Nếu bạn hỏi mình: “Nhiệt huyết là gì?” Thì câu trả lời sẽ gói gọn trong 4 từ:
Nhiệt huyết là “cống hiến tích cực.”
Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn về tinh thần cống hiến. Thứ mà theo mình, là điều kiện cần có để giúp bản thân trở nên hoàn thiện hơn.
Chắc hẳn các bạn đã từng được nghe và nói rất nhiều về những câu/từ kiểu như:
- Bóc lột
- Công việc này không có lương/lương ít/giá trị nhận lại thấp, tại sao phải cố gắng nhiều đến thế?
- Làm đúng nhiệm vụ của mình thôi, đừng quan tâm đến điều gì khác.
- Về đúng giờ, đâu ai trả thêm tiền cho thời gian mình ở lại.
-  …
Những câu nói này, mình đã nghe nhiều lắm, thậm chí chính bản thân cũng từng không ít lần thốt ra những lời đó. Bởi khi ấy nghĩ đơn giản, mình cho rằng: “Công sức/thời gian bản thân bỏ ra phải “thấp hơn” giá trị mình nhận lại.”
Về cơ bản, quan điểm này không sai, chỉ là nó không phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Chúng ta luôn có xu hướng muốn “hưởng nhiều làm ít”. Hoặc tốt hơn là “ăn bao nhiêu làm bấy nhiêu”. Mà ít khi có suy nghĩ ngược lại, đó là “làm và cho đi nhiều hơn so với những thứ mình được nhận lại.”
Khi còn là sinh viên, chúng ta đi làm thêm trong tâm thế muốn “kiếm thêm thu nhập” với suy nghĩ “việc nhẹ lương cao”.
Khi ra trường đi làm, chúng ta tự cho phép bản thân được “lầy lội thời gian”. “Đi muộn về sớm” chắc hẳn là câu nói quá quen với nhiều người.
Khi nhận lời mời hợp tác trong một project nào đó, chúng ta thường có suy nghĩ: “Phần mình có được nhiều hay không?”, “Liệu mình có bị thiệt thòi gì không?”
Cứ thế, từ khi trẻ cho đến lúc già, chúng ta tự định hình bản thân thành những “kẻ làm thuê cho lợi ích”, mà quên mất rằng: “Chúng ta là ai và đang làm việc vì điều gì?”
Đó là lý do vì sao có rất nhiều người rất nhiều tiền, đầy đủ vật chất, nhưng đến cuối đời, họ vẫn không thể hiểu mục đích của sự giàu có, thành đạt của bản thân có ý nghĩa gì trong cuộc sống.
Đó cũng là lý do cho việc hàng ngày, chúng ta phải nghe không dưới 1 lời than tiếng vãn về những khó khăn xung quanh. Đơn giản, vì mọi thứ không theo như bản thân mong muốn.
Và đó cũng lý do cho vì sao, những kẻ lừa đảo thành công trong việc thuyết phục người khác ở đây có công việc nhàn hạ mà vẫn kiếm được nhiều tiền!?
Thế hệ loài người thế kỷ 21, chúng ta đã đánh mất điều gì vậy?
Đó là sự CỐNG HIẾN - 100% NHIỆT HUYẾT
Chúng ta CỐNG HIẾN, không phải để trở thành CON RỐI cho người ta sai bảo hay lợi dụng.
Chúng ta CỐNG HIẾN, không có nghĩa là làm mọi thứ trong VÔ NGHĨA và VÔ ĐÍCH.
Chúng ta CỐNG HIẾN, không phải để giả vờ tỏ ra DỄ BẢO trong mắt cấp trên, chân thành với cấp dưới và LỪA DỐI bản thân mình.
Chúng ta CỐNG HIẾN VÌ CHÍNH CHÚNG TA, ở hiện tại và tương lai sau này!
------------------------------
Ngày trước, khi còn là sinh viên, mình lựa chọn nghề PHỤC VỤ để trải nghiệm và trang trải cuộc sống cá nhân. Cho đến bây giờ, điều mình học hỏi được nhiều nhất sau khi “rút chân” ra khỏi nghề này đó chính là SỰ CỐNG HIẾN. Mình nghĩ, điều này không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, vì nó cũng phụ thuộc vào một phần bản chất mỗi người.
Thời điểm đó, mình chỉ nghĩ đơn giản: “Nghề phục vụ này thật thú vị”. Và sự vui sướng khi được thấy niềm vui trên gương mặt những vị khách là cảm xúc lấn át mình khi đó. Đồng thời, mình cũng cảm thấy chẳng hề mệt mỏi (như nhiều người cảm nhận) khi quần quật suốt mấy tiếng chạy “lăng xăng” với công việc.
Chính vì thế, một trong những câu hỏi khiến mình khó trả lời khi ấy đó là: “Tại sao em có thể làm việc nhiệt tình đến thế, dù cho công sức bỏ ra vượt xa giá trị nhận được?”
Hay: “Trông mày lúc nào cũng sẵn sàng để làm mọi thứ.”
Cho đến bây giờ, mình đã có thể tự tin để trả lời lại những thắc mắc đó. Kể cả khi nó chỉ là câu hỏi tu từ mang tính giễu cợt.
Thái độ là chìa khoá cho thành công hoặc thất bại, là khởi nguồn một tương lai tươi sáng hoặc tăm tối, là yếu tố quyết định cho việc bạn muốn trở thành ai trong cuộc đời.
Và mình, luôn tâm niệm nếu bản thân sống bằng tất cả sự CỐNG HIẾN tốt đẹp, mọi điều TÍCH CỰC sẽ đến.
Còn bạn, liệu bạn cho rằng CỐNG HIẾN LÀ GÌ? Và nó có nên được DUY TRÌ với 100% nhiệt huyết không?
- Nam LB -