Dịch từ bài viết I Tried to Put Russia on Another Path của Bill Clinton, tổng thống thứ 42 của Mỹ, đăng trên tạp chí The Atlantic ngày 7/4/2022.
Ảnh bởi
Michael Parulava
trên
Unsplash
Khi mới nhậm chức tổng thống Mỹ, tôi nói rằng tôi sẽ ủng hộ tổng thống Nga Boris Yeltsin trong việc xây dựng nền kinh tế và nền dân chủ sau khi Liên Xô tan rã - nhưng tôi cũng sẽ ủng hộ việc mở rộng NATO tới các quốc gia từng thuộc hiệp ước Warsaw hoặc từng thuộc Liên Xô. Tiêu chí của tôi là làm điều tốt nhất song song với chuẩn bị cho điều tệ nhất. Tôi không lo lắng về việc Nga có thể quay lại với chủ nghĩa cộng sản, mà về chủ nghĩa dân tộc cực đoan có thể thay thế nền dân chủ bằng tham vọng đế quốc như thời của Peter Đại đế và Catherine Đại đế. Tôi không nghĩ Yeltsin sẽ làm điều đó, nhưng ai biết được những người kế nhiệm sẽ làm gì?
Nếu Nga tiếp tục hướng tới dân chủ và hợp tác, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với những thách thức an ninh trong thời đại này: khủng bố, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, tranh chấp bộ lạc, vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Nếu Nga quay lại với chủ nghĩa đế quốc dân tộc cực đoan, thì một NATO mở rộng và một EU phát triển sẽ củng cố an ninh lục địa già. Gần cuối nhiệm kỳ thứ hai của tôi vào năm 1999, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc gia nhập NATO, bất chấp sự phản đối của Nga. NATO đã có thêm 11 thành viên trong những nhiệm kỳ tổng thống sau tôi, và vẫn vấp phải sự phản đối của Nga.
Ảnh bởi
Marek Studzinski
trên
Unsplash
Gần đây, sự mở rộng của NATO đã bị chỉ trích vì khiêu khích Nga và thậm chí là đặt nền móng cho cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin. Việc mở rộng của NATO là một quyết định mang tính hệ quả từ nhiều sự kiện, và tôi vẫn tin quyết định này là đúng đắn.
Với tư cách là Đại sứ Liên hợp quốc và sau này là Ngoại trưởng, bà Madeleine Albright, người mới qua đời gần đây, từng thẳng thắn ủng hộ việc mở rộng NATO. Và cả Ngoại trưởng Warren Christopher; Cố vấn An ninh Quốc gia Tony Lake; người kế nhiệm ông, Sandy Berger; và hai người khác có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực này: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân John Shalikashvili, người sinh ra ở Ba Lan, với cha mẹ người Georgia, đến Mỹ khi còn là thiếu niên, và Thứ trưởng Ngoại giao Strobe Talbott, người đã dịch hồi ký của Nikita Khrushchev khi chúng tôi ở với nhau tại Oxford hồi 1969 - 1970.
Tuy nhiên, vào thời điểm tôi đề xuất việc mở rộng NATO, có rất nhiều quan điểm trái chiều. Nhà ngoại giao huyền thoại George Kennan, người ủng hộ chính sách ngăn chặn thời Chiến tranh Lạnh, cho rằng sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự tan rã của Hiệp ước Warsaw, NATO chẳng còn hữu dụng. Tom Friedman của báo New York Times nói rằng Nga sẽ cảm thấy bị dồn vào chân tường nếu NATO mở rộng, và khi Nga phục hồi nền kinh tế sau những năm cuối thời Cộng sản, chúng ta sẽ thấy những phản ứng không tốt đẹp gì. Mike Mandelbaum, một quan chức có uy tín về đối ngoại với Nga, cũng cho rằng đó là sai lầm: nó sẽ chẳng thúc đẩy nền dân chủ hoặc chủ nghĩa tư bản.
Tôi hiểu rằng tranh chấp có thể trở lại. Nhưng theo tôi, tranh chấp sẽ ít phụ thuộc vào NATO mà phụ thuộc vào phía Nga nhiều hơn, tuỳ vào việc Nga có định vận hành nền dân chủ hay không và cách Nga định nghĩa sự vĩ đại của chính mình trong thế kỷ 21. Liệu Nga có định xây dựng nền kinh tế hiện đại dựa trên tài năng của người dân trong mảng khoa học, công nghệ và nghệ thuật, hay là tìm cách trở thành đế chế thời thế kỷ 18 bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chính phủ toàn trị mạnh mẽ và quân đội hùng mạnh?
Tôi đã làm mọi thứ có thể để giúp Nga đưa ra lựa chọn đúng đắn và trở thành nền dân chủ vĩ đại của thế kỷ 21. Chuyến công du đầu tiên của tôi ra nước ngoài ở cương vị Tổng thống là đến Vancouver để gặp Yeltsin và đảm bảo gói tài trợ 1.6 tỷ đô cho Nga để họ rút quân ở vùng Baltic về nước và cung cấp nhà ở cho binh lính. Năm 1994, Nga trở thành quốc gia đầu tiên tham gia Hiệp định Đối tác Hòa bình, một chương trình hợp tác song phương bao gồm tập trận chung giữa NATO và các nước châu Âu không thuộc NATO. Cùng năm đó, Mỹ đã ký Bản ghi nhớ Budapest, cùng với Nga và Anh, nhằm đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đổi lại việc Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới. Bắt đầu từ năm 1995, sau khi Hiệp định Dayton kết thúc Chiến tranh Bosnia, NATO đã bổ sung quân đội Nga vào lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tại Bosnia. Năm 1997, chúng tôi ủng hộ Đạo luật thành lập NATO-Nga, đạo luật này giúp Nga có tiếng nói nhưng không có quyền phủ quyết ở NATO, và ủng hộ việc Nga gia nhập G7, biến G7 thành G8. Năm 1999, vào những ngày cuối của xung đột Kosovo, Bộ trưởng Quốc phòng Bill Cohen đã đạt được thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga, theo đó quân đội Nga có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình NATO do Liên hợp quốc chấp thuận. Và sau tất cả, NATO đã để ngỏ cánh cửa cho Nga gia nhập, điều mà tôi đã nói rõ với Yeltsin và sau đó được xác nhận với người kế nhiệm, Vladimir Putin.
Ảnh bởi
Kilian Karger
trên
Unsplash
Không chỉ nỗ lực mời Nga tham gia các sứ mệnh hậu Chiến tranh Lạnh của NATO, Albright và nhóm an ninh quốc gia của chúng tôi đã cố gắng thúc đẩy quan hệ song phương tích cực. Phó Tổng thống Al Gore đồng chủ trì một ủy ban với Thủ tướng Nga Viktor Chernomyrdin để giải quyết những mối quan tâm chung. Chúng tôi đồng ý rằng mỗi bên sẽ tiêu hủy 34 tấn plutonium. Chúng tôi cũng đồng ý kéo các binh lính của Nga, châu Âu và NATO ra xa khỏi biên giới, mặc dù Putin từ chối thực hiện khi ông lên chức Tổng thống Nga vào năm 2000.
Tôi đã gặp Yeltsin 18 lần và Putin 5 lần - hai lần khi ông ấy còn là Thủ tướng và 3 lần trong hơn 10 tháng mà nhiệm kỳ tổng thống của chúng tôi trùng nhau. Số lần gặp gỡ đó chỉ kém 3 lần so với tổng các cuộc họp của lãnh đạo Mỹ-Xô từ 1943 đến 1991. Quan điểm cho rằng chúng tôi phớt lờ, không tôn trọng hoặc cố gắng cô lập Nga là sai. Đúng vậy, NATO đã mở rộng bất chấp sự phản đối của Nga, nhưng việc mở rộng có nhiều mục đích hơn chỉ là mối quan hệ Mỹ-Nga.
Khi nhiệm kỳ của tôi bắt đầu vào 1993, không ai thấy chắc chắn rằng châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh vẫn sẽ hòa bình, ổn định và dân chủ. Vẫn còn đầy câu hỏi lớn về sự tái hợp Đông Đức và Tây Đức. Liệu các cuộc xung đột cũ có bùng nổ trên khắp lục địa như đã từng xảy ra ở Balkan hay không? Các quốc gia từng thuộc Khối Hiệp ước Warsaw và các nước cộng hòa mới tách khỏi Liên Xô sẽ tìm kiếm giải pháp an ninh ra sao, không chỉ nhằm chống lại mối đe dọa xâm lược từ Nga, mà còn là mối đe doạ lẫn nhau và xung đột bên trong đất nước. Khả năng gia nhập EU và NATO đã tạo ra động lực cho các quốc gia Trung Âu và Đông Âu cải cách chính trị kinh tế, từ bỏ sự đơn thương độc mã trong quân sự.
Cả EU và NATO đều không thể bó mình trong biên giới mà Stalin đặt ra vào năm 1945. Nhiều quốc gia sau Bức màn sắt đã tìm kiếm tự do, thịnh vượng và an ninh với EU và NATO, dưới sự dẫn dắt của những nhà lãnh đạo như Václav Havel của Cộng hòa Séc, Lech Wałęsa của Ba Lan, và Viktor Orbán của Hungary. Hàng ngàn người chen chúc nhau xem tôi phát biểu ở các quảng trường tại Praha (Séc), Warsaw (Ba Lan), Budapest (Hungary), Bucharest (Romania), Sofia (Bulgaria), etc.
Carl Bildt, cựu Thủ tướng và Ngoại trưởng Thụy Điển, đã tweet vào tháng 12 năm 2021: “Không phải NATO đang tìm cách tiến về phía Đông, mà là các nước từng là vệ tinh của Liên Xô đang muốn ngả về phía Tây”.
Hay như Havel nói vào năm 2008: "Châu Âu không còn, và không bao giờ được phép chia rẽ thành những khối ảnh hưởng khác nhau mà đi ngược lại với mong muốn của người dân." Việc từ chối tư cách thành viên NATO của các quốc gia Trung Âu và Đông Âu chỉ vì Nga phản đối chính là ví dụ.
Việc mở rộng NATO cần có: sự đồng thuận của cả 16 thành viên, hai phần ba sự đồng ý của Thượng viện Hoa Kỳ, tham vấn chặt chẽ với các thành viên tương lai nhằm đảm bảo tiêu chuẩn trong việc cải cách quân sự, kinh tế và chính trị, và liên tục trấn an Nga.
Madeleine Albright xử lý từng bước thật hoàn hảo. Đúng vậy, hiếm có nhà ngoại giao nào lại phù hợp với thời cuộc như là Madeleine. Khi còn là một đứa trẻ ở châu Âu điêu tàn vì chiến tranh, Madeleine và gia đình của bà đã hai lần phải bỏ nhà - lần đầu bởi Hitler, sau đó bởi Stalin. Bà hiểu rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã mang lại cơ hội cho một châu Âu tự do, thống nhất, thịnh vượng, an toàn kể từ khi các quốc gia sơ khai xuất hiện trên lục địa này. Với tư cách là Đại sứ Liên Hợp Quốc và Ngoại trưởng, bà đã cố gắng hiện thực hóa viễn cảnh đó, đánh lùi sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc. Bà ấy đã sử dụng ngón nghề ngoại giao và sự hiểu biết về chính trị nội bộ để giúp Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan gia nhập NATO vào năm 1999.
Kết quả là hơn hai thập kỷ hòa bình, thịnh vượng và sự củng cố an ninh tập thể cho một Châu Âu rộng mở hơn bao giờ hết. GDP đầu người đã tăng hơn gấp ba lần ở Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan. Cả ba nước đều đã tham gia vào nhiều sứ mệnh của NATO kể từ khi gia nhập, bao gồm cả lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Cho đến nay, không có quốc gia thành viên nào trong NATO bị xâm lược. Thật vậy, ngay cả trong những năm đầu sau khi Bức màn Sắt sụp đổ, cơ hội gia nhập NATO đơn thuần đã giúp hạ nhiệt tranh chấp âm ỉ giữa Ba Lan và Lithuania, Hungary và Romania, và nhiều nước khác.
Giờ đây, cuộc xâm lược vô cớ và phi lý của Nga đối với Ukraine, chẳng hề đặt sự mở rộng của NATO vào nghi vấn, mà còn chứng tỏ chính sách mở rộng này là cần thiết. Nước Nga thời Putin rõ ràng sẽ không phải là một cường quốc nếu không có sự bành trướng. Khả năng Ukraine gia nhập NATO không phải là lý do khiến Putin xâm lược Ukraine hai lần, mà là sự dân chủ hoá của Ukraine đang đe dọa sự chuyên quyền và tham vọng kiểm soát Ukraine của Putin. Và chính sức mạnh của NATO đã ngăn cản Putin đe dọa các thành viên NATO từ Baltic đến Đông Âu. Như Anne Applebaum của tờ The Atlantic đã nói gần đây: “Việc mở rộng NATO là điều thành công thực sự duy nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong 30 năm qua… Chúng ta có thể đang đánh nhau ở Đông Đức ngay lúc này nếu NATO không mở rộng".
Sự thất bại của nền dân chủ Nga và việc nó chuyển sang chủ nghĩa báo thù (revanchism) không hề bị kích động ở trụ sở NATO tại Brussels, mà tự tay Putin quyết định việc này ở Moscow. Ông ấy đã có thể sử dụng kỹ năng phi thường của Nga về công nghệ để tạo ra đối thủ cho thung lũng Silicon và xây dựng nền kinh tế đa dạng, mạnh mẽ. Thay vào đó, ông quyết định độc quyền hoá và vũ khí hóa những kỹ năng đó nhằm thúc đẩy sự toàn trị ở trong nước và tàn phá ở nước ngoài, bao gồm cả việc can thiệp vào chính trị của châu Âu và Mỹ. Chỉ có một NATO mạnh mẽ mới có thể ngăn sự hiếu chiến của Putin. Do đó, chúng ta nên ủng hộ Tổng thống Joe Biden và các đồng minh NATO trong việc hỗ trợ nhiều nhất có thể cho Ukraine, cả về quân sự và nhân đạo.
Tôi có trò chuyện với Madeleine Albright, hai tuần trước khi bà ấy qua đời. Madeleine vẫn như xưa, sắc sảo và bộc trực. Rõ ràng là bà ấy muốn ra ngoài ủng hộ người Ukraine trong cuộc chiến giành tự do và độc lập. Về việc sức khỏe đang giảm sút, bà ấy nói, "Tôi đang được chăm sóc tốt rồi. Tôi chỉ đang làm những gì trong sức mình. Đừng lãng phí thời gian nữa. Điều quan trọng là thế giới mà con cháu chúng ta sống sẽ ra sao." Madeleine coi cuộc chiến vì dân chủ và an ninh vừa là nghĩa vụ vừa là cơ hội. Bà tự hào về di sản Séc của mình và chắc chắn rằng người dân của bà và các nước láng giềng của họ ở Trung và Đông Âu sẽ bảo vệ tự do của chính mình, “bởi họ biết cái giá của việc mất tự do." Bà ấy đã đúng về NATO khi tôi còn là tổng thống, và đúng về Ukraine bây giờ. Tôi nhớ bà ấy rất nhiều, tôi vẫn có thể nghe thấy giọng nói của bà ấy. Tất cả chúng ta nên vậy.