Nếu có một điều ước, mình ước rằng những năm về sau, cứ mỗi dịp 20/10, mình lại rủng rỉnh tiền,
trốn đi nước ngoài mấy hôm, rồi về
trốn Việt Nam
hoặc mình sẽ lấy chồng nước ngoài rồi định cư đâu đó, để khỏi bao giờ nghe thấy cái ngày này luôn.
à mà, cũng có thể lúc lớn tuổi rồi mình lại không sợ 20/10 nữa? Vậy mình sẽ cho con gái (nếu có) cuốn gói ra nước ngoài dăm ba bữa.
Chắc mình mắc hội chứng sợ các ngày kỉ niệm, phần nhiều vì ghét cảm giác trông chờ vẩn vơ rồi thất vọng. Kèm với hiệu ứng Marketing, các từ khóa lặp lại mỗi ngày trọng đại tới gần, khiến sự trông chờ của mỗi người cũng bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn như với 20/10, phụ nữ nói chung, con gái nói riêng, dù ít dù nhiều cũng sẽ nghĩ đến viễn cảnh về hoa, quà, chúc phúc, không thì là một bữa tụ tập ra trò với bạn này bạn nọ.
Hay 20/11, những ai làm nghề giáo, hoặc kể cả là gia sư, ít nhiều cũng nghĩ những điều tương tự. Trò này trò kia tới thăm, lớp này lớp kia có giỏ hoa với túi quà. Xuống nhà dắt xe mà thầy cô kia có nhiều túi mà mình tay không có chạnh lòng không?
Rồi va-lung-tung trắng tới đen, hoa hồng với socola rải khắp ngõ ngách với trang chủ, tự nhiên ai chẳng “nghĩ”. Bạn gái, bạn trai mà không mua được cái gì cho người kia thì cũng sợ ai đó tổn thương. Thấy mình thua kém này nọ.
Mình dùng từ “nghĩ” thay cho từ “muốn” vì có thể mọi người sẽ không chấp nhận sự thật này, rằng là “tôi chưa bao giờ đòi hỏi điều đó từ giới còn lại, từ học sinh và phụ huynh. Có thì tốt mà không cũng không sao, v.v…”.
Nhưng thực tế, trong Marketing (hình như mình được C môn này) có 3 thuật ngữ miêu tả mức độ ham muốn của con người: Cần, Muốn, Yêu Cầu.
slide1.png

Đại thể thì chúng ta đều cần những thứ để duy trì sự sống, như ăn uống ngủ nghỉ. Khi ăn no mặc ấm rồi người ta sẽ nghĩ muốn “nâng cấp”, “ăn ngon mặc đẹp”.
Xã hội càng phát triển thì “Muốn” và “Yêu cầu” càng đa dạng. Đội ngũ Marketing có trách nhiệm làm mọi cách, mọi giá, đẩy những nhu cầu của chúng mình lên những ham muốn, cho tới khi nhất định phải đạt được mới yên lòng, thế là mình rơi vào bẫy, trả tiền tiêu thụ sản phẩm của họ.
maslow-5.jpg

Quay lại câu chuyện mình nản 20/10.
Đây là thời điểm mà dù trực tiếp hay gián tiếp, mình cảm thấy bản thân (và cả những người xung quanh) như con rối bị thả chơi vơi giữa bàn cờ rối ren, nơi mà các doanh nghiệp (bất kể ai buôn bán thì đúng hơn) đẩy con người vô vòng xoáy tiêu thụ hàng hóa điên cuồng của nó.
Nếu có một đợt mình bị ám ảnh việc con người sinh ra, sống, làm việc, rồi chết đi như robot, thì đợt này mình bị ám ảnh việc mỗi cá nhân bị điều khiển bởi những cá nhân/ cỗ máy khác to lớn hơn chúng.
Lý do thứ 2 (lý do chính) khiến mình muốn cuốn gói chạy lẹ trốn 20/10 vì nó gây ra những áp lực không đáng có cho những đứa đang “Búp măng non” (chả hiểu sao mình nghĩ đến hình ảnh này), “Tuổi ăn tuổi lớn”, “Con gái” (nghe bé nhỏ nhỉ), tự nhiên bị gọi là “Phụ nữ”, “Đàn bà” (nghe vĩ đại không?)
Nghĩ muốn sởn da gà, hic…
Britney Spears có bài “I am not a girl, not yet a woman” hợp hoàn cảnh phết. Cô ấy hát về tâm trạng đứa con gái giữa lưng chừng giai đoạn còn là con gái (bé bỏng) với tiền phụ nữ (to tát).
Mình nghĩ vẩn vơ đến hai khái niệm này vì dạo này các bạn lấy chồng cũng nhiều quá. Kiểu, mình vẫn nghĩ mình còn trẻ lắm, mà mấy đứa bạn đã dũng cảm tiến một bước tiến khổng lồ rồi. Rồi mình nghĩ, vậy thì nên nghĩ sao cho đúng. Là nó nhanh, hay mình chậm?
Như T ăn hỏi rồi, đang chờ cưới tầm tháng 11. Mà dạo này lại hay đăng status tâm trạng. Nó bảo có lắm vấn đề, muốn đi đâu xa một thời gian.
Nó từng tự tin với mỗi quyết định của nó lắm, còn cho rằng mình thiếu thực tế với viển vông quá. Giờ chẳng biết ai nên lo cho ai… 😦
Cứ mỗi lần thấy bạn này bạn kia cưới, rồi sinh đẻ, mình kiểu “hết hồn chim én”, kiểu bị bàng hoàng, bị sốc ấy (Chẳng biết có phải tự drama cuộc đời mình không).
Mình với Th, đôi bạn chậm tiến, vẫn trăn trở rằng, mình có sai không khi mang cảm giác “Tiếc một đời hoa” khi bạn này bạn kia cưới. Có sai không nếu nghĩ đó là dấu chấm hết “tuổi thanh xuân”?
Cảm giác như một cánh cửa mới hé chưa kịp ngó vào đã bị đóng sầm một cái, suýt kẹt cả tay.
Như bông lúa độ chín nhất, đẹp đẽ và đầy sức sống. Lúa mới vươn vai một cái đón nắng mới thì người ta cắt pheo một nhát, đứt đôi.
Mình với Th thì nghĩ, bằng đỏ tốt nghiệp còn chưa cầm trên tay đã vội kí chiếc giấy đỏ đó, công ăn việc làm chưa có, tuổi trẻ cũng chưa làm được cái gì ra hồn cho mình, cho người thân, đã cưới. Cưới rồi lại phải có trách nhiệm với người này người kia, cưới giờ là yếu thế hơn chồng, là dựa dẫm, có khi lại sắp phải làm mẹ bỉm sữa… (nói chung chúng mình hơi tiêu cực chuyện lấy chồng sớm)
Song, nay xem một cái video em bé 38 tuần đá bụng mẹ mà mình còn rùng mình. Thiêng liêng thì đúng rồi, nhưng mấy đứa lấy chồng đã sẵn sàng cho cái cuộc sống như-thế chưa? Liệu đấy có phải quyết định đúng đắn không?
Đấy, mình ghét 20/10, không phải vì bản thân nó xấu, mà vì những gì xã hội đang lợi dụng nó để làm quá lên, gây ảo giác rằng những đứa trẻ mới hôm qua còn xanh non, nay đã là “phụ nữ”. Chị em nhận hoa hôm nay coi như là phụ nữ rồi nhé, đã đủ chín chắn, cần mau cất bước sang trang mới thôi.
Nó như một cú đá đít khiến các bạn nữ giai đoạn “nửa nạc nửa mỡ” phải vội, như gà đến lứa phải xuất chuồng? Ai chưa có người yêu kiếm lẹ đi, ai muộn rồi chưa cưới chốt ngay ngay nào! Cảm giác như vậy. Vồn vã.
Chẳng phải xã hội phân biệt đối xử, hay còn tồn tại bất bình đẳng giới mà ngay câu chuyện những người xung quanh đấy thôi, cũng tri thức cao bậc đại học chứ chẳng phải miền núi, chính chúng nó chọn đứng về thế yếu, có phải không?
1964905_699072303476281_2010014922_n.jpg


Trên ảnh là bà Ninh, với câu nói nổi tiếng là “Ối giời ơi! Thế giới này đảo điên hết rồi!”. Bà hay đợi sân trường người ta lấy hết xe rồi mới xuống như mình.
Mùa hè năm đó, bà chọn lặng lẽ đi du học mà chẳng để lại liên hệ, dấu tích nào. Bà bảo muốn bắt đầu một cuộc sống mới. Như chưa từng xuất hiện ở đây, như để thoát khỏi xã hội mà chúng mình, nếu không đủ tỉnh táo, thì hàng ngày hàng giờ vẫn bị xô đẩy, méo mó. Vẫn tưởng là mình đang “sống cuộc đời chính mình”, mà chẳng hề hay biết đã bị sắp đặt ra sao.