Đối với mình, một cuốn sách không phải để đọc một lần, mà phải để đọc nhiều lần. Vì sau mỗi lần đọc, nhận thức tăng lên thì mình lại càng hiểu thêm những giá trị (thứ mà trước đó không biết hoặc chưa hiểu).
Có những cuốn sách chỉ tồn tại một thời gian ngắn vì xu hướng thị trường, hay còn gọi là bắt theo trend của xã hội. Nhưng có những cuốn sách, mà những nội dung trong đó trường tồn với thời gian, nôm na có thể coi đó là “chân lý”. Có những cuốn sách chỉ bán vài trăm, vài ngàn cuốn - gọi là loé lên như một tia lửa nhỏ xong rồi vụt tắt trong đêm tối. Cũng có những cuốn sách vừa xuất bản đã đứng top, thành best seller trên toàn thế giới.
Có có những cuốn đọc xong gấp lại chả hiểu gì cả. NHƯNG cũng có những cuốn khiến người ta đọc không ngừng, ghi chép không ngừng và sau khi gấp lại là một bầu trời suy nghĩ.
Hôm nay mình muốn giới thiệu cho mọi người một cuốn sách đã trở thành bestseller trong thời gian ngắn với 3 triệu bản được bán. Trong cái thời đại mà có nhiều thứ thú vị hơn là ngồi một chỗ để đọc một cuốn sách dày gần 500 trang.
Cuốn sách là có tên là "12 quy luật cuộc đời. Thần dược cho cuộc sống hiện đại" của Jordan B. Peterson (JP). Theo nhận định của mình thì cuốn sách này dành cho tất cả mọi người, bao gồm những ai đang cảm thấy lênh đênh trong cuộc sống, những ai đang không hài lòng với thực tại, những ai đang sống trong áp lực và dồn nén mỗi ngày. Và những ai đang cảm thấy rằng ... mình không hạnh phúc. Vì đây là "Một liều thuốc xịn chữa khỏi sự hỗn loạn của chúng ta trong hiện tại"
Nói một chút về tác giả, Jordan B Peterson là một nhà tâm lý học đồng thời là một nhà tư tưởng xuất chúng, một học giả uyên bác. Ông tốt nghiệp ở Đại học Alberta, rồi sau đó làm tiến sĩ ở Đại học McGill, trước cuốn sách này Peterson đã dành 13 năm để viết cuốn sách chuyên môn về tâm lý học chuyên ngành của ông với tựa đề " Maps of Meaning: The Architecture of Belief" (tạm dịch: Những tấm bản đồ ý nghĩa: Kiến trúc của niềm tin), xuất bản năm 1999 nhưng không được phổ biến lắm vì tính học thuật trong cuốn sách (nôm na là đọc khó hiểu). Tuy nhiên, sau khi viết cuốn thứ 2 (cuốn mà Kinh Hoàng giới thiệu) thì lại đem lại sự bùng nổ dữ dội.
Cuốn sách được lấy cảm hứng từ một câu hỏi trên Quora (là một trang web mà ai cũng có thể đặt câu hỏi và ai cũng có thể trả lời), có câu hỏi là "What are the most valuable things everyone should know?" Những điều quý giá nhất mà mỗi người nên biết. Peterson đã trả lời một danh sách 40 điều và đó liền trở thành một trong những câu trả lời được xem và chia sẻ nhiều nhất trong lịch sử Quora lúc đó.
Peterson không chỉ viết về những quy luật, mà còn viết về việc làm sao để thực hiện những điều đó bằng những ví dụ, những dữ kiện gần gũi nhất, thực tế nhất. Áp dụng từ tâm lý, cho tới tôn giáo, và kể cả những câu chuyện đời thường để trả lời cho những câu hỏi, từ sâu thẳm bên trong thâm tâm mỗi chúng ta.
12 quy luật là những giải pháp giúp chúng ta thoát khỏi những hỗn loạn (chaos) trong cuộc sống. Vì hiện nay, chúng ta phải đối mặt với biết bao nhiêu điều xảy ra mỗi ngày, mỗi phút giây: chiến tranh, khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh,... thì việc giữ cho mình một tinh thần lạc quan, tích cực là điều vô cùng cần thiết. Nhưng bạn biết không, đằng sau 12 quy luật này - là ẩn chứa nhiều các quy luật khác (một số điều có trong danh sách 40 điều quý giá ở trên).
Khi hiểu nhưng quy luật rồi, ta sẽ nắm được phần nào cách vận hành xã hội, diễn biến của tâm lý mỗi chúng ta và tại sao ta lại làm điều đó, để hiểu và sống tốt hơn, chấp nhận những điều xảy đến, từ đó tập trung vào những thứ có ý nghĩa. Cũng giống như Kinh Hoàng đã từng viết - trong cuộc sống này có những thứ có thể kiếm soát được và không thể kiểm soát được. Hiểu điều đó rồi ta sẽ giảm những cảm xúc tiêu cực, giảm sự đau khổ khi không may những điều đó xảy ra với chúng ta.
Nếu bạn có hứng thú đọc cuốn sách này, mình mong bạn hãy gác bỏ lại hết định kiến, tôn giáo, những tư duy kìm kẹp bấy lâu nay - để thoải mái sống thật với chính bản thân mình.
Mỗi cuốn sách đều cần thời gian để đọc, áp dụng và ngẫm nghĩ. Những thông tin trong sách có cái sẽ hiểu được - nhưng mà hiểu ở mức độ nào thì phải tuỳ thuộc vào nhận thức mỗi người. Mỗi người đọc sẽ có những nhận định, hiểu biết khác nhau. Hy vọng những điều mà mình nói sẽ góp vào phần nào một trong những góc nhìn mà mọi người có thể tham khảo.
Đọc và nắm đại ý, đừng quá coi trọng tiểu tiết, thấy hay thì nghe theo, không thấy phù hợp thì thôi coi như tham khảo, thêm góc nhìn, thêm kiến thức. Vắng mợ thì chợ vẫn đông, bạn không đọc - tác giả mất vài chục ngàn, nhưng có thể bạn lỡ mất một có hội đọc một cuốn sách người ta dành kiến thức cả đời để viết.
Không có cuốn sách nào là chân lý, sách - chỉ là một công cụ truyền đạt thông tin, những cái trong đó là kiến thức của người ta. Đừng hy vọng chỉ đọc xong sẽ thành của mình, không có đâu. Chỉ khi bạn áp dụng, bạn làm, bạn thực hiện, bạn thay đổi, bạn hiểu vấn đề - thì lúc đó đó mới chính là của bạn.
Vì bài khá dài, nên mình sẽ trích dẫn một số ý chính mà mình đã đúc kết được:

1. Thế giới là một nơi kinh khủng chứa đầy đau khổ. Nếu bạn không phải chịu đau khổ, thì có thể một người mà bạn biết đang chịu đựng nó.

Việc đau khổ xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng một trong số đó là việc so sánh bản thân với người khác (quy luật 4: Hãy so sánh bản thân với chính bạn ngày hôm qua, chứ không phải người khác ngày hôm nay). Hãy cẩn thận với điều ấy, vì khi trưởng thành, bạn sẽ là một cá thể độc nhất. Bạn có những suy nghĩ, nhận định cho riêng mình. Bạn có cuộc đời của riêng bạn và là người chịu trách nhiệm cho những gì bạn đang làm. Đừng đánh giá quá cao những gì mình không có, và hạ thấp những gì mình đang có. Hãy biết ơn những gì mình đang sở hữu, nhiều khi, có những thứ mà bạn có người khác không có. Có thể anh A giàu, thành tựu hơn bạn đấy - nhưng sự giàu có đó là do người khác mang lại, đổi lại anh ta phải nghe lời, phụ thuộc cả đời. Anh ta thèm khát sự tự do như bạn. Vậy thì, ai mới là người hạnh phúc hơn?

2. Bạn xứng đáng được quan tâm và tôn trọng, hơn bất cứ ai trên thế giới này. Hãy đối xử tốt, quan tâm bản thân mình cũng giống như cách mà bạn quan tâm chăm sóc với một ai đó mà bạn yêu mến và quý trọng.

Đừng biện minh cho việc thức khuya làm việc liên tục để “cống hiến cho công ty", hay là vì lấy lòng ông A ông B mà phải nhậu thâu đêm suốt sáng, thử hỏi - có cái gì quan trọng hơn sức khoẻ và bản thân bạn. Lý tưởng ư, ước mơ ư - nó chẳng có ý nghĩa gì khi bạn nằm trên giường bệnh, hoặc thậm chí đột tử khi đang làm việc, hay tự tử vì quá áp lực trong công việc, học tập. (Đó là quy luật 2: Hãy đối xử với chính mình như thể chính bạn là người có trách nhiệm phải giúp đỡ.)

3. Nếu bạn muốn thế giới tốt đẹp hơn, hãy bắt đầu với chính mình. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người tự hoàn thiện mình.

Hãy đặt ngôi nhà bạn trong một trật tự hoàn hảo trước khi chỉ trích thế giới. Các cụ đã nói Tề Gia - Trị Quốc - Bình Thiên hạ, khi gia đình đang mấp mé, đang đổ vỡ, thì sao mà cai quản đất nước được. Nhiều người nói rằng, đó là sự hi sinh (hi sinh vì nghiệp lớn), nhưng cái thứ nhỏ bé còn không kiểm soát được, thì làm sao mà lo chuyện lớn. Cũng giống như việc nấu ăn, nấu cho gia đình còn chưa ăn thua đâu mà đặt mục tiêu mở nhà hàng - cái đó là sự ảo tưởng. Nếu bạn không thể mang lại bình yên cho ngôi nhà của chính mình thì làm sao bạn có thể cai quản một thành phố? (Quy luật 6)

4. Tương lai rồi sẽ trở thành quá khứ, ngày mai rồi sẽ trở thành hôm nay và hôm qua.

Ta không thay đổi dược quá khứ, nhưng có thể thay đổi hiện tại để khiến tương lai tốt đẹp hơn. Có thể nhiều thứ trong cuộc sống này đã che mắt bạn. Giống như việc hăng say tập trung cho công việc, sự nghiệp nhưng lại quên đi những điều quan trọng, có ý nghĩa. Chỉ khi gặp một sự cố nào đó, con đường phía trước bạn bị khép lại tạm thời, lúc đó mới nhận ra rằng, xung quanh mình không chỉ có con đường phía trước mà còn gia đình bạn bè, cuộc sống thường ngày. Những người đi xe đạp, sẽ nhìn được nhiều hơn người đi xe máy, băng qua một con đèo sẽ thấy cảnh đẹp nhiều hơn là chui qua hầm. Hãy chậm lại, vì niềm vui không chỉ ở đích đến, mà nó còn có ở quá trình bạn đi. (Quy luật 7: Theo đuổi những điều ý nghĩa (chứ không phải có lợi)).
.... và còn nhiều điều nữa.