Hoa Kỳ - một quốc gia non trẻ với lịch sử chỉ gần 250 năm tồn tại nhưng đã nhanh chóng vươn mình để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Để đạt được thành tựu này, họ cần có những nhân vật kiệt xuất, những cá nhân tài năng với tầm nhìn xa trông rộng để lèo lái đất nước vượt qua muôn vàn thách thức.
Trong số đó, chức danh Tổng thống nổi bật lên như một vị trí tối quan trọng. Không chỉ đại diện cho quyền lực, người được chọn để ngồi vào vị trí này còn thể hiện rõ nét những mong mỏi và khát vọng của người dân Hoa Kỳ. Sự thành bại của các nhiệm kỳ Tổng thống được xác định bởi những thách thức và khủng hoảng, bởi gánh nặng của quá khứ và cả tầm nhìn về tương lai. 45 con người xuất chúng thông qua 46 nhiệm kỳ đã để lại những ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển thần kỳ của nước Mỹ. Và trong bài viết này, hãy cùng nhau tìm hiểu về 4 vị Tổng thống nổi bật đã định hình nên lịch sử của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ nhé.

1. GEORGE WASHINGTON - TỔNG THỐNG CỦA NHỮNG TIỀN LỆ

Ngày 30 tháng 4 năm 1789, người anh hùng Cách mạng, Tướng George Washington đã thực hiện buổi lễ tuyên thệ và trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. 
Trong khi hầu hết các quốc gia đều sống dưới chế độ quân chủ, những người soạn thảo hiến pháp Mỹ lại lựa chọn một nền dân chủ với sự ra đời của chức danh Tổng thống. Đây là lần đầu tiên trên toàn thế giới mà chức vụ này được xuất hiện.
Các đại biểu đều thiên về ý tưởng Quốc hội sẽ có nhiều quyền lực hơn vị trí Tổng thống này. Họ không muốn quyền lực bị tập trung và phụ thuộc vào một người.
Trong bối cảnh đó, George Washington nổi lên như một ứng cử viên phù hợp. Bởi mọi người biết rằng ông không tham quyền cố vị. Trước đó sau khi giành chiến thắng trong cuộc Cách mạng, Washington đã từ chức tổng tư lệnh và giải tán quân đội của mình. Chính việc dám từ bỏ quyền lực lại là lý do lớn nhất để George Washington trở thành vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. 
Và trong lần đầu tiên này, gần như mọi quyết định của George Washington đều có ý nghĩa đặc biệt để tạo ra tiền lệ cho các đời Tổng thống tiếp theo.
Ông thành lập nội các nhằm xây dựng nền móng vững chắc cho cơ cấu chính quyền mới. Đây là một sáng kiến mà các đời Tổng thống Mỹ đều áp dụng cho đến tận ngày nay.
Đặc biệt, thay vì lựa chọn những người quen biết và thân tín, George Washington lại ưu tiên tập hợp một dàn nội các với những gương mặt xuất chúng nhất chính trường. Thomas Jefferson được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Alexander Hamilton đảm trách Bộ trưởng Tài chính. Vị trí Bộ trưởng Chiến tranh thuộc về Tướng Henry Knox. Còn chức Bộ trưởng Tư pháp được đảm nhiệm bởi Edmund Jennings Randolph.
Bên cạnh đó, George Washington cũng định hình nên mối quan hệ giữa Tổng thống và Quốc hội. Ông đảm bảo rằng nhánh hàng pháp được duy trì tách biệt với cơ quan lập pháp. Nhờ vậy, tính minh bạch được nâng cao và tình trạng lạm quyền hay độc tài cũng không có cơ hội xuất hiện.
Quyền phủ quyết cũng được George Washington thực hiện vào tháng 4 năm 1792 về việc chia lại ghế ở Hạ viện. Trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống, Washington chỉ thực hiện quyền phủ quyết thêm một lần duy nhất về dự luật liên quan đến quân đội.
Vào tháng 7 năm 1794, nông dân ở Tây Pennsylvania đã từ chối đóng thuế và đứng lên để tạo ra cuộc nổi loạn rượu whisky. Đây được xem là một mối đe dọa lớn đến sự tồn tại của chính phủ. Nhưng việc cầm vũ khí chống lại những người dân của mình chính là con đường dẫn đến chế độ độc tài. Nếu phản ứng quá mức, bạo loạn trên toàn nước Mỹ có thể xảy ra.
George Washington nhận thức rõ được mối nguy này. Ông đích thân triệu tập hơn 12.000 quân đến Pennsylvania. Nhưng thay vì bạo lực, ông chinh phục người dân ở đây bằng cái uy và sự khéo léo của mình. Cuộc nổi loạn bị dập tắt mà không cần đến một phát súng nào.
Washington đã khéo léo tìm ra một điểm cân bằng giữa việc thể hiện quyền lực của Tổng thống và chính phủ liên bang, nhưng đồng thời tránh tạo ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo độc đoán và chuyên quyền.
Bên cạnh những quyết sách đối nội quan trọng, George Washington còn thể hiện tầm nhìn sâu sắc trong việc hoạch định chính sách ngoại giao. Năm 1793, ông kiên quyết giữ cho Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc xung đột đang diễn ra giữa Anh và Pháp để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ.
Quyết định này đã nhận về không ít những áp lực và chỉ trích vào thời điểm đó. Tuy vậy, nó đã trở thành một trong những tiền lệ tồn tại lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó là việc tránh xa các các cuộc xung đột tại châu Âu. Qua đó, George Washington cũng đã sớm thiết lập tiền lệ về vai trò quan trọng của Tổng thống trong việc hoạch định chính sách đối ngoại. 
Trong tất cả các tiền lệ mà George Washington đặt ra, điều quan trọng nhất không phải là cách ông thực thi quyền lực mà là cách ông từ bỏ nó. Năm 1796, Washington quyết định nghỉ hưu sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống và từ chối phục vụ nhiệm kỳ thứ ba.
Nó có vẻ như là một điều bình thường đối với Hoa Kỳ ngày nay. Nhưng thực tế, việc George Washington từ chức sau hai nhiệm kỳ theo nhiều cách đã định hình sự tồn vong của nền dân chủ tại xứ sở cờ hoa. Trong 144 năm, các tổng thống đã giữ vững truyền thống này. Chỉ có một trường hợp đặc biệt duy nhất phục vụ quá hai nhiệm kỳ mà chúng ta sẽ đề cập ở phần sau.
George Washington đã để lại cho lịch sử Hoa Kỳ những di sản vĩ đại. Cho đến ngày nay, danh xưng "Người cha của đất nước" vẫn được sử dụng để tưởng nhớ về những công lao của ông dành cho nước Mỹ. Khuôn mặt của George Washington xuất hiện trên tờ đô la Mỹ và đồng 25 xu. Đồng thời, hàng chục trường học, thị trấn và các địa danh nổi tiếng và tiêu biểu là thủ đô của Hoa Kỳ đã được đặt theo tên của vị Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

2. THOMAS JEFFERSON - TỔNG THỐNG TĂNG GẤP ĐÔI DIỆN TÍCH HOA KỲ

Được biết đến là tác giả chính của Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Thomas Jefferson trên thực tế cũng là vị Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ tiếp nối George Washington và John Adams. Sau một cuộc bầu cử đầy căng thẳng vào năm 1801, ông đắc cử Tổng thống và trở thành người đầu tiên nhậm chức tại thủ đô mới Washington D.C.
Trong thời gian tại vị, Thomas Jefferson tập trung vào việc củng cố nền kinh tế mới. Ông đã giảm đáng kể nợ quốc gia bằng cách cắt giảm ngân sách quân sự và chi tiêu chính phủ.
Đặc biệt, di sản lớn nhất của Thomas Jefferson là việc mua lại Louisiana từ Pháp vào năm 1803. Với giá 15 triệu Đô La khi ấy, tức hơn 400 triệu Đô La ngày nay, Hoa Kỳ đã sở hữu thêm 820.000 dặm vuông đất phía tây sông Mississippi. Qua đó, tăng tổng diện tích của quốc gia lên gấp 2 lần. 
Sẽ không có Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ngày nay nếu không có thương vụ mua bán đất đặc biệt này của Thomas Jefferson. Về cơ bản, những gì ông mua là phần giữa của Hoa Kỳ. Đây được xem như một kho báu khổng lồ. Dầu mỏ, gỗ, đất canh tác và rất nhiều tài nguyên khác. Tất cả đã đưa Hoa Kỳ từ một người tí hon trong nền kinh tế thế giới vươn mình trở thành một cường quốc khiến cả châu Âu phải ngỡ ngàng. 
Nhưng vụ mua bán này của Thomas Jefferson cũng phải trả một cái giá đắt vượt trên cả tiền bạc. Khi có thêm Louisiana, nông nghiệp phát triển, kéo theo đó là sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng lao động nô lệ. Từ đây, sự chia rẽ rõ ràng giữa 2 miền Bắc và Nam, giữa tự do và nô lê đã tạo ra cuộc nội chiến đẫm máu. 
Trở lại với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Jefferson, ông cố gắng duy trì thái độ trung lập của Mỹ trong các cuộc chiến tranh của Napoleon tại châu Âu. Tuy nhiên, sau khi hai nước đang trong tình trạng chiến tranh là Anh và Pháp đều bắt đầu quấy rối các tàu buôn của Mỹ, Jefferson đã thực hiện Đạo luật Cấm vận năm 1807 buộc các cảng của Hoa Kỳ phải đóng cửa đối với hoạt động thương mại nước ngoài. Điều này dẫn đến sự tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ và khiến dân chúng kịch liệt phản đối. 
Sau đó, Đạo luật sai lầm của Jefferson bị bãi bỏ trước khi ông rời nhiệm sở vào năm 1809. Dẫu vậy, Jefferson vẫn là một trong những Tổng thống nổi bật góp phần định hình nước Mỹ của ngày hôm nay. Chẳng vậy mà khuôn mặt của ông được khắc trên núi Rushmore huyền thoại. 

3. ABRAHAM LINCOLN - TỔNG THỐNG CỦA TỰ DO VÀ ĐOÀN KẾT

Một trong những vị Tổng thống khác được tạc trên núi Rushmore là Abraham Lincoln. Tên tuổi của ông bắt đầu được biết đến vào năm 1858, khi Abraham Lincoln tham gia cuộc tranh luận nổi tiếng với Stephen Douglas về vấn đề nô lệ. Cuộc tranh luận này đã giúp Lincoln thu hút sự chú ý của công chúng và tạo nền tảng cho sự nghiệp chính trị sau này của ông.
Năm 1860, Abraham Lincoln đã trở thành tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ và là tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa. Ngay sau đó, các bang miền Nam bắt đầu ly khai khỏi Liên bang. Cuộc Nội chiến đẫm máu và tàn khốc chính thức bắt đầu. 
Trong khoảng thời gian khó khăn này, Abraham Lincoln đã lèo lái Liên minh miền Bắc đi đúng hướng bằng những quyết định quan trọng. Nổi bật là việc ký Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ vào ngày 1 tháng 1 năm 1863. Đây là một văn kiện lịch sử đã thay đổi ý nghĩa của cuộc Nội chiến Mỹ và biến lực lượng Liên bang thành một đội quân giải phóng. 
Vài năm sau, Abraham Lincoln đã góp công lớn giúp Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp được thông qua. Qua đó, quy định chế độ nô lệ là bất hợp pháp trên toàn nước Mỹ.
Một thành tựu đáng nhớ khác thời nội chiến của Abraham Lincoln là bài Diễn văn Gettysburg. Vào ngày 19 tháng 11 năm 1863, ông đã có bài phát biểu ngắn gọn chỉ 272 từ tại  lễ khánh thành nghĩa trang quốc gia mới ở Gettysburg. Được xuất bản rộng rãi, Diễn văn Gettysburg đã diễn đạt một cách hùng hồn mục đích của cuộc chiến, qua đó nhấn mạnh đến mục tiêu cao cả về một nước Mỹ bình đẳng và tự do. Diễn văn Gettysburg đã trở thành một trong những bài phát biểu nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Nội chiến cuối cùng đã kết thúc vào năm 1865. Abraham Lincoln rất muốn có những cải cách để giúp miền Nam và toàn bộ đất nước tái thiết. Một trong những nỗ lực này là việc thông qua Đạo luật Đường sắt Thái Bình Dương, qua đó đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống đường sắt xuyên lục địa. Dự án này lần đầu tiên tạo ra sự kết nối Đông - Tây, từ đấy góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nước Mỹ thống nhất. 
Tuy nhiên, Abraham Lincoln đã không kịp chứng kiến thành quả cuối cùng. Vào ngày 14 tháng 4 năm 1865, ông bị ám sát tại Nhà hát Ford ở Washington bởi John Wilkes Booth, một diễn viên và là người ủng hộ phe miền Nam. Cái chết của Lincoln đã gây chấn động và để lại nỗi tiếc thương sâu sắc cho người dân nước Mỹ.
Để tưởng nhớ vị Tổng thống vĩ đại, từ ngày 21 tháng 4 năm 1865, một chuyến tàu đặc biệt chở thi hài của Lincoln đã khởi hành, đi qua 180 thành phố và 7 tiểu bang để đưa ông trở về quê nhà ở Illinois. Hành trình này đã trở thành một trong những sự kiện tưởng niệm lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Qua đó, thể hiện tình cảm và sự kính trọng sâu sắc của người dân đối với vị Tổng thống đã cống hiến cả cuộc đời cho sự thống nhất và tự do của nước Mỹ.
Cho đến tận ngày nay, vẫn còn có không ít những giả thuyết về việc nước Mỹ sẽ ra sao nếu Abraham Lincoln không bị ám sát và tiếp tục làm Tổng thống. Liệu quá trình thống nhất và tái thiết sẽ diễn ra ôn hòa hơn? Hay vấn nạn phân biệt chủng tộc có sớm được chấm dứt? Tuy vậy, lịch sử không bao giờ lặp lại và các giả thuyết này sẽ vẫn mãi là những bí ẩn không có lời giải đáp. 

4. FRANKLIN D. ROOSEVELT - TỔNG THỐNG 4 NHIỆM KỲ

Franklin Delano Roosevelt là Tổng thống tại vị lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông đã lèo lái đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng để rồi đối mặt với chiến tranh thế giới lần thứ 2. Không chỉ vậy, với những khiếm khuyết về thể chất của mình, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã truyền cho nước Mỹ lòng dũng cảm và tinh thần không sợ hãi để vươn lên trong khó khăn.
Sinh ra trong một gia đình giàu có, quá trình học tập và phát triển của Roosevelt tương đối thuận lợi. Theo gương anh họ đời thứ 5 là Tổng thống Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt bước vào con đường chính trị  với tư cách là một đảng viên Dân chủ.
Đến lúc này, biến cố bất ngờ xuất hiện. Vào năm 1921, Franklin Roosevelt 39 tuổi đã mắc bệnh bại liệt. Căn bệnh quái ác này khiến ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Những tưởng sự nghiệp chính trị sẽ phải dừng lại nhưng ý chí kiên cường của Franklin Roosevelt đã không cho phép điều này xảy ra. Nhờ sự hỗ trợ của người vợ Eleanor, Franklin Roosevelt đã từng bước hồi phục và trở lại trạng thái bình thường sau gần 10 năm gặp biến cố. 
Tháng 11 năm 1932, Franklin D. Roosevelt trở thành Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ. Trong diễn văn nhậm chức, ông đã đưa ra câu nói nổi tiếng:
“Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là sự sợ hãi”
Thời điểm Franklin Roosevelt nhậm chức rơi đúng vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất mà Hoa Kỳ từng phải đối mặt. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 25%, các ngân hàng đóng cửa trên khắp đất nước và hơn hai triệu người rơi vào cảnh vô gia cư.
Trong 100 ngày đầu tiên, vị tân Tổng thống đã đề xuất Quốc hội thông qua Luật Cải cách. Ông cũng thường xuyên phát biểu trên đài phát thanh quốc gia thông qua chương trình được mang tên “Trò chuyện bên lò sưởi”. Hơn 60 triệu khán giả xem những buổi phát thanh này và qua đó, Franklin D. Roosevelt đã lấy lại được lòng tin từ người dân. 
Nổi bật hơn cả trong những nỗ lực hồi phục đất nước của Franklin D. Roosevelt là Chính sách kinh tế mới New Deal. Nó đã đã cung cấp các gói cứu trợ kinh tế cho người lao động, người nông dân, tạo việc làm cho người thất nghiệp và đưa ra một loạt cải cách quan trọng trong hệ thống tài chính. Nền kinh tế theo đó cũng dần phục hồi. 
Kết quả tích cực này đã giúp Franklin D. Roosevelt chiếm được lòng tin từ các cử tri. Nhờ vậy mà ông dễ dàng tái đắc cử với một chiến thắng vang dội. Trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục đà hồi phục nhưng sự ủng hộ dành cho kế hoạch New Deal cũng dần suy yếu. Dẫu vậy, Franklin D. Roosevelt vẫn phá lệ và đứng ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 với một lý do đặc biệt. 
Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra vào tháng 9 năm 1939. Tổng thống Roosevelt tiếp tục theo đuổi chính sách truyền thống của Mỹ khi tách biệt trước các cuộc giao tranh căng thẳng ở châu Âu. 
Trong bối cảnh đặc biệt này, người dân Mỹ không muốn thay đổi Tổng thống vì họ cần một sự ổn định trước những sóng gió phía trước. Vậy là vào năm 1940, Franklin D. Roosevelt phá vỡ mọi tiền lệ trước đó và trở thành Tổng thống đầu tiên tái đắc cử đến 3 nhiệm kỳ.
Ngày 7/12/1941, hơn 350 máy bay chiến đấu Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, Hawaii. Khoảng ba nghìn người đã thiệt mạng. Ngay lập tức, Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật Bản và các nước thuộc phe Trục Phát xít. 
Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã dẫn dắt Mỹ đi đầu trong Khối Đồng minh để giành được những lợi thế lớn trên chiến trường. Khi cuộc chiến sắp kết thúc, Roosevelt tái đắc cử nhiệm kỳ kỳ Tổng thống thứ tư vào tháng 11 năm 1944. 
Tuy nhiên, ông không có cơ hội chứng kiến thành quả chiến thắng mà mình đã gây dựng. Ngày 12 tháng 4 năm 1945, Franklin D. Roosevelt đã qua đời vì xuất huyết não trong khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là chiến tranh kết thúc ở châu Âu.
Dẫu sao, những gì mà Franklin D. Roosevelt để lại cho nước Mỹ là quá sức vĩ đại. Ông luôn được xem là một trong những Tổng thống xuất sắc nhất đã định hình nên lịch sử của Hoa Kỳ.
Người viết tiểu sử Jean Edward Smith đã viết về Franklin D. Roosevelt như sau:
"Ông ấy đã tự nhấc mình khỏi chiếc xe lăn để nâng cả đất nước đi lên từ đáy vực."
Vậy là chúng ta vừa cùng nhau điểm qua chân dung của 4 vị Tổng thống đã có những đóng góp quan trọng và định hình nên lịch sử nước Mỹ. Còn bạn, bạn ấn tượng nhất với vị Tổng thống nào?
Và tất nhiên, đất nước Mỹ vẫn luôn chuyển mình để phát triển. Chúng ta hãy cùng chờ xem những diễn biến bất ngờ và thú vị trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Giữa 2 ứng cử viên là ông Donald Trump hay bà Kamala Harris, theo bạn ai sẽ là người giành chiến thắng để đem đến những đổi mới đột phá và đưa tên mình vào hàng ngũ của các vị Tổng thống Mỹ vĩ đại?
Hãy chia sẻ suy nghĩ của mình và cùng trao đổi ở dưới phần bình luận nhé!