Vì sao cổ nhân lại ưa dùng điển tích, điển cố đến thế?
Trong nhà tôi có một quyển truyện Kiều, thời đó hãy còn chưa nhiều sách vở, lại càng không có internet. Sau khi gặm hết những sách dễ đọc, dễ tiêu rồi, thì lại đâm đầu vào truyện Kiều.
Tính ra, truyện Kiều cũng không khó đọc mấy, nhất là khoảng một trăm, hai trăm câu đầu.
Mà thơ thì không phải đọc liền một mạch là xong, nên cứ tà tà một ít hôm, là cũng qua được một đoạn Kiều.
Ấn tượng đầu tiên tất nhiên là, giải thích chi mà dài. Có trang viết mỗi bốn câu thơ, còn hết hai phần trang dùng để giải thích điển tích, điển cố.
Nhưng quả tình, không giải thích, thì thật không đọc nổi.
Đọc lần một thì rất là đứt mạch diễn cảm. Đọc lần hai, không cần đọc lại giải thích nữa thì thấy cũng hay hay. Đọc lần ba thì, Thật ra, tôi cũng không nhớ rõ nữa.
Lớn hơn một chút, tôi lại đọc được đâu chừng năm bảy trăm câu.
Có một câu đặc biệt đáng nhớ.
“Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.”
Chuyện kể năm đó, dưới tòa thành kín cổng cao tường, có nàng cung nữ, thả lá đỏ đề thơ, giãi bày chút nỗi niềm tâm sự. Lá đỏ trôi từ trong cung mà ra, gặp được người có duyên lại đề thơ thả vào. Sau vua thả cung nữ, hai người nhờ đó mà gặp được nhau, kết thành một mối, về chung một nhà. Vậy lá thắm cũng như người làm mối, xe duyên vậy.
Lúc xưa đọc không thấy gì, giờ đọc lại thấy sai sai. Ừ thì hào nước bảo vệ kinh thành chắc chảy một dòng, sao thả lá ngược được nhỉ? Hoặc là thả dòng khác, làm sao vẫn về được chỗ cũ đây?
Bỏ vấn đề này qua một bên. Lại luận tiếp chuyện Kiều. Cạn dòng lá thắm ở đây có lẽ là ý không có gì để song phương trao đổi tin tức. Dù gần trong gang tấc, nhưng lại biển trời cách biệt, chỉ ngặt vì không có gì đưa tin.
Hồi đọc tới đoạn đó, tôi có đang thích một chàng trai.
Bố mẹ tôi cương quyết không cho tôi thích chàng, một vì tuổi còn nhỏ - yêu đương gì, hai vì một điều quan trọng hơn – người con trai đó theo đạo Thiên Chúa, bố mẹ tôi không đồng ý.
Lá thắm phương Bắc thì không có, nhưng lá thư trắng chuyền tay mỗi ngày thì đều có, đôi trẻ viết lời tình tự sao mà sướt mướt, sao mà bi thương, đến giờ cũng chỉ còn lại là một lời chia tay không rõ ràng, kết thúc đoạn hồi ức xa xăm…
Vậy nên, đối với tôi mà nói, trong câu thơ này có đến ba câu chuyện, câu chuyện lá đó thả nước năm xưa, câu chuyện Kim Trọng tơ tưởng Kiều, và câu chuyện của tôi và người đầu tiên tôi thích. Chúng trộn lẫn vào nhau – trong cảm xúc, làm sao dễ phân biệt – mang cảm xúc đi đến một ranh giới mới, đầy đặn hơn, sâu sắc hơn – có lẽ đó chính là lý do, mỗi lần đọc một điển tích, điển cố, đều cảm thấy câu chuyện có nhiều chuyện xưa hơn chăng?