1. CHIẾC ĐIỆN THOẠI
Tôi luôn nghĩ sự hữu ích của tôi được xây dựng bởi công việc, cá tính, phẩm chất được thể hiện trong công việc. Vì vậy, tôi luôn cố gắng siêng làm, luôn cố gắng bận rộn, đôi lúc hơi quá đà, tôi thể hiện với bạn bè và đồng nghiệp tôi là người ngập trong công việc. Thời gian đó, có lúc tôi từ chối lời mời đám cưới, họp nhóm, du lịch cùng bạn bè và gia đình để dồn sức định hình bản thân qua công việc. Vì vậy, thời gian của tôi để dành cho một mối quan hệ khác ngoài công việc và gia đình là thời gian cho những người bạn thực sự hoặc để relax. Có một lần tôi thực sự bận nhưng người bạn thân của tôi gọi điện đến và báo rằng nàng vừa bị “đá” một cách đau đớn, cô nàng thực sự không ổn và cần được quan tâm. Lúc đó, tôi nghĩ rằng trước đây mình cũng ít dành thời gian cho bạn bè, mình không nên như vậy và bạn thân thì cần xuất hiện ngay khi bạn mình cần. Tôi dành thời gian nghỉ trưa ít ỏi, biến mất khỏi Công ty và đến an ủi cô bạn. Sau khi khóc lóc với tôi một lúc, như thường lệ bạn tôi rút điện thoại và bắt đầu say sưa với nó (như mọi lần), vì nàng thực sự là một người “social”. Tôi cảm thấy hơi thất vọng, vì mình đã dành thời gian của mình cho cô ấy nhưng cô ấy đang kết thân với chiếc điện thoại và cảm thấy được an ủi hơn là nói chuyện với mình. Và lúc đó tôi nghĩ rằng, 1 là tôi không thể an ủi và hiểu hết cảm xúc của cô nàng. Còn 2 cô nàng thực sự không quý trọng thời gian tôi dành cho nàng. Sau một vài lần như vậy, tôi không còn nhiều ưu tiên về thời gian cho nàng như trước đây.

2. NGƯỜI NÓNG GIẬN THẬT CÁ TÍNH ???
Tôi từng làm trong một công ty BĐS, thời gian làm việc ở đây tôi cảm thấy được là chính mình. Chính mình nghĩa là với tất cả năng lượng, được trọng dụng trong công việc, sự tập trung được ưu tiên cho công việc và cả những tính xấu cũng được ưu ái (nổi nóng, không nhân nhượng và ít khoan dung). Lúc đó tôi cảm nhận Công ty mà mình đang làm việc luôn dễ dãi với những cơn nóng giận gây ảnh hưởng đến người khác, thậm chí xem nó là một phần bản sắc của Công ty. Người nóng giận thật cá tính? Lúc đó, tôi thường muốn cố gắng giữ bình tĩnh trong công việc và thận trọng. Tôi luôn nhận sai khi bản thân nóng tính nhưng một vài người xung quanh luôn khen rằng tôi cá tính và người ta sẽ để ý đến tôi, thậm chí đồng ý với điều tôi nói khi tôi phát bực và hét lên. Thực ra, một điều công bằng mà nói tôi luôn cố gắng làm việc nhiều hơn, đi sớm về khuya và tỏ ra có trách nhiệm với việc mình làm. Tôi luôn căng thẳng và ở trong tình trạng quá tải khiến bản thân rất dễ nóng nảy. Tuy nhiên, dù thế nào tôi không bao giờ nghĩ rằng sự nóng tính khẳng định được cá tính của bản thân. Điều tai hại của nó là bạn làm mất các mối quan hệ, người làm việc cùng bạn chỉ bằng mặt mà không bằng lòng với bạn và sự tổn thương sâu sắc trong lời nói không thể xóa nhòa được trong lòng người khác. Vĩnh viễn bạn mất đi sự tin tưởng khi làm người khác tổn thương, thời gian cũng không thể lấy lại được. Thời gian sau đó, tôi được làm việc ở một Công ty lớn hơn, về mảng thời trang, tôi hơi ấn tượng với văn hóa ở đây khi mọi người dường như nhẹ nhàng và lịch sự hơn. Những buổi tranh luận cũng ít nóng bỏng hơn và mọi người tôn trọng nhau hơn trong các cuộc trò chuyện. Cá tính cá nhân thông qua sự nóng nảy cũng không có cơ hội được thể hiện.
3. CUỘC HẸN CỦA NGƯỜI MỚI QUEN
Gần đây, cô bạn thân mới về nước của tôi tham gia một trang web hẹn hò khá thú vị. Và cô ấy quyết định gặp mặt một anh chàng hay ho trên website này. Tôi hơi lo lắng vì bản thân chưa từng hẹn hò qua internet và những tin xấu về các dịch vụ hẹn hò trực tuyến này thì nhan nhản trên mạng. Thế là tôi quyết định sẽ tò tò đi theo bạn mình để đề phòng bất trắc. Và cuộc hẹn lành mạnh, thú vị, lịch sự hơn tôi tưởng. Bạn tôi đã học ở nước ngoài nhiều năm, chàng trai kia cũng là một người Mỹ gốc Việt và họ đã có buổi hẹn cà phê trước khi gặp tôi (vì tôi phải đi học nên đến sau) tôi đoán lúc đó họ nói chuyện bằng tiếng Anh nhiều hơn. Tuy nhiên, sau đó vì có tôi tham gia, họ trò chuyện bằng tiếng Việt (anh chàng đó nói tiếng Việt khá tốt). Trong cuộc trò chuyện, khi chúng tôi nói về một chủ đề mà người thứ ba không biết, một trong hai người sẽ xin lỗi và giải thích cho người còn lại hiểu về tình huống câu chuyện. 2 người bạn – một người là bạn thân và một người mới quen không để tôi phải cảm thấy bối rối và bị bỏ rơi. Tôi nhận ra bản thân đã không đủ tinh tế để họ có thời gian riêng tìm hiểu nhau. Đáng lẽ tôi cần lịch sự hơn vậy dù rằng tôi đã lo lắng cho bạn mình.
Sự lịch sự đúng lúc, đúng chỗ, về việc hiểu người khác muốn gì một cách tinh tế hơn, thấu đáo hơn, bày tỏ cảm xúc một cách dễ chịu hơn sẽ giúp cho các mối quan hệ bớt rắc rối, căng thẳng và hiểu lầm. Tôi nhận ra lịch sự để thể hiện bản thân một cách tinh tế cùng một sự thẳng thắn nhẹ nhàng giúp chúng ta bắt đầu, kết nối hay kết thúc một mối quan hệ tốt và không khiến ai phải tổn thương. Có người đã dạy tôi rằng đừng vội phản ứng khi một việc bất ngờ xảy đến, hãy suy nghĩ theo 3 hướng: tích cực, tiêu cực, trung lập. Sau đó lựa chọn một quyết định ít ảnh hưởng đến người khác nhất.