Emotional spending là gì?
Emotional spending (hay còn có tên gọi khác là retail therapy) – là một hiện tượng khi người tiêu dùng mua một món hàng dựa trên cảm xúc hơn là lý trí. Họ mua một món đồ để giải quyết các trở ngại tâm lý hay thỏa mãn nhu cầu tâm lý, hơn là quan tâm tới bản thân công năng món hàng và nhu cầu thực tế.  
Những cảm xúc nào dẫn tới emotional spending?
Nguồn: SelfFinancial.Inc
Nguồn: SelfFinancial.Inc
Có rất nhiều lý do có thể dẫn tới việc chi tiêu theo cảm xúc. Theo các số liệu từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tâm lý Mỹ đưa ra trong một cuộc khảo sát với 1.600 người vào năm 2020, có tới gần 50% người tiêu dùng mua một món đồ mới để trở nên vui vẻ hơn. 43.1% và 24.9% số người tìm kiếm các mặt hàng trực tuyến hoặc trực tiếp để mang lại cảm giác giải thoát hay để đối phó với các lo âu về tài chính.
Các hoạt động mua sắm nói chung sản sinh ra dopamine – loại hormone khiến con người trở nên vui vẻ hơn. Các quá trình từ tìm được món đồ ưa thích, bỏ vào giỏ hàng hay mở gói hàng đều là những quá trình mang lại cảm xúc thỏa mãn.
Chi tiêu theo cảm xúc có thể diễn ra khi bạn:
- Tự tin
- Hưng phấn
- Buồn chán
- Ghen tị
- Tự ti
- Lo âu
- Trầm cảm
- Mất kiểm soát
- Lo âu về tài chính
- Cô đơn
Nhiều người lầm tưởng rằng chi tiêu nhiều cho bản thân đồng nghĩa với việc họ đang yêu và chăm sóc bản thân một cách đúng đắn,cũng như có thể xoa dịu được những cảm xúc tiêu cực ập đến. Mặc dù vậy, những niềm vui từ việc chi tiêu theo cảm xúc tồn tại ngắn hạn, không thực sự giải quyết được các vấn đề tâm lý gốc rễ.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng việc chi tiêu theo cảm xúc đem lại những điểm tích cực, tuy nhiên nếu người tiêu dùng không kiểm soát được việc chi tiêu theo cảm xúc và dẫn tới các tình trạng chi tiêu quá mức, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới vấn đề tài chính cá nhân của họ.
Quy trình chi tiêu theo cảm xúc
Khi các cảm xúc xuất hiện, người tiêu dùng sẽ nảy sinh ham muốn mua sắm và bắt đầu chuỗi quy trình như sau:
Bắt gặp cảm xúc tiêu cực hoặc tích cực => Mua sắm gì đó để làm dịu bớt hoặc tăng cường cảm xúc => Nhận ra bản thân chi tiêu quá mức => Cảm giác lo lắng và tuyệt vọng về việc chi tiêu quá mức => Quy trình lặp lại
Các cách ứng phó với việc chi tiêu theo cảm xúc
1. Hiểu rõ vấn đề
Khi chuẩn bị mua một món đồ nào đó không cần thiết, hãy tự hỏi bản thân về cảm xúc mình đang gặp phải và đặt tên cho cảm xúc ấy và đặt ra các câu hỏi cần thiết:
Liệu mua món đồ này sẽ giúp ích gì cho các vấn đề ấy? Các cảm xúc tiêu cực có biến mất hay không hay các cảm xúc tích cực có được nhân lên hay không?
Liệu có phải việc mua món đồ này chỉ là lấp một chỗ trống nào đó?
Món đồ này có thực sự hữu ích cho mình không? Mình có đủ khả năng tài chính không?
Mình có hối hận sau khi tiến hành thanh toán không?
Nguồn: Dailymail
Nguồn: Dailymail
2. Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần
Có rất nhiều cách để nâng cao sức khỏe tinh thần. Dưới đây là một vài gợi ý:
- Ăn uống đầy đủ chất, sinh hoạt điều độ
- Rèn luyện các lối sống lành mạnh: kiểm soát thời gian, cân bằng công việc – đời sống, kết nối với thiên nhiên,….
- Đi bộ, ngồi thiền
- Chơi môn thể thao ưa thích
- Ngâm mình trong bồn nước nóng
- Gặp gỡ bạn bè
- Xem bộ phim hoặc chương trình TV yêu thích, nghe podcast
- Viết nhật ký hay đọc sách
3. Quy tắc 50 – 30 – 20
Theo dõi và chia các chi phí thành các mục Nhu cầu, Mong muốn, Tiết kiệm và Trả nợ. Dành 50% thu nhập cho các chi phí nhà cửa, điện nước và nhu yếu phẩm. 30% cho các mục nhỏ như ăn ngoài hay mua những thứ bản thân muốn mà không cần thiết. 20% dành cho việc tiết kiệm và trả nợ.
4. Học cách yêu việc tiết kiệm
Việc tiết kiệm và có lãi từ số tiền tiết kiệm cũng có thể sản sinh ra những cảm xúc tích cực như tự tin, vui vẻ, hào hứng không kém việc mua sắm! Hãy chuyển một số tiền tiết kiệm vào tài khoản hoặc để tiết kiệm tự động hàng tháng. Nhờ vậy, bạn sẽ không cần phải lo lắng về khoản tiền này.
5. Tư vấn các chuyên gia
Việc chi tiêu cảm xúc không phải là một chứng rối loạn. Tuy nhiên nếu chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn, hãy liên lạc với các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực để nhận được sự trợ giúp và lời khuyên hữu ích.
Kết
Theo bậc thang nhu cầu Maslow, việc thỏa mãn các nhu cầu về thể chất và tinh thần là những nhu cầu tất yếu của con người. Tuy nhiên việc làm chủ được cảm xúc và hành động mua sắm, cũng như bảo đảm được tài chính thông minh khi xuất hiện các cảm xúc khó kiểm soát là điều quan trọng và cần thiết. Chuyên gia tài chính, tác giả Dave Ramsey cho rằng: ‘Chúng ta thường chi tiêu quá mức để lấp đầy khoảng trống của cảm xúc trong đời mình. Nhưng sẽ chẳng có một thứ vật chất nào có thể làm thỏa mãn tâm hồn bạn.’’