Một trong các vị vua nổi tiếng bậc nhất trong không chỉ lịch sử Trung Quốc mà còn trên cả thế giới, có lẽ chính là Tần Thủy Hoàng - vị Hoàng đế đầu tiên. Ông là người đầu tiên thành công trong việc thống nhất Trung Nguyên dưới một quyền cai trị trực tiếp duy nhất sau hàng trăm năm phân liệt. Ông được coi là người đã đặt nền móng cho 2000 năm lịch sử tiếp theo của Trung Quốc. Với một số người, ông là một thiên tài với tầm nhìn cực kỳ xa rộng, là một trong số các Hoàng đế vĩ đại nhất. Tuy nhiên với nhiều người khác, Tần Thủy Hoàng lại hiện lên với hình ảnh một người độc đoán, chuyên quyền và tàn bạo. Vậy thực sự ta nên đánh giá về Tần Thủy Hoàng ra sao? Ông là “đệ nhất bạo chúa”, hay một vĩ nhân đi trước thời đại? Hay trong chính con người vị Hoàng đế đầu tiên này, có cả hai thứ ấy? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Tài liệu tham khảo chủ yếu là tác phẩm Sử ký của Tư Mã Thiên

Thời thơ ấu và kế vị ngôi vương

Tần Thủy Hoàng tên thật là Doanh Chính, là con của Tần Trang Tương Vương. Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép rằng Doanh Chính sinh vào năm Tần Chiêu Tương Vương thứ 48, tức năm 259 TCN tại Hàm Đan, kinh đô nước Triệu. Doanh Chính sinh ra giữa thời Chiến Quốc, loạn lạc chiến tranh liên miên; Thiên tử nhà Chu đã suy yếu trầm trọng từ lâu, các nước chư hầu trỗi dậy đánh chiếm thôn tính lẫn nhau. Số nước chư hầu đầu thời Chu có đến mấy trăm nước, nhưng trải qua nhiều năm hỗn chiến, đến thời Chiến Quốc chỉ còn lại độ hơn chục nước. Trong số đó, có 7 nước mạnh nhất, mà lịch sử gọi chung là Chiến Quốc Thất hùng: Tần, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Yên, Sở. Lúc bấy giờ, Tần đang là nước hùng mạnh nhất. Kể từ sau khi áp dụng biến pháp Thương Ưởng thời Tần Hiếu Công khoảng một thế kỷ trước đó; nước Tần trở nên cường thịnh, liên tục cho quân tấn công, đánh thành chiếm đất của các nước khác.
Cha của Doanh Chính là Doanh Dị Nhân, là con trai thứ 10 của An Quốc quân Doanh Trụ - Thái tử nước Tần. Dị Nhân không phải con trưởng, lại không phải đích tử, cho nên cơ hội được lập làm trữ quân vốn gần như không có. Tuy vậy, thân là tông thất, Dị Nhân vẫn phải thực hiện bổn phận của mình; trong trường hợp này là sang nước Triệu làm con tin. Ở thời Chiến Quốc, việc trao đổi con tin giữa các nước là chuyện rất bình thường. Vua nước mạnh muốn nước yếu thờ mình, thường sai con cái và bề tôi hiển quý sang làm con tin. Ở chiều ngược lại, vua nước yếu sợ nước mạnh đánh mình nên cũng cho con và bề tôi hiển quý sang làm tin. Hai nước ngang hàng cũng làm như vậy, vì nhiều mục đích nữa. Nhìn chung, việc để tông thất sang nước khác làm con tin là chuyện không hề lạ lẫm. Doanh Dị Nhân cũng không phải được giao trọng trách hay gì cả, mà chỉ đơn giản là vâng lệnh sang một nước chư hầu làm con tin, ở đây là nước Triệu. Mẹ của Dị Nhân vốn không được An Quốc quân sủng ái, cho nên ông sớm phải sang nước Triệu làm con tin, mà lúc bấy giờ Tần và Triệu đang lúc chiến tranh liên miên, nên Dị Nhân không được coi trọng, sống cực khổ mà lúc nào cũng trong tình trạng mạng sống bị đe dọa. Tình thế càng trở nên nguy cấp, khi vào năm 260 TCN, nước Triệu thảm bại tại Trường Bình, hầu hết binh lính đầu hàng đều bị giết, chỉ chừa lại độ 200 người. Một con tin người Tần như Dị Nhân lại càng nguy hiểm hơn bao giờ hết, có thể bị giết bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Dị Nhân lại may mắn gặp được Lã Bất Vi - một tay buôn lão luyện và có đầu óc chính trị cực kỳ nhạy bén. Lã Bất Vi đã đánh hơi ở Dị Nhân được một cơ hội ngàn năm có một để thay đổi hoàn toàn cuộc đời.
Nghĩ là làm, Lã Bất Vi tính kế qua lại kết thân với Dị Nhân; khuyên ông tìm cách lấy lòng chính thất của An Quốc quân là Hoa Dương phu nhân. Lý do là vì tuy được sủng ái, nhưng bà không có con; bởi vậy, nếu Dị Nhân lấy lòng Hoa Dương phu nhân mà xin được làm con nuôi, thì tất ngôi trữ quân sẽ về tay ông. Dị Nhân nghe theo, bèn ủy thác mọi việc cho Lã Bất Vi. Họ Lã lấy tiền mua của báu vật lạ, đem sang Tần, xin ra mắt người chị của Hoa Dương phu nhân để dâng những vật ấy. Nhân đó, Lã Bất Vi kể Dị Nhân tài giỏi, khôn ngoan, giao hảo với người các nước, bạn hữu khắp thiên hạ, khuyên bà nhận Dị Nhân làm con nuôi. Hoa Dương phu nhân sợ mình không con, về sau không có chỗ dựa nên nghe theo, bèn xin với An Quốc quân lập Dị Nhân làm trữ quân. Nhờ thế, danh tiếng của Dị Nhân dần lan rộng, mà bản thân Lã Bất Vi cũng được tin cẩn hơn, trở thành tâm phúc của Dị Nhân.
Lã Bất Vi bấy giờ có một người ca cơ làm thiếp tên là Triệu Cơ, dung mạo xinh đẹp lại đàn hay múa giỏi. Dị Nhân một lần gặp được, lấy làm say mê; Lã Bất Vi bèn dâng Triệu Cơ cho ông. Dị Nhân thành thân với Triệu Cơ, sau sinh con trai, đặt tên là Doanh Chính.
Về việc này, từ thời xưa đã có nhiều người đặt ra nghi vấn về thân phận thật của Doanh Chính. Đa số các luồng ý kiến của các sử gia thời cổ đều cho rằng thực chất Doanh Chính là con của Lã Bất Vi, vì lúc thành thân với Dị Nhân, Triệu Cơ đã có mang mấy tháng.
Sử ký - Lã Bất Vi liệt truyện chép như sau:
Lã Bất Vi lấy người vợ xinh đẹp, giỏi múa tại Hàm Đan, ở cùng, biết đã có mang. Tử Sở (tức là Dị Nhân, vì Hoa Dương phu nhân là người Sở, ông muốn lấy lòng phu nhân nên đổi tên thành Tử Sở) đến nhà Lã Bất Vi uống rượu, trông thấy rất thích, nhân đứng dậy chúc thọ, liền xin. Lã Bất Vi giận, nghĩ mình đã phá tán gia sản vì Tử Sở, muốn câu món lạ, bèn hiến người vợ đó. Người vợ giấu việc có mang, đến kỳ sinh nở, sinh ra Chính, Tử Sở bèn lập nàng làm phu nhân.
Tuy nhiên, số người phản đối lập luận ấy cũng không ít, bởi vì nếu như Triệu Cơ đủ tháng mới sinh Doanh Chính, mà bảo là trước đấy vốn đã mang thai; vậy tức là bà mang thai phải đến 12 tháng. Việc này rõ ràng phi lý, thiếu căn cứ. Lời đồn này sinh ra có lẽ là vì Triệu Cơ vốn từng làm thiếp của Lã Bất Vi, rồi mới thành thân với Dị Nhân. Hơn nữa, ta biết rằng về sau nhà Tần không tồn tại được lâu, sĩ phu các nước bị Tần diệt vốn căm giận Tần Thủy Hoàng, nên càng ra sức khẳng định tin đồn. Mục đích chính là để phỉ báng Tần Thủy Hoàng, cho ông là con của thương nhân - tầng lớp rất bị xem thường trong xã hội phong kiến. Tuy nhiên thì tin đồn Doanh Chính là con của Lã Bất Vi vẫn được tin theo suốt chiều dài lịch sử, dẫn đến việc nhiều người coi nó là thật. Tuy vậy, việc này nói cho cùng vẫn chỉ là tin đồn thiếu căn cứ, và bản thân người trong cuộc là Dị Nhân cũng không tin theo, vẫn nhận Doanh Chính là con của mình.
Doanh Chính sinh năm 259 TCN, thì hơn 1 năm sau xảy ra việc Tần lại tiếp tục xuất binh đánh Triệu. Năm 257 TCN, tướng Tần là Vương Hột đem đại quân tấn công vây thành Hàm Đan, tình thế nguy ngập. Người Triệu muốn giết chết Dị Nhân, Lã Bất Vi bèn tính kế, đem vàng đút lót cho người coi giữ, nhờ đó thoát được khỏi thành, nhưng không kịp đem theo Triệu Cơ và Doanh Chính. Hai mẹ con phải bỏ chạy, may nhờ được che giấu mà thoát chết, nhưng luôn phải trốn tránh lo sợ. Dị Nhân về nước rồi, các nước chư hầu cũng hợp binh đánh quân Tần giải vây cho Hàm Đan, chiến sự tạm yên, nhưng quan hệ căng thẳng giữa Tần với các chư hầu vẫn còn; cho nên hai mẹ con Doanh Chính vẫn buộc phải ở lại Triệu.
Năm 250 TCN, Tần Chiêu Tương Vương qua đời, Thái tử lên kế vị, tức là Tần Hiếu Văn Vương; Dị Nhân được phong Thái tử. Dị Nhân lúc đó bèn xin được đưa vợ con về nước; nhờ đó mà hai mẹ con Doanh Chính mới thoát khỏi nguy hiểm. Hiếu Văn Vương tháng mười lên ngôi, đến tháng ba năm sau đã mất, Dị Nhân kế vị, tức là Tần Trang Tương Vương, Doanh Chính được lập làm Thái tử. Lúc này, Lã Bất Vi cũng được phong làm Tướng quốc, tước Văn Tín hầu, hưởng lộc mười vạn hộ ở Hà Nam. Trang Tương Vương ở ngôi được 3 năm thì mất, Doanh Chính mới 13 tuổi, lúc đó được đưa lên ngôi vương nước Tần. Lã Bất Vi nắm trong tay toàn bộ triều chính, được tôn xưng là Trọng phụ.
Tạo hình của Lã Bất Vi trong series phim "Đại Tần phú"
Tạo hình của Lã Bất Vi trong series phim "Đại Tần phú"
Có thể thấy thực chất cuộc đời Doanh Chính ngay từ nhỏ vốn đã không sung sướng gì. Mới 2 tuổi đã gặp nạn phải cùng mẹ chạy trốn, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ; phải đến 10 tuổi mới được đón về Tần, và ta có thể chắc chắn là trong ngần ấy năm sống ở Triệu, cuộc sống không thể sung sướng được. Có lẽ khoảng thời gian 3 năm làm Thái tử ở Tần khi Trang Tương Vương ở ngôi là yên bình nhất, khi Doanh Chính được học tập và hưởng đãi ngộ của một người kế vị ngôi vương. Thế nhưng mối nguy không phải không tồn tại, khi Doanh Chính vướng phải tin đồn không phải con thân sinh của Trang Tương Vương. Kể cả tin đồn này có không đúng, thì Doanh Chính cũng vẫn phải chịu tiếng có mẹ là tầng lớp thấp kém, không xứng đáng kế ngôi. Thế rồi mới 13 tuổi thì vua cha mất, Doanh Chính được đưa lên ngôi; nhưng kỳ thực chỉ như một món đồ trang trí, bởi hết thảy quyền lực đều nằm trong tay Tướng quốc Lã Bất Vi.
Lã Bất Vi nắm được tột đỉnh quyền lực, thế nhưng Doanh Chính vẫn là vua, và các thế lực ủng hộ tông thất nước Tần chắc chắn không muốn để quyền lực rơi vào tay người khác. Bản thân Tần vương Chính chắc chắn cũng không muốn mãi là một vị vua bù nhìn; cho nên có thể tin rằng trong suốt những năm chưa trưởng thành, Tần vương đã tích cực lôi kéo tông thất, quan lại để chờ cơ hội thu lại quyền lực từ phe cánh của Lã Bất Vi.

Thời kỳ Lã Bất Vi nắm quyền lực

Doanh Chính nối ngôi Tần vương năm 247 TCN, khi ấy mới gần 13 tuổi; cho nên triều chính đều nằm trong tay Lã Bất Vi. Lã Bất Vi được thăng lên làm Tướng quốc, có thể coi là người cai trị thực tế của nước Tần. Có thể nói là họ Lã quả thực là một tay thương nhân có một không hai, khi chấp nhận rủi ro mà đầu tư vào “món hàng đặc biệt” là Doanh Dị Nhân; nhờ vậy mà leo lên vị trí tột đỉnh trong triều đình nước Tần. Thành Tướng quốc rồi, Lã Bất Vi muốn học theo những quý tộc nổi tiếng ở các nước khác, cũng chiêu nạp kẻ sĩ khắp nơi, đối đãi rất hậu. Số thực khách của Lã Bất Vi đông tới hàng ngàn, và họ Lã trở thành một thế lực đáng gờm ở nước Tần. Lã Bất Vi còn cho các môn khách viết hết những điều họ biết, tập hợp lại thành một bộ sách hơn 20 vạn chữ, gọi là Lã thị Xuân Thu. Đây là một bộ sách có giá trị cao, bao hàm nhiều lĩnh vực về các trường phái học thuật, tư tưởng từ xưa đến nay; lại luận bàn cả về đạo trị quốc và chính trị xã hội. Sử ký - Lã Bất Vi liệt truyện còn chép rằng ông cho trưng bày tác phẩm của mình ở cổng thành Hàm Dương, tuyên bố rằng nếu ai tìm được lỗi sai mà sửa được dù chỉ một chữ, cũng thưởng cho ngàn nén vàng. Hành động này của Lã Bất Vi có ba mục đích:
- Đầu tiên, chính là một cách quảng cáo độc đáo và mới lạ cho bộ sách - Thứ hai, chính là một cách thăm dò và gián tiếp khẳng định quyền lực của họ Lã ở nước Tần - Cuối cùng, bởi vì trong sách có bàn đến cả thể chế nhà nước và mô hình cai trị một khi Tần thống nhất Trung Hoa, cho nên có vẻ như Lã Bất Vi muốn thông qua Lã thị Xuân Thu mà tác động tới tư tưởng của Tần vương Chính.
Trong ba mục đích, Lã Bất Vi đạt được hai cái đầu tiên, khi danh tiếng của Lã thị Xuân Thu lan rộng khắp các nước chư hầu. Bên cạnh đó, đương thời không ai đến sửa sách, không phải vì sách không có lỗi sai, hay vì không ai đủ trình độ nhìn ra; mà thảy vì họ e sợ quyền lực của Lã Bất Vi, nên dù có biết cũng không dám nói. Còn về mục đích thứ ba, Lã Bất Vi đã không thành công, khi mà về sau, những chính sách cai trị của Tần Thủy Hoàng gần như trái ngược hẳn với những tư tưởng trong Lã thị Xuân Thu.
Tần vương Doanh Chính trong "Đại Tần phú"
Tần vương Doanh Chính trong "Đại Tần phú"
Lã Bất Vi nắm trọn triều chính, thậm chí có thể coi là người quyền lực nhất nước Tần. Tuy thế, cũng không thể phủ nhận rằng trong những năm đó, Lã Bất Vi tiếp tục công cuộc Đông tiến của nước Tần khá tốt. Nước Tần liên tục mở các cuộc tấn công vào các nước chư hầu, tiếp tục đà chiến tranh từ các đời vua trước. Trong những năm đó, nước Tần cũng không hoàn toàn bình yên khi vẫn có phản loạn, thiên tai mất mùa. Thế nhưng thủy chung đà phát triển vẫn không bị khựng lại, nước Tần vẫn giữ vị trí hùng mạnh nhất, đủ thấy được Lã Bất Vi cũng không phải người bất tài, mà thậm chí cũng đáng gọi là một tay chính trị lão luyện.
Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép rằng trong 8 năm cầm quyền trước khi Tần vương Chính trưởng thành; nước Tần vẫn đều đặn động binh, thu được tương đối thành quả, mà tình hình trong nước không phải quá ổn định. Ngay năm đầu tiên Doanh Chính lên ngôi đã có phản loạn ở Tấn Dương, rồi đến năm 239 TCN, một người trong tông thất là Trường An quân Thành Kiểu làm phản. Cũng trong những năm ấy, ghi nhận nạn châu chấu và mất mùa; thế nhưng Lã Bất Vi nắm quyền nước Tần vẫn giải quyết ổn thỏa. Nội loạn bị dẹp yên nhanh chóng, mà việc động binh ngoài nước cũng thu được đất đai, khiến các nước chư hầu tiếp tục dè chừng. Như vậy, về mặt cai trị, có thể dành lời khen nhất định cho Lã Bất Vi. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, Lã Bất Vi đã dính vào những rắc rối liên quan đến Thái hậu Triệu Cơ, và đó cũng chính là cơ sở để Tần vương Chính sau này diệt trừ phe cánh ông ta, thu lấy quyền lực.
Sử ký - Lã Bất Vi liệt truyện có chép rằng Lã Bất Vi vẫn thường vào cung tư thông với Thái hậu Triệu Cơ. Dần dần Tần vương Chính trưởng thành, mà Thái hậu vẫn cứ tiếp tục tư thông cùng Lã Bất Vi mãi không thôi. Họ Lã dần lo lắng, sợ rằng nếu cứ tiếp tục thì có thể việc bị phát giác, mà đến lúc ấy thì dù có là Tướng quốc hay thế lực to cỡ nào cũng không thể chống lại tông thất và các thế lực bản địa của nước Tần. Bởi vậy, Lã Bất Vi mới tìm một kẻ thay thế mình là Lao Ái, có dương vật lớn để chiều lòng Thái hậu. Lã Bất Vi vờ sai người tố cáo y phạm tội đáng thiến, rồi giả thực hiện mà đem vào trong cung làm người hầu hạ. Thái hậu được Lao Ái rồi, rất hài lòng, cực kỳ sủng ái hắn, thậm chí đến mức mang thai. Sợ Tần vương Chính biết chuyện, Thái hậu bèn xin dời sang đất Ung sống, tiếp tục cùng Lao Ái tư thông, đến mức có mang sinh con. Nhờ Thái hậu chống đỡ, Lao Ái được phong là Trường Tín hầu, y cũng bắt chước chiêu tập môn khách, mở phủ xây dựng thế lực, có phần còn lấn át cả Lã Bất Vi. Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép như sau:
Lao Ái được phong làm Trường Tín hầu, ban đất Sơn Dương cho ngụ ở đấy, mọi sự về cung thất, ngựa xe, y phục, vườn tược, săn bắn đều mặc ý Ái, công việc bất kể lớn nhỏ đều do Ái quyết, lại đổi gọi quận Thái Nguyên và Hà Tây thành nước Ái.
Thái hậu Triệu Cơ trong "Đại Tần phú"
Thái hậu Triệu Cơ trong "Đại Tần phú"
Đến năm 239 TCN, Tần vương Chính đã đến tuổi làm lễ Quán (tức là lễ trưởng thành, thực hiện lúc nam giới 20 tuổi). Tần vương làm lễ xong, chính thức có thể nắm giữ quyền cai trị nước Tần. Bấy giờ đã có nhiều người phát giác việc Lao Ái không phải hoạn quan, cả chuyện tư thông với Thái hậu. Lao Ái bị phát giác, bèn giả mạo ấn tín Tần vương và Thái hậu, triệu tập quân lính và môn khách của mình, đánh vào cung Kỳ Niên ở Hàm Dương. Tần vương nghe chuyện, bèn sai Xương Bình quân và Xương Văn quân đem quân đánh Lao Ái. Hai bên giao chiến ngay ở Hàm Dương, quân phản loạn thua to; Lao Ái cùng đồng đảng đều bị bắt hết, sau bị phanh thây thị chúng, tru diệt tông tộc. Hai người con do Lao Ái cùng Thái hậu sinh ra cũng đều bị giết. Đám môn khách của Lao Ái thì bị phạt lao dịch, có đến hơn bốn nghìn nhà vì liên quan đến loạn Lao Ái mà bị xóa tước vị, đày đến đất Thục. Bản thân Thái hậu thì bị đày ra giam lỏng ở đất Ung. Lã Bất Vi bởi dính dáng đến việc Lao Ái ngay từ đầu, cho nên bị cách chức Tướng quốc, đày về đất phong ở Hà Nam. Về sau, có người nước Tề là Mao Tiêu thuyết phục Tần vương Chính nên đón Thái hậu về Hàm Dương, bởi lúc này đối xử khắc nghiệt với mẹ đẻ sẽ khiến danh tiếng Tần vương bị ảnh hưởng. Tần vương Chính đồng ý, đón Thái hậu về kinh đô.
Còn về phần Lã Bất Vi, mặc dù đã bị cách chức, nhưng phần nào thế lực vẫn còn. Bằng chứng là dù đã bị đày về Hà Nam, nhưng vẫn có nhiều môn khách hỏi thăm. Tần vương từ lúc cách chức Lã Bất Vi, đã muốn giết ông ta để rồi, nhưng trong mấy năm trị quốc có công lao, lại được nhiều người nói giúp nên thoát chết. Tuy vậy, chứng kiến nhiều người vẫn còn qua lại với Lã Bất Vi, Tần vương đâm giận, bèn tự tay viết thư gửi cho Lã Bất Vi. Trong thư viết rằng: “Ông có công gì với Tần, mà được ban đất Hà Nam, ăn lộc mười vạn hộ? Ông có thân thích gì với Tần, mà tự xưng Trọng phụ?”. Lã Bất Vi xem thư, tự biết ý Tần vương muốn mình phải chết, bèn uống thuốc độc tự vẫn. Lã Bất Vi chết rồi, Tần vương vẫn giận, lại nhớ việc ngày trước nước Hàn từng cho người giả làm môn khách, sang Tần bày kế ly gián, cho nên ban lệnh trục xuất tất cả môn khách. Một người trong số đó tên Lý Tư, vốn là môn khách đáng chú ý nhất của Lã Bất Vi; bèn gửi thư can gián cho Tần vương, trong đó bày tỏ rõ ích lợi của việc trọng dụng người tài với tương lai của nước Tần. Tần vương Chính đọc xong, bèn hủy lệnh trục xuất, lại mời Lý Tư trở lại và phục chức cho ông. 
Với việc tiêu diệt tận gốc phe cánh Lã Bất Vi và nắm trọn quyền lực trong tay, Tần vương Chính bắt đầu tiếp tục chiến lược Đông tiến của nước Tần. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất trước mắt chính là tiêu diệt chư hầu, thống nhất Trung Nguyên.

Diệt sáu nước, thống nhất Trung Nguyên

Năm 238 TCN, sau khi chính thức nắm lấy thực quyền cai trị, Tần vương Chính tiếp tục xúc tiến việc tiêu diệt các nước chư hầu nhằm thống nhất Trung Nguyên. Sau nhiều năm chiến tranh liên tục, toàn bộ các nước chư hầu đều đã suy yếu, không còn nước nào đủ mạnh để làm cán cân đối trọng với nước Tần. Tuy nhiên, các nước khác vẫn thường liên minh với nhau để ngăn chặn đà Đông tiến của Tần. Đối phó với chiến lược hợp tung của các nước chư hầu, Tần vương Chính tiếp tục sử dụng sách lược “viễn giao cận công” từ thời Tần Chiêu Tương Vương. Cốt lõi của sách lược này là hòa hoãn giao hảo với các nước ở xa, không giáp biên giới với Tần; tập trung binh lực tấn công các nước mạnh hơn ở trung tâm Trung Nguyên. Nước Tần lúc này liên minh với hai nước ở phía đông là Tề và Yên; tạm hòa hoãn với Ngụy và Sở; tập trung mũi tiến công với Hàn và Triệu.
Năm 234 TCN, nước Tần lên kế hoạch tiếp tục tấn công vào Hàn; nhưng nhận thấy Triệu có ý định xuất binh hỗ trợ nên đổi mục tiêu. Tần vương Chính cử Hoàn Nghĩ làm tướng, đem quân đánh Bình Dương của Triệu. Tướng Triệu là Hỗ Triếp bị giết, mười vạn quân bị tiêu diệt. Đến năm sau đó, lấy được đất Nghi An, bình định được Bình Dương, Vũ Thành của Triệu. Nước Hàn sợ hãi, Hàn vương An cử Hàn Phi đi sứ nước Tần xin hòa hoãn và làm bề tôi. Tần vương từng đọc sách của Hàn Phi, rất thích đạo trị quốc của ông, có ý muốn dùng nhưng chưa thật tin tưởng. Lý Tư, Diêu Giả vốn ganh ghét Hàn Phi nên dèm pha với Tần vương, bảo rằng Hàn Phi trung thành với Hàn, nhất định không theo Tần; nếu thả cho về, lâu ngày thành mối lo. Hai người xúi Tần vương tìm cớ giết Hàn Phi đi. Tần vương cho là phải, bèn đem Hàn Phi nhốt lại để trị tội, ông muốn gặp để biện bạch mà không được, do bị Lý Tư cản trở. Sau, Lý Tư cho người đem thuốc độc đến bắt Hàn Phi tự tử. Tần vương sau khi cho bắt Hàn Phi, có ý hối tiếc muốn thả ra, nhưng không kịp. Hàn Phi chết ở Tần, Hàn vương An tự biết sức không địch nổi bèn xin làm bề tôi. Đến năm 230 TCN, Tần vương sai Nội sử Đằng đem quân đánh thẳng vào kinh đô Dương Địch, bắt Hàn vương An đem về. Nước Hàn diệt vong, bị Tần nhập làm quận Dĩnh Xuyên.
Sau khi diệt Hàn, mục tiêu tiếp theo là Triệu. Nước Triệu trước đó vốn đã phải nhiều lần chống đỡ những đợt tấn công liên tục của Tần, tuy có lần thắng được nhưng quốc lực vốn đã suy yếu trầm trọng, lại thêm thiên tai liên tiếp nên càng thêm nguy ngập. Năm 229 TCN, Tần xuất ba đạo quân do Vương Tiễn, Dương Đoan Hòa và Khương Hối chỉ huy; cùng đánh vào Triệu. Tướng Triệu là Lý Mục chỉ huy quân Triệu phòng ngự ở Phì lũy, nhất định không ra đánh. Tần vương bèn cho đem vàng bạc đút lót Thừa tướng nước Triệu là Quách Khai để hại Lý Mục. Triệu vương tin lời Quách Khai, cho người bắt giết Lý Mục. Quân Tần ngay sau đó phát động tấn công, quân Triệu không chống nổi rồi tan vỡ. Đại quân Tần vây kín thành Hàm Đan, 7 tháng sau hạ được thành, Triệu vương Thiên bị bắt, nước Triệu diệt vong. Lúc Hàm Đan thất thủ, anh cùng cha khác mẹ của Triệu vương là Triệu Gia không chịu hàng, bèn cùng thủ hạ thân tín chạy đến đất Đại ở phía bắc, tự xưng vương, liên minh với nước Yên, đóng quân ở Thượng Cốc để chống Tần. Tần vương nhận định rằng Đại vương Gia chỉ còn chút hơi tàn, không thể gây ra mối nguy nào, liền chuyển hướng tấn công sang Ngụy và Sở.
Tiến trình thống nhất Trung Nguyên của Tần
Tiến trình thống nhất Trung Nguyên của Tần
Tuy nhiên vào năm 227 TCN, sau khi Triệu bị diệt, Thái tử Đan ở nước Yên tin rằng chắc chắn sớm muộn Tần cũng cho quân sang đông đánh nước mình, nên tính kế cho người hành thích Tần vương. Bấy giờ có Phàn Ư Kỳ từng là tướng Tần, sau làm phản trốn khỏi Tần, đến nước Yên nương nhờ Thái tử Đan. Tần vương căm hận Phàn Ư Kỳ, muốn lấy đầu ông; môn khách của Thái tử Đan là Kinh Kha nhận lời đi hành thích Tần vương, bèn bàn với Phàn Ư Kỳ. Ông quyết định tự sát, để Kinh Kha đem đầu mình đến dâng, chắc chắn được tiếp kiến, nhân đó sẽ có cơ hội thích sát Tần vương. Kinh Kha cùng một người khác là Tần Vũ Dương đem bản đồ nước Yên cùng đầu Phàn Ư Kỳ đến Tần, xin được tiếp kiến Tần vương. Khi tiếp kiến, lúc dâng bản đồ, thanh đoản kiếm giấu trong bị lộ ra, Kinh Kha bèn xông lên túm lấy áo Tần vương định đâm. Thế nhưng Tần vương vùng dậy ngay ra, khiến Kinh Kha đâm trượt. Khi Kinh Kha đuổi theo vua Tần trên điện, Tần vương được các quan trong triều nhắc liền rút kiếm sau lưng chém Kinh Kha bị thương ở tay. Biết rằng không thể hoàn thành nhiệm vụ, Kinh Kha ném thanh chuỷ thủ vào người vua Tần nhưng trúng vào cái cột đồng. Cuối cùng, quân Tần xông vào giết chết Kinh Kha.
Việc hành thích khiến Tần vương nổi giận, bèn cử Vương Tiễn đem quân đánh Yên. Nước Yên cùng nước Đại hợp binh chống cự quân Tần nhưng không nổi, đại bại ở sông Dịch. Quân Tần tiến đến áp sát kinh đô Kế Thành của Yên; liệu thế không chống nổi nên Yên vương Hỷ cùng Thái tử Đan bỏ thành chạy sang đất Liêu Đông. Tướng Tần là Lý Tín đem quân truy đuổi, vua Yên hết cách, đành giết Thái tử Đan đem đầu nộp cho quân Tần. Quân Tần có được đầu Thái tử Đan, chấp nhận cho Yên vương giảng hòa, rút quân về để tập trung đánh Ngụy và Sở trước.
Năm 225 TCN, Tần vương cử con trai Vương Tiễn là Vương Bôn đem quân đánh Ngụy. Ngụy vương Giả cho người cầu cứu Tề, nhưng bấy giờ Tề đang hòa với Tần, lại thêm Thừa tướng Hậu Thăng được Tần đem vàng bạc đút lót, nên khuyên Tề vương không cho quân cứu. Quân Ngụy chống không nổi quân Tần, rút về cố thủ trong kinh thành Đại Lương. Vương Bôn bèn cho quân đắp đê ở hạ lưu hai sông Hoàng Hà và Biện Hà, nhằm cho nước làm ngập thành. Gặp đúng lúc mùa mưa, nước sông dâng cao, lại bị ngăn ở hạ lưu không thoát được; Đại Lương vì thế bị ngập lụt khiến hàng vạn người chết. Tường thành nhiều chỗ bị lở, quân Tần theo đó mà xông vào hạ được thành. Ngụy vương Giả đầu hàng, bị bắt đem về Hàm Dương, nước Ngụy diệt vong.
Ngụy đã vong, mục tiêu tiếp theo là Sở, nước cuối cùng khả dĩ còn có sức chống cự với Tần. Tuy nhiên nước Sở đất rộng, người đông, tuy đã suy yếu nhưng vẫn đáng gờm. Nước Tần tuy từng nhiều lần đánh bại quân Sở, thậm chí chiếm được cả kinh thành cũ là Dĩnh đô, nhưng để diệt hẳn Sở, thì lại là một vấn đề khác. Đánh Sở chắc chắn phải huy động lượng lớn binh lính. Tần vương bèn hỏi các tướng xem nên dùng bao nhiêu quân đánh Sở. Lý Tín đáp chỉ cần độ hai mươi vạn, nhưng Vương Tiễn lại khẳng định không có sáu mươi vạn quân thì không diệt nổi Sở. Tần vương ngại việc huy động hầu như toàn bộ quân cả nước, bèn tin theo Lý Tín; cấp cho Lý Tín hai mươi vạn quân, cử Mông Điềm làm phó, đem quân đánh Sở. Vương Tiễn thấy Tần vương không nghe theo mình, bèn xin cáo quan vì tuổi già.
Ban đầu, quân Tần gặp thuận lợi khi liên tiếp thắng quân Sở ở Bình Dư và Lâm Tuyền. Tuy nhiên sau đó Lý Tín gặp phải chủ lực quân Sở do Hạng Yên chỉ huy. Quân Sở chủ động tránh chạm trán với quân chủ lực của Tần và chờ đợi cơ hội phản công. Cùng lúc này, Xương Bình quân đang nắm chức Thừa tướng bèn phản Tần, chiếm một thành ở hậu phương quân Lý Tín. Hạng Yên bắt được tin, bèn tính kế phục kích quân Tần. Hạng Yên vờ rút quân, khiến Lý Tín đem quân đuổi theo. Xương Bình quân cho quân đánh úp từ phía sau, làm Lý Tín trở tay không kịp. Quân Tần thua to phải rút chạy, quân Sở thừa thế đuổi theo, giết 7 Đô úy cùng rất nhiều quân Tần. Lý Tín về Tần bị cách chức, Tần vương thân đến nhà yết kiến Vương Tiễn, mời ông ra làm tướng. Tần vương quyết định cấp cho Vương Tiễn đủ quân như yêu cầu, cử Mông Vũ làm phó tướng, đem đại binh đánh Sở lần nữa.
Năm 224 TCN, quân Tần lại xâm nhập vào đất Sở; Vương Tiễn cho đóng quân ở núi Thiên Trung, nhất định không ra đánh, mặc cho Hạng Yên khiêu khích. Lúc này, quân Tần mặc dù xuất đại binh, thâm nhập vào Sở, nhưng vẫn ở gần Tần, việc cung ứng hậu cần rất thuận lợi. Còn về phía quân Sở, Hạng Yên buộc phải đem đại binh chống cự, nhưng hậu cần khó khăn hơn do quốc lực suy giảm, lại ở xa những thành trì lớn. Hạng Yên cũng không thể cắt đứt hậu cần của quân Tần, vì một là binh lực đã ít hơn, hai là như thế đồng nghĩa với việc mạo hiểm xâm nhập vào đất Tần - những nơi chắc chắn đã được canh phỏng cẩn trọng. Hạng Yên chỉ còn duy nhất một cách là dụ cho Vương Tiễn ra đánh, nhưng vô ích. Cuối cùng, quân Sở buộc phải thoái lui sau mấy tháng trời. Vương Tiễn thấy thế, lập tức cho quân xuất trại truy đuổi. Quân Sở bị bất ngờ, lại không khỏe mạnh tinh nhuệ bằng, liền đại bại. Quân Tần tiến thẳng một mạch đến kinh thành Thọ Xuân của Sở, bắt sống được Sở vương Phụ Sô. Hạng Yên chạy về phía đông, lập Xương Bình quân làm vua, quyết chống Tần. Năm 223 TCN, Vương Tiễn và Mông Vũ đem quân truy đuổi. Quân Sở lúc này chỉ còn chút hơi tàn, không thể chống nổi; Xương Bình quân tử trận, Hạng Yên tự sát, nước Sở bị diệt.
Những nước có khả năng chống cự như Triệu, Ngụy và Sở đều đã diệt vong. Năm 222 TCN, Tần vương cử Vương Bôn đem quân đánh vào Liêu Đông, tiêu diệt nốt nước Đại và nước Yên. Lúc này, không còn một cơ hội nào cho cả hai nước này nữa. Đại vương Gia và Yên vương Hỷ đều bị bắt cả; tàn dư của hai nước Triệu và Yên bị diệt hẳn.
Năm 221 TCN, Vương Bôn tiếp tục thống lĩnh quân Tần đánh vào Tề, tiêu diệt nốt nước này. Tề vương Kiến ở ngôi đã lâu, nhưng không phòng bị gì cả, mà quân Tề cũng hưởng hòa bình hơn 40 năm, hoàn toàn không có sức chống cự. Quân Tần đi đến đâu là thành trì của Tề đầu hàng đến đó. Vương Bôn đến thẳng kinh thành Lâm Truy mà không gặp phải sự chống cự nào đáng kể. Tề vương Kiến thấy quân Tần đến liền đầu hàng luôn, toàn bộ đất đai Sơn Đông đều thuộc về Tần, nước cuối cùng trong Chiến Quốc Thất hùng là Tề bị diệt.
Như vậy, tính ra kể từ khi nước Tần thực hiện biến pháp Thương Ưởng năm 361 TCN đến khi hoàn tất việc thống nhất Trung Nguyên là 140 năm, trải qua 7 đời quân chủ. Tần vương Doanh Chính là người hoàn tất việc tiêu diệt các nước chư hầu, nhưng để làm nên công trạng đó, phải kể đến các đời Tần Hiếu Công dùng Thương Ưởng biến pháp để giúp Tần trở nên hùng mạnh; các đời Huệ Văn Vương và Chiêu Tương Vương liên tục đánh chiếm khiến các nước chư hầu suy yếu. Cuối cùng, Tần vương Doanh Chính thực hiện nốt phần việc mà cha ông chưa làm được, trong vòng 10 năm tiêu diệt hoàn toàn các nước chư hầu, thống nhất Trung Nguyên làm một.

Thủy Hoàng đế

Năm 221 TCN, nước Tần diệt Tề, hoàn thành công cuộc tiêu diệt các nước chư hầu, lần đầu tiên thống nhất toàn bộ Trung Nguyên dưới sự cai trị của một quân chủ tối cao duy nhất. Tần vương cho rằng chiến tích huy hoàng như vậy trước nay chưa ai làm được, nên muốn cải đổi danh hiệu để tỏ uy thế và quyền lực. Tần vương tự thấy quyền lực vượt trên cả Tam Hoàng và Ngũ Đế, bèn ghép hai danh hiệu ấy lại, xưng là “Hoàng đế”; ngoài ra còn phế bỏ phép đặt thụy hiệu, vì cho rằng như thế không đúng nghĩa khi con nghị bàn về cha, tôi nghị bàn về vua. Tần vương Doanh Chính tự xưng là “Thủy Hoàng đế”, các đời sau cứ tiếp tục theo số mà tính, từ Nhị thế, Tam thế cho tới Vạn thế Hoàng đế. Việc thống nhất thiên hạ đã thành, Tần Thủy Hoàng bắt đầu một loạt những cải cách về mọi mặt, để củng cố đế quốc mới thành hình của mình.
Việc đầu tiên mà Tần Thủy Hoàng thực hiện là xóa bỏ việc phân phong chư hầu. Ban đầu, triều đình nhà Tần có nhiều người tâu rằng đất đai các nước chư hầu mới bình định mà lại xa xôi, nên lập con cái hoặc người thân tín trong tông thất làm Vương. Đại khái là học theo cách nhà Thương hay Chu phân phong chư hầu trước kia. Tuy nhiên, Lý Tư phản bác, cho rằng mầm mống loạn lạc chính là từ phân phong chư hầu mà ra. Nước Tần tốn bao nhiêu thời gian, công sức mới thu hết đất đai về một, nay sao lại học theo cái sai ngày xưa mà phân phong? Tần Thủy Hoàng cũng chủ trương giống Lý Tư, nên quyết định không phong chư hầu nữa. Ông chia toàn bộ đất đai nhà Tần làm 36 quận; dưới quận chia làm các đơn vị hành chính nhỏ hơn nữa như huyện, hương và lý. Mỗi quận sẽ có các chức quan cai trị do triều đình bổ nhiệm như Quận thú coi xét việc trị lý của cả quận; có các chức Thừa, Úy phụ tá và coi xét các việc binh tốt; đồng thời sẽ có Giám ngự sử giám xét tất cả công việc và quan viên ở quận theo lệnh Hoàng đế. Quan lại cũng sẽ được bổ nhiệm theo năng lực và công lao, thay vì theo lối cha truyền con nối như trước. Thể chế hành chính này được đặt ra là để tăng cường tính tập trung và kết nối giữa các khu vực trong đế quốc, hạn chế tình trạng cát cứ có thể xảy ra. Ngoài ra, để hạn chế việc những thế lực cũ của sáu nước muốn làm loạn, Tần Thủy Hoàng cho thu gom hết binh khí thừa trong thiên hạ đem về Hàm Dương, nung chảy đúc thành chuông lớn và mười hai tượng người đồng - mỗi thứ nặng tới ngàn thạch (1 thạch tương đương khoảng 72kg). Việc này vừa có tác dụng không để lọt binh khí ra ngoài phạm vi quân đội, vừa là để thể hiện uy vũ của nhà Tần.
Bản đồ hành chính nhà Tần
Bản đồ hành chính nhà Tần
Cải cách tiếp theo của nhà Tần chính là thống nhất các đơn vị đo lường cơ bản và chữ viết cho toàn đế quốc. Khi trước còn tình trạng hàng chục, hàng trăm nước chư hầu, thì chữ viết ở mỗi nước ít nhiều sẽ có sự khác biệt. Quan lại Tần đi cai trị đất đai chư hầu cũ nhiều khi không hiểu được văn tự tại địa phương, khó làm tốt việc. Vì vậy, Tần Thủy Hoàng ra lệnh mọi văn bản trên toàn quốc đều sử dụng một loại văn tự được chuẩn hóa bởi Lý Tư, nhờ đó mà thống nhất được chữ viết trên toàn quốc. Ngoài ra, các nước cũng có những quy chuẩn đo lường và tiền tệ riêng. Tần Thủy Hoàng đã thống nhất đơn vị đo lường và tiền tệ trên toàn lãnh thổ. Hoàng đế cũng cho thống nhất chiều dài trục bánh xe để tiện việc vận chuyển đường bộ, xây dựng thêm nhiều hệ thống đường sá, kênh mương kết nối các vùng lại với nhau.
Bên cạnh những cải cách, Tần Thủy Hoàng còn cho xây dựng những công trình quy mô to lớn. Bấy giờ một trong những hiểm họa với nhà Tần chính là các tộc người Hung Nô ở phía bắc. Vì thế, Tần Thủy Hoàng cử tướng Mông Điềm đem quân lên phía bắc trấn thủ, đánh đuổi người Hung Nô. Ngoài ra, ông còn cho xây dựng Trường thành. Trước đây các nước chư hầu ở phía bắc cũng đã từng cho xây nhiều đoạn tường thành làm công sự phòng thủ, nay Tần Thủy Hoàng huy động hàng chục vạn người cho nối những đoạn tường đó lại. Bức trường thành này chính là tiền thân của Vạn Lý Trường Thành sau này (các triều đại sau này đều ít nhiều có xây dựng thêm và củng cố Trường thành, quy mô nhất chính là đời nhà Minh). Trường thành do nhà Tần xây dựng dài khoảng 5000km, trải dài từ Lâm Thao ở phía tây đến Liêu Đông ở phía đông; tạo nên một mạng lưới những bức tường thành nối các tuyến phòng thủ ở sông tới những vách đá không thể vượt qua. Tuy vậy, thực chất thì Trường thành không có giá trị quá lớn về mặt quân sự, mà có ý nghĩa về mặt phân chia ranh giới hơn. Chắc chắn nhà Tần cũng không có ý định chỉ trông chờ vào Trường thành để ngăn chặn Hung Nô, bằng chứng là suốt nhiều năm, Mông Điềm cùng một lượng lớn binh sĩ vẫn được bố trí ở biên giới, vừa để giám sát xây Trường thành, vừa để trấn thủ chống Hung Nô.
Một công trình quy mô lớn nữa mà Tần Thủy Hoàng cho thực hiện chính là đào kênh Linh Cừ. Năm 214 TCN, Tần Thủy Hoàng cho xây một kênh đào lớn để vận chuyển quân lương và vật tư nhằm phục vụ cho các chiến dịch bình định vùng phía nam. Kênh đào dài 34 km này điều chuyển dòng chảy của hệ thống sông ngòi giữa miền bắc và miền nam Trung Hoa, nối sông Tương với Dương Tử và Li Giang rồi lại chảy vào Châu Giang. Kênh Linh Cừ nối hai tuyến đường thủy chính của Trung Quốc, giúp nhà Tần mở rộng cương vực xuống miền tây nam, có giá trị lớn cả về mặt quân sự lẫn kinh tế.
Vạn Lý Trường Thành ngày nay
Vạn Lý Trường Thành ngày nay
Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng cũng cho xây dựng nhiều hệ thống cung điện đồ sộ. Ngay từ lúc trước, mỗi khi diệt xong một nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng đều đã cho người phỏng theo hình dáng cung thất nước đó mà xây dựng trên sườn núi phía bắc Hàm Dương, phía nam có thể trông xuống sông Vị. Các cung điện được nối với nhau và có nhiều lầu gác, của cải hay báu vật thu về đều được để cả trong đó. Năm 212 TCN, Tần Thủy Hoàng tiếp tục cho xây dựng thêm cung điện - chính là cung A Phòng (hay có cách gọi khác là cung A Bàng). Theo Sử ký, ước tính số người được điều đi xây cung A Phòng và sau này là lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Ly Sơn lên đến hơn 70 vạn người. Cũng theo Sử ký, riêng phần tiền sảnh của cung A Phòng rộng tới mức chiều từ Đông sang Tây dài hơn 800m, chiều từ Nam sang Bắc dài hơn 150m, có thể ngồi được hàng vạn người. Ngay từ khi xây dựng, cung A Phòng đã là một công trình gây tranh cãi, làm hao tiền, tốn của, kiệt quệ sức dân và góp phần khiến dân chúng thêm oán hận Tần Thủy Hoàng. Quy mô của cung điện này quá lớn, đến mức thực chất Tần Thủy Hoàng băng hà khi nó còn chưa được xây xong.
Tham vọng của Tần Thủy Hoàng là tạo ra một đế quốc vĩ đại, vì thế bên cạnh những công trình quy mô lớn; Hoàng đế cũng cho quân đánh chiếm các vùng đất ở phía nam để mở rộng lãnh thổ. Ban đầu, quân Tần gặp nhiều thất bại do địa hình và khí hậu, cộng với việc vận chuyển quân lương gặp khó khăn. Nhưng rồi nhờ có kênh Linh Cừ, chiến dịch lần hai thu được nhiều thành quả. Quân Tần lấy được nhiều vùng đất đai thuộc các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam ngày nay cùng một phần vùng đất hiện nay thuộc miền bắc Việt Nam. Tần Thủy Hoàng sau đó liền cho dời hơn 10 vạn tù nhân và người bị tù đày đến đấy để khai khẩn.
Cuối cùng, một trong những sự việc nổi tiếng nhất liên quan đến Tần Thủy Hoàng chính là việc “đốt sách, chôn nho”. Việc này thường được đời sau cho là một trong những hành động tàn bạo nhất của Tần Thủy Hoàng, càng khẳng định thêm cho ý kiến coi ông là “đệ nhất bạo chúa”. Thế nhưng sự thật liệu có đơn giản như chúng ta hay nghĩ? Tần Thủy Hoàng đã đốt những sách nào, và quy mô ra sao? Tần Thủy Hoàng chôn nho, vậy thì ông cho chôn những ai?

Về việc Tần Thủy Hoàng "đốt sách, chôn nho"

Đầu tiên, thực ra cần phải khẳng định rằng việc “đốt sách, chôn nho” là có thật. Nhưng tại sao Tần Thủy Hoàng lại cho đốt sách? Thực ra người đề xuất việc này là Thừa tướng Lý Tư.
Năm 213 TCN, quan đại phu Thuần Vu Việt một lần nữa đặt lại vấn đề phân phong chư hầu cho các con cái và tông thất. Thừa tướng Lý Tư bèn dâng thư can gián, quả quyết rằng việc phân phong chư hầu là cái hại cho đế quốc. Trong thư, Lý Tư viết rằng:
Nay Bệ hạ sáng lập nghiệp lớn, gây dựng công tích muôn đời, cố nhiên chẳng phải điều mà hạng Nho sinh ngu độn hiểu nổi. [...] Trước kia chư hầu đấu đá, dùng hậu lễ chiêu vời kẻ sĩ du thuyết; nay thiên hạ đã yên định, pháp lệnh xuất ra từ một nơi, trăm họ ở nhà dốc sức vào nghề nông, nghề công, kẻ sĩ thì nên học tập pháp lệnh và những điều cấm. Thế mà giờ đây bọn Nho sinh không coi người nay là thầy, lại noi theo thời cổ, phỉ báng đương thế, mê hoặc đầu đen. Thần là Thừa tướng Tư liều chết dâng lời rằng: Thời cổ thiên hạ rời rạc rối loạn, chẳng ai có thể thống nhất, bởi thế chư hầu cùng nhau nổi lên, luận bàn đều khen xưa mà chê nay, tô vẽ cho những lời giả dối để làm loạn sự thực. Người ta đề cao cái mình lén học được, mang ra chê trách chế độ mà Thánh thượng lập nên. Nay Hoàng đế đã nhất thống thiên hạ, vạch rõ đen trắng, trở thành độc tôn. Bọn giữ cái học vấn riêng lại hùa nhau chê bai pháp chế và giáo hóa, hễ nghe có pháp lệnh ban xuống liền mang sở học của mình ra nghị luận, khi vào chầu thì mang lòng chê mỉa, lúc ra ngoài lại bàn tán nơi ngõ xóm. Họ khoác lác cốt muốn lập danh, đưa dị nghị để tỏ mình cao kiến, còn dẫn dắt kẻ dưới cùng nhau móc mỉa. Việc như vậy mà không ngăn cấm, uy thế của Chúa thượng sẽ suy giảm ở trên, phe cánh sẽ hình thành ở dưới. Cho nên ngăn cấm là thích đáng.
"Đốt sách chôn nho", tranh vẽ thời nhà Thanh
"Đốt sách chôn nho", tranh vẽ thời nhà Thanh
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng kỳ thực những cải cách về mặt thể chế chính trị của Tần Thủy Hoàng gặp phải rất nhiều sự chống đối từ “Nho sinh”. Hay nói cách khác, những người theo Nho gia cực lực phản đối Tần Thủy Hoàng. Nước Tần chủ trương trị quốc bằng Pháp gia, và Tần Thủy Hoàng còn triệt để thực hiện điều này hơn; mà tư tưởng của Pháp gia đối chọi hoàn toàn với Nho gia, nhất là về lý thuyết chính trị. Pháp gia chủ trương coi luật pháp mới là công cụ hữu hiệu để trị quốc, và phê phán chủ trương chính trị của Nho gia là cai trị dựa trên nhân đức của nhà cầm quyền. Tần Thủy Hoàng, cũng như các vua Tần trước đó, đều tôn sùng Pháp gia, và trị quốc theo tư tưởng đó một cách cực kỳ triệt để, thậm chí có phần hà khắc. Đối với Tần Thủy Hoàng, ý kiến “phân phong chư hầu” mà Thuần Vu Việt một lần nữa đề xuất, cũng chính là đại biểu cho luồng ý kiến phản đối của Nho gia nói chung đối với chính sách trị quốc của ông. Lời trong thư của Lý Tư đã nêu rõ thực tế ấy. Trong tình hình nhà Tần mới thống nhất Trung Nguyên, tàn dư sáu nước vẫn còn tồn tại, Tần Thủy Hoàng không muốn và cũng không thể để chính sách của mình bị phản đối được. Do đó, ông đã đồng ý với đề xuất của Lý Tư, rằng phải ngăn cấm.
Nhưng cấm ra sao? Lý Tư đã đưa ra giải pháp cực đoan nhất - nhưng có lẽ cũng là hợp lý nhất vào thời điểm đó:
Thần xin lệnh cho sử quan đốt hết các sách không phải sử nước Tần. Ngoại trừ quan Bác sĩ đang đương chức, thiên hạ có ai dám cất chứa các sách Thi, Thư và trứ tác của Bách gia, đều phải nộp tới chỗ quan Thú, quan Úy để đồng loạt đốt bỏ. Kẻ nào dám tụ tập luận bàn về Thi, Thư thì xử tử giữa chợ; đem việc xưa ra chê việc nay thì tru di cả tộc; quan lại biết việc không tấu báo phải chịu cùng tội. Mệnh lệnh ban xuống ba mươi ngày mà không đốt sách thì thích chữ vào mặt, phạt đi đắp thành bốn năm. Các sách về y dược, bói toán, trồng trọt thì không cần đốt bỏ.
Thực chất, những sách mà Tần Thủy Hoàng ban lệnh cấm và đốt bỏ thực ra chỉ thuộc về hai loại: một là sách sử của các nước khác, thường có những đoạn muốn châm biếm, nói xấu nước Tần; và hai là các loại sách của Nho gia và những học phái khác, cốt để không ai lấy đó làm căn cứ mà chê bai chủ trương chính sách Pháp gia của triều đình. Hơn nữa, Tần Thủy Hoàng cũng không hạ lệnh xóa bỏ hoàn toàn các loại sách ấy, mà vẫn lưu giữ lại trong triều đình, cốt để muốn kiểm soát chúng, không để lọt ra ngoài. Vả chăng, thực chất việc “đốt sách” không phải mục tiêu chính - bởi hình phạt cho việc không đốt sách là thích chữ vào mặt và đi lao dịch, không phải quá nặng, nếu theo luật pháp nhà Tần. Hơn nữa, cách xử phạt như vậy là đối với những người giấu sách bị quan lại phát hiện còn nếu như chưa bị phát hiện thì hoàn toàn không bị truy cứu.
Từ đó có thể thấy, trong lệnh đốt sách đương thời, đốt sách không phải là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên. Lý Tư và Tần Thủy Hoàng đều biết rất rõ, ra lệnh đốt sách cũng không thể đốt hết sạch được. Đốt sách thực tế chỉ là một thủ đoạn chính trị mà thôi. Cũng trong thư của Lý Tư, tội nặng nhất phải là “tụ tập luận bàn về Thi, Thư; đem việc xưa ra chê nay” - hình phạt là xử tử, tru di cả tộc; rõ ràng nặng hơn rất nhiều, gần như là khung cao nhất trong pháp luật nhà Tần. Đây mới là mục đích chính của lệnh đốt sách - đó là cấm dân chúng bàn bạc về việc chính trị của triều đình, thứ đến là cấm dân chúng không được bàn luận về chính trị thời xưa rồi dùng xưa mà chê nay. Tóm lại là cấm bàn việc chính trị. Thiên hạ không có việc lạm bàn chính trị, tất sẽ yên ổn, đó là suy nghĩ của Lý Tư và Tần Thủy Hoàng.
Đốt sách đương nhiên là việc làm không đúng, bởi nó là hành vi hủy diệt văn hóa. Nhưng đối với Tần Thủy Hoàng, những lời bàn luận, phản đối khắp thiên hạ về chính sách của triều đình mới là thứ đáng sợ. Hơn nữa, bản thân Hoàng đế cũng không cố gắng hủy diệt toàn bộ các loại sách cấm, mà vẫn cho giữ lại trong triều; và ông cũng không cho người bằng mọi cách truy hết ra những sách được giấu đi. Mục đích của Tần Thủy Hoàng là thông qua việc này, đưa ra một lời cảnh báo đến những người muốn lên tiếng phản đối chủ trương cai trị mới của triều đình.
Đó là chân tướng thực sự của việc “đốt sách”, vậy còn việc “chôn nho” thì sao?
Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép như sau:
Thủy Hoàng nghe tin họ bỏ trốn cả giận nói: “Trước đấy ta thu gom các thứ sách vở vô dụng trong thiên hạ đem đốt bỏ, lại gắng chiêu vời rất đông những kẻ sĩ có tài văn học và phương thuật, cốt muốn gầy dựng thái bình, để bọn phương sĩ luyện tìm thuốc lạ. Nay nghe nói Hàn Chung bỏ đi không hề thông báo, bọn Từ Phất tiêu tốn tính kể ức vạn, rốt cuộc chẳng tìm được thuốc, chỉ nghe bọn chúng ngày ngày tố cáo lẫn nhau mưu lợi gian. Bọn Lư Sinh kia ta vốn coi trọng, ban thưởng cho hậu hĩnh, mà nay lại phỉ báng ta, khiến sai lầm của ta thêm nặng. Bọn Nho sinh đang ở Hàm Dương, ta đã sai người đi điều tra dò hỏi, đích xác có kẻ nói năng xằng bậy để mê hoặc lũ đầu đen.” Thế rồi sai Ngự sử thẩm vấn tất thảy bọn Nho sinh, họ cáo giác lẫn nhau, rồi Thủy Hoàng đích thân xét xử. Có bốn trăm sáu mươi người phạm vào điều cấm, tất cả bị chôn sống ở Hàm Dương để cho thiên hạ biết mà lấy đó làm răn. “Họ” ở đây chỉ Hầu Sinh và Lư Sinh - những đạo sĩ được Tần Thủy Hoàng tín nhiệm, giao cho đi tìm tiên dược trường sinh.
Từ 6 năm trước vụ việc “chôn Nho”, tức năm 219 TCN - chỉ 2 năm sau khi thống nhất Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu lên núi tìm tiên nhân và cho người đi khắp nơi tìm kiếm thuốc trường sinh. Hoàng đế cho người đi khắp nơi tìm kiếm đạo sĩ, tặng nhiều vàng bạc, cho nhiều tiền của để đi tìm hỏi tiên nhân xin thuốc trường sinh cho mình. Trước sau mấy lần tìm hỏi đều thất bại. Nhưng Tần Thủy Hoàng không hề ngã lòng, việc cung cấp tiền bạc càng lúc càng nhiều. Thế nhưng ròng rã 6 năm không thu được kết quả gì. Các đạo sĩ bắt đầu lo lắng, bởi vì kỳ thực làm gì có thứ gọi là tiên nhân hay thuốc trường sinh đâu. Và thế là họ bắt đầu tìm lối thoát mà không để Tần Thủy Hoàng phát giác. Bởi vì thế, Lư Sinh có nói với Hoàng đế rằng muốn tìm được thuốc trường sinh, Tần Thủy Hoàng nên thường xuyên vi hành để tránh ác quỷ, ác quỷ tránh được rồi thì chân nhân sẽ tới. Đồng thời giảm bớt việc xử lý quốc sự, tiếp xúc trực tiếp với các đại thần, nếu không thì không thể điềm đạm, an tĩnh khiến cho bậc chân nhân thần tiên không thích. Nơi ở của Hoàng đế cũng không được để cho bất cứ ai biết.
Nói tóm lại, Lư Sinh muốn yêu cầu Hoàng đế từ bỏ quyền lực, xa rời việc nước, cắt đứt với thế tục. Những yêu cầu này có phần hơi quá ngặt nghèo để có thể tuân theo. Theo cách nghĩ của Lư Sinh thì Tần Thủy Hoàng sẽ thấy khó mà tự lui, không muốn hợp tác, như thế việc cầu tiên cũng sẽ bị bỏ quên, ông ta sẽ có lối thoát.
Thế nhưng ngặt nỗi, bấy giờ Tần Thủy Hoàng rất cố chấp với việc tìm thuốc trường sinh. Ông muốn sống càng lâu càng tốt, để chứng kiến đế quốc của mình ổn định và vững mạnh. Thế nên Hoàng đế cố gắng làm theo lời nói của Lư Sinh. Tần Thủy Hoàng bèn bỏ xưng “trẫm”, mà tự xưng là “chân nhân”. Ông chuyển đến ở một hành cung cách Hàm Dương 200 dặm, người hầu đi theo không được phép tiết lộ hành tung của Hoàng đế. Khi đến hành cung rồi, có lần Tần Thủy Hoàng thấy đoàn ngựa xe của Thừa tướng Lý Tư rất đông, bèn tỏ ý không vui. Có người mật báo việc ấy nên Lý Tư giảm số ngựa xe đi. Tần Thủy Hoàng liền biết có người tiết lộ lời của ông, nhưng tra hỏi mà không ai nhận, nên đem giết hết những ai có mặt xung quanh lúc ấy. Từ đấy không ai dám hé mồm tiết lộ hành tung của Hoàng đế nữa. Đối với việc xử lý việc triều chính, vẫn sẽ được tiến hành trong nội cung tại Hàm Dương. Nhưng chỉ có điều Tần Thủy Hoàng sẽ không xuất hiện trong buổi nghị triều mà thôi.
"Sai sứ tìm tiên", tranh thời nhà Thanh
"Sai sứ tìm tiên", tranh thời nhà Thanh
Hành động đó cho thấy Tần Thủy Hoàng quyết tâm trở thành tiên nhân. Lư Sinh thấy vậy càng lo lắng, cuối cùng quyết định bỏ trốn cùng Hầu Sinh, vì biết một mai nếu việc không thành, Tần Thủy Hoàng tất sẽ trừng phạt họ cực kỳ kinh khủng. Còn đối với Hoàng đế, việc hai đạo sĩ thân tín này bỏ đi khiến ông cực kỳ giận dữ.
Đến đây, ta sẽ thấy được có mâu thuẫn trong ghi chép của Sử ký về sự kiện chôn sống 460 người tại Hàm Dương. Ban đầu, Tần Thủy Hoàng đang giận dữ với đám đạo sĩ, vì tiêu tốn tiền của vô ích; Hầu Sinh và Lư Sinh vốn được coi trọng mà tự ý bỏ trốn, không coi Hoàng đế ra gì. Thế nhưng câu sau đó lại nhắc đến Nho sinh, lại sai người điều tra về việc nói năng xằng bậy mê hoặc dân chúng. Nho sinh thì liên quan gì đến việc này? Phải chăng sự thật là Tần Thủy Hoàng trừng phạt các đạo sĩ đang ở Hàm Dương về chuyện lừa gạt mình?
Tần Thủy Hoàng bản kỷ khi chép việc này, viết là “chư sinh”; hay được dịch ra thành Nho sinh. Thế nhưng cũng trong Sử ký, phần Nho lâm liệt truyện lại chép rằng “Đến cuối thời Tần, đốt thi thư, chôn thuật sĩ” - nguyên văn là 及至秦之季世,焚诗书,阬术士. Như vậy, khả năng cao sự thực 460 người bị chôn sống kia là các đạo sĩ, chứ không phải các Nho sĩ; vì từ đầu chí cuối sự việc này là Tần Thủy Hoàng muốn trừng phạt đạo sĩ, chứ các Nho sĩ thì đâu có liên quan gì? Về việc tại sao có sự thay đổi này, có thể do sai sót trong việc chép lại, hoặc cũng có thể do chính các Nho sĩ thời sau sửa đổi. Việc Tần Thủy Hoàng đốt sách, căm ghét Nho gia là sự thực, cho nên tất nhiên Nho sĩ cũng không có thiện cảm gì với ông. Sau này, khi Nho gia dần có địa vị cao hơn Pháp gia, chính những việc như vậy lại thành ra có lợi cho Nho sĩ.
Như vậy, kỳ thực câu chuyện đằng sau của việc Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn Nho” không đơn giản như ta vẫn hay nghĩ. Tất nhiên nói như vậy không phải để bênh vực cho Tần Thủy Hoàng. Những hành động đốt sách, cấm bàn về chủ trương cai trị của triều đình có thể tạm yên ổn thiên hạ, nhưng về lâu về dài thì hại nhiều hơn vì nó làm tăng thêm sự oán hận vốn đã dâng cao của dân chúng. Việc chôn sống 460 người ở Hàm Dương mặc dù hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng dù sao nó cũng tỏ rõ sự khắc nghiệt của Tần Thủy Hoàng, bồi đắp thêm vào hình ảnh vốn đã không được dân chúng yêu mến gì của ông.

Cuối đời

Năm 211 TCN, một thiên thạch được cho là rơi xuống Đông Quận ở hạ lưu sông Hoàng Hà. Trên đó có người ghi dòng chữ “Thủy Hoàng đế chết rồi đất bị chia”. Khi Thủy Hoàng biết được, ông đã phái người đi điều tra. Không ai nhận là người đã viết dòng chữ nên tất cả những người sống gần đó đều bị giết. Tảng đá sau đó bị đốt cháy và nghiền thành bột.
Sau đó, Tần Thủy Hoàng đi kinh lý phía đông, Tả Thừa tướng Lý Tư đi theo, Hữu Thừa tướng Phùng Khứ Tật ở lại trông coi triều chính. Cùng đi theo có cả Hồ Hợi, con út của Tần Thủy Hoàng. Sau khi tế vua Hạ Vũ ở Cối Kê, Tần Thủy Hoàng trở về kinh. Trên đường trở về phía tây đến bến Bình Nguyên thì bị bệnh. Tần Thủy Hoàng ghét người ta nói đến việc chết, cho nên quần thần không ai dám nói với nhà vua về việc chuẩn bị cho việc ông qua đời. Khi bệnh càng nặng, nhà vua viết thư đóng dấu của vua gửi đến hoàng tử Phù Tô nói: "Hãy dự tang rồi chôn ta ở Hàm Dương". Bức thư đã niêm phong ở trong phủ trung xa thuộc quyền Triệu Cao - hoạn quan được Hoàng đế tin cẩn. Bức thư có dấu của nhà vua làm tin chưa giao cho sứ giả, thì Tần Thủy Hoàng băng hà ở Sa Khâu ngày 10/9/210 TCN.
Thừa tướng Lý Tư thấy nhà vua băng hà ở xa kinh đô nên đã trở thành vô cùng lo lắng rằng tin tức về cái chết của ông có thể kích động nhiều cuộc nổi dậy, bèn giấu kín điều đó, không báo tang, chở quan tài trong một cỗ xe mát, cho một hoạn quan được hoàng đế yêu quý ngồi trong xe, đến đâu thì dâng thức ăn, trăm quan vẫn tâu việc như thường. Chỉ có Hồ Hợi, Triệu Cao và một vài hoạn quan thân tín của nhà vua biết là hoàng đế đã băng hà. Lý Tư cũng ra lệnh cho hai xe ngựa chứa cá ươn đi trước và sau xe của hoàng đế để đánh lẫn mùi thối phát ra từ cơ thể phân hủy của hoàng đế. Sau khoảng hai tháng, đoàn của Lý Tư trở lại Hàm Dương, từ đó tin tức về cái chết của Tần Thủy Hoàng mới được công bố. Tần Thủy Hoàng băng hà mà không có di chiếu, nhưng theo lệ thì trưởng hoàng tử Phù Tô sẽ kế vị. Tuy nhiên cả Lý Tư và Triệu Cao đều không ưa Phù Tô, vả lại Phù Tô rất thân với tướng Mông Điềm - người đối nghịch với cả hai. Bởi vậy, Lý Tư cùng Triệu Cao hủy tờ di chiếu mà Thủy Hoàng định gửi cho Phù Tô, tuyên bố rằng Hoàng đế di chiếu truyền ngôi cho Hồ Hợi. Hai người sau đó lại làm một bức thư khác gửi cho hoàng tử Phù Tô và tướng Mông Điềm kể tội hai người, ra lệnh cho hai người phải chết. Kế hoạch thành công, cả Phù Tô và Mông Điềm đều tự vẫn, Hồ Hợi được lập làm vua, tức Nhị thế Hoàng đế.
Những việc sau đó, có lẽ không cần phải nói thêm nữa. Chỉ 4 năm sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, nhà Tần diệt vong, lại thêm gần 5 năm chiến tranh nữa, thiên hạ một lần nữa thống nhất dưới sự cai trị của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Rốt cuộc, mộng tưởng của Tần Thủy Hoàng về một triều đại kéo dài đến vạn đời đã không thể thành hiện thực.
Đánh giá về Tần Thủy Hoàng xưa nay vẫn nghiêng về tiêu cực nhiều hơn. Hầu như trong suốt chiều dài lịch sử, các luồng ý kiến đều coi ông là một bạo chúa hiếm thấy. Chính sách cai trị hà khắc quá đỗi khiến mâu thuẫn giữa người dân các nước bị tiêu diệt với nhà Tần càng thêm sâu. Chưa kể đến việc chỉ trong khoảng hơn 10 năm mà Tần Thủy Hoàng liên tục cho thực hiện nhiều công trình quy mô lớn, chiến tranh mở rộng lãnh thổ khiến người dân ngày càng oán thán. Những thứ mà Tần Thủy Hoàng làm, lẽ thường đều cần phải thực hiện cả đời; nhưng ông lại muốn gấp rút thực hiện nó chỉ trong 10 năm.
Tần vương Doanh Chính trong phim "Anh hùng"
Tần vương Doanh Chính trong phim "Anh hùng"
Thực ra mà nói, tư tưởng của Tần Thủy Hoàng không sai. Những việc như thống nhất Trung Nguyên; tập trung quyền lực về trung ương; thống nhất chữ viết, đơn vị đo lường; xây dựng Trường thành, đào kênh Linh Cừ; đều là những việc có lợi. Cái sai của Tần Thủy Hoàng là quá cố chấp với triết lý Pháp gia một cách cứng nhắc. Đúng là tư tưởng trị quốc của Pháp gia thực sự cần thiết, nhưng đồng thời cũng phải biết thay đổi, chỉnh sửa sao cho phù hợp với thực tế. Nhà Tần dùng chiến tranh để thống nhất Trung Hoa, vốn đã gây nên nhiều sự sợ hãi và oán giận với dân chúng sáu nước bị tiêu diệt. Để cởi bỏ những oán hận đó, cần phải giảm bớt sự hà khắc. Việc tập trung quyền lực trung ương cũng là đúng đắn, khi thực tế lịch sử cho thấy thời đại của phân phong chư hầu đã qua, nó không còn là xu thế nữa. Thế nhưng vấn đề của Tần Thủy Hoàng cũng lại là tập trung quyền lực quá gấp gáp, quá cực đoan. Tần Thủy Hoàng không muốn san sẻ quyền lực cho ai, muốn ôm hết việc vào mình, đến mức “mỗi ngày phê tới một thạch tấu chương”. Nhưng chúng ta cũng cần phải thông cảm phần nào, khi mà Tần Thủy Hoàng là người đầu tiên thực sự cai trị một đế quốc thống nhất như vậy, sau hàng trăm năm phân liệt. Bản thân ông cũng không biết làm như thế nào mới là tối ưu, nên cũng chỉ còn cách cố gắng đi theo con đường ông cho là đúng đắn. Ngay cả việc ông cố chấp cho người đi tìm thuốc trường sinh, cũng là một cách để thể hiện suy nghĩ của Hoàng đế rằng mình cần thêm thời gian; chính sách không sai, nhưng cần thời gian để có tác dụng.
Bi kịch nằm ở chỗ, Tần Thủy Hoàng thì xử lý chính sự mãi mà không hết, chứ không phải ông không quan tâm tới đế quốc của mình; còn dân chúng thì bị bó vào hệ thống pháp luật hà khắc quá đỗi, đến mức phi nhân tính, lại phải gồng mình lên thực hiện những công trình quy mô lớn. Cuối cùng, mầm mống loạn lạc bắt đầu gieo mầm, và phát triển nhanh chóng, khiến cả một đế quốc sụp đổ nhanh chóng. Những ý tưởng và chính sách của Tần Thủy Hoàng có lẽ cần đến cả trăm năm mới hoàn thành, và phải được điều chỉnh sao cho mềm mỏng đi và với cường độ từ từ, không thể gấp gáp. Đáng tiếc, Tần Thủy Hoàng không thể nhận ra điều đó.

Kết

Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, suy cho cùng vẫn chỉ là một con người. Ông có chỗ xuất chúng, có chỗ tài năng, và có chỗ tàn bạo khác người. Ai cũng sẽ có nhận định riêng về vị Hoàng đế đầu tiên này, nhưng dù có cho ông là bạo chúa hay không; thì cũng không thể phủ nhận được, những tư tưởng và chính sách của Thủy Hoàng đế, cũng là cơ sở để nhiều triều đại huy hoàng về sau của Trung Hoa học tập, phát triển và phát huy. Mặt khác, sự tồn tại và diệt vong của nhà Tần, cũng là một bài học đáng giá cho các vị quân chủ sau này lấy đó làm gương mà học hỏi.
Tần Thủy Hoàng trong phim "Tần ca"
Tần Thủy Hoàng trong phim "Tần ca"