Hôm nay, chị thật sự suy sụp em à, chị cảm thấy mình không còn lý do gì để cố gắng nữa rồi, chị còn sống để làm gì nữa. Con chị kể với cô giáo: Những ngày vui nhất trong đời con là ngày mẹ đi làm đến tối muộn mới về lúc con còn đang ngủ, như thế cả ngày con không phải gặp mẹ.
Nghẹn ngào, chị nói mà như vỡ oà trước tôi. 40 tuổi, bề ngoài chị là một phụ nữ đạt thành, là quản lý doanh nghiệp hơn cả nghìn người với quyền uy "thét ra lửa", nhưng thế giới bên trong lại đầy đổ nát. Chị kể với tôi về những chấn thương tâm lý sau hôn nhân và những vật lộn khổng lồ để “mong cho con cái có cuộc sống tốt hơn”. 
Bạn đã thực sự quan tâm tới sức khoẻ tâm lý của bản thân?
Tôi không phải là bác sĩ trị liệu, nhưng tôi cũng lờ mờ nhận thức được rằng trong xã hội hiện đại ngày nay những người gặp vấn đề tâm lý giống chị không hề hiếm gặp. Cuộc sống càng sung túc, những dằn vặt nội tâm và áp lực bên trong của con người ngày càng lớn lên. Tôi còn nhớ rằng vào năm học lớp 11, trong một lần đạp xe trên đường về nhà tôi từng có ý định muốn lao vào trước mũi ô tô. Thậm chí tới bây giờ tôi còn không thể nhớ nổi một đứa trẻ 17 tuổi—là mình lúc đó—đã chịu áp lực học tập ở trường chuyên tới mức nào mà lại từng loé lên một suy nghĩ khủng khiếp như vậy. 
Chúng ta vẫn không khỏi ngạc nhiên và thảng thốt khi một người được cho là biểu tượng của sự thành đạt, danh vọng, là hình mẫu khát khao của biết bao nhiêu người tự kết liễu mạng sống của họ. Những vụ tự tử của Marilyn Monroe, đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, nhà thiết kế Kate Spade, và gần đây nhất là cô ca sĩ Hàn Quốc Sulli cho thấy rằng tiền bạc và địa vị có lẽ cũng không thể ngăn cản một người rơi vào trạng thái trầm cảm. 
Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tình trạng nghèo nàn, lạc hậu đang dần được khắc phục; đời sống vật chất, tinh thần của mọi người, mọi nhà đang dần được cải thiện. Song xã hội càng phát triển thì những nhu cầu tình cảm, tinh thần của con người ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp hơn. 
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam. Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. [1] 
Còn một khảo sát năm 2015 của Bộ GD-ĐT lại cho thấy có tới 93,57% học sinh, sinh viên được hỏi gặp phải những vướng mắc cần được chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày và cần được tư vấn tâm lý. Như vậy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Điều đó khiến một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần trong ngắn hạn; nhưng lại khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng trong dài hạn, thậm chí trong nhiều trường hợp còn gây ra những hậu quả nguy hiểm với xã hội. [2] 
Năm 2016 riêng Viện Sức khỏe tâm thần trung ương thuộc BV Bạch Mai đã khám và điều trị ngoại trú trên 18.000 lượt bệnh nhân trầm cảm. Mỗi ngày viện tiếp nhận 50 bệnh nhân trầm cảm tới khám và ở nhóm bệnh nhân trên 45 tuổi, có 1/3 có biểu hiện muốn tự sát. [3] 
Mặc dù liệu pháp điều trị đã có sẵn, nhưng gần hai phần ba số người được xác định bị rối loạn tâm thần thường không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bỏ bê ngăn cản khả năng tiếp cận, chăm sóc và điều trị những người bị rối loạn tâm thần. Ở đâu có bỏ bê, ở đó hoàn toàn hoặc gần như không có sự thấu hiểu. Ngược lại, ở đâu không có sự thấu hiểu, ở đó có sự bỏ bê.
Một trong bốn người trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi các rối loạn tâm thần hoặc thần kinh tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Khoảng 450 triệu người hiện đang mắc phải các tình trạng như vậy, đặt các rối loạn tâm thần trong danh sách những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và khuyết tật trên toàn thế giới. Trong năm 2017, một nghiên cứu ước tính rằng 792 triệu người sống chung với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần.  [4]
Trong một báo cáo mới có tên "Hiểu biết mới, Hy vọng mới", cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn này và kêu gọi các chính phủ tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. "Bệnh tâm thần không phải là một thất bại cá nhân", Tiến sĩ Gro Harlem Brundtland, Tổng Giám đốc WHO, nói trong bài Báo cáo y tế thế giới. [5]
Xét về góc độ cá nhân, đã bao giờ bạn cảm thấy mất niềm vui, mất tập trung, chán nản với tình yêu, mất hết hy vọng, sự nhiệt tình, hay khả năng cân bằng, đồng thời thèm ăn và ngủ trong một thời gian dài? Đó chính là những triệu chứng ban đầu của Trầm cảm lâm sàng (không giống với cảm giác hơi thất vọng hoặc hơi chán nản - là những cảm giác thông thường ở con người). Lo lắng cũng là một người anh em họ thân của trầm cảm lâm sàng. Tuy nhiên, điểm khác biệt của triệu chứng này so với trạng thái lo lắng thông thường là nó gần như không thể kiểm soát và không thể giải thích được. Lo lắng cấp tính thậm chí có thể dẫn đến sự hoảng loạn và ám ảnh. 
Trong bối cảnh các bệnh tâm lý ngày càng phổ biến và không chỉ còn giới hạn trong phạm vi cá nhân, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại cả sức khoẻ tinh thần của chính mình và của cả những người xung quanh nữa. 
Bạn đã từng trải qua hoặc biết ai đó có vấn đề tâm lý? 
Bạn đã giải quyết hay chứng kiến bạn bè/người thân vượt qua nó thế nào?
Chúng ta nên có những giải pháp gì cho tình trạng này?
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn cùng với 9toTalk.
[1] 
[2]
[3]
[4]
[5]

Xem thêm các 9toTalk khác:
9totalk #37:
9totalk #36: