(vũ trụ (trái (chúng ta) đất) lang thang)
Bài viết gốc trên Longreads --- Lúc lên tám, tôi để ý thấy trên kệ sách trong phòng có một quyển atlas. Tôi vừa gom góp một...
Bài viết gốc trên Longreads
---
Lúc lên tám, tôi để ý thấy trên kệ sách trong phòng có một quyển atlas. Tôi vừa gom góp một lượng lớn sách nghệ thuật từ các chuyến tham quan bảo tàng với gia đình, nhưng atlas kia mới chính là quyển sách ngoại cỡ đầu tiên tôi sở hữu - hình dạng của nó bất thường tới nỗi mấy trang giấy cứ tràn ra mép kệ. Một ngày kia tôi dùng hết sức bình sinh lôi nó xuống. Tôi nằm ườn trên sàn phòng ngủ và bắt đầu giở lần lượt những trang dài thượt. Hẳn cuốn atlas có từ những năm 50 hay 60 gì đó. Nó có mùi cũ kỹ nhưng rõ ràng được coi giữ cẩn thận. Trang giấy hỗn hợp màu pastel nom vừa nhức mắt vừa phức tạp hết sức; các sắc độ của màu hồng tách rời khỏi màu xanh lá nhạt và những con sông mỏng tang xanh dương vắt qua trang giấy. Khi tôi đã biết đọc, ông tôi bắt đầu khấp khởi tặng tôi những quyển sách trên kệ của ông.
Từng quyển từng quyển một, mỗi bận nhìn thấy ông là mỗi lần một quyển sách trong thư viện của ông trở thành của tôi. Ông đã đi khắp thế giới và biết rõ một chuyến du hành cỡ đó có thể thay đổi một con người như thế nào. Và mỗi khi tới thăm ông, tôi thường tìm những quyển sách ở kệ dưới và lần ngón tay dọc theo gáy sách như bánh xe cán lên các thanh chắn giảm tốc, mỗi bìa sách ngả vàng ố vì tháng năm phơi khói thuốc và giở đọc thường xuyên. Khi quyển atlas và tôi chính thức được giới thiệu với nhau, tôi bắt đầu hò hẹn thường xuyên với nó. Hàng ngày tôi cứ nằm sấp hay bắt chéo chân khom lưng xuống trang giấy, lần ngón tay qua những dòng sông Châu Phi - sông Nile, sông Limpopo, đi sang Pháp hay qua mút tận Chile. Tôi thường gắng phát âm Czechoslovakia và nhiều tên địa danh dài thượt khác dễ khiến tôi thấy ngáo ngơ thích thú. Mỗi rặng núi, mỗi mặt nước, mỗi thành phố lớn tôi thường hay chăm chú nhìn ngắm tự hỏi rằng một ngày kia khi lớn, tôi sẽ tận mắt nhìn thấy bao nhiêu trong số những chốn huyền bí ấy. Máu phiêu lưu của tôi càng lớn càng nổi lên tợn. Có xiết bao điều cần khám phá, có xiết bao chốn đã tồn tại xung quanh ngôi nhà nhỏ bé của tôi tại Los Angeles. Có quá, quá nhiều điều tôi vẫn chưa biết.
Trong suốt tồn tại của mình, con người vẫn luôn tìm cách thấu hiểu bản thân trong tương quan với địa chí. Chúng ta gán giá trị và bản thể với nơi chốn xuất thân, nơi ta sinh sống, và thậm chí lắm lúc với nơi mà ta biết mình đang đặt chân tới. Một trong những tấm bản đồ xa xưa nhất trên thế giới được ghi chép lại trong lịch sử đến từ thế kỷ 7 hay 6 tại vùng Lưỡng Hà. Imago Mundi chỉ là một tấm đất sét đơn giản có khắc chữ hình nêm. Tám phần của tấm bản đồ mô tả một khu vực quanh sông Euphrates tại Babylon. Nhưng Imago Mundi không chỉ dừng lại là một đại diện hữu hình cho nơi sinh sống của người Babylon. Bao quanh sông Euphrates là một hình tròn tượng trưng cho đại dương hay “sông đắng.” Các phần quanh đại dương hình tròn gọi là nagu tức viễn xứ, một số trong đó còn được đề cập trong sử thi Babylon Gilgamesh. Quan hệ giữa những các phần của tấm bản đồ chỉ cho chúng ta thấy rằng người Babylon cổ đại đang ra sức định vị bản thân họ cũng như nơi họ đang sinh sống vào những nơi chốn bí ẩn rộng lớn hơn hãy còn nằm ngoài miền nhận thức. Vào thời điểm đó các nền văn minh nhân loại đã bỏ ra rất nhiều thời gian quan sát các vì sao và các hành-tinh (planet xuất phát từ Hy Lạp planetes, có nghĩa là kẻ du hành), ghi lại chuyển động của chúng trên bầu trời. Dù vậy, Imago Mundi vẫn chính là tấm bản đồ đích thực đầu tiên của con người trước môi trường xung quanh. “Imago Mundi là một văn bản thật sự đặc sắc, ở chỗ chúng ta có rất nhiều mô tả nhưng lại rất ít tranh vẽ về thế giới,” học giả Assyria Moudhy Al-Rashid chia sẻ. “Chúng ta có bản vẽ các công trình, họa đồ kiến trúc, tất cả nhưng lại thiếu đi cách lý giải về thế giới thông qua hình ảnh,” bà chia sẻ. “Có bản vẽ các vì sao, bản đồ các vì sao, nhưng không hề có bản đồ về thế giới.”
***
Hai bệ nâng, cánh nam giới bám vào thanh kim loại, kéo quanh một mặt kính viễn vọng. Có một vết rò dầu nơi 5000 con robot di chuyển và như vậy chúng không thể nhìn vào các thiên hà. Chuyến tham quan kính viễn vọng Mayall 4 mét ở Đài quan sát quốc gia Kitt Peak ở Arizona diễn ra vào một ngày làm việc rất đỗi bình thường trong tháng 9 năm 2019. Chặng leo lên núi bắt đầu thật thoáng đãng, vì chẳng còn chiếc xe nào khác đi con đường này. Có một xa lộ dài và hẹp đi thẳng về phía ngọn núi, hai làn đường xắt ngang qua trung lộ Khu Bảo tồn quốc gia Tohono O’odham. Ban đầu tôi có thể nhận ra thảm xanh từ bụi và cây và những tầng đá uốn vào nhau như một cây kem ba màu cao vút có những viền sô cô la sữa, viền hồng và viền trắng. Những đặc điểm địa chất này hình thành trong giai đoạn kỷ Tam Điệp, chừng 200 triệu năm về trước.
Mỗi phút trôi qua chặng lên dốc độ cao 2000 thước càng lúc càng mờ dần - tôi đang đi vào một đụn mây. Khi dừng xe ra ngoài, gió thốc tôi ngược trở vào xe, và khi ngẩng nhìn mái vòm, tôi chẳng thể thấy chóp. Ở độ cao cao ngang tòa nhà 18 tầng, vòm kính viễn vọng Mayall 4 mét biến mất hút vào bầu trời phía bên trên.
Nhóm nghiên cứu tại Kitt Peak gần lắp đặt xong thiết bị DESI sẽ được dùng để tìm kiếm năng lượng tối - năng lượng bí ẩn khiến vũ trụ của chúng ta giãn ra ở vận tốc hàng vạn dặm mỗi giây - 70km một giây một megaparsec, nếu nói chính xác. DESI, tức Dark Energy Spectroscopic Instrument (Thiết bị quang phổ năng lượng tối), đang được gắn vào kính viễn vọng để săn lùng các dải thiên hà những ngày đầu năm 2020. Vào ngày 22 tháng 10, 2019, họ đã mở cánh cửa kép ở vòm và chiếc kính viễn vọng thu thập luồng ánh sáng chính thức đầu tiên, từ lúc sứ mệnh DESI chính thức bắt đầu. Mục tiêu của họ đầy tham vọng - vẽ ra tấm bản đồ 3D có độ chi tiết nhất từng có về vũ trụ. Họ sẽ tạo ra tấm bản đồ này bằng cách nhìn ngược về 11 tỉ năm trước khi vũ trụ còn rất trẻ, các thiên hà mới đang hình thành, và vật chất vũ trụ vẫn còn nằm rất gần nhau.
***
Suốt hàng ngàn năm con người vẫn trèo núi băng sông để vẽ các tấm bản đồ, hòng hiểu về nơi chốn của mình giữa vạn vật. Theo cách nào đó, tấm bản đồ 3D này chính là tấm mới nhất do bàn tay con người tạo ra. Chắc chắn nó sẽ không phải là tấm bản đồ vũ trụ cuối cùng, nhưng chúng ta đã từng dọ theo ranh giới đất liền, đánh dấu những dòng sông và đại dương, quốc gia và giống loài. Chúng ta đã vẽ bản đồ Hỏa tinh, Mặt trăng, thái dương hệ, thậm chí cả dải ngân hà nơi ta đang sinh sống. Nghĩa là chỉ còn duy nhất một thứ nữa để tìm hiểu một cách tượng trưng: chính là toàn thể vũ trụ.
DESI là một siêu tập hợp 500.000 thành phần chuyển động đồng thời như trong một điệu ballet. Trong những ống chạy dài 12 thước từ đỉnh kính xuống đáy là tập hợp 5.000 cọng cáp quang làm từ thủy tinh nguyên chất mỏng như sợi tóc và có chức năng dẫn ánh sáng. Ở chóp kính viễn vọng là 5.000 đầu nối nhô ra ngoài, nơi từng sợi cáp một được giao cho một thiên hà riêng lẻ. Cứ mỗi 20 phút nhóm nghiên cứu sẽ chĩa kính viễn vọng về một đốm mới trên bầu trời; trong lúc đó, từng cọng trong số 5.000 cọng cáp kia vẫn giữ nguyên vị trí hướng vào một thiên hà khác. Mỗi con robot chỉ mất chừng vài giây di chuyển đối chéo nhau trước khi quay sang một vật khác. Trung bình một đêm, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ thu ánh sáng từ 150.000 thiên hà khác nhau và gần như không bao giờ trở chụp hai lần thiên hà nào cả. Dẫu công việc này có vẻ quá sức nặng nề, cái khó với DESI chẳng nằm ở chỗ vẽ lại gần 40 triệu thiên hà trong vòng 5 năm, mà ở chỗ 5.000 con robot tí hon phải dịch chuyển những cọng cáp mảnh như sợi tóc bên trong kính viễn vọng. “Đó là một thiết bị cực kỳ tinh xảo,” Michael Levi, Giám đốc DESI cho biết. “Bao gồm nửa triệu bộ phận luôn chuyển động.” Không như các cơ cấu phức tạp bên trong một chiếc đồng hồ vận hành, 5.000 robot trong DESI nhỏ tới nỗi nếu có dù chỉ một sai sót khi đổi hướng, toàn bộ sẽ mắc lỗi, và làm chậm quá trình thu thập dữ liệu.
5.000 con mắt của DESI sẽ mất hết 5 năm để nhìn ngược vào ánh sáng cổ đại nhằm hiểu rõ hơn về quá khứ của vũ trụ. Khi thu thập dữ liệu này, chúng sẽ giải mã được hành trình của ánh sáng xuyên qua chân không. Dẫu chưa từng có cỗ máy du hành thời gian nào, chúng ta vẫn có những chiếc kính viễn vọng, và chúng là những cỗ máy du hành thời gian hiện hữu. Rất dễ quên mất rằng hình ảnh chúng ta nhìn thấy về không gian chẳng bao giờ ở thì hiện tại - quên rằng ánh sáng mất đến hàng tỉ hay triệu năm để đến với chúng ta. Nghiên cứu không gian sâu tức là chúng ta nghiên cứu quá khứ, những vật thể thuộc về trước đây, chẳng phải hiện tại. Chúng ta làm điều đó bằng cách nghiên cứu các photon. Photon là một trong những hạt nhẹ nhất trong vũ trụ và đảm nhận tất cả những gì chúng ta xem là ánh sáng, và chúng đóng một vai trò quan yếu ở cách thức DESI giúp chúng ta hiểu về năng lượng tối và sự giãn nở của vũ trụ.
Vì ánh sáng tối cần một thời gian rất lâu mới đến chỗ chúng ta, mỗi photon đều có một pho truyện để kể cho chúng ta biết về nguồn gốc của nó và những nơi nó đã đi qua. Các photon đã qua hàng tỉ hàng tỉ năm băng qua vũ trụ để tới Trái Đất, nhưng khi chúng đi vào gương viễn vọng Mayall hành trình vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Ánh sáng vào mỗi cáp thủy tinh sẽ đi dọc theo chiều dài thân kính xuống từng sợi thủy tinh 12 mét và qua sàn gạch trắng để tiến vào một căn phòng có đặt 10 máy quang phổ hệt như nhau. Mười máy này sẽ tách ánh sáng kiểu máy phân loại thư, chỉ bằng phổ ánh sáng từ mỗi thiên hà.
Tùy theo chuyện kể thu được ở từng lượt thu gom photon, nó sẽ thể hiện ra trên máy quang phổ hoặc theo dịch chuyển đỏ hoặc xanh. Khi ánh sáng di chuyển, màu sắc bên trong quang phổ xuất hiện ở các bước sóng khác nhau - nếu một vật thể di chuyển về hướng chúng ta ánh sáng của nó tụ lại và xuất hiện ở vùng phổ xanh, còn ngược lại nếu từ ta dịch chuyển đi, ánh sáng sẽ bị tán ra và xuất hiện ở phổ đỏ. Sau khi du hành hàng tỉ năm, hành trình của ánh sáng từ 40 triệu thiên hà sẽ chấm dứt ở một căn phòng sạch bong bên trong mái vòm nằm trên đỉnh núi tại Tucson, Arizona.
***
Năm 1929 nhà thiên văn Edwin Hubble nghiên cứu phổ ánh sáng của các thiên hà và công bố rằng quan sát của mình cho thấy rất nhiều thiên hà đang dịch chuyển đỏ - chúng đang di chuyển rời xa chúng ta. Nhưng điều mà ông khám phá kỳ thực chính là sự giãn nở của vũ trụ. Các thiên hà ấy chẳng tự tăng tốc, mà đích thị không-thời gian mới là cái đang trương lên. Ông không tin điều mình thấy là bằng chứng của sự giãn nở; mất thêm 70 năm nữa các nhà khoa học mới nhận ra rằng vũ trụ không chỉ giãn nở - mà nó còn đang giãn nở nhanh hơn ngày trước.
Gần một thập kỷ trước khi Hubble sử dụng kính viễn vọng, Albert Einstein đưa ra một lý thuyết có tên gọi Hằng số vũ trụ, song song với thuyết tương đối rộng. Hằng số vũ trụ cho rằng vũ trụ là một chốn cố định và có mật độ không thay đổi. Khi Einstein hay tin của Hubble về các thiên hà định hướng đỏ, ông đã bỏ đi lý thuyết của mình; cho dù Einstein cũng không sai hoàn toàn, cứ thử hình dung mà xem. Vũ trụ không phải một nơi tĩnh tại - chúng ta biết nó đang giãn nhanh, nhưng mật độ sẽ vẫn giữ nguyên. Hãy nghĩ thế này, tưởng tượng ta đang trong phòng khách có một chiếc bàn và TV và ít cuốn sách với một cốc cà phê. Giờ hãy hình dung căn phòng bắt đầu giãn ra như một quả bong bóng và càng lúc càng to. Những vật trong phòng thì không gia tăng mật độ - chúng vẫn giữ nguyên. Nó cũng tương tự với vũ trụ chúng ta, khi nó phồng lên mật độ vẫn không đổi; vì thế, cốc cà phê chính là hằng số vũ trụ.
Các nhà thiên văn phải mất rất nhiều thời gian mới chấp nhận điều này, vì trong vũ trụ có rất nhiều vật chất. Và nhờ trọng lực chúng ta biết rằng vật chất gom vào nhau, do đó chẳng phải vũ trụ đang thu nhỏ lại hay sao? Ước tính từ các nhà thiên văn chỉ ra rằng có thể tồn tại tới hai ngàn tỉ thiên hà trong vũ trụ cấu tạo nên từ hai dạng vật chất. Vật chất làm từ những thứ “thông thường” như bạn như tôi như chú mèo hay chiếc bàn và chiếc điện thoại iPhone - chiếm chỉ 5% vật chất trong vũ trụ. Vật chất tối, mà chúng ta không thể nhìn thấy, chiếm chừng 25%. Một khối lượng rất lớn, và rất nhiều trong số này vì trọng lực mà thu hút lẫn nhau, mặc dù vậy bất chấp lượng vật chất và mật độ khổng lồ không tưởng này lớn đến đâu cũng không thể so với lượng vật chất thống trị 70% còn lại của tất thảy những gì đang hiện hữu - năng lượng tối. 95% vũ trụ làm nên từ những cái mà chúng ta không thể nhìn thấy và không thể hiểu được. Công bằng mà nói vào thời điểm này của lịch sử chúng ta và 5% còn lại không hề là vật chất “thông thường” - chúng ta mới chính là dị biệt giữa vũ trụ này.
Tên gọi năng lượng tối ra đời từ sự vô minh của chúng ta - ta dùng chữ tối vì các nhà khoa học đơn giản là chẳng thể nhìn thấy được nó và chẳng biết rốt cuộc nó là gì. Thực ra là biết phớt qua đôi chút. “Cách hiểu giản dị nhất đó là có một thứ được gọi là hằng số vũ trụ,” TS Risa Wechsler, một nhà vật lý thiên văn và giáo sư Stanford cho biết. “Nghĩa là năng lượng tối là một thuộc tính của tự thân không gian, vốn là một hằng số không đổi theo thời gian và không gian.” Tiện thay, đó cũng là cách duy nhất khiến lý thuyết mật độ của Einstein đúng. Điểm đầu tiên cho cách thu thập hiện hành. Nhưng nó cũng lại là một thế lưỡng nan tiến thoái - càng nhiều không gian lại càng nhiều năng lượng tối và vũ trụ càng giãn nở nhiều hơn. Do đó vũ trụ càng giãn nở thì càng có nhiều không gian hơn và do đó càng có nhiều năng lượng tối hơn. “Hiện chúng ta đang ở trong một bước phát triển hết sức lý thú trong ngành vũ trụ học,” Wechsler chia sẻ. “Chúng ta đã có cái về cơ bản chính là mô hình vũ trụ chuẩn trong suốt 20 năm qua. Và tôi cho rằng hiện nay ta đang trong giai đoạn không biết liệu mọi thứ sẽ biến mất khi dữ liệu thu thập càng nhiều hơn hay liệu lúc dữ liệu nhiều hơn thì ta sẽ nhìn thấy dấu hiệu thực sự cho thấy mô hình ấy chẳng còn đúng đắn nữa.”
Dữ liệu khảo sát từ DESI có thể chỉ ra rằng hiểu biết hiện hành về vũ trụ của chúng ta hoàn toàn sai - đây không phải lần đầu tiên chuyện này xảy ra. Ít nhất chúng ta biết rằng năng lượng tối chẳng thuộc dạng hạt như vật chất tối. Một số nhà khoa học cho rằng nó có thể là một chiều không gian khác lem vào vũ trụ của chúng ta. Nhưng khả dĩ hơn cả, nó cũng có thể chính là không gian. Điều đó có thể có nghĩa là không gian chẳng hề trống trơn, chỉ có chúng ta không nhìn thấy được đó là gì mà thôi. Vậy cái gọi là “không gian tự thân là gì?” Chúng ta chẳng hề biết.
Xét trên sự lạ lẫm mới mẻ của loài người trên hành tinh ở góc độ vĩ mô, chúng ta đã hình dung khá nhiều về vũ trụ. Chúng ta biết rằng Trái Đất có tuổi thọ 4 tỉ năm, chúng ta biết rằng 13,8 tỉ năm trước không tồn tại bất cứ thứ gì và rồi mọi thứ xuất hiện. Chúng ta hoàn toàn không biết gì về một phần triệu của một phần triệu tỉ của một phần triệu tỉ của một phần triệu tỉ của một giây nhưng sau đó chúng ta lại có dòng thời gian chi tiết đến từng phút. Chẳng bao lâu sau khi vũ trụ ra đời nó trương lên như một quả bóng và rất nhanh chóng trải đều vật chất khắp xung quanh. Nhưng sự trương lên kia lại ngắn ngủi; vũ trụ tiếp tục giãn nhưng không hề tăng tốc. Do đó mọi thứ đều ổn thỏa, các ngôi sao đang hình thành và cuối cùng thiên hà bắt đầu hợp nhất và rồi tụm lấy nhau và gộp lại thành chuỗi, và các vật thể bên trong phiên bản vũ trụ này ra đời. Và đây là lúc mọi thứ bắt đầu trở nên kỳ quặc.
Toàn bộ chỗ vật chất này theo lực hấp dẫn bị kéo về phía nhau, như ta đã nghĩ về các vận hành của vật chất. Kết quả của quá trình gom tụ vào nhau kia, sự giãn nở của vũ trụ bắt đầu chậm lại. Nhưng rồi bất thình lình vào khoảng bảy tỉ năm trước, sự giãn nở bắt đầu tăng tốc và chỉ càng lúc càng diễn ra nhanh hơn. Đâu đó trong khoảng từ 11 tỉ tới 7 tỉ năm về trước, năng lượng tối xuất hiện và bắt đầu chiếm lĩnh cả vũ trụ. Để hình dung rõ hơn về tốc độ giãn nở - vũ trụ của chúng ta ra đời 13,8 tỉ năm trước. Nếu không có năng lượng tối và giãn nở, đường kính của vũ trụ khi ấy sẽ có chiều dài 13,8 tỉ năm ánh sáng, nhưng chúng ta lại có năng lượng tối và vì có quá trình giãn nở, vũ trụ quan sát được hiện tại có chiều dài 91,32 tỉ năm ánh sáng.
Nhiều nhà khoa học trên thế giới, cả thuộc nhóm nghiên cứu DESI và các nơi khác, đang vô vọng tìm cách hiểu vì sao lại xảy ra thay đổi đột ngột này. Vì sao lại thình lình có năng lượng tối? Tất cả những gì chúng ta biết lúc này đó là năng lượng tối đang giành ưu thế.
***
Nhiệm vụ hôm nay là cân lại kính viễn vọng. Vì cáp DESI rất nặng, chúng làm mất đi cân bằng của thấu kính. Tôi đứng cạnh David Sprayberry, chủ nhân và quản lý tại chỗ của dự án, trong lúc nhóm của ông đang buộc mình vào các điểm treo trên thang máy 18 tầng phía trên. Những người trạc tuổi cha tôi tra chân vào một thiết bị hỗ trợ cho một thợ lau kính bên ngoài Empire State Building. Một vài nhân viên kỹ thuật đã làm việc ở đây từ ngày nó được xây dựng cách đây 40 năm trước và chứng kiến nó hóa thành những mục đích khoa học khác nhau, mới nhất là DESI. Họ bông phèng qua lại về kế hoạch cuối tuần và ai sẽ khởi động thang máy khi ai cũng bị cột vào? Không muốn ngỏm hôm nay! Đi lên nào.
Để giữ cân bằng cho kính viễn vọng họ phải mang các khay đựng các thanh chì đặc kích thước bằng một bì thư vào thân kính. Lần lượt hai người sẽ táng mỗi thanh chì vào thân và kiểm tra, sau đó lại tăng trọng lượng ở một số điểm trên thân rồi lại kiểm tra. Họ chỉ còn cách lượt thu thập “ánh sáng” đầu tiên, theo cách các nhà thiên văn gọi, chừng vài tuần. Những thiên thể may mắn đầu tiên của DESI sẽ là một thiên hà trôn ốc tên gọi Triangulum, cách ta 2,7 triệu năm ánh sáng. Thiên hà này đã và vẫn đang được nghiên cứu suốt nhiều năm qua đến nỗi phổ của nó rất ư nổi tiếng, như một kiểu hiệu chuẩn hẳn hòi về thiên hà. Công việc nhàm chán là thế nhưng vẫn vang tiếng cười. Thế là tất cả chúng tôi ở đây, thang nâng và thanh chì trong sứ mệnh thấu hiểu lực bí ẩn nhất trong vũ trụ. Tất cả họ đều mặc chiếc áo có dòng chữ “Team Tử nhiệt” nhưng tôi không xúi bẩy bọn họ.
Trước lúc bắt đầu chỉnh cân bằng, chúng tôi leo xuống một cầu thang kim loại mảnh đi vào vùng giữa kính ngay dưới gương. Ở bán kính bốn mét, gấp đôi kích thước kính của Tàu không gian Hubble, Mayall có thể hơi cũ nhưng lại rất cừ, càng tốt hơn vì nó có một công việc vô cùng nghiêm túc cần phải thực hiện.
***
Những hình vẽ trên bản đồ Imago Mundi mô tả một số đặc điểm căn bản - nơi nào mặt trời mọc, nơi nào là các dãy núi. Nhưng rồi lại có một dòng dùng để chỉ bốn góc tư trên bản đồ là “Bốn góc tư của toàn thể vũ trụ.” Một thực tế họ không thể nào biết, nhưng biên giới vũ trụ vẫn rõ nằm bên trong giới hạn của những gì ta có thể nhìn thấy, kể cả ngày nay. Cuối cùng, đoạn cuối viết trên Imago Mundi là một kết cục vô cùng sâu sắc, “Trong toàn bộ tám khu vực tại bốn bến bờ (kibrati) của trái đất, phần lõi bên trong không một ai biết.” Người Lưỡng Hà xưa bị giới hạn bởi tri thức về những gì tồn tại đằng sau những ngọn núi phía Đông - dù họ biết rằng thế giới dưới lòng đất nằm về một hướng và là một nhóm kẻ thù của nhau. Người Lưỡng Hà bị giới hạn bởi hiểu biết của mình, và dẫu cho hiểu biết của chúng ta đã tăng trưởng vô cùng đáng kể, ta và họ theo nhiều cách khác nhau vẫn ở cùng một nơi -- ngẩng lên và nhìn xung quanh, tự hỏi xem ngoài kia là những gì.
Với DESI, điều này có lẽ có hơi trái khuấy, khi nó thiết lập một tấm bản đồ vũ trụ không ngừng thay đổi, vĩnh viễn giãn nở. Việc tạo ra một tấm bản đồ về một ranh giới không ngừng tiến xa ra khỏi chúng ta vừa thú vị lại vừa chút nào đó mỉa mai, như thể cố gắng vẽ ra hạt cát trên bãi biển khi sóng triều cứ mãi cuộn vào. “Mép” vũ trụ của chúng ta sẽ còn tiếp tục mở rộng cho tới khi tất cả biến mất. Nhưng tấm bản đồ vũ trụ này lại gần như là hiểu biết của chúng ta về quá khứ chứ chẳng phải về tương lai. Khi đó, để hiểu chúng ta sẽ tiến về đâu, trước hết ta cần phải biết mình đã từng ở đâu.
Giám đốc dự án DESI Michael Levy ví quá trình này với một máy MRI không gian. “Nó hơi giống trong y học khi người ta chuyển từ tia x, vốn 2 chiều, sang MRI để chụp cắt lớp cơ thể.” DESI sẽ có một mục đích y hệt như vậy nhưng dành cho không gian, “chúng ta sẽ có những lát cắt thời gian hay khoảng cách của vũ trụ.”
Cách thu thập dữ liệu và cắt lớp ánh sáng thành những giai đoạn thời gian cho phép các nhà khoa học tái thiết lịch sử vũ trụ. Cuối cùng, sau khi hoàn thành thu thập, chúng ta sẽ có thể khám nghiệm thời gian vũ trụ hệt như cách các nhà địa chất sử dụng hóa thạch và khoáng chất để kể lại lịch sử của Trái Đất. Các thiết bị như DESI cho chúng ta phá vỡ quy luật vật lý. Trong trường hợp này, bằng cách nhìn lui vào thời gian, ta có thể suy ra được những gì sẽ xảy ra trong tương lai, kể cả trong tương lai cận với hồi kết của vũ trụ.
***
Chúng ta sử dụng không gian sinh sống như cách để tư duy về bản thể. Trong trường hợp vũ trụ, trình tự thời gian này nằm rất xa khỏi thời gian sống vô cùng ngắn ngủi của chúng ta hay thậm chí còn vượt ra khỏi hiểu biết của chúng ta. Một số câu trả lời cho các câu hỏi ấy sẽ chẳng có được khi chúng ta còn đang tồn tại, mà sẽ dành cho các thế hệ tiếp nối, và cũng sẽ có nhiều câu hỏi mãi được truyền lại nhưng không bao giờ có câu trả lời. Sứ mệnh có vẻ như có chút vô nghĩa. Biết vũ trụ bắt đầu từ khi nào và như thế nào có gì quan trọng? Biết khi nào nó sẽ chấm dứt và chấm dứt thế nào cũng có gì quan trọng? Nó cần thiết chứ, hệt như kiểu các nơi chốn chúng ta trú ngụ suốt cuộc đời vẽ nên bối cảnh bản thể chúng ta. Chúng ta hiện hữu trong cùng một dòng thời gian - chúng ta ra đời rồi một ngày nọ chúng ta mất đi. Nó cần thiết bởi cùng lý do vì sao một trong những câu hỏi đầu tiên ta hỏi trong một ngôn ngữ khác chính là, “Bạn từ đâu tới?” Để biết mình đang ở đâu vào một thời điểm nhất định cũng chính là hệ quy chiếu, để từ đó có thể đo được cuộc sống của chúng ta và theo nhiều cách khác nhau, các lát cắt thời gian ấy cũng chứa đựng trong mình thật nhiều ý nghĩa.
Trước khi từ biệt, chúng tôi dừng lại ở văn phòng chính, là nơi họ lấy chìa khóa phòng đang cư trú. Nhiều người bọn họ ngủ suốt ngày như thói thường của các nhà thiên văn học. Một tấm bảng ghim ít nhất 30 tuổi vẫn đang treo trên tường chứa đầy những bài báo bị sờn phai vì nắng cắt ra từ các tạp chí liên quan đến thiên văn. Ở dưới cùng là một hình Ziggy đen trắng sờn mép. Trên đó là một người đang nhìn vào kính thiên văn, viết rằng, “Tôi được biết vũ trụ đang vượt xa khỏi Trái Đất ít nhất 15000 dặm một giây! Tôi tự hỏi không biết vũ trụ có biết điều gì mà chúng ta không biết hay chăng.”
Tôi từ giã chiếc kính viễn vọng và đội DESI lúc khoảng 4 giờ chiều, cùng ngày và vào thời điểm tôi rời khỏi mái vòm, mây đã tan đi và tôi có thể nhìn thấy toàn bộ Kitt Peak. Từng sóng núi lắp đặt hàng loạt kính viễn vọng, tất cả mang trên mình sứ mệnh tìm kiếm các câu trả lời riêng, tất cả đều còn ở phía trước. Tôi có thể nhìn thấy những con đường uốn éo qua khắp thung lũng bên dưới - tôi cuối cùng đã thấy mình đang ở tại đâu.
***
Một ngày kia, hàng 10^100 và 10^100 năm sau khi bạn và tôi đã chết, vũ trụ cũng sẽ chấm dứt. Cũng như chúng ta, hiện nay nó đang trong quá trình chết đi. Nó giãn nở ra ngoài với vận tốc không tưởng, chỉ để rồi rốt cuộc tất cả vật chất trong vũ trụ bắt đầu tách ra, càng rời xa nhau hơn. Kết cục của giãn nở này là vũ trụ và toàn thể vật chất sẽ lạnh đi cho tới khi tất cả có cùng nhiệt độ. Đây là một trong những lý thuyết phổ biến nhất về ngày tàn của vũ trụ, tên gọi Chết nhiệt - theo nghĩa đen là nhiệt không còn nữa. Theo thời gian, các vì sao sẽ chết, các thiên hà và thái dương hệ, các chùm cầu và tất cả những thứ ta từng biết rồi sẽ bị lỗ đen - những thứ cuối cùng tồn tại trong vũ trụ - ngốn mất. Cuối cùng vật chất bên trong lỗ đen sẽ bốc hơi cho tới khi chẳng còn gì nữa. (Nếu ta có thể tua nhanh về tương lai khi chỉ còn lại các lỗ đen, khi nhiệt độ trung bình nằm đâu chỉ chỉ bằng một phần của độ không tuyệt đối, ta sẽ là thứ nóng nhất đang tồn tại.) Sự thể này diễn ra rất xa "đốm xanh mờ" của Sagan - tất cả những gì chúng ta từng biết rồi sẽ tiêu biến, mọi con người từng sinh ra và đã mất đi, từng con người chúng ta từng yêu thương, từng tác phẩm nghệ thuật, từng quyển sách, từng hành tinh, từng thiên hà, từng ngôi sao, từng nguyên tử được sinh ra sẽ không còn nữa.
Còn hiện tại, bạn và tôi đang ngày lại ngày sống trên cái hành tinh lồi lõm tầm thường ở một trong số hàng triệu tỉ thái dương hệ. Hành tinh chúng ta xoay quanh một ngôi sao tầm thường chuyển động quanh cánh tay thứ ba của Dải Ngân Hà, thuộc siêu đám Xử nữ trong một vũ trụ cổ xưa đang dịch chuyển ngày một xa hơn. Chúng ta đang ở đâu đây? Câu trả lời lúc nào cũng đổi thay không ngừng.
k.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất