Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá kiệt xuất đã "hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc", đã dành trọn cuộc đời của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ta khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Suốt đời Bác lo cho nhân dân ta "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Những di sản văn hoá tư tưởng của Người để lại cho dân tộc ta vô cùng vĩ đại, trong đó có bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta và các thế hệ tương lai. Do đó Di chúc của Bác là tài sản chung của Đảng, của dân tộc, là văn kiện, cẩm nang thường nhật soi đường chỉ lối cho mỗi bước chúng ta đi.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân của vị lãnh tụ vĩ đại, là di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh. Có thể khai thác, tìm hiểu bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng điểm chung nhất toát lên khi nghiên cứu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Bản Di chúc chứa đựng cả hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, về đoàn kết quốc tế, về xây dựng Đảng, về đạo đức cách mạng...
Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, “Bác Hồ suy nghĩ về việc này từ đầu những năm 60, sau khi dự Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế từ Mátxcơva trở về. Những bất đồng dẫn đến bất hòa giữa các Đảng anh em, nhất là trong việc đánh giá kẻ thù, càng làm cho Bác suy nghĩ nhiều”. Nhưng cho đến khi tròn 75 tuổi Bác mới bắt đầu viết Di chúc. Trước khi viết, Người đã về thăm Nguyễn Trãi, một vị anh hùng, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn của dân tộc.
Sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, trước khi ngồi vào bàn viết Di chúc, từ 7h sáng, Bác đã ngồi nghe đồng chí Bộ trưởng Giao thông Vận tải đến báo cáo về con đường chiến lược qua đất Lào, rồi căn dặn một số vấn đề; và nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo công việc chính trong tuần. Đúng 9h, Người đặt bút viết dòng đầu tiên, đó là câu: “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”; và một giờ trôi qua, đúng 10h, Bác viết xong phần mở đầu, rồi cẩn thận cho vào phong bì để vào ngăn trên giá sách. Sau đó, Người lại ung dung, thanh thản trở lại công việc hàng ngày của vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng. Các ngày tiếp theo (ngày 11, 12 và 13/5/1965), cũng từ 9 giờ đến 10 giờ (khoảng thời gian vẫn được xem là lúc con người minh mẫn, sảng khoái nhất), Bác viết tiếp các phần còn lại và cứ đến 10h, Người lại bỏ tài liệu vào một bì thư đưa đồng chí Vũ Kỳ cất giữ hôm sau lấy ra. Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”. Dù là ngày 14 nhưng Bác lại đánh máy dòng chữ “Hà Nội ngày 15/5/1965” và ký tên Hồ Chí Minh; bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III). Đến ngày 20/5, Người lại đọc, sửa tài liệu xong lại bỏ vào bì thư cất đi.Đúng như lời Bác dặn dò, tròn một năm sau, ngày 10/5/1966, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt chiếc phong bì “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác, nhưng hôm ấy, Bác không viết gì thêm. Trong những ngày 11, 15, 16/5 sau đó, Bác đều dành một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, xem lại, bổ sung tài liệu. Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Những năm tiếp theo (1967, 1968 và 1969), cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời, thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết. Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 5 năm cuối cùng của cuộc đời, dành những thời khắc ý nghĩa, thiêng liêng đối với Người, dành hết tâm huyết để viết bản Di chúc có ý nghĩa giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt, mà suốt 50 năm qua đã soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên.Bản Di chúc viết xong ngày 10/5/1969 được công bố trong Lễ tang và đăng trên báo Nhân dân, ngày 10/9/1969. Tuy nhiên, do tình hình lịch sử cụ thể nên một số đoạn Bác viết thêm không đưa vào bản Di chúc khi công bố lần đầu; cho đến năm 1989, nhân 20 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, mới được công bố đầy đủ. Việc chọn bản Di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.Lược trích lại câu chuyện Bác Hồ viết Di chúc, chúng ta càng tự hào và yêu quý Bác, bởi: (I) Ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, Bác chọn đúng một ngày tháng 5, nhân dịp sinh nhật 75 tuổi của mình, đúng lúc 9h, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây để viết về ngày ra đi của mình, một cách ung dung, thanh thản. Điều này cho thấy Bác đã chủ động tiếp nhận quy luật tự nhiên sinh - tử của con người. (II) Việc Bác Hồ quyết định viết Di chúc trong tình hình đất nước và thế giới đang có những diễn biến phức tạp là rất cần thiết và đúng lúc đã cho thấy Bác là một con người suốt đời cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước, hạnh phúc của Nhân dân và nhân loại cần lao, đến lúc từ biệt thế giới này vẫn còn lo cho dân cho nước, cho bè bạn quốc tế. (III) Miền Nam luôn trong trái tim Người, vì vậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn luôn được Bác coi là nghĩa vụ, là trách nhiệm hàng đầu. Bác nói: “Nếu tôi không được tự mắt trông thấy thực hiện cuộc thắng lợi đó, thì tôi phải tự trách mình không làm tròn nhiệm vụ đối với đồng bào miền Nam”. (IV) Về việc riêng, Bác căn dặn, “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”; Bác yêu cầu được hoả táng và chia tro thành 3 phần để vào 3 lọ sành đặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, để nơi đâu Nhân dân cũng có Bác ở cạnh và đỡ phải đi lại xa xôi, làm cho mỗi chúng ta thật là xúc động về trái tim thương yêu Nhân dân mênh mông của Bác.Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa sâu sắc tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại; là di sản bất hủ gửi lại cho các thế hệ mai sau. Đó không chỉ là tâm tuyết của một người suốt đời tận tụy, phấn đấu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, mà còn mang theo khát vọng về một đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, cùng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người. 50 năm Bác Hồ đi xa, những điều căn dặn, day dứt của Bác đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta biến thành hiện thực; đất nước ta đang được xây dựng ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp xứng đáng vào nền hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.
Tìm hiểu thời điểm khởi thảo và quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy:
Năm 1965: Những dòng đầu tiên của Di chúc đã được Bác viết từ 9h đến 10h, thứ hai ngày 10-5. Cũng vào giờ này của các ngày 11,12,13, Bác tiếp tục viết Di chúc. Ngày 14-5, từ 6h đến 9h Bác đến thăm nông dân xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, gặt lúa chiêm. Gần 10h, Bác mới về đến nhà kịp tham gia họp Bộ Chính trị bàn về công tác đào tạo cán bộ, nên ngày đó Bác đã không viết tiếp bản thảo như giờ đã định. Buổi chiều, từ 14h đến 16h Bác viết tiếp tài liệu "Tuyệt đối bí mật" và tự tay đánh máy. Đúng 16 giờ ngày 14-5-1965, Bác đánh xong bản Di chúc và cũng đến giờ Bác hẹn đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn sang gặp. Nhưng Bác đánh máy dòng chữ "Hà Nội ngày 15-5-1965" trước chữ ký Hồ Chí Minh. Bên cạnh, phía trái là chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn"(5).Như vậy, sự chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn đã diễn ra trong khoảng thời gian từ 16h đến trước 18h ngày 14/5/1965, vì đúng 18h các đồng chí Trung ương vào chúc thọ Bác 75 tuổi. Sau đó từ 19h30, Bác đi dự mít tinh của thiếu nhi Thủ đô nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam và chúc thọ Bác 75 tuổi. Đúng 21h hôm đó, về đến nhà sàn, Bác giao lại chiếc phong bì to đựng các bản thảo Di chúc và bản Di chúc đã đánh máy có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn "Chú giữ cẩn thận, sang năm 10-5 nhớ đưa lại cho Bác"(6).Bản thảo Di chúc của Bác như thế nào đến nay chúng tôi chưa rõ nhưng bản Di chúc đánh máy có 3 trang được Bác đánh trên giấy khổ A4, có màu trắng ngà, chữ viết trên bản Di chúc này chính là từ chiếc máy chữ Bác vẫn dùng ở nhà sàn. Sáng sớm ngày 15/5/1965, Bác đi thăm Trung Quốc, Liên Xô một tháng. Ngày 15 ấy, Bác cũng lấy là ngày viết xong Di chúc. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên của con số 15 (ngày 15/2/1965, Bác về thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn- Hải Dương) mà đồng chí Vũ Kỳ cho là "Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện ngẫu nhiên này"(7).
Năm 1966: Từ ngày 10-5 đến ngày 15-5, từ 9h đến 10h hàng ngày Bác vẫn dành tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Theo đồng chí Vũ Kỳ, Bác đã đọc rất chăm chú trên từng câu, từng chữ bản Di chúc Bác đánh máy xong lúc 16h ngày 145//1965. Bác không viết gì thêm, chỉ ghi thêm một câu đặc biệt quan trọng "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" sau đoạn "Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên vac nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng"(8). Nhưng nghiên cứu bản gốc Di chúc, chúng tôi còn thấy có thêm cụm từ"phục vụ Tổ quốc"Bác viết ở bên lề để thêm vào sau cụm từ "phục vụ nhân dân" và Bác mở ngoặc "Tôi viết thêm H.C.M". Câu phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" và cụm từ "phục vụ Tổ quốc" viết bằng bút mực Cửu long xanh đen. Ngoài ra, chúng tôi cũng còn thấy Bác sửa một số lỗi chính tả do đánh máy sai bằng bút bi màu mực xanh. Ví như câu "lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp", Bác sửa chữ "tốt" thay cho chữ "lợi".
Năm 1967: Từ ngày 14-4, Bác đi công tác nước ngoài đến 30-6 mới về, nên tài liệu "tuyệt đối bí mật" được đồng chí Vũ Kỳ cất vào một chỗ khác.
Năm 1968: Từ ngày 10-5 đến ngày 19-5, ngày nào Bác cũng dành một giờ, từ 9h đến 10h, tiếp tục viết tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Năm này, Bác bổ sung và sửa chữa nhiều cho Di chúc và viết thêm 6 trang:
- Một bản là một tờ giấy trắng ngà khổ 19cm x 24cm có dòng kẻ đỏ. Bác viết cả ở hai mặt và bằng bút mực Cửu long xanh đen. Những chỗ sửa chữa Bác viết bằng bút mực đỏ, những chỗ vạch chân để nhấn mạnh Bác dùng bút bi mực đỏ.
- Một bản gồm 3 tờ giấy ngà khổ 18,5cm x 26cm có dòng kẻ đỏ. Tờ 1, Bác viết 2 mặt; tờ 2 và 3, Bác viết một mặt. Chữ viết bằng bút mực Cửu long xanh đen, chữ sửa bằng bút mực đỏ. Những chỗ viết con số ghi số trang, Bác viết bằng bút bi đỏ, bi xanh. Ở những tờ Bác viết 2 mặt, chữ trang một thấm sang cả trang 2 và ngược lại nên rất khó đọc (9).
Từ ngày 10-5 đến 18-5 năm ấy Bác viết và sửa Di chúc ở nhà sàn. Riêng ngày 19-5, Bác viết ở nhà nghỉ Hồ Tây. Vì 18h ngày 18-5, sau bữa cơm chiều Bác đã bí mật rời Phủ Chủ tịch lên Hồ Tây để tránh liên hoan chúc thọ sinh nhật Bác. Ngày sinh nhật Bác năm ấy, Bác bình thản chuẩn bị cho ngày ra đi của mình.
Năm 1969: Từ ngày 10-5 đến ngày 20-5, Bác vẫn đều đặn dành mỗi ngày 1 giờ, từ 9h đến 10h, để xem lại và sửa chữa Di chúc. Riêng 10-5, do đi dự Hội nghị Trung ương họp ở nhà khách Hồ Tây về đến nhà sàn đã hơn 9h nên "lần đầu tiên trong 4 năm viết Di chúc, Bác đã lùi thời gian từ 9h30 đến 10h30"(11). Ngày đó Bác đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản tin (tin tham khảo đặc biệt) - số ra thứ 7 ngày 03/5/1969 do Việt Nam Thông tấn xã phát hành. Tập bản tin này gồm 15 trang, khổ A4, in rôneo. Bản viết này, Bác viết bằng bút mực Cửu long xanh đen. Những chữ sửa lại, viết thêm Bác dùng bút mực đỏ, những chỗ gạch chân, chữ số, Bác dùng bút bi đỏ (12). Và ngày 12-5, do buổi sáng Bác đi dự họp Bộ Chính trị nên Bác chuyển giờ viết Di chúc vào buổi chiều, từ 15h đến 16h. Những ngày này Bác chủ yếu tập trung vào sửa chữa đoạn mở đầu và viết thêm Di chúc năm 1968.
Như vậy, bản Di chúc đã được Bác khởi thảo từ ngày 10/5/1965. Ngày 20/5/1969 là ngày Bác xem lại lần cuối cùng. Trong khoảng 4 năm ấy cứ vào trung tuần tháng 5 hàng năm, phần lớn mỗi ngày Bác đều dành 1 giờ để xem lại, sửa chữa, bổ sung những chỗ cần thiết, có khi viết thêm một số trang, hoặc sửa chữa một số câu, có khi chỉ thay đổi một vài chữ trong Di chúc. Với trách nhiệm với hậu thế, Bác cân nhắc từng ý, từng lời, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời mà Bác đã sống.
Liên quan đến sự ra đời bản Di chúc lịch sử Bác Hồ để lại, Bác thể hiện trên những bản thảo Di chúc Bác viết tay hay những trang Di chúc Bác tự tay đánh máy, còn có nhiều kỷ vật khác. Đó là ngôi nhà sàn, là phòng làm việc tầng 2 nhà sàn, là bộ bàn ghế Bác vẫn thường ngồi làm việc và đã ngồi để thảo Di chúc, là chiếc giá sách trên đó Bác đã từng cất tài liệu "Tuyệt đối bí mật", là chiếc máy chữ Bác đã dùng đánh văn bản và đánh Di chúc (bản năm 1965), những chiếc bút Bác đã dùng để viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc, là chiếc phong bì Bác đựng tài liệu "Tuyệt đối bí mật"... Tất cả đều là những di vật lịch sử, đã tồn tại cùng với sự tồn tại của ngôi nhà sàn, trong thời gian và không gian Bác đã ở và làm việc ở khu Phủ Chủ tịch. Chúng đã trở thành những vật chứng thiêng liêng, chứng kiến những hoạt động cụ thể của Bác Hồ, chứng kiến những suy nghĩ sâu sắc được Bác nghiền ngẫm, chắt lọc để rồi được hiện hữu thành di sản văn hoá cho muôn đời sau, không chỉ cho các thế hệ người Việt Nam mà còn cho cả nhân dân yêu lao động, hoà bình, công lý trên thế giới.
Thời gian trôi đi, khách trong nước, khách quốc tế tới thăm Nhà sàn Bác Hồ ngày một đông hơn, nhu cầu tìm hiểu về Di chúc của Bác Hồ ở ngay tại nơi Bác viết Di chúc đặt ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Chúng ta cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, sưu tầm đầy đủ các bản thảo của Bác Hồ về Di chúc, xây dựng thành một sưu tập Di chúc hoàn chỉnh; Sưu tầm toàn bộ sách, báo, tài liệu liên quan đến Di chúc; nghiên cứu, xác định xây dựng hồ sơ khoa học cho các hiện vật ở nhà sàn liên quan đến Di chúc; Tổ chức các phương thức giới thiệu, tuyên truyền Di chúc của Bác ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và ở các địa phương, trường học, cơ quan. Kết hợp với việc nghiên cứu trưng bày bổ sung Di chúc (có thể cả bút tích Di chúc các năm 1965, 1968, 1968) trên bàn làm việc tầng 2 nhà sàn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thuyết minh cần giới thiệu cho khách tham quan hiểu một cách có hệ thống quá trình Bác Hồ viết Di chúc, những vấn đề liên quan đến Di chúc, để trong tình hình đất nước hiện nay, sẽ có ý nghĩa làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng... Rất cảm ơn các bạn đọc đã đọc hết .