ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA NGƯỜI ĐI LÀM VÀ NGƯỜI ĐI HỌC LÀ "SỰ THỎA HIỆP"?
Bài viết này là đôi dòng suy tư của môt người vừa bước chân vào thị trường lao động trong lĩnh vực kỹ thuật ngẫm nghĩ về sự khác nhau giữa mindset lúc đi làm và mindset khi bản thân còn là sinh viên
Để bắt đầu vào bài viết mình muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện ngắn. Đó là năm mình học lớp 11 ở một ngôi trường cấp 3 trong huyện. Có lẽ cũng như bao bạn bè đồng trang lứa khác, nỗi ám ảnh lớn nhất của mình lúc bấy giờ là việc dò-bài-cũ mỗi khi bắt đầu một tiết học mới. Và môn học mà mình muốn nói đến ở đây là môn Công Nghệ.
Thời điểm ấy người dạy bọn mình môn này là một người thầy tương đối lớn tuổi, hình như năm bọn mình học cũng là năm cuối cùng thầy công tác với tư cách một giáo viên, năm sau đó thầy sẽ về hưu. Mọi thứ chẳng có gì đáng bàn ngoại trừ việc thầy dò bài cũ rất ... kĩ. Khi mình nói kĩ ở đây nghĩa là bạn không được phép sai bất cứ một dấu phẩy nào trong đoạn nội dung mà thầy dò. Nếu không bạn sẽ bị trừ điểm.
Hãy lấy ví dụ về bài động cơ bốn thì đi, mỗi chi tiết và linh kiện trong động cơ sách sẽ đánh một con số cụ thể, ví dụ như xupap thì đánh số 2, xilanh thì đánh số 5, tương tự như thế. Điều này tỏ ra rất hữu ích khi người viết muốn giải thích cách hoạt động của động cơ và nhắc ngược trở lại một chi tiết nào đó, người ta sẽ nói tên chi tiết cùng số đánh dấu đi kèm để khi lật trở lại bức hình, ta thấy con số và hình dung ngay ra được người viết đang nói tới chi tiết nào. Sẽ không có gì đáng nói cho đến khi thầy dò bài và yêu cầu mình đọc luôn con số ấy lên!
Khoan đã, chậm lại, bạn đã nhận ra điều gì lấn cấn ở đây chưa? Hãy để mình nói kĩ hơn về cách học của mình nhé, mình sẽ chỉ dùng những con số đó để hiểu cách hoạt động của động cơ thôi, nghĩa là khi mình hiểu được bản chất vấn đề thì là mình hiểu bài. Những con số kia lúc này trở nên vô nghĩa vì chỉ cần xáo trộn các con số đó lên thì bản chất nó vẫn như cũ. Thế mà các học sinh khi lên trả bài phải đọc đúng cả con số đánh dấu của chi tiết ấy, nghĩa là giống 100% trong sách thì mới được điểm.
Khoản này thì mình chịu, không nhớ nổi. Đạo đức nghề nghiệp, ờm, ý mình là tiêu chuẩn cho việc học tập của mình dường như không tương thích với yêu cầu của thầy. Vì vậy mà mặc dù không theo một đức tin hay tôn giáo nào nhưng cứ mỗi lần đến tiết học của thầy là mình khấn tất cả các thánh thần mà mình biết cùng với mấy đời ông bà để cầu nguyện cho hôm đó không bị gọi tên lên bảng trả bài. Đó cũng là lần đầu tiên mình bắt đầu ý thức về hai chữ "thỏa hiệp", rằng mình phải bớt khắt khe những tiêu chuẩn của bản thân, phải thuận theo ý của thầy thì mới được điểm trọn vẹn.
Theo định nghĩa của từ điển Cambridge thì thỏa hiệp hay compromise có nghĩa là việc chấp nhận rằng bạn sẽ phải giảm bớt yêu cầu hoặc thay đổi quan điểm của bản thân để đạt được thỏa thuận với một ai đó. Và đối với trường hợp môn Công Nghệ ngày đó, trong thâm tâm mình vẫn giữ quan điểm của bản thân, nhưng đứng trước những bài kiểm tra 15 phút trên giấy thì mình đã... cố nhớ thêm vài con số để được điểm cao hơn.
Compromise involves accepting that you may need to reduce your demands or change your opinion in order to reach an agreement with someone.
KHOẢNG THỜI GIAN CÒN NGỒI TRÊN GHẾ NHÀ TRƯỜNG
Để làm rõ những khác biệt và những điều phải thỏa hiệp giữa người đi học và người đi làm, mình sẽ tập trung phân tích ở 6 điểm mà mình cho là quan trọng như sau: thời gian và lịch trình, tính trách nhiệm trong công viêc, những tương tác xã hội, tài chính, mục tiêu, sự độc lập cá nhân. Ngoài ra, người đi học mà mình nói đến ở đây sẽ tập trung vào 4-5 năm đại học/cao đẳng thay vì tính luôn các cấp học dưới vì đây là khoảng thời gian các bạn tương đối độc lập khỏi cha mẹ cũng như tách biệt với thời khóa biểu cứng của các cấp học dưới - điểm tương đồng với những ai đang đi làm chính thức.
Ô kê, vô vấn đề luôn nà!!!
Về thời gian, không còn như cấp 3 có cái trống trường vang lên đều đặn lúc 7h sáng. Mình có thể đến lớp muộn một chút, hôm nào có việc có thể nghỉ và học bù ở một lớp khác. Mọi thứ thật linh hoạt, sau khi học xong thì về và tuyệt nhiên không có chuyện tăng ca. Khoảng thời gian rảnh còn lại mình được tự do làm những việc cá nhân mà mình yêu thích. Có chăng thứ ràng buộc duy nhất là những deadline và bài tập mình phải hoàn thành.
Về tính trách nhiệm, khoảng thời gian này mặc dù vẫn có những ràng buộc nhất định nhưng về cơ bản vẫn tương đối dễ thở. Mình cũng không phải trả giá quá nhiều nếu thực hiện sai một bài tập hay một nhiệm vụ nào đó. Sai thì sửa, sai thì thầy la rồi cũng chỉ cho cái đúng, sai thì cùng lắm là mất điểm.
Về những tương tác xã hội, đa phần khoảng thời gian còn đi học mình chỉ tương tác với bạn bè đồng trang lứa, hoặc với một số ít những anh chị khóa trên và các em khóa dưới. Mọi thứ diễn ra tương đối dễ dàng và không cần phải quá câu nệ khi giao tiếp cũng như làm việc chung với nhau.
Về tài chính - thu nhập, ba mình sẽ phát lương mỗi ngày một đầu tháng, mình đi dạy gia sư thì có thể kiếm thêm chút đỉnh nhưng tổng lại thì vẫn không quá dư dả. Cũng có những lần đầu tháng tiêu nhiều quá rồi đến cuối tháng ăn mì tôm. Sinh viên mà!
Về mục tiêu, trong khoảng thời gian này các mục tiêu thường gắn liền với việc học tập và sự phát triển của bản thân. Chưa cân nhắc nhiều vấn đề khác bên ngoài chuyện học.
Về sự độc lập, sinh viên có nhiều sự độc lập trong những lựa chọn và quyết định của bản thân, dù bạn đăng kí đi học nhưng không đi thì cũng có ai bắt ép gì bạn được?
LÚC ĐI LÀM CHÍNH THỨC
Thời gian
Sự khác biệt đầu tiên mình nhận ra khi đi làm ở công ty... là việc bạn sẽ bị trừ tiền nếu như đi trễ. Không còn chuyện không ai quản lý giống lúc đi học nữa, đi trễ sẽ bị trừ tiền thẳng vào lương cuối tháng. Vì vậy mà khi làm ở công ty sự ràng buộc về thời gian là cao hơn hẳn lúc còn đi học.
Kế đến là thời gian dành cho cá nhân, cũng là vấn đề mình nghĩ nhiều nhất. Một công việc lý tưởng trong giấc mơ khi còn là sinh viên của mình là đi làm 8 tiếng, tối về có thời gian cho bản thân và học thêm những kiến thức mới, phát triển những mục tiêu khác. Nhưng dường như công việc hiện tại không cho phép mình làm điều đó. Nhìn lên các anh quản lý thì họ còn ít thời gian dành cho bản thân hơn. Gần như họ phải chạy liên tục theo vòng xoay của công việc.
Với đặc thù công việc là kỹ sư thì các nhiệm vụ của mình luôn gắn với các quy trình: quy trình sản xuất, quy trình xây dựng, quy trình lắp đặt, tiến độ của các dự án,... Mọi thứ quy trình đều quy định sẵn thời gian bắt đầu, thời gian dự kiến hoàn thành và các bước thực hiện rõ ràng. Tuy nhiên luôn luôn có những vấn đề phát sinh và kỹ sư là người đứng ra giải quyết các vấn đề ấy để đảm bảo mọi thứ đi đúng hướng.
Mặc dù chính thức trên giấy tờ là làm việc 8 tiếng một ngày, nhưng thực tế chẳng có mấy người trong công ty được làm đúng như kỳ vọng. Nếu chẳng may một cái máy bị hư bất chợt, phải có kỹ sư đến công trình để kiểm tra ngay, nếu một quy trình sản xuất bị sai, phải rà soát ngay lại quy trình ấy, nếu một dự án bị chậm tiến độ thì phải tăng ca để làm cho xong. Nếu có lệnh đi công tác thì kỹ sư cũng phải sắp xếp công việc cá nhân để đi trong cuối tuần, thậm chí là nhận lệnh buổi chiều rồi ngay tối hôm đó phải bay luôn.
Tính trách nhiệm
Nếu như ngày trước khi còn học đại học, vẽ sai một số nét trong bản vẽ hay ghi sai vài số trong báo cáo cũng không xảy ra vấn đề gì quá lớn. Lớn nhất thì chắc chỉ là thầy la rồi sẽ giải thích để sửa lại, hoặc bị trừ một ít điểm. Giờ đây, một nét vẽ bị sai có thể làm bốc hơi kha khá tiền: từ chi phí vật tư, chi phí vận hành máy móc, tiền công của công nhân lẫn chi phí cơ hội để khắc phục hậu quả của cái sai ấy. Một con số đưa vào báo cáo bị sai lúc này nếu thừa thì phí tiền, nếu thiếu thì sẽ càng nghiêm trọng hơn khi mà nó có thể làm chậm tiến độ thi công công trình, tốn công mua mới và vận chuyển, tốn thời gian đợi trong khi có thể làm việc khác tốt hơn. Nếu là công trình trong nước thì chi phí khắc phục có thể tương đối thấp, nhưng nếu là công trình tại nước ngoài thì lại là một vấn đề lớn.
Đứng trước những ràng buộc về tiền bạc như vậy thì tính trách nhiệm trong công việc khi đi làm được đẩy cao lên rất nhiều lần. Nếu như một bài tập nhóm ngày trước trên đại học việc rà đi rà lại lỗi sai có thể vài ba lần là ổn, thì giờ đây một bản vẽ hay đề xuất vật tư, kế hoạch thi công lắp đặt phải trải qua rất nhiều bước kiểm duyệt, chất vấn từ cấp trên mới có thể thông qua.
Nếu một deadline ngày trước khi đi học bị trễ thì cùng lắm là bạn bị trừ điểm hoặc mất điểm, không liên quan gì tới ai. Thì giờ đây, một deadline bị chậm sẽ kéo theo nhiều quy trình khác phía sau bị chậm hoặc thậm chí liên quan tới nhiều phòng ban khác. Hệ lụy và trách nhiệm phải chịu lúc này lớn hơn lúc đi học rất nhiều.
Tương tác xã hội
Không giống như khi còn là sinh viên, số lượng lẫn sự đa dạng những người mà bạn phải gặp khi đi làm chính thức đã tăng lên rất nhiều. Bạn phải gặp những đồng nghiệp thuộc thế hệ trước với nhiều độ tuổi, cách nói chuyện cũng như quan điểm rất khác nhau. Và không giống như khi đi học, bạn có quyền lựa chọn team mate cho phù hợp với nhóm, thậm chí là có một nhóm những người bạn thân để đăng ký chung các đồ án. Giờ đây, bạn buộc phải cộng tác với những đồng nghiệp kia và phải tìm cách giao tiếp hiệu quả với họ để đạt được yêu cầu công việc đề ra. Điều này thật không dễ dàng với một đứa khá hướng nội và không muốn giao tiếp nhiều như mình.
Đấy là chưa kể trong khối kỹ thuật của mình đôi khi những tinh túy nhất của công việc không nằm trong bản báo cáo hay các hợp đồng mà ở trên... bàn nhậu. Có những kinh nghiệm mang tính cốt lõi bình thường không dễ chia sẻ nhưng lại thật dễ để học hỏi trong các buổi chè chén anh anh em em. Mình không muốn thỏa hiệp với điều này, nhưng dường như đa số những người bạn trong khối ngành của mình đều cởi mở với việc đó?
Tài chính
Giai đoạn đi làm này dĩ nhiên tiền kiếm được nhiều hơn hẳn lương mà ba mẹ cho ngày xưa. Có thể chi mạnh tay hơn cho các thú vui của bản thân, có thể mua nhiều hơn những món đồ mà mình yêu thích. Có những món đồ mà ngày trước mình đắn đo cân nhắc xem có nên mua không thì giờ đây có thể vung tay mua mấy lần món đồ ấy. Nhưng cũng vì sự buông thả bản thân mà không ít lần mình phải nghiêm túc xem xét lại việc quản lý chi tiêu. Nếu mình thu nhiều mà chi cũng nhiều thì phần dư dả cho những kế hoạch lớn sẽ chẳng còn được bao nhiêu cả. Thế là cũng dần học cách ghi chép lại từng lọ tương chai mắm mua hằng ngày, học cách chia tiền kiếm được thành từng gói riêng với những mục đích khác nhau - điều mà những năm học đại học còn lâu mình mới tập được.
Mục tiêu
Không giống với thời sinh viên còn đi học, các mục tiêu giờ đây mở rộng ra nhiều hướng khác hơn nữa. Có những người anh trong công ty mình bắt đầu tính toán để dành tiền cưới vợ, người thì cân nhắc trả góp để mua nhà, người thì dành tiền cho bố mẹ ở quê,...
Bản thân mình cũng phải đắn đo xem liệu tương lai mình sẽ rẽ sang những hướng nào. Sẽ làm tiếp hay làm một thời gian rồi quay lại đi học, làm ở thành phố phát triển hay cân nhắc về quê, các chi phí để duy trì cuộc sống khi ở lại thành phố, các chi phí để khám sức khỏe định kỳ cho bản thân, cho ba mẹ, các chi phí để học thêm những kiến thức phát triển bản thân, vân vân. Hình như có nhiều thứ để lo toan hơn, hình như có cái gì đó như trách nhiệm, mặc dù còn mơ hồ thôi nhưng nó đang hiện rõ dần ra theo năm tháng. Cơ bản là, không còn vô ưu vô lo như lúc đi học được nữa.
Sự độc lập
Khi đi làm, sự độc lập của bản thân theo mình thấy là giảm hơn hẳn so với lúc còn đi học. Khi ở công ty phải làm đúng theo các quy định và quy trình của công ty. Phải tăng ca, phải đi công tác theo yêu cầu, phải báo cáo với cấp trên, phải xử lý các tình huống đột xuất mà bản thân nhận trách nhiệm. Ngoài ra, văn hóa làm việc của công ty có nét đặc trưng riêng, vì vậy bản thân cũng phải bớt những thói quen hằng ngày để tuân thủ theo các văn hóa đặc trưng ấy, ít nhất là ở nơi làm việc.
Sự độc lập giảm rõ nhất theo mình ở chỗ nhân viên phải nghe theo các yêu cầu đột xuất từ sếp/cấp trên, phải giải quyết công việc liên tục để đảm bảo mọi thứ vận hành một cách đúng đắn. Điều này hoàn toàn khác biệt so với nhịp sống vô tư và nhiều lựa chọn lúc còn đi học.
KẾT
Vậy đó, thật nhiều điều khác biệt giữa thời còn đi học và lúc đi làm. Và để quen với nhịp làm việc ở công ty thì tự bên trong mình phải sửa lại một số thói quen cũng như cách tư duy của bản thân, nghĩa là mình đang dần thỏa hiệp trong một số vấn đề nhất định. Nhưng... quá trình thỏa hiệp này không diễn ra một cách êm đẹp mà đối với mình nó như một sự dằn xé trong nhân diện, khi những thói quen và mong muốn cho những khoảng thời gian cá nhân đang dần bị guồng quay công việc cắt xén đi từng chút, từng chút một. Liệu rằng mong muốn có work-life balance trong nhịp sống hối hả ở thành phố lớn có phải là một điều xa xỉ ngày nay?
Trong những người đọc bài viết này có lẽ có người chưa bước chân vào thị trường lao động, có người đã đi làm chính thức lâu năm; có người làm công chức viên chức, có người làm cho công ty tư nhân; có người làm cho công ty ở Việt Nam, có người làm cho công ty nước ngoài; có người làm trên lãnh thổ Việt Nam, có người đi làm ở một quốc gia khác; có người cùng thuộc khối kỹ thuật như mình mà cũng nhiều người thuộc những khối ngành khác.
Trên đây là những chia sẻ cảm nghĩ của một đứa mới bước chân vào thị trường lao động không lâu, chắc là còn khá vụng. Em/mình thật sự rất vui nếu mọi người cùng chia sẻ góc nhìn của bản thân về lĩnh vực mà mọi người đang công tác, không biết ngày xưa khi chuyển trạng thái từ sinh viên/người đi học sang làm một công việc chính thức mọi người có cảm nhận thấy những thay đổi đáng kể nào trong cách suy nghĩ và thói quen của bản thân không? Và anh/chị đã phải thỏa hiệp những điều gì trong quá trình phát triển ấy?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất