100 bài hát Việt hay nhất thế kỷ 20
Khi tôi thử lập một danh mục 100 bài hát hay nhất Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, tôi gặp phải nhiều khó khăn về mặt lý luận. Trước...
Khi tôi thử lập một danh mục 100 bài hát hay nhất Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, tôi gặp phải nhiều khó khăn về mặt lý luận. Trước hết, thế nào mới là “hay”? Ngoài khái niệm “hay”, người ta còn có khái niệm “quan trọng”. Tôi không rõ đã có lý thuyết gia nào làm rõ sự khác biệt giữa chúng hay chưa, nhưng tôi nhớ có một đoạn phim thú vị trong The Young Pope, khi Lenny Belardo nói với marketing director của Vatican: Nhà văn quan trọng nhất là Salinger, không phải Philip Roth. Đạo diễn quan trọng nhất là Kubrick, không phải Spielberg. Nghệ sĩ đương đại quan trọng nhất là Banksy, không phải Jeff Koons hay Marina Abramovic. Ban nhạc điện tử quan trọng nhất là Daft Punk. Đó là những nhân vật “đã khơi dậy quá nhiều sự tò mò bệnh hoạn đến mức họ trở thành những người quan trọng nhất”.
Ngoài “hay” và “quan trọng”, còn có khái niệm “lớn”. Thế nào là một bài hát “lớn”? Có thể thử đặt ra một liên hệ tương đồng: thế nào là một nhân vật lớn? “Lớn” thì hiển nhiên sẽ “quan trọng”, nhưng không nhất thiết phải là “tốt”. Ví dụ Hitler hay Mao đều là nhân vật lớn, nhưng không “tốt”. Các bài hát tôi chọn không tuyệt đối tuân thủ một hệ thống tiêu chí nào, nên vẫn còn đó một tính từ bỏ ngỏ trong cụm “100 bài hát … nhất”.
The Rolling Stones, khi lập danh mục “greatest songs" có cân nhắc đến nhiều tiêu chí như tác động xã hội, sự cách tân về âm nhạc, chiều sâu lời bài hát, sức sống lâu dài, hoặc ý nghĩa quan trọng với riêng sự nghiệp của người nghệ sĩ. Họ cũng có xem xét đến ảnh hưởng của bài hát lên những nghệ sĩ khác. Mặc dù vậy, danh sách đó vẫn sẽ không làm vừa ý toàn bộ người đọc, bao gồm cả những chuyên gia về âm nhạc lẫn những độc giả phổ thông. Và chắc chắn, họ vẫn sẽ bỏ sót một nghệ sĩ nào đó, một bài hát nào đó. Nên một nội dung kiểu top 10, top 50, top 100 đều chỉ có tính chất gợi mở để đào sâu hơn và thảo luận thêm.
Một vướng mắc khác với tôi là ở chỗ khu biệt khái niệm “bài hát". Âm nhạc thì phong phú, và có những loại hình âm nhạc không lời, nên mặc dù có những soạn giả rất xuất chúng, như Tôn Thất Tiết hay Nguyễn Thiện Đạo, tôi sẽ không đề cập đến. Dẫu vậy, lại có một số tồn tại khá đặc biệt.
Chẳng hạn trường hợp bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu. Một số người vẫn hay xem sự kiện Nguyễn Văn Tuyên diễn thuyết về âm nhạc cải cách ở Trung và Bắc Kỳ làm thời điểm ra đời của tân nhạc, nhưng sự thực là ở Nam Kỳ, dòng chảy âm nhạc vẫn liên tục. Cao Văn Lầu khi viết Dạ cổ hoài lang chắc chắn chịu ảnh hưởng của âm nhạc của các thế hệ trước ông, và cũng sau ông, dòng chảy đó tiếp tục với các làn điệu vọng cổ, cải lương Nam Bộ, và sau này gây ảnh hưởng lên các tác phẩm của nhạc sĩ Bắc Sơn, chứ không hẳn là có sự tách bạch thành các cột mốc như cách nhìn nhận về lịch sử âm nhạc của Phạm Duy. Và cách người ta viết nhạc cũng là một thực hành tương đối khác, cùng là một bản đàn Vọng Kim Lang, nhưng người ta viết lời khác nhau mỗi lần trình diễn, vậy thì có tính đó là những bài hát? Rồi những tác phẩm cải lương do Trần Hữu Trang biên soạn, có tính là bài hát nên đưa vào danh mục này? Thật sự khó nghĩ.
Điều này làm tôi nhớ đến trường hợp ra đời của văn học chữ quốc ngữ, người ta vẫn hay nói Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên, nhưng thực chất từ thế kỷ 19, một nhân vật ở Bà Rịa - Vũng Tàu là ông Nguyễn Trọng Quản đã viết tiểu thuyết rồi, và nhất là Hồ Biểu Chánh với sức sáng tác rất sung mãn liên tục cho ra đời các bộ truyện về đời sống con người ở Nam Bộ từ cả trước và sau thời điểm Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm. Dù một người ở Kiên Giang là Đông Hồ có chê Hồ Biểu Chánh viết văn không hoa mỹ, không đạt được sự tinh tế tài hoa như đường lối của Nguyễn Du, nhưng Hồ Hữu Tường, một người mà phong cách sáng tác cũng có vài phần giống Hồ Biểu Chánh, vẫn ghi nhận văn của Hồ Biểu Chánh có một sức sống riêng. Vậy vốn dĩ đã có những “vùng lãnh thổ” nghệ thuật tự thân tồn tại mà không cần đến bất kỳ một ghi nhận nào của chúng ta.
Nếu suy rộng ra, ta sẽ thấy những bài hát ở Tây Nguyên của người dân tộc thiểu số còn xứng đáng được ghi nhận hơn là những bài hát của Nguyễn Cường, những bài hát của người Thượng có tính đại diện cao hơn bài hát Chiều lên bản Thượng của Lê Dinh, và những bài hát của người Thái có tính đại diện cao hơn bài hát Chiếc khăn Piêu của Doãn Nho. Và một bản quan họ đích thực sẽ có ý nghĩa hơn Làng quan họ quê tôi của Nguyễn Trọng Tạo, hay một bản ca trù đích thực sẽ có ý nghĩa hơn Một nét ca trù ngày xuân của Nguyễn Cường, phải vậy không?
Một trường hợp khác là các bản nhạc ngoại lời Việt, một trào lưu của thập niên 90. Liệu ta có thể xem các bài hát mà Lữ Liên viết lời Việt như Đôi bờ, Bến vắng hay Lạc mất mùa xuân, cũng như Phạm Duy viết lời việt cho Giàn thiên lý đã xa, Ngọc Tân hát Người yêu dấu ơi hay Ngọc Lan hát các bản lời Việt của Mayumi Itsuwa có tính vào không?
Bỏ qua tất cả các trường hợp trên, tôi vẫn phải thừa nhận rằng tôi không thể biết hết mọi tác giả, mọi bài hát trong toàn bộ thế kỷ 20 để có thể đưa ra một danh sách triệt để nhất. Dẫu vậy, có một điều tôi đã làm được trong danh mục dưới đây, đó là đưa vào cùng lúc hai “con đường” rất đối nghịch nhau, như là đồng thời có cả Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng và Sài Gòn ơi vĩnh biệt của Nam Lộc, vừa có cả Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận vừa có cả Tình lỡ của Thanh Bình. Và tôi nghĩ đó là cái cần thiết nhất, quan trọng nhất mà thế hệ này phải hiểu: Sẽ không có một Việt Nam trọn vẹn của thế kỷ 20 nếu thiếu bất kỳ một nửa nào.
Dưới đây là danh mục 100 bài hát do tôi chọn lọc, được sắp xếp theo thứ tự năm sáng tác:
Dạ cổ hoài lang (1919) - Cao Văn Lầu
Biệt ly (1939) - Dzoãn Mẫn
Đêm đông (1939) - Nguyễn Văn Thương
Tiếng gọi thanh niên (1939) - Lưu Hữu Phước
Con thuyền không bến (1941) - Đặng Thế Phong
Thiên thai (1941) - Văn Cao
Hồn tử sĩ (1942) - Lưu Hữu Phước
Trở về (1944) - Châu Kỳ
Tiến quân ca (1944) - Văn Cao
Trường ca Hòn Vọng Phu (1946) - Lê Thương
Tạ từ (1947) - Tô Vũ
Trường ca Sông Lô (1947) - Văn Cao
Bên cầu biên giới (1947) - Phạm Duy
Sơn nữ ca (1948) - Trần Hoàn
Ai về sông Tương (1949) - Văn Giảng
Dư âm (1950) - Nguyễn Văn Tý
Đêm tàn bến Ngự (1951) - Dương Thiệu Tước
Tình ca (1952) - Phạm Duy
Hướng về Hà Nội (1953) - Hoàng Dương
Thuyền viễn xứ (1953) - Phạm Duy
Chiến thắng Điện Biên (1954) - Đỗ Nhuận
Trường ca Hội trùng dương (1954) - Phạm Đình Chương
Nỗi lòng người đi (1954) - Anh Bằng
Tình lỡ (1956) - Thanh Bình
Câu hò bên bờ Hiền Lương (1956) - Hoàng Hiệp
Chuyến đò vĩ tuyến (1956) - Lam Phương
Tình ca (1956) - Hoàng Việt
Tìm nhau (1957) - Phạm Duy
Hương xưa (1957) - Cung Tiến
Nhớ bến Đà giang (1958) - Văn Phụng
Bài ca hy vọng (1958) - Văn Ký
Chiều mưa biên giới (1959) - Nguyễn Văn Đông
Những đồi hoa sim (1960) - Dzũng Chinh
Mùa thu không trở lại (1960) - Phạm Trọng Cầu
Tình em (1962) - Huy Du
Tàu đêm năm cũ (1962) - Trúc Phương
Chuyến tàu hoàng hôn (1962) - Minh Kỳ và Hoài Linh
Bài không tên số 8 (1962) - Vũ Thành An
Chiếc lá cuối cùng (1962) - Tuấn Khanh
Cánh thiệp đầu xuân (1963) - Minh Kỳ và Lê Dinh
Ngàn thu áo tím (1963) - Hoàng Trọng
Quảng Bình quê ta ơi (1964) - Hoàng Vân
Câu chuyện đầu năm (1964) - Hoài An
Trên bốn vùng chiến thuật (1964 - 1970) - Trúc Phương
Gia tài của mẹ (1965) - Trịnh Công Sơn
Tám điệp khúc (1965) - Anh Việt Thu
Ảo ảnh (1965) - Y Vân
Hai vì sao lạc (1966) - Anh Việt Thu
Để trả lời một câu hỏi (1966) - Trúc Phương
Một chuyến bay đêm (1966) - Song Ngọc và Hoài Linh
Cô gái mở đường (1966) - Xuân Giao
Mùa sao sáng (1967) - Nguyễn Văn Đông
Con đường xưa em đi (1967) - Châu Kỳ và Hồ Đình Phương
Đường chúng ta đi (1968) - Huy Du
Tự nguyện (1968) - Trương Quốc Khánh
Đưa em vào hạ (1968) - Trầm Tử Thiêng
Chia tay hoàng hôn (1968) - Thuận Yến
Rừng lá thấp (1968) - Trần Thiện Thanh
Chuyện một chiếc cầu đã gãy (1968) - Trầm Tử Thiêng
Chuyện một đêm (1968) - Anh Bằng
Ta thấy gì đêm nay? (1968) - Trịnh Công Sơn
Vũng lầy của chúng ta (1968) - Lê Uyên Phương
Sang Ngang (1969) - Đỗ Lễ
Xuân này con không về (1969) - Trịnh Lâm Ngân
Kỷ vật cho em (1970) - Phạm Duy
Mộng chiều xuân (1970) - Ngọc Bích
Nửa hồn thương đau (1970) - Phạm Đình Chương
Qua cơn mê (1971) - Nhật Ngân
Ngày xưa Hoàng Thị (1971) - Phạm Duy
Người tình không chân dung (1971) - Hoàng Trọng
Người về (1972) - Phạm Duy
Kinh khổ (1973) - Trầm Tử Thiêng
Còn thương rau đắng mọc sau hè (1974) - Bắc Sơn
Giọt nước mắt ngà (trước 1975) - Ngô Thuỵ Miên
Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (1975) - Xuân Hồng
Sài Gòn ơi vĩnh biệt (1975) - Nam Lộc
Mùa xuân đầu tiên (1976) - Văn Cao
Làng quan họ quê tôi (1978) - Nguyễn Trọng Tạo
Chiều trên bến cảng (1978) - Nguyễn Đức Toàn
Hoa sữa (1978) - Hồng Đăng
Nơi đảo xa (1979) - Thế Song
Đêm chôn dầu vượt biển (1980) - Châu Đình An
Ca dao em và tôi (1980) - An Thuyên
Bài ca không quên (1981) - Phạm Minh Tuấn
Vết chân tròn trên cát (1981) - Trần Tiến
Thành phố trẻ (1981) - Trần Tiến
Nhớ về Hà Nội (1982) - Hoàng Hiệp
Mặt trời bé con (1982) - Trần Tiến
Đêm nhớ về Sài Gòn (1983) - Trầm Tử Thiêng
Chiều Tây Đô (1984) - Lam Phương
Đêm thành phố đầy sao (1984) - Trần Long Ẩn
Em ơi Hà Nội phố (1986) - Phú Quang
Ở hai đầu nỗi nhớ (1987) - Phan Huỳnh Điểu
Em muốn sống bên anh trọn đời (1989) - Nguyễn Cường
Tiếng hát chim đa đa (1993) - Võ Đông Điền
Trên đỉnh phù vân (1995) - Phó Đức Phương
Cơn mưa hạ (1990s) - Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng
Cô đơn (1990s) - Nguyễn Ánh 9
Tự tình (1990s) - Ngọc Đại
Những bàn chân lặng lẽ (1999) - Vũ Thảo
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất