Vào tháng 1 năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu của mình đã nói rằng: “Không có lừa đảo gì ở đây cả, biến đổi khí hậu là 1 vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi muốn có không khí và nguồn nước sạch nhất. Nhưng tôi cũng muốn giữ công ăn việc làm. Tôi không muốn phải đóng cửa bất cứ ngành công nghiệp nào chỉ vì ai đó nói rằng tôi phải chuyển sang năng lượng gió hay chuyển sang bất cứ thứ gì khác - những thứ không có khả năng giúp chúng ta làm được những điều mà ta phải làm” [1]
Vào tháng 10 năm 2018, trên tờ báo The Guardian, George Monbiot - nhà báo người Anh nổi tiếng với nhiều hoạt động về môi trường và chính trị, đã viết bài báo “Chừng nào tăng trưởng kinh tế còn tiếp diễn, chúng ta sẽ không bao giờ chia tay được với nhiên liệu hóa thạch”. Bài báo đã chỉ ra một số thông tin quan trọng sau: “Chúng ta đang trên đường chuyển dịch sang một tương lai chạy điện. Nhưng nếu vậy thì làm thế nào mà ngành sản xuất dầu lại chuẩn bị cán mốc 100 triệu thùng/ngày, lần đầu tiên trong lịch sử? Làm sao mà ngành này vẫn dự đoán nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến những năm 2030? Tại sao lượng đầu tư vào cát dầu Canada – nguồn dầu mỏ bẩn nhất – lại tăng gấp đôi trong chỉ một năm? Câu trả lời chính là Tăng trưởng. Phương tiện giao thông chạy điện lại đòi hỏi một cuộc chạy đua khai thác tài nguyên mới, đặc biệt là lithium, thứ đã và đang làm ô nhiễm các dòng sông và phá hoại các cảnh quan nguyên sinh quý giá. Tăng trưởng sạch cũng ngớ ngẩn chẳng kém gì than sạch.” [2]
Hai bài trích dẫn này đưa đến cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh hơn, rằng rốt cuộc dù là tăng trưởng xanh như nhiều người vẫn hay nói, thì hệ quả mà quá trình phát triển kinh tế đem lại cho môi trường vẫn không thể tránh khỏi. Câu hỏi được đặt ra ở đây là “Liệu có cách nào đó để chúng ta có thể vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường hay không?” 
Nhưng trước khi đưa ra câu trả lời, sẽ tốt hơn nếu chúng ta cùng thử suy nghĩ về khái niệm mà các chuyên gia bảo vệ môi trường cũng như các chuyên gia kinh tế vẫn đang bàn đến: phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...". Nói cách khác, phát triển bền vững phải đảm bảo có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ [3]. Liên Hiệp Quốc cũng đã đề ra Các Mục tiêu Toàn cầu về Phát triển Bền vững và đã được tất cả các Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động phổ quát để xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Phát triển bền vững có vẻ như là giải pháp tốt để cân bằng giữa lợi ích về kinh tế và môi trường.
 “Hành động vì biến đổi khí hậu” là một trong các mục tiêu của phát triển bền vững. Trong thỏa thuận Paris, các quốc gia đã đồng ý đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu cắt giảm khí thải, tại hội nghị COP21 diễn ra ở Pháp hồi tháng 12/2015, 18 nước phát triển đã cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2020 cho các chương trình khí hậu của các nước đang phát triển.
Mặc dù đã có những cố gắng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, không phải quốc gia nào cũng thực hiện được cam kết của mình. Vào tháng 7/2019, nhiệt độ toàn cầu đã vượt quá 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25 ở Madrid trong tháng 12 đã hầu như không đạt được sự đồng thuận của các quốc gia về một kế hoạch nhằm đối phó với tình trạng trái đất nóng lên. Kết quả hội nghị là một sự thất vọng và hơn hết, nó thiếu những cam kết mà các nhà khoa học cho là cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu. [4]
Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi khí hậu. Là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, nước biển dâng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Việt Nam. Theo khuyến cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1 % tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống, chiếm 23,1 % dân số tại thời điểm báo cáo. Biến đổi khí hậu cũng tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống và y tế và sức khỏe cộng đồng. Theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018, tỷ lệ tử vong do các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam năm 2016 là 161, đứng thứ 11 trên thế giới. Giá trị thiệt hại lên tới 4.037.704 triệu USD (tính theo sức mua tương đương -PPP18) đứng thứ 5; thiệt hại bình quân GDP theo % là 0,6782, đứng thứ 10 trên thế giới. [5]
Khi biến đổi khí hậu vẫn còn là mối lo, phát triển bền vững xem ra vẫn chưa thể đạt được.
Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng về kinh tế và y tế lại có tác động đáng kể đến môi trường, hơn hẳn hành động của các Chính phủ. Sau khi xác định lại giá dầu vào năm 1980, lần đầu tiên lượng khí thải toàn cầu đã giảm trong hai năm liên tiếp. Đó cũng là lúc mà Liên minh châu Âu đạt mức khí thải cao nhất. Mức suy giảm [của giá dầu] lần thứ hai, được quan sát thấy vào đầu những năm 1990, trùng với mức khí thải cực đại diễn ra vào năm 1990 đối với toàn bộ các nước thuộc khối Xô-Viết cũ. Cú sốc năm 2009 hầu như không tác động gì đến quỹ đạo khí thải của Trung Quốc, nhưng nó trùng với đỉnh khí thải của Hoa Kỳ, diễn ra vào năm 2007. Sau các cú sốc đó, đường cong lượng khí thải toàn cầu đã bắt đầu tăng trở lại. [6]
Năm 2020, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, khi các hoạt động kinh doanh, du lịch phải dừng lại thì chúng ta lại thấy được những tín hiệu tích cực về môi trường: 
  • Nước tại các kênh ở Venice, Ý trở nên trong lành khi chính phủ phong tỏa thành phố. Không còn các loại thuyền chở du khách tấp nập ra vào, nước kênh trong đến mức nhìn được xuống đáy; 
  • Nồng độ ô nhiễm không khí giảm ở mức đáng kể, đặc biệt là ở Trung Quốc - nồng độ nitrogen dioxide (NO2) - khí thải chính của các loại nhà máy sản xuất, khói xe và nhiệt điện làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người giảm từ 50.0 xuống còn 37.2;
  • Giảm 35% tiêu thụ và khai thác nhiên liệu hóa thạch, 70% sụt giảm đi lại theo đường hàng không dẫn đến ảnh hưởng do các hoạt động của con người lên biến đổi khí hậu cũng giảm theo. [7]
Bên cạnh thiệt hại về kinh tế mà các cú sốc này mang lại, chúng ta cũng có một góc nhìn mới về việc tạm dừng kinh tế có thể giúp ích cho môi trường như thế nào. 
Vậy, quay lại với câu hỏi đầu bài, chúng ta có thể vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường hay không? Liệu dịch bệnh này có cho chúng ta một góc nhìn mới về phát triển, một cách tiếp cận mới trong kinh doanh để giúp giảm biến đổi khí hậu?
Xem thêm các chuyên mục 9toTalk khác tại: 
-------------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo: