10 thay đổi vĩ đại nhất trong 1000 năm qua ở phương Tây
1000 năm là một chặng đường vượt ngoài sức tưởng tượng với một con người đơn lẻ. Thiên niên kỷ vừa qua châu Âu đã chứng kiến những...
1000 năm là một chặng đường vượt ngoài sức tưởng tượng với một con người đơn lẻ. Thiên niên kỷ vừa qua châu Âu đã chứng kiến những làn sóng thay đổi mạnh mẽ. Nhưng lát cắt nào, thời điểm nào đã thực sự tạo ra những biến chuyển tác động lên cả châu lục này lẫn thế giới hiện đại?
Sử gia Ian Mortimer đã lựa chọn ra 10 sự kiện nổi bật nhất được coi là động lực của thay đổi trong 1000 năm qua.
Thế kỷ 11: Những lâu đài
Hầu hết mọi người đều nghĩ về những lâu đài như những biểu tượng của chiến tranh. Tuy nhiên, chúng nên được nhìn nhận không chỉ như những pháo đài của chiến tranh mà còn là biểu tượng của hoà bình. Trước năm 1000, có rất ít lâu đài ở châu Âu - và không có một lâu đài nào ở Anh. Việc thiếu vắng những hệ thống phòng ngự địa phương này ám chỉ những vùng đất này rất dễ bị xâm chiếm: Cuộc chinh phat nước Anh của William I (*) trở nên đơn giản hơn nhiều do thiếu vắng những lâu đài.
Từ thế kỷ 11 trở đi, các vị chúa của những vùng đất đã xây dựng những cấu trúc kiên cố để bảo vệ mình và mảnh đất của mình. Việc những kẻ chinh phạt tới xâm lấn đất đai của "hàng xóm" trở nên khó khăn hơn. Những nhà lãnh đạo chính trị bắt đầu quan tâm tới việc bảo về lãnh thổ và quản trị tất cả con người bên trong lãnh thổ ấy, chứ không chỉ là người trong gia đình họ. Đây thực ra là một trong những chuyển biến quan trọng cơ bản nhất.
Thế kỷ 12: Luật pháp và trật tự xã hội
Khi cân nhắc việc ghé thăm một đất nước xa lạ, một trong những điều quan trọng nhất bạn nghĩ tới sẽ là việc mình có được an toàn ở đó hay không. Thực tế thì không có yếu tố nào cản trở du lịch bằng sự thiếu vắng luật pháp và trật tự. Thế kỷ 12 đã chứng kiến sự sử dụng một cách có quy củ hệ thống luật pháp và trật tự xã hội ở Châu Âu, thông qua việc biên soạn các bộ luật, sự phát triển của ngành Luật học và ở nước Anh là sự hình thành ở mức sơ khai nhất hình thức bồi thẩm đoàn.
Thế kỷ 13: Thị trường
Tiền tệ được cho là đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, chức năng của tiền tệ từ xa xưa thì không giống như cách thức hoạt động của nó ngày nay. Vào đầu thế kỷ 13 không có nhiều người thực sự sử dụng tiền ở Anh. Đa số dân chúng sống ở các vùng quê và mua bán theo kiểu "hàng đổi hàng" để có được những thứ họ không thể sản xuất hay trồng trọt được.
Các chúa đất thì cho phép nông dân được canh tác vài héc-ta, đổi lại việc họ phải bỏ thời gian làm việc cho ông chủ. Những người duy nhất thường xuyên sử dụng các đồng bạc là những cư dân thành thị thiểu số ở những khu chợ, ở nước Anh con số này chỉ khoảng 300.
Nhưng tới đầu thế kỷ 13, có thêm khoảng 1400 khu chợ khác được thành lập tại Anh, và sự phát triển với tốc độ tương tự cũng xảy ra trên khắp châu Âu. Không phải những khu vực như vậy đều làm ăn hiệu quả, nhưng rất nhiều trong số đó đã thành công, tạo nên sự hình thành của thị trường mà trong đó "hàng đổi hàng" không còn là phương thức hiệu quả nữa. Vào những năm 1300, nhiều quốc gia đã bắt đầu đúc những đồng tiền vàng, và tín dụng bắt đầu xuất hiện ở những nhà băng Ý, sau đó lan khắp châu Âu.
Thế kỷ 14: Dịch bệnh
Dịch bệnh lớn nhất xảy đến với con người trong lịch sử phương Tây hoàn toàn không có mối liên hệ nào với công nghệ. Với tốc độ một nửa dân số của một quốc gia tử vong trong vòng 7 tháng, mức độ ảnh hưởng của nó gấp khoảng 200 lần so với thiệt hại từ Thế chiến I. Những hệ quả về kinh tế xã hội là vô cùng khủng khiếp.
Chế độ phong kiến cũ chịu những tổn thất nặng nề do số ít những nhân công sống sót còn lại đòi hỏi một mức tiền công cao hơn, khi tầng lớp nông dân nổi dậy chiếm lấy tài sản và tự phong cho mình trở thành chúa đất.
Những câu hỏi triết học đã được đặt ra về mối quan hệ của Chúa với con người và về bản chất của dịch bệnh - tại sao những vị thần nhân từ lại giết chết quá nhiều đứa trẻ vô tội như vậy? Cùng lúc đó, con người có một cái nhìn khác hơn về cái chết, và các tôn giáo bắt đầu hạ mình hơn. Dịch bệnh không chỉ giết người, nó còn thay đổi cách nhân loại sinh tồn và cách nhìn của họ về cái chết.
Thế kỷ 15: Colombus
Mối quan hệ giữa con người và những miền đất là một trong những dấu ấn quan trọng nhất của lịch sử. Về cơ bản, bạn càng có nhiều đất thì tài nguyên mà bạn sở hữu càng lớn. Columbus do vậy được xem là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của lịch sử loài người. Ông đã khiến cho cả châu Âu kinh ngạc về con đường chinh phục những miền đất rộng lớn mà trước đó không ai từng mơ tới. Không có một công nghệ mới nào hỗ trợ Columbus lúc đó: la bàn đã ra đời 3 thế kỷ trước khi ông khám phá ra Hispaniola vào năm 1492. Áp lực về kinh tế xã hội và khao khát cá nhân đã tạo động lực cho Columbus trở thành một chủ đất giàu có.
Hệ quả của chuyến đi này không dừng lại ở việc biến tiếng Tây Ban Nha trở thành ngôn ngữ được nói nhiều thứ hai trên thế giới ngày nay (sau tiếng Trung Quốc).
Thế kỷ 16: Xung đột cá nhân giảm dần
Thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp được cho là tương đối bạo lực nhìn từ tiêu chuẩn ngày nay. Thời Trung cổ, tỷ lệ giết người ở Oxford cao ngang với mức tội phạm này ở Dodge City vào thời kỳ đỉnh điểm của đấu súng tay đôi kiểu miền Tây hoang dã nước Mỹ. Nhưng từ những năm 1500 trở đi, tỷ lệ giết người đã giảm đáng kể và không chỉ ở Oxford. Tỷ lệ này giảm khoảng một nửa sau mỗi 100 năm trên toàn châu Âu, dù nó lại có khuynh hướng gia tăng trở lại vào nửa cuối thế kỷ 20.
Lí giải của hiện tượng này là sự phát triển của thông tin liên lạc, văn hoá và chữ viết, và sự can thiệp thường xuyên và chính xác hơn của chế độ công quyền. Sự thay đổi này có vẻ không có gì đáng kể trong mắt nhiều sử gia, nhưng một xã hội an toàn hơn thực tế không phải là một thứ có thể dễ dàng phủ nhận.
Thế kỷ 17: Cuộc cách mạng khoa học
Niềm tin mãnh liệt vào ma thuật ở khắp châu Âu cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 không chỉ là sự mê tín đơn thuần. Thực tế khi đó là, nếu có ai đó bạn ghét qua đời, bạn sẽ có thể bị buộc tội đã ám sát họ bằng ma thuật và sẽ không có cách gì phản bác lại rằng ma thuật không tồn tại, hoặc bạn không tin vào nó.
Phép thuật thậm chí đã được ghi nhận trong luật, cùng với những hình thức mê tín dị đoan khác ở những mức độ khác nhau. Thế kỷ 17 đã chứng kiến rất nhiều niềm tin như thế được thay thế bằng các lý thuyết khoa học. Ý tưởng về Mặt Trời quay quanh Trái Đất cuối cùng đã được bác bỏ bởi Galileo. Những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch giữa sự sống và cái chết, thay vì cầu nguyện Chúa giống như ông cha họ vẫn làm ở thế kỷ 16, giờ đã tìm tới bác sỹ.
Nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là niềm tin phổ quát vào khoa học đã được hình thành. Chỉ rất ít người hiểu được những cuốn sách như Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các nguyên lý Toán học trong Triết học tự nhiên) của Isaac Newton khi nó được xuất bản năm 1687. Nhưng đến những năm 1700 mọi người đã thực sự tin rằng các nhà khoa học có khả năng lý giải thế giới, và con người không cần thiết phải viện tới các thế lực siêu nhiên để giải thích những thứ có vẻ là bí ẩn.
Thế kỷ 18: Cuộc Cách mạng Pháp
Không ai có thể phủ nhận rằng Cách mạng Pháp năm 1789 LÀ cuộc cách mạng của thế giới phương Tây. Nó là lần đầu tiên ý tưởng về sự bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật được thử nghiệm trên bình diện một quốc gia. Nó buộc tất cả những nhà tư tưởng trên toàn Châu Âu phải nhìn nhận lại tất cả những ý niệm về nhân quyền, bình đẳng chính trị và quyền phụ nữ. Cho dù một số chính phủ ở Châu Âu đã thận trọng suy xét việc khuyến khích thay đổi, sẽ thật khó để có một cuộc cải cách xã hội toàn diện như ở thế kỷ 19 nếu không có Cách mạng Pháp: huỷ bỏ chế độ nô lệ, phổ cập giáo dục cho dân chúng, phụ nữ có quyền sở hữu tài sản độc lập, xây dựng nền y tế công, và giảm án tử hình.
Thế kỷ 19: Cuộc cách mạng thông tin
Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc cách mạng công nghệ thông tin diễn ra ở thế kỷ 20. Và thực tế thì không sai - hầu hết thế hệ ông bà chúng ta không có điện thoại di động những năm 1900, nhưng tới những năm 2000 thì 40% dân số đã sử dụng nó.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng thông tin thực sự đã bắt nguồn từ thế kỷ 19, khi người ta bắt đầu gửi được điện tín. Vào năm 1805, tin tức về trận Trafalgar (ngày 21/10) chỉ được chuyển tới Đô đốc Hải quân vào ngày 6/11. Chỉ riêng việc truyền tin từ Falmouth tới London đã tốn của Lieutenant Lapenotière 37 giờ đồng hồ và 21 lần thay ngựa. Sau khi đường cáp điện tín quốc tế được đặt ngầm dưới biển năm 1872, người ta đã có thể gửi một tin nhắn tới Úc ngay lập tức. Đường sắt, điện tín và điện thoại đã khiến cho việc truyền thông tin trở nên nhanh chóng hơn nhiều, nếu không muốn nói là gần như ngay lập tức. Sự thay đổi này cũng tiêu biểu như cuộc cách mạng công nghệ hiện đại ngày nay vậy.
Thế kỷ 20: Những phát minh cho tương lai
Không còn nghi ngờ gì nữa, công nghệ đã thay đổi cách loài người sống và... chết trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, ẩn sau lớp mặt nạ đơn thuần ấy chứa đựng những thay đổi lớn lao hơn nhiều. Vào những năm 1900, rất ít người thực sự suy nghĩ về tương lai. William Morris và một số ít những nhà xã hội học khác đã viết ra những viễn cảnh về thế giới tương lai họ muốn chứng kiến, nhưng trong đó không có những cân nhắc nghiêm túc về cách mà tất cả nhân loại sẽ tiến lên phía trước dưới hình thái xã hội.
Ngày nay, chúng ta dự đoán hầu hết mọi thứ: thời tiết sẽ ra sao, ngôi nhà ta cần sẽ như thế nào, lương hưu của chúng ta là bao nhiêu, ta sẽ tìm nơi phân huỷ rác trong 30 năm tới ở đâu... Tổ chức Liên hợp quốc dự đoán dân số thế giới sẽ leo thang vào năm 2300. Sự ấm lên toàn cầu là mối quan tâm chung của nhân loại. Văn chương, báo chí và thế giới truyền thông tràn ngập những dự đoán về điều gì sẽ diễn ra. Với một nguồn tài nguyên hữu hạn trên một hành tinh hữu hạn, đây là thời kỳ mà sự thay đổi không giống với bất kỳ những thay đổi nào từng xảy ra trước đây. Trong vài nghìn năm nữa (nếu xã hội loài người còn tồn tại), thế kỷ 20 sẽ được xem là tấm bản lề cho kỷ nguyên thực sự của một thế giới hiện đại - nơi nhân loại bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về tương lai cũng như hiện tại và quá khứ.
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất