... Nhưng người ta lại luôn gắng  gượng nhồi nhét thật nhiều thông điệp vào trong quảng cáo. 



Mười năm về trước, khi quảng cáo TVC và báo giấy thống trị các phương tiện truyền thông, một trong những quảng cáo được nhớ đến hẳn phải là "Sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp". Quảng cáo rất đơn giản, tầm chục em bé quay mông về phía màn hình, mỗi em một màu sơn ngúc ngoắc, rất đáng yêu. Đó là cớ để người ta quên luôn câu gốc để nhớ thành "Sơn Nippon... sơn mông cũng đẹp". Slogan bị chế, hay nội dung không nêu bật USP sản phẩm cũng chẳng sao. Điều quan trọng làm nên thành công của quảng cáo này là khiến người ta NHỚ đến nó và NHỚ TÊN thương hiệu chủ sở hữu của nó. Giữa một rừng hàng chục nghìn quảng cáo người dùng phải tiếp nhận mỗi ngày, được người ta nhớ đến là một lợi thế rất lớn của thương hiệu trước khi người dùng thật sự bước vào cửa hiệu, xem chọn và ra quyết định mua hàng.




Ngày nay TVC và báo giấy đang nhường ngôi vương cho digital. Trên môi trường số, người dùng có đặc quyền xem hay bỏ qua, chứ không còn phải "mắm môi" đợi cho hết. Quảng cáo "Điện máy Xanh" nổi lên như một hiện tượng với lượng share khủng, thực sự là một trend làm mưa làm gió trên mạng xã hội . Sản phẩm không những không bị người dùng hắt hủi  mà còn được share hẳn là giấc mơ của mọi người làm quảng cáo.  "Bạn muốn mua ti vi, bạn muốn mua tủ lạnh, hãy đến Điện máy XANH...", lời bài hát trên nền hàng chục người mặc đồ xanh môi vàng nhảy múa.  Giàu tính giải trí, thông điệp của thương hiệu cũng dễ dàng đi vào tâm thức người xem. 


Vậy đó, một quảng cáo thành công lại một lần nữa khiến người ta nhớ về nó (hình ảnh, giai điệu) cùng tên của thương hiệu. Đó là điều mà những quảng cáo cố nhồi sọ người xem bằng những lí lẽ, công năng phức tạp của sản phẩm không thể làm được. Với người xem, "30 giây quảng cáo là 30 giây giải trí". Quảng cáo nào càng thú vị dễ xem, người xem càng thư giãn, thông điệp càng dễ tìm đường vào tâm trí. Đơn giản vì rào cản "quảng cáo mắc dịch" đã được gỡ mất. Đây gọi là trạng thái "nhận thức lỏng" được D. Kahneman nhắc đến trong quyển "Thinking Fast and Slow" (mình sẽ có một post khác nói sâu hơn).  Đừng cố nhồi nhét để rồi quảng cáo trở nên nhàm chán khiến người ta chỉ muốn chuyển kênh, hoặc thương hiệu nhạt nhòa đến mức người ta thấy hay nhưng chả nhớ là của anh nào.


Quảng cáo, suy cho cùng cũng để nhắc người ta nhớ. Định vị, khác biệt công năng, khuyến mãi... cũng là những thông tin quan trọng, nhưng chúng ta có nhiều kênh truyền thông để thể hiện nó. Khi có nhu cầu, người dùng ắt sẽ tìm hiểu, và đó là khi các touch point phát huy tác dụng. Đừng bắt người dùng bị hack não với 30s quảng cáo. Vì người ta xem quảng cáo cũng chỉ để giải trí mà thôi. 


Ngọc Khánh