2 lần ngã xe khiến mình nhận ra những điều gì?
Chuyện là trong tháng 4 vừa qua, chỉ vọn vẹn chưa đầy 1 tháng, mình đã bị té xe 2 lần. 1 lần vào đầu tháng và 1 lần vào gần cuối tháng....
Chuyện là trong tháng 4 vừa qua, chỉ vọn vẹn chưa đầy 1 tháng, mình đã bị té xe 2 lần. 1 lần vào đầu tháng và 1 lần vào gần cuối tháng. Một lần té về bên phải và lần sau lại ngã sang bên trái. Cũng trộm vía là trong cả 2 lần mình không bị thương quá nghiêm trọng nên vẫn còn lành lặn để có thể ngồi đây viết những dòng này.
Bản thân mình trước giờ chưa từng té xe máy, và cũng không tin vào việc mình lại có thể bị như vậy nhiều lần chỉ trong 1 tháng. Điều đó khiến mình bán tín bán nghi rằng đã tồn tại một thế lực tâm linh nào đó ám theo mình trong tháng 4 vừa rồi. Mình nghĩ về những điều không hay mình đã làm, những lời ác ý hay những suy nghĩ không tốt của bản thân để rồi lấy đó làm dấu hiệu như một nguyên nhân khiến mình phải gánh chịu việc bị té xe 2 lần.
Mình cố gắng tìm nhiều cách thức để khiến mình thoát khỏi lời nguyền của một thế lực mà mình còn chẳng rõ nó là gì, khi đó mình thật sự đã không đủ lý trí để nhìn nhận 2 vụ tai nạn một cách khách quan. Giá mà mình nghiêm túc ngẫm về nó sớm hơn thì mình sẽ có thể rút ra được nhiều điều hơn, thay vì ngồi lo lắng về nó theo hướng mê tín một cách mù quáng.
1. Mọi vấn đề đều có nguyên nhân của riêng nó
Có nguyên nhân thì mới có kết quả, trong mọi sự việc bạn sẽ luôn có thể tìm thấy một thứ gì đó đã châm ngòi nên ngọn lửa, một thứ là nguồn cơn gieo rắt nên những vấn đề.
Trong trường hợp của mình, chắc chắn sẽ chẳng tồn tại một thế lực tâm linh nào cả, cho dù có thực sự tồn tại đi chăng nữa thì đó cũng không thể là một nguyên nhân thực tế và đủ thuyết phục để gây ra 2 vụ tai nạn. Mình nhận ra một phần lỗi thuộc về bản thân, đó là do sự chủ quan, thiếu bình tĩnh của chính mình đã khiến mình điều khiển xe không tốt để rồi gây ra vụ tai nạn.
Việc nhìn nhận vấn đề một cách lý trí khiến mình hiểu được những thiếu sót trong kĩ năng cũng như trong tâm lý, đây đều là những thứ mà mình cần cải thiện hơn. Mình cần bình tĩnh và tập trung hơn khi lái xe để từ đó có thể quan sát và phán đoán các tình huống ngoài ý muốn có thể xảy ra.
Thật ra mình nghĩ một phần nguyên nhân mà mình cứ bám vào mãi những lý do tâm linh để giải thích cho vụ việc cũng một phần là mình không thật sự đủ dũng cảm để thừa nhận lỗi lầm của bản thân. Mình sợ sẽ bị người khác la mắng hay có những định kiến không tốt nếu chấp nhận phần lỗi thuộc về chính mình. Tuy nhiên, giờ đây, mình không cần ngại những điều đó nữa. Cái nào mình làm sai, hay chưa tốt thì phải nhận, không được cãi, có như thế mình mới có thể thay đổi theo một hướng tích cực hơn.
2. Lòng tốt không phải lúc nào cũng đi kèm với hành động
Trong lần té thứ 2, mình đã ngã ở giữa ngã 3 đường, và khi đấy chân của mình bị kẹt ở dưới xe nên không thể đứng dậy được. Mình đã thử cố nhích người nhưng không thật sự hiệu quả. Vậy nên chỉ còn biết chờ người đến giúp.
Mình nghĩ cũng phải mất gần 1 phút thì mới có người đến đỡ mình dậy, trong thời gian chờ đợi mình đã thật sự hoảng vì không biết lỡ có xe lớn không chú ý lúc đi qua thì mình sẽ bị cán bẹp mất. Mình nằm dưới đường giữa trưa và thật sự buồn vì không ai đến đỡ mình ngay lúc mình té.
Cũng may mình được một bạn sinh viên khác đến đỡ mình dậy, điều đáng buồn là lúc mình ngồi dậy thì mình có thấy ở phía đối diện của mình có một chú đang ngồi trước nhà, chú nhìn mình, mình nhìn chú, chú nhìn rất lâu rồi nhưng hình như chú đã không có ý định giúp mình. Lúc đấy mình thật sự mong chú có thể đến giúp mình đỡ xe và dắt vào lề, nhưng chú vẫn ngồi đấy và chỉ nhìn mình mà thôi.
Mình nghĩ mình đã cố gắng thể hiện qua ánh mặt một sự khẩn cầu rằng "Xin hãy giúp con", thế nhưng tất cả những gì mình nhận lại được chỉ là sự im lặng và không hành động. Mình lủi thui, từng bước tập tễnh dắt xe vào lề. Lúc đấy mình tủi thân dã man. Mình cũng có phần giận và trách chú đấy sao lại có thể vô tâm như thế.
Nhưng giờ đây khi ngẫm lại, mình mới nhận ra có lòng tốt thôi chưa đủ, đôi khi bạn cần nhiều hơn thế để có thể thực sự sẵn lòng giúp một ai đó. Có thể khi đó chú ấy đã có phần lo lắng cho mình nên mới nhìn mình lâu như thế nhưng mà bấy nhiều cũng chưa thể khiến chú ấy sẵn sàng bước ra đường để giúp 1 người lạ giữa cái tiết trời oi ả thế này.
Mình cũng chẳng vì thế mà buồn lòng, vì có thể không chỉ riêng chú đấy mà nhiều người xung quanh mình lúc đó cũng đã thấy nhưng cũng chẳng giúp đỡ mình. Chẳng qua là mình không thấy được tất cả, không thể vì chú ý là người duy nhất mình quan sát thấy được trước mặt mà trách chú ý vô tâm được.
Một phần điều này xảy ra cũng bởi vì con người chúng ta dễ bị rơi vào tâm lý nghĩ rằng "sẽ luôn có một ai đó hành động nên mình không cần phải làm thế'. Điều này có nghĩa là khi bạn chứng kiến một vụ tai nạn, một vụ cướp hay một vụ ẩu đả nơi công cộng, bạn không ngay lập tức xông vào can thiệp, một phần vì trong đầu ta khi đấy sẽ tự lập trình nên suy nghĩ rằng "rồi sẽ có một ai đó đứng ra giải quyết thôi, không cần tới lượt mình", tư duy đó đã khiến chúng ta thật sự bị chùng bước. Bản thân mình cũng đã từng có suy nghĩ như thế, mình luôn quan tâm và chú ý đến những sự việc xung quanh, nhưng đến khi có những tai nạn phát sinh, mình cần suy xét rất nhiều để có thể dám ra tay hành động.
Thế nhưng khi trải qua sự việc trên, mình chợt nhận ra, nếu lỡ khi chứng kiến vụ tai nạn, trong một đám đông mà tất cả đều giữ cái suy nghĩ trên thì ai mới là người đứng ra hành động? Ai sẽ là người sẵn sàng giúp đỡ? Nếu ai cũng ỷ lại vào người khác thì xã hội này sẽ dần mất đi những khái niệm về "người tốt", "người xấu" mà chỉ còn những con người không cảm xúc tương tác với nhau mà thôi.
Vậy nên mới nói, có lòng tốt thôi chưa đủ, lòng tốt ấy cần phải được thể hiện dưới dạng hành động thực tế. Có như thế, vấn đề mới thật sự được giải quyết. Đừng để lòng tốt của bạn cứ được nấu mãi trong nồi hấp, nếu nó đã đủ chín rồi thì hãy để người khác thấy và thưởng thức được nó. Nếu cứ mãi nấu lâu như vậy, rồi có ngày nó cũng sẽ bị nhừ và bỡ ra thôi.
Mình cũng nhận ra rằng nếu không hy vọng thì sẽ không thất vọng, đôi khi hãy học cách giảm bớt việc đặt những mong đợi, đòi hỏi quá nhiều, đặc biệt nếu những mong muốn đó lại áp lên người khác thì đó lại là một kỳ vọng vô hình cho họ. Trong nhiều trường hợp, sẽ không ai đứng ra giúp bạn cả đâu. Bạn sẽ buộc phải là người tự cứu lấy mình trước mà thôi.
3. Khát khao được yêu thương là nhu cầu hết sức bình thường của mỗi cá nhân
Bản thân mình từ bé không được học cách đòi hỏi tình yêu thương, mình không phải là đứa trẻ luôn đu bám ba mẹ với mong muốn nhận được sự quan tâm hay chú ý. Mình dường như luôn tự xoay sở mọi thứ một mình và rồi không biết tự bao giờ mình luôn mặc định nếu bản thân mong muốn sự quan tâm từ ai đó, thì đấy chính là biểu hiện của sự yếu đuối.
Thế nhưng, trong cả 2 lần té xe, tâm lý đầu tiên của mình trải qua là mong muốn được ai đó giúp đỡ, hỏi han và quan tâm. Khi không được hồi đáp thì mình tủi thân như một đứa trẻ thiếu tình thương. Cả 2 lần sau khi bị tai nạn, mình đều khóc lóc thút thít đằng sau lớp khẩu trang và cố chạy thật nhanh để về với anh trai. Mình muốn về phòng ngay lập tức để kể với anh, gọi cho ba mẹ để nói với họ rằng mình thấy đau và mình đã sợ như thế nào. Để rồi họ có thể nghe thấy và an ủi lấy mình.
Trong lần té đầu tiên, mình đã không nói với ba mẹ vì mình thật sự sợ họ sẽ lo lắng. Cũng bởi một phần vì cái tâm lý tự làm, tự chịu rồi tự gánh của mình khiến mình không muốn bộc lộ sự yếu đuối đó với ba mẹ.
Nhưng rồi đến lần thứ 2, khi sự tủi thân trong lòng mình dâng lên, mình thật sự muốn nói với ba mẹ. Mình còn nhớ, lúc trưa sau khi bị tai nạn, mình đã cố gắng bình tĩnh để nhắn báo với mẹ là mình không sao, dù mình thật sự rất đau. Tuy nhiên mãi đến tối, mẹ mới nhắn lại hỏi mình thế nào, mình thật sự rất buồn về điều đó, mình đã nghĩ mẹ sẽ phải lo lắng và gọi cho mình ngay. Nhưng mà mẹ chỉ đơn giản nhắn lại vài câu thôi. Thậm chí câu nói đầu tiên mẹ nói với mình không phải là hỏi về vụ tai nạn mà lại là một vấn đề khác.
Mình thật sự đã rất buồn và thất vọng khi nghe thấy điều đó, vì mình muốn được quan tâm nhiều hơn. Nhưng mình cũng không vì thế mà trách mẹ, Mình không thể lúc nào cũng là một đứa trẻ đòi hỏi sự quan tâm một cách trẻ con mãi được. Mẹ có những việc bận riêng, một phần khác cũng vì mẹ tin tưởng mình và cũng phần nào quen với việc mình luôn tự xoay sở để vượt qua các tình huống như thế.
Tuy nhiên, mình nhận ra rằng đâu đấy bên trong mình, đứa trẻ mỏng manh ấy vẫn đang ẩn nấu ở một góc, nó thỉnh thoảng và vẫn chờ dịp để bộc lộ khát khao được yêu thương. Mình hiểu được rằng nhu cầu được yêu thương, được quan tâm từ lâu đã luôn là một trong những nhu cầu sẵn có của bất kỳ cá nhân nào. Vậy nên, thể hiện mong muốn được quan tâm chẳng phải là biểu hiện của sự yếu đuối hay trẻ con gì cả.
Chỉ là mình nhận ra, mình cần học lại cách để thể hiện khát khao được yêu thương ấy, tức là không cần lúc nào cũng phải giấu nhẹm đi cái khát khao chính đáng đó. Thỉnh thoảng cho phép bản thân được những người quý mến mình thể hiện tình cảm với chúng ta thì không có gì là sai hay xấu hổ cả. Chỉ là đừng quá phụ thuộc vào họ để được yêu thương, đôi khi hãy học cách chủ động yêu lấy chính bản thân mình trước.
Mình nhận ra điều này là khi mình kể với 1 người bạn của mình sau lần bị tai nạn thứ 2 về việc mình đã phải hãm phanh gấp để tránh tung vào một chú khác đang chạy rất nhanh. Lúc đấy mình có nói vui với bạn ấy là mình đã phải liều mình để cứu chú ấy. Nhưng mà bạn ấy thì lại nghiêm túc bảo với mình rằng nếu mình cứ nghĩ cho người khác, cứ lo cho người khác thì ai sẽ quan tâm lấy mình, mình phải học cách yêu thương chính mình trước rồi mới có thể lo lắng cho người khác. Và chính câu nói ấy đã khiến mình thật sự trăn trở khá nhiều, mình nhận ra rằng nghĩ cho bản thân hay yêu thương lấy mình chả phải là ích kỷ hay xấu xa gì cả. Bởi lẽ, chỉ có ta mới ở đời với ta mãi thôi, mình còn sống thì ta cũng còn sống, vậy nên nếu mình không thương lấy mình thì ai sẽ thương lấy ta? Nhỉ ^^?
Cảm ơn mọi người đã đọc ạ. Chúc mọi người sẽ chạy xe thật an toàn chứ không xà lơ ngu ngok như mình :<
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất