Viết cho một ngày mình nhận ra rằng mình có cảm xúc được-gọi-là ghen tị sau một khoảng thời gian rất lâu. Mình sẽ dịu dàng, ủi an chính mình và cùng xem dòng cảm xúc ấy tiến triển như thế nào. Sau đây là những điều mình học được, nhận ra được về ghen tị. Lúc nào đấy khi cảm xúc này lại dâng trào, mình sẽ lại tìm đọc lại những dòng này...

Cảm xúc ghen tị đến với mình

Đã lâu rồi, mình không ghen tị. Chính xác hơn là gần hai năm nay, kể từ lúc bắt đầu đi làm. Chúng mình hồi còn đi học, còn nhỏ chắc nhiều lần ghen tị lắm: bạn có đồ chơi đẹp, bạn có bánh kẹo ngon hơn là ghen tị, khóc đòi ba mẹ cho bằng được. Năm tháng đại học thì thấy đứa nào giỏi hơn, điểm cao hơn, học trường tốt hơn thì cũng ghen tị. Đến tận những năm tháng đi làm, sau khi kết nối lại với chính mình, những tưởng mình đã không còn cảm xúc này nữa thì hôm qua, cảm xúc ấy trào dâng lên trong mình khi mình lướt Instagram và thấy rằng một người bạn của chúng mình quá may mắn và đang đắm chìm trong niềm hạnh phúc, thành công của bạn ấy. Mình ghen tị, thay vì thành tâm chúc mừng, mình đã có một sự khó chịu từ bên trong.
Khi ngồi thiền, sau khi đã tịnh tâm lại, có ba câu hỏi bỗng hiện lên trong đầu mình và mình không ngờ rằng việc trả lời ba câu hỏi đó lại khiến mình hòa thuận với cảm xúc ghen tị này.

1. Người khác có ghen tị với chúng mình vì điều gì không?

Mình đã đăng tải một câu hỏi lên Instagram để hỏi mọi người rằng: Mọi người ghen tị điều gì về mình? Và mình cũng gọi điện thoại cho một cậu bạn thân, mình cũng hỏi điều tương tự. Và khi lắng nghe những điều đó, mình cảm thấy lòng "tự hào" của mình được cứu vớt bởi một người khác. Với mình, đây là một phép thử để chúng mình có thể nhìn nhận được phần nào giá trị của bản thân, thấy rằng bản thân "ngầu" như thế nào.
Nếu chúng mình đã bước trên hành trình yêu bản thân mình được một thời gian đủ dài, chúng mình có thể không cần tìm kiếm một sự công nhận, nhìn nhận từ bên ngoài mà chính chúng mình cũng có thể nhìn nhận ra những giá trị của bản thân mình.
Vậy tóm lại, ở bước này, việc nhìn nhận ra những điều tốt đẹp, siêu "ngầu" của bản thân mình bằng cách tự thân (trò chuyện với chính mình) hay hỏi han ý kiến của bạn bè sẽ là một phương án cấp cứu tạm thời khi chúng mình đang ghen tị với ai đó

2. Điều mà họ đạt được có phải là một trong những mục tiêu của chúng mình không?

Thẳng thắn mà nói nếu chúng mình ghen tị với những điều là "mục tiêu" của chúng mình thì có thể chính sự ghen tị này sẽ phần nào chuyển thành "động lực" phấn đấu để chúng mình được như họ. Còn nếu chúng mình nhận ra sự ghen tị này chỉ xuất phát từ một sự nhất thời, bỗng dưng muốn ghen tị thì chắc hẳn chúng mình cũng nhận ra rằng việc tiếp tục ghen tị này sẽ không đến đâu.
Ví dụ chúng mình thấy người khác vui vẻ với chuyến du lịch nước ngoài của họ, chúng mình có chút ghen tị, nhưng sau đó thoáng nhận ra: Ủa! Chúng mình đâu có thích du lịch đâu? Chúng mình thích việc ở nhà và vuốt ve một chú mèo hơn mà. Lúc này, cảm xúc ghen tị sẽ không dữ dội mà nhiều khi còn nhẹ nhàng biến mất đi luôn. Vậy nên, tìm sự "match" giữa sự ghen tị và mục tiêu cũng là một cách để chúng mình xoa dịu, trấn an chính chúng mình, cũng như cổ vũ chúng mình cùng tiến lên.
Với tinh thần của bài viết này, tất cả các cảm xúc đều được trân trọng (All vibes welcome), không có cảm xúc nào được dán nhãn là "tiêu cực" hay "tích cực" cả. Mỗi một cảm xúc đều có một chức năng, vai trò riêng, chúng mình ạ. Vậy nên, chúng mình có cảm xúc ghen tị với những điều nằm ngoài mục tiêu của chúng mình thì có thể đó là thông điệp về việc: Chúng mình cần ngay ngắn, làm việc lại với chính mình và vạch rõ ra những mục tiêu, những điều mình mong ước rồi đó!

3. Chúng mình có biết họ phải trải qua những chuyện gì để đạt được điều đó không?

Chúng mình có nhận thấy việc so bì bản thân với người khác, nhất là qua mạng xã hội thì khá là khập khiễng không?
Có phải chúng mình đã loay hoay chụp hàng đống ảnh và quyết định chỉ đăng tải chỉ một bức ảnh đẹp nhất lên mạng xã hội không?
Có phải chúng mình cũng có nhiều điều đáng khen, nhưng chúng mình đã quyết định chờ một thành công vang dội hơn, một dấu mốc "oách" hơn rồi mới cập nhật lên mạng xã hội không?
Vậy nên, chúng mình cũng phần nào nhận thấy mạng xã hội như là tác phẩm hoàn hảo khi mọi sự chuẩn bị, thai nghén đều đã được xảy ra và dĩ nhiên, chúng mình sẽ chỉ nhìn thấy phiên bản hoàn hảo nhất và chẳng thể nào biết được các bản thảo 1, bản thảo 2, bản thảo n,... cũng như câu chuyện hậu trường. Việc chúng mình so sánh giai đoạn hậu trường của mình (hiện tại) với một tác phẩm hoàn hảo của người khác thì rõ là khập khiễng đúng không?
Bên cạnh đó, nhắc đến hậu trường thì chắc hẳn, chúng mình sẽ không biết được người khác đã phải thâu đêm như thế nào, cãi vã làm sao, mất mát để có thể tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Để tránh hiểu nhầm, mọi sự cố gắng của tất cả chúng mình đều rất đáng được trân trọng, điều mình đề cập chỉ là nếu chúng mình nhìn thấy tác phẩm của người khác và cũng chia sẻ, trân trọng sự cố gắng, nỗ lực của họ trong hậu trường (như cách chúng mình hay làm cho bản thân) thì sẽ đáng yêu biết mấy. Mình nghĩ, đây là trạng thái của sự thật tâm chúc mừng cho thành công của một ai đó.
Mọi cảm xúc đều được trân trọng (All vibes welcome) và có chức năng riêng. Mong rằng chúng mình sẽ luôn khỏe mạnh, hiểu chúng mình và sống là chính chúng mình nhé! Thương chúng mình!
Nội dung bài viết thuộc dự án /chúng mình series/. Hãy theo dõi @chungminh.series trên Instagram để đón nhận những thông điệp hằng ngày và Podcast trên Spotify "chúng mình series" vào Chủ Nhật hàng tuần nhé.