Đau khổ và hạnh phúc theo góc nhìn của triết học Phật giáo và Tây phương
Có khi nào, bạn đặt câu hỏi hạnh phúc và đau khổ là gì để rồi đủ tự tin định nghĩa được chúng? Có phải điều đó quá mơ hồ với bạn, rồi...
Có khi nào, bạn đặt câu hỏi hạnh phúc và đau khổ là gì để rồi đủ tự tin định nghĩa được chúng? Có phải điều đó quá mơ hồ với bạn, rồi bạn chạy đi tìm cái mà bạn chưa bao giờ thấy? Nếu bạn là một spiderum user lâu năm, bạn đã đọc qua hàng tỉ cách làm cho bạn hạnh phúc và tìm cách né tránh khổ đau, nhưng nó không bao giờ thỏa mãn được bạn. Hôm nay bạn vui vì bạn đạt thành tựu, hôm sau bạn chán với thành tựu đó. Hôm nay như địa ngục, ngày mai như chốn thiên đường. Dẫu biết vậy, bạn vẫn chưa thoả mãn để rồi đi tìm một lời khuyên gì đó cứu rỗi chính mình.
Hạnh phúc là “cân bằng”
Trong mọi nền triết học từ đông sang tây, nỗ lực của các triết gia là xây dựng một trật tự cả bên trong lẫn bên ngoài, để giúp con người hạnh phúc. Sự cân bằng này chính là điểm viên mãn của đời người.
Bí mật của hạnh phúc là không nằm ở việc tìm kiếm nhiều hơn, mà ở khả năng tận hưởng ít đi. − Socrates
Ca tụng và khiển trách, thành tựu và hoại diệt, hỷ lạc và sầu não, chúng đến và đi như một cơn gió. Để có hạnh phúc, hãy thảnh thơi như một đại thụ giữa rừng. − Siddhārtha Gautama
Tuy nhiên, những lời khuyên này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bạn không thể “tự biết mình” nếu không biết đâu là trật tự giữa đau khổ và hạnh phúc. May thay, hai nền triết học Đông Tây đều có những lời giải cho chúng ta về sự biết mình thông qua cấu trúc của nhân cách.
Trong bài viết này, tôi sẽ tìm hiểu cấu trúc của nhân cách con người của triết học Phật giáo, trong tác phẩm Thiền sư và em bé 5 tuổi. Sau đó, tôi sẽ so sánh lý thuyết trên với các nền triết học phương Tây, để giúp bạn có góc nhìn phong phú hơn trong sự lựa chọn thực hành nghệ thuật hạnh phúc.
Duy Thức học Phật Giáo
Có khi nào, bạn thắc mắc rằng, sự đau khổ từ đâu mà đến? Dẫu biết đó là những ảo ảnh trong ý thức, nhưng tại sao cái cảm xúc đó lại là thật? Làm thế nào, những đau khổ bất chợt trồi dậy mà không có sự kiểm soát của ta?
Phật giáo cho rằng, cái đau khổ là ảo ảnh thuộc về quá khứ, nhưng chúng ta trải nghiệm đau khổ đó rất thật. Ví như bạn có nỗi ám ảnh bị bạo hành, hay là thất bại trong quá khứ, thì đó là những hình ảnh được vô thức phát lên tầng ý thức để cho bạn trải nghiệm.
Cấu trúc tinh thần là một căn nhà hầm chứa 51 hạt giống.
Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, nội tâm của chúng ta có cấu trúc như một căn nhà có tầng hầm chứa 51 hạt giống khác nhau, trong đó:
- Căn nhà là tầng ý thức của bạn, bạn có thể nhận thức được tâm trí của bạn đang nghĩ gì và mong muốn điều gì.
- Tầng hầm là phần vô thức (tàng thức) của bạn. Tàng thức là một thứ không thể nhận diện được bằng ý thức. Nó như một mảnh đất trực tiếp thu nạp tất cả những trải nghiệm của năm giác quan trong thực tại.
- Cuối cùng, bên trong tầng hầm có chứa 51 loại hạt giống. Nếu bạn chủ động hoặc bị động nuôi dưỡng hạt giống nào, thì hạt giống đó sẽ mọc thành cây trồi lên tầng ý thức. Cái cây chính là những suy nghĩ, mong muốn, và hình ảnh hiển hiện trong đầu của bạn.
Cụ thể hơn, trong quá trình phát triển, cá nhân bạn trải nghiệm đủ loại hoàn cảnh vui khổ vinh nhục, và những trải nghiệm này đều nội phóng vào các hạt giống bên trong tàng thức.
Như vậy, trong trường hợp của hạt giống đau khổ. Khi những sự kiện đau khổ trong quá khứ đã nuôi dưỡng hạt giống đau khổ đầy đủ, thì hạt giống đau khổ sẽ trồi lên tầng ý thức để cho bạn trải nghiệm nó.
Thông thường, khi bạn bị trầm cảm, bạn hay lẩn tránh những đau khổ bằng cách làm bản thân bận rộn nhất có thể. Ví như chơi game, ăn uống thiếu kiểm soát, xem phim và làm việc quá thời gian nhằm lấp đầy tầng ý thức. Tuy nhiên, các hành động lẩn tránh cực đoan này không làm cái cây đau khổ biến mất, mà nó còn nuôi dưỡng những hạt giống đau khổ khác. Tóm lại, hành động né tránh đau khổ là hành động “đau khổ chồng chất đau khổ”.
Vậy, bằng cách nào, chúng ta có thể giải trừ những hạt giống đau khổ kia?
Trải nghiệm hạnh phúc và Giải trừ khổ đau bằng hạt giống Chánh Niệm.
Bạn nên nhớ rằng, chúng ta đều có 51 loạt hạt giống khác nhau nằm bên trong tàng thức, nếu hạt giống đau khổ có tồn tại thì hạt giống hạnh phúc cũng tồn tại.
Để thuyên giảm những đau khổ và nuôi dưỡng hạt giống hạnh phúc. Bạn hãy tập chánh niệm. Theo thiền sư Nhất Hạnh, chánh niệm cũng là một loại hạt giống. Khi bạn học chánh niệm lâu ngày, hạt giống chánh niệm sẽ trồi lên tầng ý thức. Nhờ cây chánh niệm, chúng ta sẽ có ba phương hướng giải trừ đau khổ:
Đầu tiên là nuôi dưỡng hỷ lạc. Khi bạn chánh niệm trong đời sống hàng ngày, các hạt giống hỷ lạc sẽ sinh trưởng. Hỷ lạc sẽ chăm sóc đau khổ và phiền não của bạn.
Thứ hai, tập nắm bắt những đau khổ vô tình xuất hiện. Trong quá trình chánh niệm đầu tiên, những hình ảnh đau khổ sẽ vô tình xuất hiện trở lại. Đây là cơ hội để bạn nắm bắt và đối diện đau khổ bằng chánh niệm. Nhờ có chánh niệm, chánh định sẽ sinh sôi, hai nguồn năng lượng niệm và định sẽ soi chiếu làm suy yếu những mầm mống khổ đau.
Thứ ba, chủ động mời gọi những đau khổ, phiền não lên tầng ý thức định kỳ và tắm gội cho chúng bằng chánh niệm. Thiền sư Nhất Hạnh cho đây là em bé đau khổ trong quá khứ. Cơ bản, tất cả em bé vừa mới sinh ra đều muốn sống, nhưng càng lớn lên, mỗi em bé đều cảm thấy những tài nguyên nuôi sống nó lại thiếu thốn, mất cân bằng. Để có một cuộc sống an toàn, em bé chiếm hữu tài nguyên. Và tất nhiên, em bé sinh ra bản ngã dục vọng. Nếu nó không đạt được cái nó muốn thì nó trở thành em bé đau khổ. Như vậy, mỗi lần thiền định, bạn phải duy trì chánh niệm liên tục và mời gọi em bé này lên để đối diện với nó.
Ngoài ba phương pháp này, thiền sư cũng nhấn mạnh những sự thật về đau khổ khác trong đời sống mà bạn phải đối diện với chúng:
1. Tri túc (biết đủ, thiểu dục) – mỗi người đều có khả năng quản lý tài nguyên khác nhau. Bạn cảm thấy vui vẻ với công việc bạn đang làm vì nó vừa sức mình. Bạn cảm thấy hạnh phúc với tình yêu bạn đang có. Những vật chất sắp và đang sở hữu đều nằm trong khả năng quản lý chi tiêu của bạn, thì đó là biết đủ.
2. Biết hình ảnh quá khứ chỉ là ảo giác do tàng thức biểu hiện lên ý thức. Đừng sợ hãi trước đau khổ của ảo ảnh.
3. Khổ đau và hạnh phúc là hai mặt của một đồng xu. Đồng xu thiếu đi mặt xấp hoặc mặt ngửa thì đồng xu không tồn tại. Cho nên, đau khổ chính là bài tập cho bạn, nếu bạn học cách xử lý đau khổ thì bạn thành thạo hơn với nghệ thuật sống hạnh phúc. Giống như quan điểm của thánh đế Marcus, khi logos ban đau khổ cho ông thì đau khổ chính là liều thuốc để ông mạnh mẽ hơn.
4. Học các phép quán tưởng mỗi ngày: Thứ nhất, biết mình sẽ trải qua sinh lão bệnh tử; Thứ hai, biết rằng những gì mình trân quý là vô thường. Hãy nhận ra sự thật rằng ‘sẽ có ngày bạn sẽ xa lìa cái trân quý ấy’.
5. Những hành động từ thân, khẩu và ý không những tác động lên bạn mà còn tác động lên người khác. Những hành động này dù vô tình hay cố ý thì đều tưới tẩm vào tàng thức của tất cả mọi người. Nếu bạn sống hạnh phúc chánh nghiệp, chánh ngữ, chánh tư duy thì người khác cũng ảnh hưởng bởi nếp sống như bạn.
Như vậy, tôi đã nói sơ lược qua cấu trúc tinh thần của con người trong Phật giáo, thông qua những giải thích đơn giản của thiền sư Nhất Hạnh trong tác phẩm thiền sư và em bé 5 năm tuổi. Từ đó, chúng ta biết đau khổ và hạnh phúc là đến từ đâu và cách để quản lý những đau khổ.
Tiếp theo, một truyền thống triết học nổi tiếng ở phương tây là trường phái Vienna - Phân tâm học. Nếu nhìn sơ qua hệ thống triết lý, thì họ cũng phân định tâm trí con người có phần ý thức và vô thức giống với Duy Thức học. Họ cũng cho rằng phần lớn đau khổ là do phần vô thức gây ra. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm hiểu kỹ lý thuyết của Phân tâm học, thì ta lại thấy lý thuyết của họ trình bày rất khác so với Duy Thức học Phật giáo. Họ cho rằng cái được chôn sâu ở phần đáy của ý thức không phải là các hạt giống đau khổ và hạnh phúc. Mà là một bản ngã dục vọng đang bị Cái Tôi và trật tự xã hội kìm nén.
Phân tâm học
Nói cho gọn, Sigmund Freud là cha đẻ của phân tâm học. Trong đó, hai phân nhánh nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày nay là tâm lý học phân tích của Carl Jung, và tâm lý học cá nhân của Alfred Adler. Cho đến hiện tại, phân tâm học đã có 22 phân nhánh khác nhau.
Cấu trúc của nhân cách
Sigmund Freud đã phân định nhân cách của con người thành Cái Tôi, Cái Siêu Tôi và Cái Nó. Ba bản ngã này giống như một tảng băng nổi trên đại dương tâm. Phần lớn Cái Tôi, Cái Siêu Tôi và toàn bộ Cái Nó chìm vào tầng vô thức, nơi mà tâm trí chúng ta không thể cảm nhận được. Còn một ít Cái Tôi và Cái Siêu Tôi sẽ ở trên tầng ý thức và tiềm thức, và đây là những gì chúng ta có thể cảm nhận được.
Cụ thể hơn, theo sơ đồ, chúng ta có thể thấy nhân cách của con người được xây dựng như sau:
- Cái Nó là những ham muốn tình dục, bản năng bị dồn nén xuống tầng đáy của vô thức.
- Cái Siêu Tôi là trật tự, khuôn khổ, luân lý, đạo đức,... của xã hội.
- Cái Tôi – được hình thành từ khi sinh ra. Nhờ vào quá trình thu nạp các giá trị của Cái Siêu Tôi mà Cái Tôi học được cách cân bằng với Cái Nó.
Một người không đau khổ là một người biết cân bằng ba thái cực này. Ví như người có địa vị về quyền lực và tài chính, thực chất lại là người có Cái Nó dục vọng cực kỳ lớn. Để cân bằng giữa dục vọng và luân lý xã hội. Cái Tôi của người đó học cách quản lý những tài nguyên như tri thức, tiền bạc, mối quan hệ, đạo đức,… một cách chuyên nghiệp và thành thạo. Tất nhiên, những người biết đủ, và có một cuộc sống nhàn hạ cũng biết cách cân bằng 3 thái cực này. Ví như những người worklife balance, họ vừa biết tận hưởng khái lạc nhưng cũng làm việc hết mình, miễn là không ảnh hưởng tới trật tự xã hội.
Còn người nào đau khổ, bạn sẽ thấy họ bị mất cân bằng nhân cách:
- Nhóm người đầu tiên có Cái Siêu Tôi lớn. Họ quá cứng nhắc tuân theo trật tự, đạo đức xã hội. Đặc điểm dễ nhận biết là họ cáu gắt với những người vô phép tắc, và hay lo sợ người khác nghĩ gì về hình tượng của họ. Thậm chí, họ không biết nhân cách thật sự của họ là gì.
- Nhóm thứ hai là người quá buông thả Cái Tôi và Cái Nó nhằm chống lại siêu tôi. Điều này dễ thấy ở người đố kỵ, truỵ lạc, phạm pháp,...
Như vậy, về mặt bản chất của con người, Freud coi chúng ta là những kẻ xấu xa khao khát tình dục không hơn không kém. Nếu không có trật tự xã hội, không được dạy dỗ về mặt lễ nghi, đạo đức. Thì con người chúng ta sống theo bản năng của loài vật.
Cái Nó là mặc cảm tự ti.
Tuy nhiên, Alfred Adler đã phản bác thầy Freud và cho rằng: Cái Nó không phải là ham muốn tình dục mà là mặc cảm tự ti. Có nghĩa, con người đau khổ là vì sự phủ nhận của xã hội. Ví như: Người tiếp thị bị khách hàng từ chối liên tục, một anh chàng bị bồ đá, nhân viên bị đuổi việc.
Với sự phủ nhận của xã hội đó, mặc cảm tự ti sẽ dồn nén xuống tầng vô thức, nó sẽ thúc đẩy con người chúng ta vươn lên. Hoặc cứ thế sinh ra mặc cảm trên tầng ý thức để rồi không muốn vươn lên trong xã hội nữa. Nếu nói như vậy, những người thành công nhất lại là những người biết lợi dụng sự thúc đẩy của mặc cảm tự ti nhiều nhất.
Hình thức trị liệu đau khổ cơ bản của phân tâm học là gì?
Chìa khoá ở đây là “Hãy tạo ra sự cân bằng giữa Cái Tôi, Siêu Tôi và Cái Nó”.
Từ trước đến nay, Công giáo nói chung đều có hình thức xưng tội như là một cách trị liệu. Khi xưng tội, bao nhiêu dồn nén của 7 đại tội đều được giáo dân đem ra thổ lộ với các cha xứ. Đồng thời cha xứ thành tâm lắng nghe và đưa ra phương pháp trị liệu dành cho giáo dân của mình.
Trong khi đó, ở thời hiện đại, người vô thần thường có xu hướng tìm sự cân bằng này thông qua các chuyên gia tâm lý. Ở đó, họ cũng được chuyên gia lắng nghe, nhưng thay vào đó, các chuyên gia tâm lý đều có một phác đồ điều trị rõ ràng dành cho người cần được chữa trị. Một hình thức trị liệu cực kì phổ biến khác trong đại chúng đó là hài độc thoại. Ở đó, họ có thể nói đủ thứ chuyện về dục tính để thỏa mãn được Cái Nó.
Nếu bạn không tin vào Freud mà đi theo trường phái Adler. Bạn chỉ cần lợi dụng mặc cảm tự ti của mình nhằm đạt được hạnh phúc.
HẠNH PHÚC LÀ BÌNH THẢN SỐNG TRONG TRẬT TỰ CỦA LOGOS (ĐẠO).
Ỏ phương Tây, chủ nghĩa khắc kỷ cũng là một trường phái triết học lâu đời có điểm tương đồng với Phật giáo về cách thực hành hạnh phúc. Ví dụ như suy tưởng về vô thường, sống thiểu dục, quan sát bản thân giống như chánh niệm, trải nghiệm an lạc, và xem đau khổ như một cơ hội để học cách hạnh phúc. Tuy nhiên, nền tảng triết học khắc kỷ lại khác biệt hoàn toàn so với Phật giáo.
Logos và tự do ý chí
Họ tin rằng, thế giới này vận hành là nhờ logos. Mọi sự trên thế gian kể cả con người đều tuân theo quy luật nhân quả không thể phá vỡ của logos. Các triết gia khắc kỷ miễn cưỡng chấp nhận trật tự trên, nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua trở ngại đó bằng “tự do ý chí”
Tự do ý chí là sự thích ứng, tự nguyện đón nhận những gì bất khả kháng mà logos ban cho. Ví dụ: Logos là người trói buộc bạn và kéo bạn đi, thì bạn có thể chọn đi theo người đó, hoặc là chọn bị người đó kéo lê. Tất nhiên, bạn không đau khổ vì những gì logos làm bạn điêu đứng bằng tai nạn, hoặc bạn không quá hạnh phúc một cách cường điệu hoá khi đạt thành tựu. Tóm lại, hạnh phúc là một nội tâm bình thản, an lạc khi thấy thực tại như nó là.
Thực hành ba kỷ luật để có hạnh phúc.
Và để có sự bình thản này, bạn phải thực hành ngay trong hiện tại, hoặc là tự kiểm điểm định kỳ về bản thân vào cuối ngày, thông qua ba loại kỷ luật:
− Kỷ luật nhận thức.
− Kỷ luật hành động.
− Kỷ luật ý chí.
Đầu tiên, kỷ luật nhận thức đối diện với cái không thể kiểm soát và cho rằng điều gì đã nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn thì không phương hại đến bạn. Theo đó, chủ thể nhận thức về thế giới khách quan thông qua một hình ảnh trung gian. Nếu hình ảnh không đúng với thực tại, nó làm bạn buồn và khiến bạn vui, nhưng đôi khi, hình ảnh lại rõ ràng và chân thực và bạn không có cảm xúc cường điệu gì. Nỗ lực của các nhà khắc kỷ là tập kỷ luật nhận thức đúng đắn, để chỉnh sửa hình ảnh trong tâm trí đồng nhất với sự chân thực của đối tượng. Ví như bạn thấy trời mưa, đôi khi bạn hạnh phúc sảng khoái vì cơn mưa gột rửa được cái nóng bức khó chịu của bầu không khí. Có lúc, bạn thấy cơn mưa đem lại tâm trạng u uất, buồn khổ và bực bội khi bạn bị ướt sũng vì mưa. Còn nếu có kỷ luật ý chí, bạn chỉ cần bình thản tận hưởng cơn mưa.
Thứ hai, kỷ luật hành động chi phối những gì trong tầm kiểm soát của bạn. Tuy tất cả mọi vật đều hành động theo trật tự của logos, nhưng bạn có quyền chủ động thực hiện tốt vai trò mà bạn đảm nhận. Sống vô vị kỷ vì lợi ích chung. Đối xử công bằng, không thiên vị với những gì tha nhân xứng đáng đạt được. Làm hại người khác là tự làm tổn hại đến bản thân, là sự hạ thấp logos của chính mình.
Thứ ba, kỷ luật ý chí, nói đơn giản là một sự chấp nhận. Khi đau khổ giáng xuống bạn, kỷ luật nhận thức nhận ra cảm giác đau khổ là giả tạm. Nhưng dù có đau khổ và khó chịu cách mấy thì kỷ luật ý chí của bạn phải chấp nhận thực tại đau khổ như thế. Như Marcus Aurelius đã nói: “chấp nhận sự kiện này bằng một sự khiêm nhường”
#Kết
Để có được hạnh phúc thực sự. Điều bạn làm không phải là chạy theo cuộc đua vật chất vượt quá tầm với. Cũng không phải là sự trốn tránh đau khổ bằng khoái lạc. Mà đó là sự cân bằng giữa đau khổ và hạnh phúc.
Nhà Phật cho thấy đau khổ là một nỗi đau tích tụ lâu ngày bị nằm sâu trong tầng vô thức. Để thuyên giảm đau khổ, họ chọn đối diện và ôm ấp đau khổ quá khứ. Họ coi đau khổ là một đối trọng với hạnh phúc, không có hạnh phúc thì không có đau khổ. Cũng nhờ cách đối diện đó, khả năng chánh niệm và chánh định được nâng cao, làm cho người thực hành trải nghiệm những hỷ lạc trong thực tại.
Còn đối với phân tâm học, đau khổ xuất hiện khi con người gặp sự mất cân bằng giữa Cái Siêu Tôi, Cái Tôi và Cái Nó. Chỉ cần tìm ra sự cân bằng giữa trật tự xã hội với Cái Tôi và ham muốn tính dục (hoặc mặc cảm tự ti), thì con người sẽ có sự viên mãn của mình.
Đối với nhà khắc kỷ. Hạnh phúc đơn giản là chìm đắm bản thân vào suy tư triết học để tìm thấy sự an ủi. Sống có trách nhiệm với trật tự của Logos. Diễn tròn vai mà họ đảm nhận với thái độ vô vị kỷ. Đứng vững trước hoàn cảnh khiến họ điêu đứng. Với mục tiêu duy trì cái hạnh phúc mà họ cho đó là sự bình thản.
Nguồn tham khảo.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất