- Mày không thích nhạc Trịnh Công Sơn à?
- Thích chứ, nếu do Phạm Duy viết và Thái Thanh ca.
Câu đùa đó của Nguyễn Đăng Thường nói lên chính xác cái mâu thuẫn của nhiều người nghe nhạc Trịnh, trong đó có tôi. Trịnh Công Sơn làm tôi phải tự hỏi: Liệu có thể tiếp tục thích những bài hát được viết ra bởi một tư cách tầm thường hay không?
Tất cả những ai bảo rằng "Trịnh Công Sơn không quan tâm đến chính trị" chắc chắn đều chưa đọc một bài viết vô cùng quan trọng của Trịnh Cung vào ngày 29/3/2009.
Bài viết đó quan trọng vì nó là một wrecking ball, một quả văng lớn nhất đập tan cái tượng đài Trịnh Công Sơn được nhàu nặn, tô vẽ bởi quá nhiều người. Cần phải thôi yếu đuối đi, dám chấp nhận sự khó chịu của cognitive dissonance khi nhìn vào cái vô tri của chính mình, để biết rằng, không có lý do gì một người tự nhận chỉ là "con chim nhỏ hót chơi trên đầu ngọn lau" không thể là một kẻ tầm thường, hèn kém.
Tôi đồ rằng, ngay trong khi còn sống, sở dĩ Trịnh Công Sơn đắm chìm trong rượu và phụ nữ là bởi vì ông ta sợ tỉnh táo. Vì khi tỉnh táo, chắc chắn ông ấy sẽ tự thấy mặc cảm với những người quốc gia đã cưu mang ông - những người mà, đúng như Đặng Tiến nói, không có họ thì không thể có Trịnh Công Sơn. Đồng thời, ông Sơn cũng sẽ mặc cảm với những người cộng sản, vì ông đã xúc phạm cuộc trường kỳ kháng chiến giải phóng miền Nam khi gọi đó là "hai mươi năm nội chiến từng ngày", gọi họ là "đàn bò vào thành phố", hay thậm chí còn tra vấn họ "anh nhân danh ai". Trịnh Công Sơn có bao giờ nói rõ "một bọn lai căng", "một lũ bội tình" là ai không?
Trịnh Công Sơn có thể không quan tâm chính trị, không có năng lực chính trị, nhưng ông ta rõ là có những phen tưởng bở về chính trị, chủ yếu để tìm chút danh vị và ân sủng để sống tiếp cuộc đời "mỗi ngày tôi nhậu một lần thôi, từ sớm tinh mơ cho đến chiều tà" mà không phải đi tù.
Luận về tư cách, đem so với một nhân vật khác, tác giả của Thơ ở đâu xa, người ở trong tù mà vẫn viết được Vang vang trời vào xuân, thì dùng những từ như "tầm thường" hay "hèn kém" cho Trịnh Công Sơn hãy còn là nhẹ. 
Nói về tinh thần phản chiến, đừng bảo là Thanh Tâm Tuyền không bằng Trịnh Công Sơn. Nhưng Thanh Tâm Tuyền, cũng như Văn Cao, Nguyễn Tường Tam hay Trầm Tử Thiêng, không hề né tránh việc ra quyết định hành động, ngay cả khi có chịu đựng những dày vò giữa những cái phải làm có tính cách vĩnh cửu với những cái phải làm có tính cách cấp thiết. Thế nên đừng bảo rằng Trịnh Công Sơn là nạn nhân duy nhất của sự phân cực trong chiến tranh.
Trịnh Công Sơn tầm thường hèn kém thì cũng không sao, vì ông này đâu có tuyên xưng gì lớn lao, ông ta tự nhận mình chỉ "hát chơi" thôi mà. Vấn đề là nhiều người rất thích thực hành cái môn sùng bái, thần thánh hóa những cá nhân bình thường, thậm chí tầm thường. Họ muốn Trịnh Công Sơn phải là hiện thân cho những gì cao đạo, trong lành, thánh thiện, mà không thể có những thứ như là "cơ hội" hay "hèn nhát".
Sự tôn sùng Trịnh Công Sơn, cũng như sự chấp nhận cái diễn ngôn "chiến tranh chống Mỹ là nội chiến", cho thấy một sự lộn ngược về nghĩa của lịch sử. Đó là một sự trí trá, mà Trịnh Công Sơn là đại diện cho sự trí trá đó.
28.02.20