Xin chào các bạn,
Sau một thời gian dài vắng bóng (không phải vì Covid-19), chuyên mục [9toTalk] sẽ quay trở lại vào 9h tối thứ 4 hàng tuần tại Spiderum.com với các chủ đề trao đổi hoặc mang tính thời sự; hoặc đôi khi chỉ đơn giản những chia sẻ, suy ngẫm. 
Nhân dịp nghỉ Tết sắp hết cả mùa xuân, mình muốn gửi đến các bạn chủ đề [9toTalk] số thứ 36: Học đươc gì từ những hệ quả kinh tế do dịch Covid-19 tại Việt Nam?
Do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn với những diễn biến tiếp theo vẫn còn là 1 ẩn số. 
Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài tới sáu tháng, gần 74% số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm do ảnh hưởng dịch trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%. Cụ thể, nếu dịch bệnh kéo dài tới sáu tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động sẽ mất việc.
Trong khi đó, trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định nhu cầu đối với một số sản phẩm có thể không chịu ảnh hưởng từ virus Corona, thậm chí sẽ tăng. Ví dụ như sản phẩm dinh dưỡng như sữa được coi là nguồn cung cấp protein và thuận tiện để tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng sẽ hạn chế đến những nơi công cộng và giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài. Hay virus Corona cũng không ảnh hưởng đến các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp. Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhờ vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh và chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc.
Và đặc biệt, không thể không kể đến ngành thương mại điện điện tử. Hàng triệu người đã phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và điều này vô tình khiến hoạt động livestream dường như bùng nổ hơn tại Trung Quốc. Cụ thể theo thống kê trong dịp Tết nguyên đán, người dùng mạng xã hội TikTok tại Trung Quốc đã dành trung bình 99 phút cho ứng dụng mỗi ngày. Con số này hồi năm ngoái chỉ là 67 phút. Kuaishou, đối thủ của TikTok cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lượng người dùng và thời gian sử dụng ứng dụng. Cụ thể thời gian sử dụng trung bình hàng ngày đã tăng từ 44 phút lên 71 phút. Taobao dù là một trang web thương mại điện tử nhưng đã sớm cung cấp cho các chủ cửa hàng tính năng livestream để bán hàng tiện lợi hơn. Và tính năng livestream trên Taobao đã tăng trưởng mạnh chỉ trong tháng qua sau khi xảy ra đại dịch Covid-19. Ước tính của Alibaba (công ty chủ quản của Taobao) cho thấy, số lượng các phòng livestream đã tăng hơn 100%.
Hạn chế đến nơi công cộng, thị trường mua sắm online cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Chỉ trong ngày đầu ghi nhận ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, số đơn hàng online tại Saigon Coop đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, lượng khách mua sắm online và qua điện thoại tăng đột biến gấp 4-5 lần. Riêng tại TP.HCM, hệ thống Big C ghi nhận hoàn tất hơn 1.000 đơn hàng qua điện thoại từ ngày 1-12/3. Theo đó, chuỗi siêu thị dự kiến đạt khoảng 3.000 đơn hàng trong tháng 3, tăng 200% so với tháng 2. Đại diện Grab cũng khẳng định, hãng này có khả năng đáp ứng 300.000 đơn hàng mỗi ngày. Hay gần gũi hơn, chính Spiderum với hầu hết các hoạt động diễn ra online cũng chứng kiến những tăng trưởng về doanh thu (thông qua hoạt động bán sách online); lưu lượng truy cập website hay lượng người theo dõi các kênh như Facebook, Youtube...
Song song với những diễn biến trên, chúng ta cũng không thể không kể đến hiện tượng nhiều cá nhân/tổ chức cũng "biến nguy cơ thành cơ hội" bằng cách... lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá, tung fake news nhằm trục lợi. 
Thực tế, chẳng ai có thể biết được khi nào dịch bệnh hay bất cứ một yếu tố bất ngờ nào khác sẽ lại xảy đến và hoành hành. Thế nhưng trong suốt các thời đại lịch sử, khi triều đại đổi thay, thế sự xoay vần, chiến tranh, hoà bình, lúc hưng thịnh khi suy tàn… đều có tầng tầng lớp lớp các bậc anh hùng hào kiệt xuất hiện và phần nào vượt lên nhờ khả năng chớp đúng thời cơ trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Là những người trẻ, liệu chúng ta có thể học được gì từ những gì đang diễn ra? Với những bạn đang hay sẽ là những chủ doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước, các bạn nghĩ đâu sẽ là hướng đi đúng đắn?
Xem thêm các chuyên mục 9toTalk khác tại: