Mạc Đăng Dung, nhà Mạc và mối quan hệ với nhà Minh
Đôi dòng về Đại Việt cuối thời Lê sơ, Thái Tổ Mạc Đăng Dung và sự kiện đầu hàng cắt đất ở biên giới năm 1540
MỞ ĐẦU
Thái Tổ Mạc Đăng Dung nói riêng và triều Mạc nói chung là một trường hợp khá đặc biệt trong sử Việt. Nhìn chung thì lâu nay quan điểm và thái độ với họ Mạc vẫn tương đối tiêu cực. Tuy rằng hiện giờ đã có những đánh giá khách quan về triều đại tương đối vắn số này, nhưng cơ bản thì Mạc Đăng Dung và nhà Mạc vẫn hiện lên khá tiêu cực trong mắt nhiều người. Và nếu nhắc đến một điều gì đó khiến nhiều người thiếu thiện cảm nhất với nhà Mạc, hẳn đó là sự kiện Thái Tổ Mạc Đăng Dung tự trói mình lên biên giới quỳ gối đầu hàng và cắt đất cho nhà Minh. Nhưng thực tình, mọi sự trong đó chẳng hề đơn giản, mà khá là phức tạp. Vậy trong bài viết này, sẽ cố gắng để nói rõ về tình hình của Đại Việt cuối thời Lê sơ loạn lạc ra sao, Mạc Đăng Dung quật khởi thế nào, và điều gì dẫn đến sự kiện đầu hàng cắt đất ấy.
TÌNH HÌNH ĐẠI VIỆT CUỐI THỜI LÊ SƠ
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi và giành lại được độc lập từ tay nhà Minh, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua, sáng lập triều Lê (1428). Trải qua 77 năm với 6 đời vua (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông), Đại Việt có một quãng thời gian dài phát triển, đạt đỉnh thịnh vượng trong thời vua Thánh Tông. Mặc dù vào quãng thời gian đầu, có nhiều biến cố xảy ra chốn cung đình như việc các khai quốc công thần minh tranh ám đấu thời Thái Tổ, Thái Tông; việc Thái Tông băng đột ngột năm 1442 dẫn đến án tru di tam tộc nhà Nguyễn Trãi; hay việc Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết vua Nhân Tông cùng Tuyên Từ Hoàng Thái hậu mà soán ngôi năm 1459. Thế nhưng những biến cố đó không ảnh hưởng đến dân chúng, và cũng không gây ra loạn lạc. Vậy cho nên, Đại Việt vẫn giữ được đà phát triển và đến những năm niên hiệu Hồng Đức của vua Thánh Tông thì đạt tới đỉnh cao.
Năm 1497, vua Thánh Tông băng, Thái tử Lê Tranh lên ngôi, tức là vua Hiến Tông. Hiến Tông cũng là một vị vua tài giỏi, đã giữ được sự thịnh trị vốn có, tiếc rằng chỉ ở ngôi được 7 năm thì băng. Người kế vị ông là Túc Tông Lê Thuần cũng qua đời chỉ 6 tháng sau khi kế vị. Cái chết của hai vua Hiến Tông, Túc Tông cũng coi như kết thúc thời gian thái bình thịnh trị của nhà Lê và sóng gió, loạn lạc bắt đầu nổi lên.
Trước khi băng, vua Túc Tông để lại di chiếu truyền ngôi cho anh trai mình là Lê Tuấn (về sau được truy thụy là Uy Mục đế). Ông được xem là một vị vua tàn bạo, hoang dâm, đến sứ nhà Minh khi sang phong tước trông thấy cũng phải than và ví ông là “vua quỷ”. Trong suốt thời gian ở ngôi, ông làm nhiều điều bạo ngược, càn rỡ. Ví như ngay sau khi lên ngôi, Uy Mục đế đã cho người đánh thuốc độc giết chết Thái hoàng thái hậu do lúc trước bà không đồng tình lập ông làm vua. Cũng năm đó, Uy Mục cho người giết Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật. Nguyên do cũng vì lúc trước khi vua Hiến Tông băng, hai ông quyết chí lập Túc Tông mà bỏ qua không lập Uy Mục làm vua, nên ông lấy lòng căm hận.
Trong mấy năm ở ngôi, Uy Mục không chăm lo chính sự, chỉ ham thích rượu chè, gái đẹp, lại thích giết người. Uy Mục có lần sai quản tượng và giám ngự mã đánh nhau làm trò vui ngay trong cung. Bấy giờ quyền hành trong triều dần rơi vào hết họ ngoại của vua. Tất cả đều "chuyên cậy quyền thế, vùi dập các quan, kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ. Các quan người nào ngày trước không lập mình, thì thường giết đi. Lại ngầm sai nội nhân Nguyễn Đình Khoa dò xét cả 26 vương là các chú và anh em của vua. Trong đó, Kính Vương là chú đã chạy trốn không biết đi đâu, chỉ có Giản Tu công là con chú bác bị giam vào ngục trốn thoát được. Do vậy, mọi người đều cảm thấy nguy đến thân mình, càng nghĩ đến việc nổi loạn." [1]
Ta có thể thấy rằng tình hình trong triều đình nhà Lê bấy giờ rất loạn. Vua thì không lo chính sự, lại tỏ rõ sự tàn bạo thái quá. Vua Uy Mục còn xua đuổi các tông thất và công thần về Thanh Hoa, tức là tự chặt bỏ đi những người khả dĩ có thể giúp vua. Uy Mục chỉ tin dùng người thân cận, mà quyền lực lại rơi hết vào tay ngoại thích, cho nên việc triều chính bị lũng đoạn, sự bất mãn dần nổi lên trong cả dân chúng lẫn hàng ngũ quan lại, tông thất nhà Lê. Vì lẽ đó, việc có người nổi dậy chống đối nền cai trị tàn bạo này cũng chẳng có gì lạ. Năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh sau khi trốn được khỏi sự giam giữ của nhà vua, đã trốn về Tây Đô và được các quan đại thần lập làm minh chủ và khởi binh chống vua Uy Mục. Đến tháng 11 cùng năm, quân của Giản Tu công đánh về Đông Kinh, hai bên giằng co quyết liệt, nhưng quân triều đình dần thất thế và bại trận. Ngày 26/11, quân của Lê Oanh tiến sát Đông Kinh, vua Uy Mục vội cho người đi gọi quân từ các trấn Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Băng đến cứu viện. Thế nhưng quân còn chưa kịp tới thì Lê Oanh đã áp sát thành. Đông Kinh nhanh chóng thất thủ, vua Uy Mục bỏ trốn, nhưng đến ngày 28 thì bị bắt. Đến ngày 1/12, vua Uy Mục uống thuốc độc tự vẫn. Giản Tu công Lê Oanh căm giận Uy Mục giết hại tàn nhẫn mẹ và anh em mình nên đã cho buộc xác Uy Mục vào nòng súng rồi bắn cho nổ hết hài cốt, chỉ còn lại ít tro tàn đem chôn. Sau đó, bá quan đều tôn Giản Tu công lên ngôi, tức là vua Tương Dực đế.
Vua mới lên ngôi, tưởng như việc triều chính sẽ được chấn chỉnh, nhưng rốt cuộc việc hưng trị cũng chỉ được vài năm. Sau một vài năm đầu có chăm lo chính sự và một số cố gắng để vực dậy đất nước đang đà suy tàn, thì dần dần vua Tương Dực cũng lại sa vào việc ăn chơi trác táng, có khi còn tệ hơn cả Uy Mục nữa. Trong lúc đó, đất nước vẫn còn chưa phục hồi, dần lại rơi vào cảnh loạn lạc. Cuối năm 1511, Trần Tuân nổi loạn ở Sơn Tây, liên tiếp đánh bại quân triều đình, áp sát Đông Kinh. Vua Tương Dực bèn cử Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản đi đánh dẹp, thành công, Duy Sản được thăng lên Nguyên Quận công. Đến năm 1512, dư đảng Trần Tuân là Nguyễn Nghiêm làm loạn, rồi đến lượt các thế lực như Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt nổi loạn ở Nghệ An. Triều đình liên tục phải cử quân đánh dẹp, tuy đều dẹp yên được, nhưng căn cơ của đất nước đã suy yếu. Giả như vua Tương Dực là người có chí, cố gắng chăm lo chính sự thì chắc có lẽ đất nước vẫn còn khả năng phục hồi trở lại. Thế nhưng vua nhanh chóng sa vào ăn chơi, lại đi theo lối cũ của Uy Mục trước. Năm 1514, vì nghe gièm pha, vua cho giết tới 15 vương công họ Lê, rồi lại cho gọi cung nhân cũ của Uy Mục vào để thông dâm. Sau, lại cho đắp thành bao sông Tô Lịch để làm điện Tường Quang. Thế rồi lại sai thợ là Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, hao tốn tiền của. Chưa dừng lại ở đó, vua Tương Dực còn cho tiếp tục khởi công xây Cửu Trùng Đài. Đến mức “dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười” [2]
Năm 1516, Trần Cảo ở huyện Thủy Đường làm phản, tụ tập nhiều người đánh chiếm đất Hải Dương, Thủy Đường và Đông Triều, tự xưng vua. Quân Trần Cảo nhanh chóng áp sát Đông Kinh. Vua Tương Dực phải đích thân cầm quân ra đánh, Trần Cảo bèn lui về phủ Từ Sơn, sau đó vua sai An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đóng ở Bồ Đề để chống giữ. Loạn Trần Cảo chưa yên, Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản vì trước can gián vua nhiều lần nên bị phạt roi, vốn ngầm nuôi thù, mưu tạo phản đã lâu, nhân đó bèn sắm sửa thuyền bè khí giới, nói phao lên là đi đánh giặc. Đến đêm 6/4, Trịnh Duy Sản đem 3000 quân các vệ Kim ngô và Hộ vệ xông vào cửa Bắc Thần. Vua Tương Dực nghe thấy tưởng là quân Trần Cảo, vội cưỡi ngựa chạy ra ngoài cửa Bảo Khánh. Lúc đến hồ Chu Tước ở phường Bích Câu thì gặp Trịnh Duy Sản, bèn hỏi giặc ở đâu thì Duy Sản cười mà không đáp. Vua Tương Dực sinh nghi bèn tiếp tục chạy sang phía tây, lúc này Duy Sản cho người đuổi theo đâm vua ngã ngựa rồi giết chết, rồi đem xác về quán Bắc Sứ thiêu, kinh thành đại loạn. An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ nghe tin liền nổi giận đem quân vượt sông về kinh, đốt phá phố xá. Còn Trịnh Duy Sản sau khi giết vua Tương Dực bèn lập người chắt của vua Thánh Tông là Lê Y mới 14 tuổi lên ngôi (tức là vua Chiêu Tông). Thấy quân Hoằng Dụ đốt phá, Duy Sản bèn đem vua và các quan bỏ Đông Kinh mà rút về Tây Kinh. Trần Cảo biết tin cũng vội đem quân tấn công, ùa vào kinh thành cướp phá. Đông Kinh chìm trong khói lửa loạn lạc. Toàn thư chép rằng: “Lúc ấy, thành đã thất thủ, xã tắc bỏ phế, dân chúng vào thành tranh nhau lấy vàng bạc, của báu, bạch đàn, xạ hương, lụa là tơ gai đầy trong dân gian; sách vở, hồ tiêu, hương liệu các thứ vứt bỏ trên đường phố cao đến 1,2 tấc, không thể kể xiết. Người mạnh khỏe tranh cướp vàng bạc, có người lấy được đến ba, bốn trăm lạng, người yếu cũng được đến hơn hai trăm lạng. Cung khuyết, kho tàng do vậy mà hết sạch.” [3]
Trần Cảo sau khi chiếm được Đông Kinh bèn tự xưng là Thiên Ứng đế. Lúc này con nuôi của Trịnh Duy Sản là Thiết Sơn bá Trần Chân đã tập hợp 6000 quân sĩ ở chợ Hoàng Hoa, giao chiến ác liệt với quân Trần Cảo. Do không có tiếp viện nên Trần Chân buộc phải lui về cố thủ. Ở Tây Kinh, Trịnh Duy Sản lấy danh nghĩa vua mới, hiệu triệu quân sĩ 3 phủ ở trấn Thanh Hoa, tự mình cầm quân cùng với các tướng Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Văn Lự và Trịnh Tuy cùng tiến đến Đông Kinh.
Ngày 23/4, chiến sự nổ ra ác liệt tại Đông Kinh giữa quân Trần Cảo và các đội quân cần vương. Trần Cảo cho quân dùng súng và hỏa khí bắn ra liên tục, nhưng không cản nổi quân triều đình, cuối cùng phải bỏ thành mà chạy lên Lạng Nguyên. Đến ngày 27, vua về kinh thành, chính thức lên ngôi. Cùng năm đó, Trịnh Duy Sản đem quân đánh dẹp tàn dư Trần Cảo bị hãm trận rồi bị bắt và bị giết. Quân Trần Cảo lại uy hiếp đến Đông Kinh, vua Chiêu Tông bèn sai Trần Chân đem quân đánh dẹp, đẩy lui được Cảo về Lạng Nguyên. Tuy nhiên, quân triều đình và quân Trần Cảo vẫn tiếp tục giằng co nhiều ngày mà không phân thắng bại được. Trần Cảo sau đó truyền lại ngôi cho con là Trần Cung rồi cạo đầu làm sư, thay tên đổi họ trốn đi. Từ đó không thấy tung tích gì nữa. Trần Cung tiếp nhận quân của Trần Cảo, tiếp tục chống lại nhà Lê trong nhiều năm liền mà quân triều đình không dẹp được.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng kể từ sau khi hai vua Hiến Tông, Túc Tông lần lượt qua đời, Đại Việt nói chung và triều đình nhà Lê nói riêng đã rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chỉ trong hơn 10 năm ngắn ngủi (1505 - 1516), biết bao nhiêu cuộc nổi loạn diễn ra, Đông Kinh bị tàn phá nghiêm trọng, hai vị vua bị giết, quyền thần nắm quyền, lại quay ra đấu đá lẫn nhau. Thật khó mà tin được rằng chỉ gần 20 năm trước đó là thời kỳ đỉnh thạnh của nhà Lê với sự cai trị của vua Thánh Tông. Thế mà chỉ trong có vài năm, triều đình nhà Lê đã suy yếu tới tận gốc rễ, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Và cũng như mọi thời điểm loạn lạc khác trong lịch sử, đây cũng sẽ là thời cơ cho những người có tham vọng nổi lên, giành lấy thiên mệnh về tay. Và ở đây, người mà chúng ta nhắc đến đương nhiên sẽ là Mạc Đăng Dung, Thái Tổ nhà Mạc.
MẠC ĐĂNG DUNG NẮM QUYỀN VÀ SOÁN NGÔI
Cuối thời Lê Sơ, loạn lạc nổi liên liên tục, các thế lực quyền thần cũng vì thế mà xuất hiện nhiều vô kể, tranh đấu, đánh dẹp lẫn nhau. Và trong tất cả các thế lực ấy, Mạc Đăng Dung là người chiến thắng cuối cùng.
Mạc Đăng Dung sinh năm 1483 dưới thời vua Thánh Tông, thuở nhỏ nhà nghèo phải làm nghề đánh cá, nhưng trời phú cho ông sức khỏe hơn người. Đăng Dung có dự thi tuyển dũng sĩ dưới thời vua Uy Mục và trúng Đô lực sĩ xuất thân, từ đó được sung vào quân Túc vệ. Đến năm 1508, Đăng Dung được thăng lên Đô Chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ. Sử sách sau đó không thấy ghi chép gì về Mạc Đăng Dung khi Giản Tu công Lê Oanh khởi binh lật đổ vua Uy Mục. Mãi đến năm 1511 mới có chép việc Đăng Dung được phong tước Vũ Xuyên bá. Vậy có thể tin rằng Đăng Dung có đóng vai trò nhất định trong việc giúp quân Giản Tu công đánh hạ Đông Kinh và sau đó tiếp tục phục vụ đắc lực vua mới. Bởi vì được phong tước bá chứng tỏ triều đình đã có sự ghi nhận với công lao của Đăng Dung.
Cuối thời Tương Dực đế, có năm hạn hán lớn dẫn đến đói to, nhiều cuộc bạo loạn nổ ra, mà tiêu biểu chính là cuộc nổi dậy của Trần Cảo. Đất nước bị tàn phá nghiêm trọng, đến cả Đông Kinh cũng bị đốt phá. Sau khi Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực, lập vua mới thì chính ông ta cũng chết khi đem quân dẹp tàn dư Trần Cảo. Bấy giờ trong triều lại chia ra mấy phe tranh giành đấu đá lẫn nhau mà bên ngoài thì giặc giã loạn lạc vẫn chưa yên được. Năm 1517, hai tướng Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy nảy sinh hiềm khích, đem quân đánh lẫn nhau. Trịnh Tuy thất thế, phải lui về Thanh Hoa. Thấy thế, Trần Chân lại cũng đem quân đánh luôn Nguyễn Hoằng Dụ, độc chiếm quyền hành. Nguyễn Hoằng Dụ thất bại, cũng tìm cách chạy về Thanh Hoa. Trần Chân biết vậy, bèn gửi thư cho Mạc Đăng Dung lúc đó đang trấn thủ Sơn Nam, khuyên ông bắt giữ Hoằng Dụ. Mặt khác, cho quân triều đình đào mộ cha Hoằng Dụ lên lấy xác chém đầu, cho quân truy đuổi. Đăng Dung bấy giờ nhận được thư Trần Chân, tỏ ra không nỡ (hoặc có thể do ông cố tình muốn thả cho Hoằng Dụ, để các phe quyền thần trong triều tiếp tục đánh giết lẫn nhau, điều đó chỉ có lợi cho ông). Vừa hay lúc đó cũng nhận được thư của Nguyễn Hoằng Dụ, nên Mạc Đăng Dung án binh bất động, thả cho ông chạy về Thanh Hoa.
Đăng Dung tiếp tục tỏ ra mình là trung thần. Thời ấy có những người như Cù Khắc Xương, Trần Khắc Xương dùng tôn giáo mê hoặc dân chúng, Đăng Dung dâng sớ xin trị tội, lại cũng đàn hặc nhiều quan viên mê tín mà tin theo tà đạo. Vua Chiêu Tông nghe theo, đem giết cả. Có Thiệu Quốc công Lê Quảng Độ trước đầu hàng Trần Cảo, Đăng Dung cũng dâng sớ khuyên vua chém đi vì tội bất trung, Chiêu Tông cũng nghe. Từ đấy vua rất tin Đăng Dung là người trung thành, càng thêm ân sủng. Đến năm 1518, Đăng Dung được thăng lên Vũ Xuyên hầu và được trao trấn thủ Hải Dương. Tại đây, ông bắt đầu thu thập và chỉnh đốn binh lính, thế ngày càng mạnh. Còn ở trong triều, sau khi đuổi được cả Trịnh Tuy và Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân độc chiếm quyền hành, thế lực lớn mạnh. Mạc Đăng Dung thấy cũng phải lo, liền dạm hỏi cho con là Mạc Đăng Doanh lấy con gái Trần Chân.
Chứng kiến Trần Chân độc bá triều chính, vua Chiêu Tông đâm giận, bèn cùng một số đại thần bày mưu dụ ông vào cung rồi đem giết đi. Thế nhưng rõ ràng, đây là một nước đi sai lầm của Chiêu Tông. Bấy giờ quyền thế của phe cánh Trần Chân lớn lắm, binh quyền cũng ở cả trong tay người của Trần Chân. Giết một mình Trần Chân đâu có thể thay đổi gì, khi mà nhà vua không có binh quyền, cũng chẳng có ai là người trung thành nắm binh quyền hết. Vì thế, ngay khi Trần Chân bị giết, các thủ hạ của ông là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Nguyễn Hiêu, Cao Xuân Thì, Hoàng Duy Nhạc lập tức đem quân đánh thẳng vào Đông Kinh để báo thù. Chiêu Tông không cách nào chống cự, phải bỏ chạy sang Gia Lâm. Quân Nguyễn Kính tràn vào cướp bóc, đốt phá kinh thành đến mức “trong thành sạch không, kinh sư thành bãi săn bắn, đánh cá”. Trịnh Tuy bấy giờ ở Sơn Nam có 1 vạn quân, tuy nghe tin Nguyễn Kính làm loạn, nhưng lại án binh bất động. Quân Sơn Tây của Nguyễn Kính càng được thể cướp bóc, đốt phá. Vua Chiêu Tông không cách nào dẹp được, bèn cho người mời Nguyễn Hoằng Dụ đem quân ra đánh Nguyễn Kính, nhưng Hoằng Dụ vẫn ghi hận mồ mả cha bị đào nên không nghe.
Vua Chiêu Tông bấy giờ không biết trông cậy vào ai, bèn quyết định tìm đến người mà vua cho là “trung thần”, chính là Mạc Đăng Dung ở Hải Dương. Đăng Dung có lẽ chỉ đợi có vậy là được danh chính ngôn thuận đem binh về, liền lập tức đến bái kiến vua và đóng thủy quân ở sông Nhị Hà. Tiếp đó, ông cho người đi dụ hàng các thủ hạ của Trần Chân, nhưng họ đều đòi vua phải giết những người dèm pha Trần Chân. Vua Chiêu Tông không biết làm sao, đành nghe theo, đem giết những người đó, nhưng rồi quân Sơn Tây vẫn không chịu rút, ngược lại còn hoành hành dữ hơn nữa. Thấy tình hình như vậy, Trịnh Tuy ở Sơn Nam nảy ý phế lập. Tháng 9 năm 1518, ông và văn thần Nguyễn Sư lập một tông thất là Lê Bảng lên ngôi, nhưng chỉ nửa năm sau, phế Lê Bảng, lập em là Lê Do. Trịnh Tuy sau đó cho người dụ Nguyễn Kính theo về. Nguyễn Kính thấy ông trước cùng phe với Trịnh Duy Sản và Trần Chân nên đồng ý đi theo.
Thấy sự thể như vậy, vua Chiêu Tông một lần nữa mời Nguyễn Hoằng Dụ đem quân Thanh Hoa ra hợp với Mạc Đăng Dung để đánh dẹp phe cánh Trịnh Tuy. Lần này Hoằng Dụ đồng ý, đem quân ra đánh, nhưng thua to, phải rút về, để lại một mình quân Mạc Đăng Dung chống giữ. Không lâu sau, Nguyễn Hoằng Dụ bệnh mất, từ đấy Mạc Đăng Dung thống lãnh tất cả quân thủy bộ. Đầu năm 1519, Trịnh Tuy đem quân đánh úp vua Chiêu Tông nhưng bại trận, thua to phải đem theo Lê Do rút chạy về Yên Lãng. Đến tháng 7, vua Chiêu Tông lệnh cho Mạc Đăng Dung đem quân thủy bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, ông cho quân phá đê để nước chảy vào doanh trại quân Lê Do. Lê Do và Nguyễn Sư thua trận bỏ chạy đến Ninh Sơn thì bị bắt rồi sau đó bị giết. Trịnh Tuy thì chạy về Thanh Hoa, còn Nguyễn Kính và Hoàng Duy Nhạc thì đầu hàng, sau được Đăng Dung xin tha tội và thu về dưới trướng, tăng thêm vây cánh.
Loạn này coi như đã tạm yên, Mạc Đăng Dung liền rước vua về lại Đông Kinh. Ông được thăng lên làm Minh quận công, và từ đấy quyền lực trong triều rơi hết vào tay Đăng Dung. Năm 1520 được phong làm Tiết chế các xứ thủy bộ chư dinh. Đến năm 1521 được phong Nhân Quốc công, tiết chế các doanh quân thủy bộ 13 đạo, sau lại được phong Thái phó. Quyền lực của Mạc Đăng Dung ngày càng lớn, mà lúc ấy liên tiếp xảy ra bạo loạn, Đăng Dung đều đánh dẹp được hết, và nhất là có công đánh tan hoàn toàn quân của Trần Cung (tức là dư đảng của Trần Cảo trước đây). Bởi vậy, trong triều ai cũng nể sợ, quyền lực lấn át cả vua. Phe cánh của Mạc Đăng Dung cũng lớn mạnh, nắm hầu hết các chức vị trọng yếu trong triều. Số ít những người thân cận và trung thành với vua Chiêu Tông là thị vệ Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Minh Sơn bá Nguyễn Thọ và Đàm Cừ cũng bị ông tìm cách giết hết cả.
Vua Chiêu Tông lúc ấy thân cô thế cô, hẳn đã nhận rõ dã tâm của Mạc Đăng Dung. Vì vậy, vua quyết định phải thoát khỏi nanh vuốt của người này. Ngày 27/7/1522, vua Chiêu Tông cùng vài cận thần trung thành bỏ Đông Kinh chạy sang Sơn Tây, sau đó hiệu triệu quân cần vương đánh dẹp Mạc Đăng Dung. Ngay hôm sau Mạc Đăng Dung lệnh cho Hoàng Duy Nhạc đem quân đuổi theo, nhưng vua Chiêu Tông dùng quân ở Thạch Thất đánh hạ được, bắt giết Duy Nhạc. Thấy vậy, Mạc Đăng Dung quyết định hành động. Ông cần một vị vua ngồi trên ngai vàng làm chính danh. Người đó là ai cũng được, không quan trọng, chỉ cần là tông thất. Do vua Chiêu Tông bí mật một mình chạy khỏi kinh nên tông thất không ai biết mà đi theo. Mạc Đăng Dung bèn lập em của vua là Lê Xuân lên ngôi. Vua Chiêu Tông được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú đem quân cần vương đến cứu, lại dụ được cả Nguyễn Kính, Nguyễn Áng là thủ hạ cũ của Trần Chân, thành ra thanh thế lớn, đem quân chống giữ với Mạc Đăng Dung.
Vua Chiêu Tông lại cho người mời Trịnh Tuy đem quân ra giúp, nhưng Trịnh Tuy dùng dằng không đến. Mãi tới tháng 10 năm 1522, ông mới đem hơn 1 vạn quân Thanh Hoa ra cần vương, sai cận thần Nguyễn Bá Kỳ vào hầu vua. Cận thần của Chiêu Tông là Phạm Điền lại sợ Bá Kỳ tranh quyền, bèn dèm pha với vua. Chiêu Tông nghe theo, đem giết Bá Kỳ rồi trả đầu về doanh Trịnh Tuy. Trịnh Tuy tức giận, bèn hạ quyết tâm làm theo như Mạc Đăng Dung, đó là nắm giữ vua để hiệu lệnh các xứ.
Ngày 18/10/1522, Trịnh Tuy cùng thuộc tướng Trịnh Duy Thuân giả cách bảo là đi xem nơi thích hợp đóng trại ở Dịch Vọng, đến tối thì dựng doanh ở đó. Sáng sớm hôm sau, Trịnh Tuy cho quân phục ở Dịch Vọng, nổ súng rồi reo hò ầm ĩ. Quân Trịnh Tuy đụng độ với thân binh của vua Chiêu Tông, đánh tan cả. Trịnh Tuy khống chế được vua Chiêu Tông rồi, bèn đưa vua về Thanh Hoa, rồi lấy danh nghĩa của vua ra lệnh các đội quân cần vương bãi binh. Các cánh quân ở miền bắc vì thế mà tan rã, không phối hợp được với nhau, có kẻ lại quay về hàng Mạc Đăng Dung như Nguyễn Kính, Nguyễn Áng. Việc cần vương ở miền bắc coi như đã hỏng khi mà phe cánh Đăng Dung ngày càng mạnh, còn các tướng chống đối thì không đoàn kết được. Trịnh Tuy mặc dù khống chế được Chiêu Tông, nhưng thế lực yếu, không bì được với Mạc Đăng Dung, chỉ có thể cố thủ ở Thanh Hoa. Mạc Đăng Dung lần lượt đánh bại các cánh quân chống đối và bắt đầu cho quân đánh xuống Thanh Hoa.
Đầu năm 1523, Mạc Đăng Dung cử em là Mạc Quyết cùng các tướng Vũ Hộ, Vũ Như Quế đem quân vào Thanh Hoa đánh Trịnh Tuy. Quân Trịnh Tuy không chống nổi, tan vỡ, Trịnh Tuy phải đem Chiêu Tông chạy đến châu Lang Chánh. Đến tháng 8, Mạc Đăng Dung lấy danh nghĩa vua mới mà phế Chiêu Tông làm Đà Dương vương. Đến năm 1524, ông lên làm Bình chương quân quốc trọng sự, thái phó, tước Nhân Quốc công. Đến cuối năm 1525, Mạc Đăng Dung một lần nữa cử binh vào Thanh Hoa, lần này đánh bại hoàn toàn quân Trịnh Tuy, bắt được vua Chiêu Tông đem về. Sau đó, ông tiếp tục đánh dẹp cho hết các tàn dư quân phiệt còn trung thành với vua Chiêu Tông. Đến lúc này, toàn bộ triều đình thực chất đã là của họ Mạc và thủ hạ. Những quan lại còn trung thành với nhà Lê chẳng có nhiều, mà cũng không có quyền hành gì. Đến cuối năm 1526, Mạc Đăng Dung cho người bí mật giết vua Chiêu Tông ở nơi giam giữ. Tháng 4 năm 1527, Mạc Đăng Dung lên làm An Hưng vương. 2 tháng sau, Mạc Đăng Dung về Đông Kinh, ép vua nhường ngôi. Mạc Đăng Dung tự xưng Hoàng đế, phế vua Lê làm Cung vương, đem giam cùng Hoàng thái hậu ở Tây cung. Và chỉ vài tháng sau, ông ép cả hai mẹ con phải tự tử. Nhà Lê đến đây chính thức chấm dứt, từ lúc Thái Tổ Lê Lợi lên ngôi đến khi Cung Hoàng đế Lê Xuân bị phế là tròn 100 năm.
Rõ ràng, ta có thể thấy rằng sự loạn lạc không ngừng cuối thời Lê Sơ đã tạo cơ hội lớn cho các quân phiệt có dã tâm nổi lên, khống chế triều đình. Kể ra, cũng thật khó tin khi ta nhận ra từ lúc vua Thánh Tông băng hà cho đến khi nhà Lê diệt vong chỉ vẻn vẹn 30 năm. Chỉ bằng hai đời vua là Uy Mục đế và Tương Dực đế, bao nhiêu căn cơ của triều đình đã chao đảo, đổ vỡ hết, quyền bính về cả tay các quyền thần. Đến khi vua Chiêu Tông lên ngôi, mọi sự đã không thể cứu vãn. Ta không thể nói Chiêu Tông là người nhụt chí được, vì qua hành động, có thể thấy vua cũng là người có chí khôi phục lại kỷ cương. Thế nhưng vấn đề ở chỗ vua hành xử quá vội vàng, nóng tính, không hề suy xét trước sau, lại quen thói nghe dèm pha, để đến nỗi phải bỏ kinh thành mà chạy, cuối cùng cũng biến thành quân cờ trong tay các quân phiệt, và rồi phải chết tức tưởi. Còn như Cung Hoàng đế Lê Xuân thì lại càng chẳng cần phải nói, khi vua không có tài năng gì, quyền hành cũng không, chỉ là một con rối trong tay Mạc Đăng Dung. Việc Mạc Đăng Dung soán ngôi, thực chất chỉ là chuyện sớm muộn. Ông là người có tài cả về quân sự lẫn chính trị, đã lợi dụng được tình thế loạn lạc để làm nên chuyện lớn, dẹp yên hết các thế lực chống đối, lập ra nhà Mạc.
Thế nhưng, việc làm của Mạc Đăng Dung trong mắt giới sĩ phu lúc bấy giờ cố nhiên là đại nghịch bất đạo, là tặc thần. Không thiếu những người chống đối triều đình nhà Mạc, mà hầu hết là các cựu thần nhà Lê. Việc phế lập này đương nhiên cũng đến tai cả nước tông chủ của Đại Việt lúc bấy giờ - Đại Minh. Đứng trước những sự tố cáo của các cựu thần nhà Lê, và giữa một triều đình mới ở Đại Việt là nhà Mạc, thái độ của triều đình Đại Minh sẽ như thế nào?
THÁI ĐỘ CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ MINH VỚI HAI NHÀ LÊ - MẠC
Cũng cần phải nói rằng, thật sự thì Mạc Đăng Dung có sự ủng hộ của phần lớn dân chúng miền bắc, ấy là vì ông đã chấm dứt được cảnh loạn lạc kéo dài, ổn định và phát triển được đời sống của dân chúng. Nhưng Mạc Đăng Dung nhìn chung vẫn sợ lòng người còn nhớ nhà Lê, nên mọi pháp chế, quy định đều nhất nhất theo lệ cũ, bởi vậy tình hình mới tạm yên. Thế nhưng, cũng chẳng ít người phản đối Mạc Đăng Dung và nhà Mạc, phần nhiều là giới sĩ phu, cựu thần nhà Lê. Ngay từ thời điểm Mạc Đăng Dung phế Cung Hoàng đế Lê Xuân rồi sau lại ép vua tự tử, nhiều quan lại đã tìm đến cái chết để phản đối hành động “đại nghịch bất đạo” này. Có nhiều quan trong triều đều tử tiết theo vua. Có người cầm nghiên mực ném vào hay nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung, đều bị giết; có người nhảy xuống sông mà tự vẫn; có người quay đầu về Lam Sơn bái lạy rồi tự tử. Một số tông thất nhà Lê trốn được khỏi tay nhà Mạc cũng liên tiếp dựng cờ “phù Lê diệt Mạc” mà dấy binh, gây không ít khó khăn cho Mạc Đăng Dung, nhưng rồi lần lượt đều bị dẹp yên. Duy chỉ có lực lượng của võ tướng cũ nhà Lê là Nguyễn Kim, dù nhiều phen thua to, nhưng vẫn không tài nào dẹp yên được. Nguyễn Kim dấy binh chống nhà Mạc từ cuối năm 1530, khi dẫn quân từ Ai Lao về Thanh Hoa. Trong vài năm sau đó, tuy quân Nguyễn Kim nhiều lần bị thua, nhưng vẫn rút về được Ai Lao nên không bị diệt hẳn.
Bước ngoặt xảy đến vào năm 1533, khi Nguyễn Kim tuyên bố tìm được con của vua Chiêu Tông là Lê Ninh, dựng lên làm vua, tái lập nhà Lê - tức là Lê Trung hưng. Từ bấy giờ nhiều cựu thần và các lực lượng trung thành với nhà Lê theo về, thế dần mạnh lên. Và song song với việc gây dựng lực lượng để chống nhau với nhà Mạc lâu dài, nhà Lê Trung hưng tất nhiên cũng cho sứ sang kêu với nhà Minh, để mong triều đình phương bắc có thể gây ra một áp lực, hoặc thậm chí là can thiệp vào tình hình Đại Việt. Ở đây, chúng ta cần hiểu việc này dựa trên quan điểm thời bấy giờ. Lúc ấy, nhà Minh có danh phận là tông chủ, mà nhà Lê là phận chư hầu. Thời xưa, chư hầu có nạn, thiên tử ra mặt giúp đỡ là chuyện tất nhiên, là bổn phận của một nước bảo hộ. Ngày trước cũng chính nhà Minh đã tận dụng triệt để điều này để điều binh sang đánh nhà Hồ. Lúc này, việc Mạc Đăng Dung phế nhà Lê chính đã phạm phải tội lớn, mà trên hết, việc này chưa có sự đồng ý của nhà Minh. Do đó, chắc chắn triều đình nhà Minh khi biết chuyện sẽ có hành động. Vấn đề là, họ sẽ hành động như thế nào? Thái độ của triều đình Đại Minh với hai triều đình cùng tồn tại ở Đại Việt lúc ấy là Lê - Mạc sẽ ra sao?
Ngay sau khi lập triều mới, Mạc Đăng Dung đã có hành động đối với nhà Minh. Ấy là năm 1528, ông cử sứ sang báo với nhà Minh rằng họ Lê không còn người thừa tự, đã trao quyền cho họ Mạc, mục đích là để nhà Minh đồng ý tính chính danh cho triều đình nhà Mạc. Tuy nhiên, triều đình nhà Minh không tin, mật cử người điều tra, thậm chí tỏ thái độ sẽ vấn tội. Lo lắng trước khả năng có thể xảy ra chiến tranh, Mạc Đăng Dung đã “lập mưu cắt đất nhân dân hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận. Từ đấy Nam Bắc lại thông sứ đi lại” [4]
Mặc dù việc cắt đất và dâng tượng vàng này không thấy có ghi chép trong Minh sử, nhưng xét tình hình thực tế rằng vài năm sau đó không thấy nhà Minh có động thái khó dễ nào quá với nhà Mạc, vậy ta có thể tin rằng hành động này là có thực. Mạc Đăng Dung vừa mới lập triều mới, đã phải tìm mọi cách để ổn định tình hình. Ông biết chắc rằng phe cánh cựu thần nhà Lê sẽ không để yên, cho nên phải tranh thủ thời gian ổn định triều đình và tình hình đất nước, không thể để xảy ra xích mích với nhà Minh được. Huống chi, tình hình thực tế ở các châu biên giới này phức tạp hơn chúng ta nghĩ nhiều, cái đó sẽ được phân tích rõ hơn ở phần sau. Còn giờ, chúng ta biết rằng từ lúc Mạc Đăng Dung thực hiện hành động cắt đất dâng tượng vàng cho đến khi có sứ giả của triều Lê Trung hưng sang, nhà Minh hầu như không có thái độ gì với Đại Việt. Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi Nguyễn Kim lập Lê Ninh lên ngôi và cử sứ giả sang nhà Minh.
Năm 1533, Lê Ninh được lập lên ngôi ở Ai Lao, tái lập nhà Lê, sử gọi là Lê Trung hưng. Ngay sau đó, triều đình nhà Lê Trung hưng lập tức cử Trịnh Duy Liêu đi sứ sang nhà Minh. Hành trình này kéo dài đến mấy năm, bởi vì việc Trịnh Duy Liêu bái kiến vua Minh trong Minh sử chép là xảy ra vào năm Gia Tĩnh thứ 16, tức năm 1537, tận 4 năm sau khi Lê Ninh lên ngôi. Có thể sai khác về mặt thời gian giữa Toàn thư và Minh sử, nhưng dẫu sao điều này cũng không quan trọng. Chỉ cần biết rằng, Trịnh Duy Liêu đã thay mặt triều đình nhà Lê tố cáo hành động thoán nghịch của Mạc Đăng Dung với nhà Minh. Ban đầu, sau khi nghe tấu, triều đình nhà Minh đón nhận tin tức này với thái độ thận trọng. Nghiêm Tung là Chưởng quản bộ Lễ đã tâu lên vua Gia Tĩnh rằng “lời ấy chưa hẳn đáng tin, xin cho giữ lại, để đợi quan khám xét có tấu báo về. Hoàng đế nghe theo”. Và sau khi đã biết tương đối cụ thể về tình hình Đại Việt, triều đình nhà Minh đã lập tức có thái độ. Có nhiều quan trong triều chủ trương động binh nam chinh hỏi tội họ Mạc. Binh bộ và Lễ bộ đã họp đình thần, nêu ra mười tội lớn của Mạc Đăng Dung và tâu xin vua Gia Tĩnh quyết định để khởi binh sang nước ta.
Tuy nhiên, không phải tất cả quan lại trong triều đình nhà Minh đều tán thành khởi binh nam hạ. Một số người như Tổng đốc Lưỡng Quảng Phan Đản và Thị lang Phan Trân đều dâng sớ tâu rằng không nên dấy binh, chỉ nên yên lặng quan sát. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, có lẽ thái độ của vua Gia Tĩnh là nghiêng về phe chủ chiến hơn, vì vua đã lập tức cách chức Phan Trân sau khi đọc sớ của ông, gạt bỏ tấu sớ của Phan Đán. Thế nhưng vua Gia Tĩnh lại nhanh chóng do dự, không còn nghiêng hẳn về phe chủ chiến nữa. Vua Gia Tĩnh cho tạm ngưng hết các việc liên quan tới nam chinh, mà lệnh điều tra rõ thân thế của Lê Ninh xem là thật hay giả. Đứng trên góc độ của Hoàng đế nhà Minh, ta hoàn toàn có thể hiểu được. Mặc dù là phận Thiên tử phải bảo hộ chư hầu, nhưng việc họ Lê tái lập, chưa biết là thực hay giả. Không thể khinh suất mà cử đại quân được. Nên biết rằng việc chiến tranh hao tốn người và tiền của rất nhiều. Nhà Minh thời bấy giờ tuy cũng đang trong trạng thái thịnh vượng, phát triển, nhưng dẫu sao thì thái bình đã lâu, sức mạnh quân sự không còn được như xưa. Vả chăng, nếu thực sự cử quân, tiền của hao tốn không biết đâu mà lường, lại chẳng biết có thu được lợi ích gì không. Nếu quả thực cần xuất quân, vậy phải có lý do chính xác. Nếu chẳng may Lê Ninh chẳng phải thật là tông thất, vậy mặt mũi Thiên triều còn đâu nữa? Bởi vậy, vua Gia Tĩnh trở nên thận trọng thực không có gì khó hiểu.
Đến tháng Tám năm ấy, Tuần phủ Vân Nam là Uông Văn Thịnh bắt được người của nhà Mạc, lại lấy được cả bản “Đại Cáo” của Mạc Đăng Dung (là bản bố cáo của Mạc Đăng Dung lúc lên ngôi Hoàng đế). Điều này khiến vua Gia Tĩnh nổi giận, khi mà Mạc Đăng Dung công khai xưng đế, tỏ ý ngang hàng với Thiên triều. Thực ra mà nói, các triều đại trước của Đại Việt cũng làm vậy cả, tất nhiên các triều đại Trung Quốc cũng biết rõ, nhưng nói chung đều nhắm mắt làm ngơ, coi như không biết. Dù sao thì khi giao thiệp với sứ thần, các vua nước ta cũng chỉ đều mặc triều phục theo đúng quy chế cho bậc vương, mà cũng không dám tự tiện xưng là Hoàng đế trước mặt. Vậy nên nói chung các triều đình Trung Quốc tuy biết, nhưng cũng không có cớ gì để cật vấn, cũng chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nhưng mỗi khi có cơ hội và thời cơ khởi binh, Trung Quốc luôn nhắc đến “tội” của các vua ta là “tiếm hiệu xưng đế”, nói vậy để thấy là triều đình phương bắc không bao giờ quên sự “láo xược” này của nước ta. Với vua Gia Tĩnh cũng vậy, tận mắt chứng kiến chứng cớ rành rành của việc “tiếm xưng đế hiệu”, ông lập tức tỏ thái độ giận dữ, và lại có ý định khởi binh. Vua Gia Tĩnh tiếp tục mệnh cho các quan tiếp tục tiến hành khâu chuẩn bị cho việc chinh thảo. Án sát Quảng Đông là Dư Quảng dâng sớ can gián không nên khởi binh, lập tức bị trách phạt và cắt một năm bổng lộc. Như vậy, lúc này gần như triều đình nhà Minh đã quyết ý khởi binh thảo phạt nhà Mạc, nhưng vẫn còn có những quan lại phản đối, bày tỏ những cái hại nếu dấy động can qua. Bởi vậy, rốt lại triều đình nhà Minh vẫn mở ra một con đường cho họ Mạc. Tuần phủ Vân Nam Uông Văn Thịnh đã cho truyền hịch, nhưng không quên báo rằng nếu Mạc Đăng Dung có thể tự trói mình đến đầu hàng, dâng địa đồ cả nước, thì sẽ được miễn tội chết và tránh khỏi họa binh đao. Tất nhiên đây đều là những điều kiện hết sức ngặt nghèo, và có thể nói là nhục quốc thể. Thế nhưng với Mạc Đăng Dung và triều đình nhà Mạc, đây là cơ hội để không phải đối mặt với đại quân xâm lược từ phương bắc. Tấm gương của nhà Hồ cách đó hơn trăm năm không ai không nhớ. Vậy cho nên Mạc Đăng Dung đã lập tức cho người dâng biểu xin đầu hàng, và tiếp tục cố gắng thuyết phục nhà Minh về việc mình lên ngôi là danh chính ngôn thuận.
Trong suốt 2 năm sau đó là 1538 và 1539, triều đình nhà Minh vẫn tiếp tục mâu thuẫn về chuyện nên hay không nên khởi binh đánh họ Mạc để giúp họ Lê. Sứ giả của hai họ Mạc - Lê cũng liên tục thay nhau dâng sớ lên, khiến việc tranh cãi ngày càng rơi vào ngõ cụt, đến mức vua Gia Tĩnh cũng phải bực mình, lại càng khó mà quyết định được. Quan điểm của Binh bộ nhà Minh là phải đánh, nhưng kể ra vài phần trong tâm của họ cũng do dự và lo lắng. Một là vì những lý do như hao tốn tiền của, vất vả sức binh sức dân. Thứ nữa là vì bài học nhãn tiền từ các triều vua Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông. Vô số lần khởi binh dẹp loạn ở nước ta, mà cuối cùng vẫn thất bại và chịu mất quyền cai trị. Đấy là điều không thể không suy xét. Do đó, bản thân vua Gia Tĩnh cũng khó quyết, mà chính các quan viên phe chủ chiến cũng có phần lưỡng lự. Bởi vậy, một mặt họ vẫn lên kế hoạch nam chinh, nhưng mặt khác vẫn giữ nguyên ý định là nếu Mạc Đăng Dung có thể trói mình quy hàng, thì sẽ không hỏi tội nữa. Ý này tâu lên, vua Gia Tĩnh lập tức bằng lòng.
Cuối cùng, mọi việc dẫn đến sự kiện năm 1540, khi đích thân Mạc Đăng Dung lên biên giới để đầu hàng trước sứ giả của nhà Minh. Cùng với đó là những việc như cắt đất dâng biểu xin nội thuộc.
SỰ KIỆN ĐẦU HÀNG, CẮT ĐẤT CỦA THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
Về sự kiện đầu hàng cắt đất năm 1540, Toàn thư chép như sau: “Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh (lúc ấy Thái Tông Mạc Đăng Doanh đã qua đời) và bọn bề tôi là Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cùi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu.” [5]
Toàn thư chép Mạc Đăng Dung cắt 6 động cho nhà Minh. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục thì chỉ chép 5 động là Ti Phù, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc; và cũng bác bỏ việc cắt đất năm 1528 của nhà Mạc. Ở phía sử liệu nhà Minh thì chỉ nhắc tới 4 động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát (động Ti Lẫm thực chất là động Ti Phù). Con số 4 động này được nhắc lại nhiều lần trong các chỉ dụ cũng như ghi chép của nhà Minh, nên có thể tin là thực chất Mạc Đăng Dung chỉ cắt 4 động cho nhà Minh.
Nhưng dù con số các động là bao nhiêu, thì sự thực vẫn là “Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh”. Điều này cố nhiên không có gì bàn cãi, nhưng vấn đề ở chỗ, thực hư tình hình các động biên giới này lúc đó ra sao?
Có một sự thực là tình hình các vùng địa phương biên giới phía bắc của Đại Việt và phía nam của Trung Quốc đều có điểm chung, ấy là quyền lực thực sự ở các nơi xa xôi hẻo lánh không nằm trong tay triều đình trung ương, mà thuộc về các tù trưởng, thổ hào của các dân tộc thiểu số. Theo sách Khâm Châu chí, vào thời Đông Hán, sau khi Mã Viện dẹp yên khởi nghĩa Hai Bà Trưng, bình định được Giao Chỉ, đã cắt hai viên bộ tướng là Huyên Thần Vượng và Hoàng Vạn Định cùng quân bản bộ ở lại lưu thủ biên cương. Sau, vì lo sợ quyền lực các tù trưởng quá lớn, triều đình nhà Hán quy hết về chế độ trung ương, lập ra 9 động: Như Tích, Thời La, Thời Hưu, Thiếp Lãng, Ti Lẫm, Cổ Sâm, Ti Lặc, Liêt Cát, La Phù. Mỗi động đều đặt một viên Động chủ là con cháu của Hoàng Vạn Định, riêng động Thời Hưu là nơi lưu thủ của Huyên Thần Vượng và Hoàng Vạn Định thì không đặt Động chủ. Đến thời Tống thì động Như Tích được lập thành trấn cho Tuần phòng sứ của triều đình đóng trị sở.
7 động còn lại qua thời gian thường thuộc về nhiều châu huyện khác nhau. Nhưng với chế độ đặc trưng này, các quan Tri châu không có quyền can thiệp và nội bộ các động. Quyền lực các động nằm trong tay các Động chủ, họ có thổ binh riêng, hầu như không phải nộp thuế khóa. Đến thời Tống, 7 động này được coi là vùng đệm ở biên cương, cho nên mới thăng Như Tích lên thành trấn, đặt chức Trấn tướng chỉ huy quân đồn trú, chia 7 động làm 3 đô là Thời La đô (gồm động Thời La), Thiếp Lãng đô (gồm các động Thiếp Lãng, Ti Lẫm, Cổ Sâm) và Như Tích đô (gồm các động Ti Lặc, Liêu Cát và La Phù). Sau loạn Nùng Trí Cao, nhà Tống tiếp tục thay đổi chế độ, các Động chủ được thăng lên làm Trưởng quan ty, chính thức thành quan viên triều đình, được ban ấn, có quyền tham gia vào việc của các châu, nhưng vẫn có quyền thế tập quyền lực trong các động. Việc này kéo dài đến tận đầu thời Minh.
Khi Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế, sáng lập triều Minh năm 1368, ít lâu sau đó đã lập tức tiến hành cải cách thể chế ở các động này. Ông lấy cớ 7 động này dân chúng ít ỏi thưa thớt nên không cấp cho ấn tín, đồng thời cách chức Trưởng quan. Sau đó đặt ra ty Tuần kiểm, phái quan viên nơi khác đến cai trị. Trưởng quan ty Ti Lặc đổi làm Thiên hộ, Trưởng quan ty La Phù đổi làm Bách hộ, 5 Trưởng quan ty còn lại đổi về Động chủ như xưa. Tuy nhiên, giờ triều đình yêu cầu các động phải nộp thuế theo đúng luật triều đình. Đặc quyền bị tước bỏ khiến các Động chủ bất mãn, nhưng chưa dám tỏ thái độ do nhà Minh đang hùng mạnh. Mãi tới năm 1427, khi quân Minh buộc phải từ bỏ quyền cai trị ở nước ta và rút về nước thì sự loạn lạc ở biên giới đã tạo cơ hội cho các Động chủ. Một số người liền bỏ Minh mà đầu hàng Đại Việt. Đầu tiên là Hoàng Kim Quảng - Động chủ động Ti Lẫm (hoặc Ti Phù, tùy theo ghi chép mỗi nước) và Hoàng Tử Kiều (Động chủ động La Phù, bấy giờ gọi là động Giám Sơn), sau đó đến Hoàng Khoan (Động chủ động Cổ Sâm), Hoàng Kiến (Động chủ động Liễu Cát) và Hoàng Đức Chí (Động chủ động Thời La). Vua Lê Thái Tổ tiếp nhận 5 động, phong cho Hoàng Kim Quảng làm Kinh lược sứ, 4 người còn lại được phong Kinh lược đồng trị, Kinh lược thiêm sự. Cả 5 động được quy về Vạn Ninh, sau là Thừa tuyên An Bang.
Việc 5 động phản bội khiến nhà Minh rất bất mãn, nhưng mới bại trận nên cũng không thể và không dám giải quyết bằng vũ lực với nhà Lê. Tuy nhiên trong những năm sau đó, nhà Minh nhiều lần bày tỏ thái độ để lôi kéo các động về, thậm chí gửi sắc cho vua Lê Thái Tông đòi đất đòi người, nhưng đều không thành công.
Mãi đến gần trăm năm sau, vào năm 1537, khi bắt đầu có nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa nhà Minh và nhà Mạc, lúc này Tri châu Khâm Châu Lâm Hi Nguyên đã dâng tấu về triều đình nhà Minh, bảo rằng các Động chủ 4 động đã “xin suất lãnh dân chúng quy thuận”. Tuy nhiên, sự thật là điều này không có bằng cớ, và cũng chẳng thể chứng minh được họ đã sớm quy phục nhà Minh. Cũng có thể Động chủ và dân 4 động thấy có nguy cơ chiến tranh đã định đổi phe, nhưng cũng không xác định được thực hư. Và mặc dù Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã đồng ý cắt 4 động cho nhà Minh từ năm 1540, nhưng trên thực tế phải 2 năm sau, Hiến Tông Mạc Phúc Hải mới chính thức cắt trả các động này.
Như vậy, mặc dù chúng ta có thể nói đơn giản là “Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh”, nhưng kỳ thực mọi chuyện trong đó phức tạp hơn nhiều. Các động bị cắt đã từng là đất của Trung Quốc hơn ngàn năm, rồi lại đổi phe đầu hàng, thành đất Đại Việt hơn trăm năm. Triều đình Đại Việt có thể coi đất ấy, dân ấy là đất Việt, dân Việt, nhưng chính bản thân dân chúng các động ấy có nghĩ như vậy không? Điều này chẳng cách nào biết rõ được. Lại cũng có ý kiến, rằng nếu nhà Mạc kiên quyết giữ lại 4 động, không cắt trả thì sẽ thế nào? Thực tình cũng khó mà nói, vì lúc ấy tình thế của triều đình nhà Mạc rất hung hiểm. Phía bắc thì nhà Minh liên tục bày tỏ thái độ đe dọa sẽ khởi binh nam chinh. Phía nam thì lực lượng nhà Lê Trung hưng dần dần lớn mạnh, có thể nói là lưỡng đầu thọ địch. Bấy giờ nhà Mạc mới lập, nhân tâm chưa thực sự ổn, nếu phải chống lại cả quân Minh lẫn quân nhà Lê, thì thất bại và diệt vong là chuyện tất yếu. Việc nhà Minh mở ra một khe cửa hẹp để nhà Mạc lách qua chắc chắn là cơ hội đáng giá với Mạc Đăng Dung. Vậy cho nên ông đã buộc phải chịu nhục mà tự trói mình quỳ gối xin hàng, lại buộc phải cắt đất lấy lòng nhà Minh. Thực ra, nếu nhà Mạc không cắt đất, cũng chưa chắc nhà Minh đã khởi binh, vì nội bộ triều đình họ vẫn tranh cãi liên tục. Tuy nhiên, nhà Mạc có lẽ cũng chẳng nắm rõ được hết tình hình ở Bắc Kinh, nên mới nhanh chóng quyết định như vậy. Cho dù việc này có nhục quốc thể, ảnh hưởng đến vị thế đất nước, thì trên thực tế, nó đã giúp nhà Mạc và Đại Việt tránh khỏi cái họa xâm lăng trước mắt, dù nguy cơ ấy có nhỏ đến đâu. Và quả thực là sau sự kiện này, nhà Minh không làm khó dễ nhà Mạc nữa, và cũng không để tâm tới chuyện tranh đấu giữa nhà Mạc với nhà Lê.
Còn về Thái Tổ Mạc Đăng Dung, sau khi chứng kiến con trai Đăng Doanh mất sớm, lại chịu cái nhục khó tả ở biên giới, ông bệnh mất vào năm sau đó. Nhà Mạc vẫn tồn tại thêm được một thời gian dài, và trong suốt thời gian ấy, không hề làm điều gì phật ý nhà Minh. Vì lẽ đó mà sau khi nhà Mạc sụp đổ năm 1593, lần lượt các vua và tông thất họ Mạc bị bắt giết, nhà Minh lại một lần nữa can thiệp, lần này là ngăn không cho nhà Lê đuổi cùng giết tận họ Mạc. Nhờ sự can thiệp đó, hậu duệ nhà Mạc đã cát cứ được ở vùng Cao Bằng thêm hơn 80 năm nữa.
KẾT
Quãng thời gian cuối Lê sơ - đầu Mạc là một thời điểm loạn lạc. Và như một lẽ thường tình, Mạc Đăng Dung nổi lên và đã chứng tỏ được tài năng hơn người. Ông đã sáng lập được một triều đại mới, và cả ông cùng con là Thái Tông Mạc Đăng Doanh đã có những đóng góp nhất định để đưa Đại Việt trở lại thời kỳ yên ổn phát triển. Tiếc rằng, thời gian đó không kéo dài được lâu. Một bộ phận lớn dân chúng ở phía nam vẫn còn nhớ tới nhà Lê, và các cựu thần đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội, tái lập triều Lê, chống giữ với nhà Mạc suốt mấy chục năm. Và cũng chính từ cuộc nội chiến Lê - Mạc này, đã tạo ra mầm mống để dẫn tới ngót 200 năm chia cắt nam - bắc thời Trịnh - Nguyễn về sau. Chúng ta đương nhiên có thể phê phán hành động đầu hàng cắt đất của Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Nhưng song song với đó, cũng cần hiểu rõ tình thế phức tạp khi đó, để biết rằng, việc ấy chẳng hay ho gì, nhưng là biện pháp duy nhất để Đại Việt không phải lần nữa chịu cảnh bị biến thành quận huyện của Trung Quốc.
CHÚ THÍCH TRÍCH DẪN:
[1]: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Quyển XIV, phần Uy Mục đế
[2]: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Quyển XV - phần Tương Dực đế
[3]: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Quyển XV, phần Tương Dực đế
[4]: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản kỷ, Quyển XV, phần phụ: Mạc Đăng Dung
[5]: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Bản Kỷ, Quyển XVI, phần Trang Tông Dụ Hoàng đế
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Đại Việt Thông sử
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
- Minh sử - An Nam truyện
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất