Chào các bạn, lại là mình đây. Ở tập trước, mình đã liệt kê 8 dấu hiệu để nhận biết như thế nào là một mối quan hệ độc hại. Nếu bạn chưa đọc nó thì mình sẽ để link ở đây nhe. Còn nếu bạn quay lại đây vì bài viết đó thì cảm ơn bạn đã lắng nghe tớ lảm nhảm và.. chúng ta cùng bắt đầu thôi
7 năm trước, tớ cũng đang như các bạn bây giờ. Làm việc ở một môi trường mà mình biết chắc là mình không thuộc về. Mỗi sáng thức giấc, tớ bắt đầu một ngày mới bằng cách nhìn vào gương và trào lên nỗi căm ghét mình khúng khiếp “trông mình thật tệ hại” – Và mỗi tối, trước khi kết thúc một ngày dài mệt mỏi, tớ đều tự hỏi “mình đang làm cái quái gì với cuộc đời thế này? Đây là cuộc sống mà mình mong ước ư? Chẳng nhẽ phải sống thế này cho đến già?” 
Và rồi sau 4 năm tự dằn vặt bản thân. Tớ quyết định xin nghỉ việc và bước chân sang một công việc mới.
Cho những ai chưa biết thì tớ từng là một nhân viên y tế cho một bệnh viện khá lớn của TP mà lúc đó tớ đang sống. Công việc ổn định, nghề nghiệp được người khác tôn trọng và là niềm tự hào không nhỏ của gia đình và dòng họ. Tớ hoàn toàn tôn trọng nghề và đó là một môi trường cực tốt để tớ rèn luyện bản thân. Nhưng thực sự đó là một nơi không hề phù hợp với một con bé như tớ. Bạn không thể nào bắt một con cá ra hỏi nước và yêu cầu nó trèo cây được. Nhưng không phải ai cũng hiểu điều đó. Mọi người cứ không ngừng hỏi tớ “mày còn muốn cái gì nữa?” và hàng loạt tin đồn sau lưng. Không nói chắc các bạn cũng tưởng tượng được áp lực mà tớ từng gánh lớn tới cỡ nào khi quyết định nghỉ việc rồi đúng không.
Nhưng giờ, khi đang ngồi tận hưởng ngày cuối tuần ở một tiệm cà phê. Thong thả nhấm nháp ly bạc xỉu ở một thành phố mới. Tớ nhìn lại khoảng thời gian ấy và cảm thấy biết ơn bản thân khủng khiếp vì quyết định đó. Quyết định khiến đời tớ bước sang một trang hoàn toàn mới.
Luyên thuyên thế đủ rồi, tớ không định biến bài viết này trở thành một bản tự sự cuộc đời đâu ^^. Dưới đây là những bước mà tớ đã áp dụng và thành công để “rũ bỏ một mối quan hệ độc hại” hay còn gọi là nhảy việc. Bài viết mang kinh nghiệm cá nhân và tớ không có ý định dạy khôn ai cả. Các bạn tham khảo cho vui, đừng quá khắt khe nhé.

Bước 1. Hãy thử cho công việc cũ một cơ hội

Nhảy việc hay nhảy ngành thì cũng đều khó khăn cả. Chỉ có cái nào bớt khó khăn hơn cái nào mà thôi. Vì vậy, hãy dành thời gian để nghiêm túc xác định xem mình có thực sự muốn nghỉ việc hay không rồi hẵng quyết định nhé. Bạn có thể đặt ra “kế hoạch 3 tháng lần thứ nhất” cho mình. Trong ba tháng đó, hãy làm việc chăm chỉ và hết mình nhất có thể. Nếu bạn thay đổi theo chiều hướng tích cực và cảm thấy yêu nghề hơn. Hãy tiếp tục. Còn nếu không có gì xảy ra và bạn thực sự không thể cố gắng hơn được nữa. Thì đợi gì nữa. Bê cl và tập nhảy tám hướng đi thôi :)))
Lưu ý: Nếu bạn vẫn muốn làm công việc cũ, chỉ là muốn thay đổi chỗ làm thì có thể trực tiếp bỏ qua bước 2, 3 và 4. Còn nếu bạn đang muốn bước chân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới thì 3 bước này là không thể bỏ qua nha

Bước 2: Biết bản thân muốn gì

Bước này quan trọng lắm nhé. Hãy ngồi xuống và vạch bút ra. Bạn thích làm về lĩnh vực gì? bạn có năng khiếu ở những mảng nào? Liệu những mảng đó có thể kiếm ra tiền hay không? bạn có tự tin rằng mình có thể gắn bó lâu dài với nó hay không? Rồi từ đó tập trung vào bước 3.(Thực ra với tớ, bước này vô dụng vkđ. Việc mà tớ đã thực sự làm là thử bằng cách ngoài giờ hành chính, tớ còn đi làm thêm nữa. Làm HDV, phục vụ ở PUB, làm bưng bê, rồi pha chế ở tiệm cà phê…. Từ đó tớ mới đưa ra quyết định được)

Bước 3. Chuẩn bị cho mình những kỹ năng ngoài công việc

Kỹ năng ngoài công việc là gì? Là những kỹ năng mà chẳng liên quan gì đến công việc bạn đang làm hết cả. Trở lại với câu chuyện của tớ. Từ hồi còn là sinh viên y khoa, tớ đã là đứa thích xê dịch, trải nghiêm cái mới. Tớ thích giao lưu gặp gỡ với người nước ngoài nên đăng ký làm host cho Couchsurfing (bạn nào muốn tìm hiều nó là cái gì thì bấm vào đây ). Gặp gỡ nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau khiến thế giới quan của tớ thực sự thay đổi. Giúp cải thiện trình độ tiếng Anh và đặc biệt là rèn luyện kỹ năng như một HDV.

Bước 4. Chịu khó ra ngoài và mở rộng những mối quan hệ ngoài ngành

Tớ biết là bước này thật khó. Với một số người, những mối quan hệ của họ chỉ dừng lại ở những người liên quan đến công việc mà họ đang làm. Nhưng mà bạn biết không. Nếu bạn chỉ quen biết những người trong ngành mà bạn đang làm thì sẽ khiến cơ hội nhảy sang một lĩnh vực hoàn toàn khác khó khăn hơn rất nhiều đấy. Bạn không có bằng cấp, cũng không có kinh nghiệm. Nếu không phải là người bạn quen và đã biết năng lực thực sự của bạn, liệu ai sẽ đủ can đảm để thuê bạn đây? Bật mí cho bạn nè. Hãy làm thật nghiêm túc bước 3. Chắc chắn bạn sẽ quen biết được với những người làm trong lĩnh vực mà bạn đang cố gắng trau dồi.Như đã kể trên. Nhờ có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và hoạt động như một HDV, tớ quen được một nhóm những người trẻ cũng đam mê làm về du lịch và đang ấp ủ mở công ty. Trong khoảng thời gian làm việc ở BV, tớ cũng tham gia một vài chương trình tour/sự kiện do nhóm tổ chức với vị trí HDV cho khách nước ngoài và để lại ấn tượng khá tốt. Vậy là mấy năm sau, khi tớ nhen nhóm quyết định nghỉ việc, anh trưởng nhóm năm xưa (giờ đã thành giám đốc) đã rủ tớ về làm việc cho công ty anh. Và tớ đã gật đầu cái rụp :)).

Bước 5: TÌM KIẾM CƠ HỘI

Tìm việc làm bây giờ không khó như bạn vẫn nghĩ đâu. Nhất là bạn đã làm tốt 3 bước kể trên. Thời đại 4.0 rồi. Cơ hội là khắp nơi nếu như bạn chủ động tìm kiếm. Bạn có thể tìm việc trên các web tuyển dụng, lập hồ sơ Linkedin, hay thậm chí đơn giản hơn là tìm trong các group tìm việc làm ở trên Facebook.

Bước 6. Qua cầu hẵng rút ván :))

Nghe thì có vẻ hơi khốn nạn, nhỉ :). Nhưng mà nếu chưa tìm được một nơi làm mới mà bạn đã vội vã nghỉ việc ở chỗ cũ thì sẽ rất nguy hiểm đấy.
Sau một khoảng thời gian dài làm việc, ai cũng muốn có một khoảng giữa nghỉ ngơi sau khi nghỉ việc và trước khi bắt đầu một công việc mới cả. Và đây chính là điểm chết người. Bởi con người mà, ai cũng có chút lười biếng và thích cuộn mình trong lớp vỏ an toàn, nhàn tản. Không còn mỗi sáng chật vật tới chỗ làm, không còn nối ám ảnh mang tên deadline và ngày nào cũng là Chủ Nhật. Điều đó hấp dẫn làm sao. Apply công việc mới ư? Thôi, để mai đi, vội gì. HR gọi đến phỏng vấn ư? thôi, chắc xin hủy, hồi tối lỡ cày phim, dậy không nổi. Và thế là ngày này qua tháng nọ, bạn chỉ nằm nhà, lướt fb và ngắm nhìn cuộc sống của người khác trong khi lòng nhiệt huyết và kỹ năng trong công việc thì ngày càng thui chột.
Chưa kể, việc có một công việc mới ngay còn giúp bạn trấn an gia đình và người thân. Khiến họ an tâm và ủng hộ quyết định của bạn hơn. Và quan trọng nhất, là khiến bạn đủ tự tin để nhảy việc. Đúng không nào?

Bước 7: NHẢY THÔI

Sau khi tìm được công việc mới thì cứ nhảy thôi. Đừng sợ gì cả. Nó không khó khăn như bạn nghĩ đâu. Tớ biết là sẽ rất khó khăn trong thời gian đầu. Nhưng mà rồi tất cả cũng sẽ qua thôi. Nhớ cố gắng hết mình và lăn xả nhất có thể nhé. Bạn có gì để mất nữa đâu :)))Còn nếu công việc mới không như bạn nghĩ và sau một thời gian bạn lại thấy không phù hợp thì lại quay về bước 1. Nhưng đừng nhảy nhiều quá nhé. Hãy cho nó thêm thời gian, cố gắng thêm một chút, ít nhất là 2-3 năm. Để hiểu hết về nghề. Và quan trọng là để bạn không mang tiếng nhảy việc như cơm bữa trong mắt các nhà tuyển dụng tiềm năng :))
Bật mí là sau lần nhảy việc ở bệnh viện sang công ty du lịch, tớ đã có một lần nhảy việc nữa. Và hiện giờ tớ đang hạ cánh an toàn ở một công ty truyền thông. Môi trường làm việc trong mơ và được làm đúng cái tớ thích: sáng tạo nội dung: viết lách nè, thiết kế nè… Tớ nghĩ là tớ đã tìm ra chân ái của đời mình rồi các bạn ạ. Tớ tin rằng các bạn rồi cũng sẽ tìm được công việc và môi trường bạn thuộc về thôi. Cố gắng lên nhé. Hi vọng là bài viết của tớ giúp được các bạn phần nào ^^.