này có thể được phát triển và phổ biến hơn, đem lại sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người? Hay chúng ta sẽ chỉ xem online là hình thức học tạm thời, hết dịch thì “đâu lại vào đấy”?
Nguồn tham khảo:
- Báo Thanh niên, “Dịch Covid-19: Dạy và học, ôn thi trực tuyến học sinh lớp 12 như thế nào?”
- Vnexpress, “Đánh giá của du học sinh Việt về học online”
- University of The People, “Story of a Unique Syrian Refugee – Omar’s Inspiring Story”
_________________________________________________________________________
Xem thêm các 9toTalk khác:

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
1. Linkedin Learining: Các nội dung lớn được chia thành các video nhỏ 10-15 phút nói về từng chủ đề nhỏ khác nhau. Học viên tham gia sẽ xem video lần lượt hoặc video bất kỳ tùy theo nhu cầu của học viên.
Khi học các khóa học ở nước ngoài, mình luôn dành nhiều thời gian điều tra hồ sơ giáo viên, học thử một buổi xem cách giảng viên nói có hợp với mình rồi mới đóng tiền đăng ký.
Bữa giờ mình học thì để ý là các thầy cô ít có sự tương tác cmt. Văn hoá coi streamer giờ không còn lạ nữa, học sinh cmt tìm sự tương tác mà các thầy cô không đọc giống như streamer livestream mà không tương tác. Thứ hai là các thầy cô ngại show cam :v là một thất bại về sự tương tác của thầy cô chứ không phải của học sinh. Show cam để một góc nhỏ như streamer cũng hay
Nếu thực hiện được việc học và làm việc từ xa, thì học sinh không cần thiết phải đi đến thành phố, đất nước khác mà vẫn có thể tận dụng được điều kiện học tập, làm việc cao nhất. Thực sự là rất tiện lợi.