5 kỹ năng làm việc từ xa cho công ty nước ngoài
Nếu bạn đã từng luôn có ước mơ được làm việc từ xa (remote) cho một công ty nước ngoài thì bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để biến...
Nếu bạn đã từng luôn có ước mơ được làm việc từ xa (remote) cho một công ty nước ngoài thì bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để biến ước này thành sự thật đấy.
Hiện nay công việc remote cực kỳ nhiều và các công ty nước ngoài cùng vô cùng cởi mở với việc chào đón các nhân tài từ khắp nơi trên thế giới làm việc cho họ. Họ không quan tâm nhiều tới việc bạn là ai, đến từ đâu — miễn rằng bạn có năng lực và phù hợp với văn hoá doanh nghiệp của họ thì họ sẵn sàng cân nhắc bạn.
Tìm việc remote cũng dễ lắm. Bạn chỉ cần vào các job board nước ngoài hoặc kết nối với các nhà tuyển dụng trên LinkedIn hoặc “đăng bán” bản thân trên LinkedIn. Chịu khó tham gia các cộng đồng startup hay entrepreneurship cũng tốt vì nhiều business owner nước ngoài cũng thường chia sẻ nhu cầu tìm người của họ trên đó. Nói chung là tìm việc thì không quá khó.
Tuy nhiên, cái khó ở chỗ là làm thế nào để được tuyển dụng. Và khi đã được nhận vào làm rồi thì làm thế nào để vượt qua được thời gian thử việc và bám trụ được ở đó lâu dài.
Làm việc từ xa: Kỹ năng chuyên môn chưa đủ
Agency mình đang làm là remote. Có người ở Sydney, có người ở Melbourne, Queensland, Ấn Độ rồi cả Anh nữa — tất cả mọi người đều làm từ xa ở nhà và mọi cuộc họp, trao đổi đều diễn ra online hết.
Từ đầu năm nay công ty mình mở rộng nên tuyển dụng khá nhiều. Vị trí hầu hết là về ecommerce marketing. Đã có khoảng 5 người mới gia nhập… nhưng đến hiện tại thì những người mới này không còn ở agency nữa. Họ không được giữ lại.
Có phải họ không có chuyên môn? Có phải họ không giỏi? Có phải sếp mình khó tính quá hay lương thấp quá nên họ đi? Thực ra chẳng phải vì những lý do này.
Qua những cuộc họp team, nói chuyện với sếp và qua những lần mình làm việc với các bạn đó, mình hiểu được lý do vì sao họ không được giữ lại. Không phải vì họ không có chuyên môn. Họ giỏi lắm đấy — có chị thậm chí còn đã từng làm cho rất nhiều tập đoàn đa quốc gia, big corp, và biết nhiều ngôn ngữ nữa. Nhưng cũng chính vì như vậy mà họ không phù hợp với văn hoá của agency mình — đó là một môi trường cực kỳ năng động và đòi hỏi sự chủ động cực kỳ cao của từng người.
Nhiều bạn đã từng email hỏi mình cách làm thế nào để tìm được việc làm từ xa cho công ty nước ngoài? “Làm thế nào để em viết giỏi hơn, tiếng Anh giỏi hơn, chuyên môn giỏi hơn để người ta tuyển em”… Các bạn tập trung rất nhiều vào chuyên môn mà quên mất rằng nhà tuyển dụng nước ngoài hiện đại, đặc biệt là ở lĩnh vực marketing, họ không quan tâm quá nhiều tới việc bạn có kinh nghiệm ra sao. Cái quan trọng mà họ muốn nhìn thấy hơn đó là kỹ năng mềm của bạn.
Chính sếp mình đã từng nói như này: “Tôi tuyển người không phải vì chuyên môn. Các kỹ năng marketing đều có thể đào tạo được. Tôi tuyển một người vì thái độ làm việc và tinh thần của họ.”
CEO của một thương hiệu Mỹ bọn mình đang làm marketing cũng từng chia sẻ ý tương tự. Cô ấy để ý nhiều hơn tới con người.
Vậy thì bài học rút ra ở đây là gì? Đó là kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm là quan trọng, đặc biệt với một số công việc đặc thù. Nhưng nó không phải là tất cả. Khi làm việc với các công ty nước ngoài, họ sẽ rất chú trọng tới con người, thái độ, và kỹ năng mềm của bạn. Họ cực kỳ mở nên bạn cũng cần phải “mở” như họ.
Để mình chia sẻ với bạn một số kỹ năng mềm mà mình đã rút ra được từ lúc mình được nhận vào làm ở agency này. Đây cũng chính là bí quyết giúp mình “trụ” được ở công ty cho tới giờ và cũng là cách giúp mình kết nối “đồng điệu” với sếp. Sếp thậm chí còn nói mình “ giống y hệt” chị ấy. 😉
1. Làm việc một cách có đam mê và năng lượng
Bọn mình làm việc với rất nhiều brand (thương hiệu) nước ngoài. Làm việc trực tiếp với các chủ doanh nghiệp, CEO, founder, director… và điều mình luôn cảm thấy ở họ là đam mê và năng lượng. Tinh thần của họ cực kỳ cao. Bạn luôn cảm nhận được họ vô cùng yêu thích điều họ đang làm. Chính bởi vậy, họ rất thích những người luôn có đam mê và năng lượng.
Bật mí nhé, sếp mình cũng nói bạn ấy tuyển mình vì bạn ấy nhìn thấy đam mê và năng lượng ở mình, cho dù lúc ấy mình chẳng có kinh nghiệm gì về ecommerce cả. Mình cũng chưa làm email marketing về ecommerce bao giờ. Nhưng bạn ấy nói bạn ấy “đánh cược” vào mình.
Thế nên, nếu bạn thực sự đam mê với công việc/vị trí mà bạn đang làm, hãy thể hiện điều đó ra ngoài. Hãy cho người tuyển dụng của bạn nhìn thấy năng lượng của bạn bằng hành động lẫn lời nói.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thể hiện nó khi bạn mới chỉ đang trong quá trình tìm kiếm việc làm remote và nộp hồ sơ?
Rất đơn giản thôi. Nếu bạn đam mê, có nhiều năng lượng với cái gì, bạn sẽ luôn tìm cách để làm nó. Ví dụ, nếu bạn yêu thích nghề content writer, bạn sẽ viết blog, làm freelance, đăng bài, chia sẻ trên Facebook, LinkedIn, làm đủ thứ để thoả mãn đam mê viết lách. Nếu bạn chỉ nói “ôi em thích viết lắm, thích content lắm” mà chẳng có blog, chẳng đăng gì trên mạng, chẳng có một portfolio thì ai tin đúng không?
Hãy hành động hoá đam mê và năng lượng của mình vì nó sẽ giúp bạn tiến gần hơn với một cơ hội làm việc remote.
2. Siêu chủ động trong mọi thứ
Cái này thì nhà tuyển dụng nào cũng muốn rồi, bất kể bạn làm ở Việt Nam hay nước ngoài. Nhưng từ trải nghiệm của riêng mình, mình thấy khi đã làm cho công ty nước ngoài mà lại còn remote nữa thì siêu chủ động là một kỹ năng mềm bắt buộc. Chứ không phải chỉ là “có cũng tốt”.
Ở agency của mình, tuy không nói ra nhưng sếp muốn ai cũng phải siêu chủ động. Tự biết việc phải làm và hoàn thành tốt. Bản thân mình tự phải biết mỗi ngày mình làm gì và cần phải đạt được gì. Lắm khi mình còn đoán trước những điều mà sếp kỳ vọng hoặc nghĩ tới và thực hiện luôn. Nên sếp luôn nói mình “proactive.”
Siêu chủ động còn cực kỳ quan trọng cho những bạn nào đang muốn làm việc trong lĩnh vực marketing, công nghệ, ecommerce. Vì những lĩnh vực này luôn thay đổi và vận động, gần như liên tục. Bạn phải nhanh nhạy nắm bắt những sự dịch chuyển đó để thích nghi và phát triển bản thân. Chỉ cần bạn thụ động một thời gian thì bạn sẽ thấy mình như thể tụt hậu.
3. Luôn sẵn sàng học hỏi và cầu thị
Mình vào agency này với kinh nghiệm chuyên môn gần như số không. Nhưng mình đã làm đủ mọi cách để tăng hiểu biết và tích luỹ kinh nghiệm. Mình đọc, nghe, gia nhập các nhóm. Tự mày mò những lúc mình rảnh. Không hiểu gì và không tìm được câu trả lời trên mạng, mình hỏi sếp. Sếp thấy mình ham học hỏi và cố gắng nên sếp cũng hết sức giúp đỡ. Lâu dần mình đi sâu vào nghề từ lúc nào không biết.
Sẵn sàng học hỏi, không ngừng học là điều mà các sếp nước ngoài cực kỳ thích. Họ thích những người hiểu rõ giới hạn bản thân và tích cực trau dồi để cải thiện giới hạn đó. Nếu bạn là người luôn có tinh thần này thì hãy thể hiện nó ra ngoài. Nó có thể sẽ là lợi thế của bạn.
4. Không ngại thử thách và mắc lỗi
Mình phạm phải rất nhiều lỗi kể từ khi làm việc ở agency này. Lỗi to lỗi nhỏ đều có hết. Nhưng sếp luôn bảo mình “it’s okay, we’re human” và nói lần sau để ý hơn là được. Bạn ấy cũng cho mình những feedback giá trị về việc chỗ nào mình cần chú ý, từ nào cần tránh không nên dùng khi giao tiếp với khách hàng… Bạn ấy nói vì mình luôn welcome các feedback nên đấy mới là điều quan trọng.
Trước đây mình đã từng chia sẻ với bạn việc lúc mình mới đi làm content writer, có lúc nhận được 100 feedback kín cả một file Google Docs. Cảm tưởng như chẳng còn nhìn thấy những gì mình đã viết nữa, mà chỉ toàn là feedback của người khác thôi. Hoảng hốt lắm, nhưng mình tự lấy lại bình tĩnh và nhắc nhở bản thân rằng chỉ có cách này thì mới làm mình lớn được và “bớt ngu” đi được.
Đến bây giờ mình vẫn duy trì tinh thần này. Bất cứ thử thách nào mình cũng sẵn sàng đón nhận. Và mình chấp nhận mình có thể mắc lỗi. Nhưng từ đó mình sẽ học hỏi được, sẽ luôn có những bài học hữu ích mà giúp mình phát triển khả năng của mình. Thế nên vui vẻ chào đón mọi thứ.
5. Có trách nhiệm, có trách nhiệm, có trách nhiệm
Làm việc từ xa mà, chẳng ai quản lý bạn cả. Chưa kể họ còn cách xa bạn hàng trăm nghìn dặm rồi ngôn ngữ cũng hạn chế nữa. Họ không quản nổi bạn. Thế nên, thể hiện rằng bạn là người có trách nhiệm sẽ giúp bạn ghi điểm trước nhà tuyển dụng nước ngoài. Lời nói và hành động cần nhất quán. Bạn hứa với sếp sẽ làm điều gì và hoàn thành vào thời gian này thì hãy làm như vậy.
Bạn thấy đấy, 5 kỹ năng mềm vừa đề cập chẳng có gì mới. Kỳ thực, các công ty ở Việt Nam trước giờ cũng đòi hỏi các ứng viên phải có những kỹ năng này. Tuy nhiên, với các công ty nước ngoài, chúng có thể còn quan trọng hơn cả chuyên môn và kinh nghiệm của bạn nữa.
Càng trau dồi chúng bao nhiêu thì bạn càng cảm thấy mình tự tin hơn rất nhiều khi nộp hồ sơ, phỏng vấn và làm việc từ xa cho các công ty nước ngoài. Những kỹ năng này cũng sẽ giúp hình thành đạo đức làm việc của bạn và con người bạn nên hãy trau dồi sớm nhé.
Nếu bạn cảm thấy bài viết của mình có ích thì hãy chia sẻ cho các bạn khác cùng đọc nha 😉 Cám ơn bạn thật nhiều.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất