[share] công cụ tôi dùng cho quá trình làm nghiên cứu
Nên tôi hi vọng bài viết có thể giới thiệu đến bạn đọc một số công cụ hữu ích quá trình làm việc cũng như nghiên cứu tự thân của chính mình.
Abstract
Bài viết này tổng hợp các công cụ mà tôi sử dụng trong quá trình làm nghiên cứu. Vì việc làm nghiên cứu vốn không cần bằng cấp, không cần yêu cầu học vấn, không cần background mà chính việc nghiên cứu đưa đến những thứ đó. Nên tôi hi vọng bài viết có thể giới thiệu đến bạn đọc một số công cụ hữu ích quá trình làm việc cũng như nghiên cứu tự thân của chính mình. Nói là nghiên cứu, tôi nghĩ một tự bình dân hơn có thể dùng được là “tự học và hành”.
Vì đột nhiên phải chống chọi với đồ ăn Ấn Độ nên có thể ngôn từ và đôi tay gõ phím mất kiểm soát. Hi vọng bạn đọc bỏ qua.
Bộ não thứ hai

Hình 1: Sinh bởi ChatGPT
Lượng kiến thức cần thiết để một người đặt chân vào thị trường lao động hiện tại là quá lớn. Sự ra mắt các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, Grok, Gemini không hẳn là cứu cánh cho vấn đề này. Cũng giống như Google search, việc chọn lọc thông tin, kiểm soát thông tin, nhất là kiểm định tính đúng của các kết quả sinh ra đòi hỏi khả năng nghiên cứu nhất định. Thay vì hỏi và nhận câu trả lời nhất định, chúng ta có thể tạo ra một cuộc trò chuyện và cùng AI phân tích, nghiên cứu với mình chẳng hạn. Và để đạt được một lượng kiến thức nhất định trong thời điểm hiện tại, có lẽ phần bộ nhớ tiền ý thức và ý thức khá khó để đáp ứng được. Tuy nhiên, phần bộ nhớ tiềm thức và vô thức lại mang tiềm năng vô hạn cho việc lưu trữ thông tin. Mặc dù vậy, các bộ nhớ này có nhược điểm là cần phải khơi gợi lại khi sử dụng (tiềm thức) hoặc thiếu tính logic (vô thức). Vì vậy, ở đây tôi mời độc giả tham khảo phương pháp tạo ra bộ nhớ thứ 2 của Forte Labs: https://fortelabs.com/blog/basboverview/. Rất mong độc giả tự nghiên cứu để tự mình tạo ra phiên bản của mình. Ý tưởng chính ở đây là tạo ra một nơi lưu trữ có khả năng liên kết với trình tự suy nghĩ và làm việc của não bộ.
Có rất nhiều framework, workflow mẫu trên internet để bạn đọc có thể lựa chọn để nhanh chóng tiếp cận và sử dụng “bộ não thứ hai” này. Tuy nhiên, công cụ mãi chỉ là công cụ, việc hiểu và diễn giải hoặc tự tạo ra hệ thống mới cho “bộ não thứ hai” này là quan trọng hơn cả. Điều quan trọng hơn cả là hiểu và tận dụng được nó.
Công cụ ghi chú
Notion
Đối với tôi, việc ghi chú theo trình tự tuyến tính không phải là cách học tối ưu. Và notion là một ví dụ như vậy. Tuy nhiên, điều làm cho notion trở nên đáng dùng là hệ thống database mà người dùng có thể tự custom được. Đặc biệt là số lượng template trong cộng đồng rất lớn. Bạn đọc có thể tìm thấy template: cho việc hàng ngày, kế hoạch tài chính, kế hoạch du lịch, thậm chí có cả công ty dùng notion để quản lý đội ngũ, công việc, etc. Cho việc nghiên cứu, tôi sử dụng template này Postgrad & PhD Research Template trong xuyên suốt 5 năm làm nghiên cứu của mình và cho hiệu quả lớn nhất. Từ việc lên kế hoạch nghiên cứu, ghi chú khi đọc báo, ghi chú khi làm thí nghiệm, ghi chú khi có ý tưởng, làm báo cáo, chuẩn bị nháp các paper, etc.
Apple Notes
Có một công cụ tương tự khi tôi còn dùng android phones là google keeps. Về cơ bản thì dùng notion cần có internet để đồng bộ giữa các thiết bị. Khi dùng notes của Apple có thể nhanh chóng đồng bộ và làm việc trên nhiều thiết bị khác nhau. Ví dụ như đột nhiên nảy ra một ý tưởng khi tập gym, tôi sẽ mở notes trên điện thoại viết lại ý tưởng và sau khi trở về nhà thì có thể làm tiếp tục ý tưởng đó ngay trên mac hoặc ipad. Thực tế thì tôi chỉ dùng notes cho các ý tưởng đột nhiên nảy ra, hoặc dùng để viết cho bản thân mình mà thôi.
Markdown
Đây là công cụ khá hữu ích cho các bạn viết code. Ngoài các ghi chú về kết quả hoặc ý tưởng của các thí nghiệm. Các trick, issue, todo cần note nhanh chóng trong quá trình viết mã dù khá quan trọng nhưng ít người thử ghi chú lại ở một file riêng biệt. Hầu hết sẽ ghi chú ngay ở trong phần code của đang hiện thực. Cách này có ưu điểm là nhanh và tại chỗ nhưng lại khó tìm lại, nhất là đối với cái repo code lớn hoặc là nhiều flow chạy thí nghiệm khác nhau. Trong trường hợp này, tôi thường tạo một file NOTE.md để ghi chú những thứ lặt vặt như lỗi môi trường, issues có khả năng xảy ra, đoạn code không chắc chắn…
Giấy và bút
Có thể nói là không có gì có thể thay thế giấy và bút đối với tôi. Việc có thể nhanh chóng vẽ ra các ý tưởng, ghi chú tự do là điều mà hiếm công cụ làm được như giấy và bút bình thường. Đặc biệt hơn là các method như Morning pages khá dễ thực hiện khi bạn có giấy và bút trên bàn.
Công cụ viết mã
VSCode
Mặc dù VSCode ban đầu chỉ là một Code Editor nhưng dần dần với các plugin ngày càng tốt thì nó dần trở thành một “IDE”. Ngoài ra, hầu hết mọi việc dính dáng đến quá trình viết mã đều có các plugin rất tốt do cộng đồng tạo ra: từ việc tô màu cho các comment, cho đến các UI cho các công cụ quản lý mã, hay thậm chí là các công cụ cho quá trình deploy như Docker, etc. Các IDE mặc dù tốt nhưng lại khá kén vì chúng khá chậm chạp và phức tạp đối với tôi.
VIM
Việc viết code mà không phải đụng đến chuột cũng như thực hiện nhanh chóng các thao tác editting. Điều quan trọng là bạn hầu như không phải cài đặt gì để sử dụng Vim cả. Và khi đã quen sử dụng rồi thì việc viết code thực sự rất nhanh.
Công cụ tìm kiếm
Tìm kiếm thủ công
Scholar và Arxiv là hai công cụ tìm kiếm nghiên cứu phổ biến nhất và cũng cập nhật gần như là nhanh nhất các nghiên cứu vừa ra lò. Tuy nhiên, Scholar sẽ thuận tiện hơn cho việc trích thông tin khi chỉ cần nhấn vào “citation” và chọn định dạng mà mình muốn. Còn đối với arxiv thì dễ dàng filter các tìm kiếm mong muốn hơn.
Tìm kiếm tự động
Thủ công và tự động ở đây có nghĩa là có dùng AI Agent hay không. Và với khả năng truy xuất thông tin trực tuyến của các AI lớn hiện tại như Grok, ChatGPT, Gemini, etc. thì bạn đọc có thể yêu cầu chúng tìm kiếm các nghiên cứu liên quan đến ý tưởng của mình.
Connected Papers

Hình 2: Màn hình chụp giao diện của Connected Papers
Connected papers là công cụ cho phép tìm một work với các prior works và derivative works của nó. Đây là công cụ khá hữu hiệu khi bạn có một ý tưởng phát triển một work cũ nào đó. Đọc các prior works sẽ cho mình được background và hướng tiếp cận. Đọc derivative works để biệt hướng đi hiện tại của ngành và tránh trùng lặp ý tưởng.
Paperswithcode
paperswithcode.com liệt kê các paper mới và cũ cũng như các bộ code đi kèm của bài báo tương ứng. Có một số bài báo có rất nhiều implementation, người đọc có thể dựa vào số sao của bộ code để chọn bộ code tốt nhất cho công việc của mình. Gần đây, báo ra rất nhanh nên tôi ko thường sử dụng công cụ này nữa.
Soạn thảo văn bản
Nếu bạn biết code thì việc dùng trang tính không quá cần thiết. Và vì thế, trong quá trình làm việc rất ít khi tôi phải dùng đến trang tính, nhưng nếu có thì chỉ dùng google sheet để tiện đồng bộ.
Ngoài ra, tất tần tật từ viết báo hội nghị, viết báo cáo, viết bài tập, thậm chí làm slide thì tôi đều sử dụng Overleaf. Nếu bạn có ý định thi vào các trường kĩ thuật, đặc biệt là tiếp tục nghiên cứu, thì hãy cân nhắc việc học dùng LaTex trong soạn thảo văn bản. Ngày trước, việc cài đặt LaTeX trên máy tính rất rắc rối. Nhưng ở hiện tại, các bạn chỉ cần truy cập vào Overleaf là có thể viết ngay được rồi. Đối với tôi, LaTex dễ dùng hơn google docs hay microsoft words rất nhiều.
Ngoài ra, để việc viết hiệu quả thì tôi thường tham khảo các phrase trên https://www.phrasebank.manchester.ac.uk/ để có thể viết tốt hơn. Grammarly cũng là một công cụ tốt để kiểm tra chính tả ngay lập tức. Ngoài ra, dùng các chatbot để sửa văn bản cũng rất tốt và có thể đã phổ biến với bạn đọc rồi.
Công cụ tài chính
Quản lý tài chính cá nhân là việc của mỗi người nếu bạn không đủ giàu để thuê một bên thứ 3 làm việc đó cho mình. Các công cụ quản lý tài chính ác nhân cũng sẽ rất tuỳ thuộc vào mindset của người đó về tài chính. Sau đây tôi sẽ giới thiệu 2 công cụ chính để tôi quản lý tài sản và chi tiêu của mình (tôi may mắn đã đạt được debt-free nhưng các công cụ này cũng có thể dùng để quản lý nợ nần).
Google sheet
Có một template tên là “Ngân sách hàng năm” khá chi tiết và dễ dùng ở ngay trang mở đầu của công cụ này. Bạn chỉ cần nhập các thông tin có sẵn: lương, thuế, chi tiêu cụ thể hàng tháng thì sẽ có được góc nhìn trung hạn (1 năm) về tài chính của mình. Tuy nhiên, để nhập được các số liệu trong bảng tính này các bạn cần nắm rõ được đầu vào và đầu ra tiền bạc trung bình của mình hàng tháng như thế nào. Và vì thế, đối với mình nó cũng khá chung chung, chỉ để có con số ước chừng cho các kế hoạch tài chính mà thôi.

Hình 3: Template đầu tiên từ phía trái qua là template tôi đề cập
Money Lover
Đối với mình việc nắm rõ số tiền mà mình đang cầm cụ thể cũng như tổng thể của tất cả các tài khoản ngân hàng, ví điện tử momo, zalo, ví tiền mặt, ví cổ phiếu, vàng, etc. là cần thiết. Ngoài ra, việc ghi chép cụ thể các chi tiêu hàng ngày cho phép mình nhìn nhận được nhu cầu tối thiểu cũng như phân bố tiền đầu ra của mình như thế nào để có thể lên kế hoạch tài chính cá nhân như đầu tư, tiết kiệm, chi tiêu cho các hoạt động cộng đồng, bạn bè, gia đình, etc. Và Money Lover khá tiện cho khoản này. Việc ghi chép chi tiêu hàng ngày mới nghe có vẻ khá khó chịu, nhưng làm nhiều thì sẽ quen. Hơn nữa, để đạt được các mốc tài chính cá nhân cao hơn thì các bạn buộc phải nắm chắc tình hình tài chính của mình. Do đó, công cụ như money lover có thể đưa ra tổng kết hàng tháng, tạo budget, quản lý tiền theo từng ví rất hữu ích cho mình. Hàng cuối tháng, mình có thể nhìn vào các biểu đồ mà money lover tổng kết để nắm được các con số chi tiêu, sau đó điền vào trang tính google sheet ở phía trên. Cũng như có thể ước chừng cho các tháng tiếp theo để biết được cuối năm sẽ đạt được mốc tài sản là bao nhiêu. Nếu muốn có cái nhìn trung-dài hạn hơn (3-5 năm) thì các bạn chỉ việc clone trang tính ra, thay đổi mốc tiền bắt đầu, tăng các chi tiêu lên (với mình thì dùng tỉ lệ lạm phát của nước sở tại), và lương các bạn expect có thể đạt được tại năm đó.
ProjectionLab
Tool này thì mất tiền khá đắt nhưng có thể dùng phần free là vừa đủ với tôi. Công cụ này hỗ trợ đơn vị tiền tệ VND và thường được dùng để tính toán kế hoạch nghỉ hưu sớm. Một khi các bạn có cái nhìn cụ thể về chi tiêu của bản thân trong tháng (money lover), trong năm (theo google sheet), thì có thể đưa ra các con số khá chính xác để có thể lên kế hoạch nghỉ hưu của mình. Hoặc ngắn hơn là kết hoạch mua nhà chẳng hạn.
Nếu bạn không đủ giàu để có thể nghỉ hưu ngay lập tức, thì việc quản lý tài chính cá nhân luôn quan trọng. Việc này nên bắt đầu từ việc tạo ra cho mình một mindset về tiền bạc và tài chính cá nhân trước. Sau đó mới đến việc sử dụng công cụ gì. Với tôi thì chỉ dùng 3 công cụ phía trên mà thôi.
Tìm việc
Personal Page
Trang cá nhân là một dạng trang web giống như tường nhà facebook nhưng thay vì đăng hình hoa lá cây cối thì tôi đăng nhưng thông tin cơ bản, giới thiệu, các bài báo của tôi ở đây. Ở đây có một ví dụ về personal page đơn giản của Yi Ren (một ngôi sao trong ngành tôi đang làm việc): https://rayeren.github.io/

Hình 4: Personal Page của Yi Ren
Về cơ bản thì đây là các web tĩnh và có thể deploy miễn phí bằng tên miền được github cung cấp. Nếu không muốn code từ đầu thì bạn đọc có thể chọn một trong rất nhiều template ở đây: https://jekyllthemes.io/. Hoặc tìm cho mình một personal page của ai đó mà mình ưng để lấy code về chỉnh sửa lại thông tin của mình (thường thì không nhưng nên đọc license nếu có). Có thể nói, đây là một trang web dùng để xã giao nhiều hơn, in QR code ra danh thiếp để giới thiệu torng lúc làm quen khá tiện. Hoặc các bạn cũng có thể dành thời gian nói chuyện với chatgpt để yêu cầu nó tạo một personal page đơn giản cũng không quá khó. Chú ý là các template jekyll có nhiều ứng dụng hơn như là viết blog, etc.
Flowcv.com
Một cách kĩ thuật, quá trình tìm việc và tuyển dụng luôn đòi hỏi CV. Việc viết CV bằng google docs hay là Latex (overleaf) không thực sự thoả mãn tôi về tính thẩm mỹ cũng như khả năng chỉnh sủa linh động. Flowcv.com là một công cụ (có thể dùng miễn phí) làm rất tốt được các việc này. Tôi đã dùng flowcv.com từ khi mới release đến nay và rất ưng ý. Đặc biệt là độ tuỳ biến mà người dùng có thể làm được đối với cái CV của mình.

Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất