Phải thú thật tôi là đứa chẳng mấy khi quan tâm đến những ngày kỷ niệm, những ngày lễ. Với tôi thì đó cũng chỉ là những ngày bình thường như bao ngày, không phải hôm nay thì là ngày mai, chẳng phải thứ hai thì sẽ là chủ nhật, đơn giản vậy thôi. Cơ mà hôm qua tôi vừa đọc được một bài trên VnExpress nói về việc phụ huynh học sinh đưa phong bì cho giáo viên vào nhà giáo Việt Nam.  Bài viết làm tôi suy nghĩ về chuyện đi học và mấy người thầy.


Nhắc đến người thầy tôi nhớ đến câu nói này "Khi người học trò đã sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện" (tôi tra google nhưng mà nhiều tranh cãi về người nói ra câu này quá nên không biết để tên ai). Ngẫm ra thì tôi thấy câu này đúng quá, gần đây tôi bắt đầu quan sát bản thân và quan sát những thứ xung quanh nhiều hơn, tôi tò mò nhiều hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn. Tôi học được nhiều hơn từ quá trình đó và từ đó tôi phát hiện "người thầy" của tôi có mặt ở khắp mọi nơi. Người thầy có thể xuất hiện ở hình hài một người đi trước, một người đồng nghiệp, người yêu, trong hình hài những bộ phim yêu thích, một cuốn sách. Đôi khi người thầy xuất hiện trong hình dạng của một người làm tôi phát điên, một chuyện đau buồn, trong lúc tôi stress (thực ra thì sau khi stress và nhìn lại thì tôi mới học được), ý tôi là tôi thấy mình luôn học được điều gì đó từ những thứ xung quanh.

Nhưng các bạn có thắc mắc vì sao người thầy chỉ xuất hiện khi người học trò đã sẵn sàng không, nếu họ chưa sẵn sàng thì sao? Tôi quan sát một vài người và nhận ra họ hiếm khi lắng nghe người khác, hiếm khi nhìn nhận vấn đề từ những góc nhìn khác nhau, với họ thì chân lý chỉ có một, họ thấy bản thân biết hết rồi, chả có gì mà phải học cả, với họ thì cứ phải là công thức chung, chẳng cần hoài nghi điều chi cả. Với những người này tôi tin họ chẳng học thêm được gì hoặc chẳng có ai có thể có gì để họ học khi họ tin là họ đã biết hết rồi, họ giỏi quá rồi, chân lý của họ là sáng tỏ và rực rỡ quá rồi. Albert Einstein đã từng nói "Có 2 thứ vô hạn là vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Nhưng tôi chưa chắc lắm về điều thứ nhất." Tôi thì đồng ý cả hai tay với ông về điểm này, cảm thấy ông quả là người có tầm vóc tri thức và vĩ đại. Vĩ đại không phải vì ông đã "ngông cuồng" khi nói ra câu nói trên, mà vì ông đã nhìn ra sự thật là bên trong mỗi con người ai cũng đều có phần tối tăm, ai cũng đều có góc u mê và thiếu hiểu biết cả. Muốn thắp sáng những góc tối ấy và làm nó sáng tỏ đi đến chân lý thì chỉ có thể thông qua sự học mà thành.

Bản thân tôi thấy rằng sự học là một hành trình cả đời, nói ra câu này có vẻ hơi thừa nhưng mà nhắc lại một tí chắc cũng không đến mức sáo rỗng đâu nhỉ. Hôm tôi đọc bài viết trên VnExpress tôi thực sự suy nghĩ nhiều về việc vì sao nhiều người lại có suy nghĩ rằng ngày nhà giáo là phải tặng quà, là phải đưa phong bì cho thầy cô giáo. Tôi thì không muốn bàn về nguyên nhân: vì nhiều người làm thế, mình mà không làm thế thì lại bị xem là khác người; vì sợ con mình không được thầy cô đối xử như những bạn bè khác; cũng có thể là vì thầy cô mình vẫn còn những người vẫn nhận thế nên phụ huynh vẫn làm mỗi khi đến dịp. Tôi thì muốn làm gì đó, viết đến đây thì tôi nhớ đến có ai đó nói rằng "đừng cố thay đổi thế giới, đừng cố giải cứu thế giới". Cũng đúng! Cơ mà tôi nghĩ việc tôi làm không phải là thay đổi hay giải cứu ai cả, tôi chỉ muốn đưa ra vài suy nghĩ đơn giản, còn người học có học được gì từ những suy nghĩ của tôi thì còn tuỳ vào việc họ có "sẵn sàng" hay chưa nữa. 

Ngày 20.11 này thay vì nghĩ đến những người thầy cũ tôi nghĩ thêm về những người thầy khác mà tôi đang có, những người thầy đã dạy tôi điều gì đó. Những điều tôi học được từ họ, tôi đã trưởng thành hơn ra sao, tôi muốn cảm ơn ai đó vì đã học được gì đó từ họ. Hy vọng bạn cũng  và sẽ có những người thầy như vậy.

Photo by Radu Florin on Unsplash